Văn Nghệ

Trò chuyện cùng Tiến Sĩ-nhạc sĩ Piano Đỗ Bằng Lăng về âm nhạc (kỳ 1)

Friday, 16/11/2018 - 08:26:37

Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng đã được Đài Phát Thanh Canada thu âm trong buổi ra mắt tại nhiều địa điểm khác nhau ở Montreal như một phần của chương trình phát thanh như “Les Jeunes Artistes,” “La Voix du Maỵtre,” “ Radio Concert,” “Début Series,” “Music from Montreal” và “Arts Tonight.”

Bài BĂNG HUYỀN

Tiến sĩ nhạc sĩ piano Đỗ Bằng Lăng và chồng là tiến sĩ nghệ sĩ thổi kèn trumpet James Sherry cùng lập ra trường nhạc Mindful Music Academy ở thành phố Costa Mesa khoảng hai năm nay, khi vợ chồng cô cùng ba con chuyển từ tiểu bang Iowa về sống tại Quận Cam. Trường nhạc Mindful Music Academy chuyên dạy các nhạc cụ Piano, Guitar, Guitar Hawaii, cello, kèn Trumpet... 

Trước khi đến Mỹ năm 1996, cô Bằng Lăng và bố mẹ từng định cư tại Canada, khi cuộc tị nạn tháng 4 năm 1975. Bằng Lăng đã tốt nghiệp cử nhân piano và cao học tại nhạc viện Quebec (Conservatory) Canada và tốt nghiệp bằng tiến sĩ tại đại học Montreal, Canada. Cô đã nhận được giải thưởng từ các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Cô nhận được nhiều giải thưởng và tài trợ từ các tổ chức như Hội Đồng Nghệ Thuật Canada, Bộ Văn Hóa của Canada và Pháp, Faculté des étudesSupérieures, Fonds des Amis de l'Art và FCAR, Stepping Stone International, CMC (Cuộc thi âm nhạc Canada quốc gia), Giải thưởng Quốc tế Joanna Hodges, The Missouri Southern International, Baldwin, Prix d'Europe. 

Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng đã được Đài Phát Thanh Radio Canada thu âm trong các buổi trình diễn tại Montreal như một phần của chương trình phát thanh như “Les Jeunes Artistes,” “La Voix du Maỵtre,” “ Radio Concert,” “Début Series,” “Music from Montreal” và “Arts Tonight.” 




Tiến sĩ-nhạc sĩ piano Đỗ Bằng Lăng (banglangdo.com)

Tiến sĩ Bằng Lăng còn thắng trong nhiều cuộc thi trình tấu piano, cô đã chơi concerto với dàn nhạc Quebec Conservatory, dàn nhạc University of Montreal và dàn nhạc Houston Civic.

Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng là thành viên của MTAC và CAPMT / MTNA với tư cách là Giáo Viên Âm Nhạc được Chứng Nhận Toàn Quốc (NCTM) tại Hoa Kỳ.

Bài viết này xin gửi đến quý độc giả nhật báo Viễn Đông những chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng về thế giới âm nhạc qua nhạc cụ dương cầm, cùng những kinh nghiệm của cô qua việc học piano và các kỳ thi piano, kinh nghiệm giảng dạy và ước mong truyền thụ cho các học trò tình yêu âm nhạc của một nhà giáo giàu tâm huyết.

Vì sao lại có hứng thú với piano và đã theo học piano từ lúc mấy tuổi?

Đỗ Bằng Lăng cho biết, “Khi tôi 5 tuổi, bố mẹ đã đưa tôi đến gặp thầy Nguyễn Cầu tại Sài Gòn. Thầy Nguyễn Cầu lúc bấy giờ đang dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Bố mẹ tôi đem tôi đến gặp thầy và hỏi thầy thử xem tôi có khiếu không, thì mới cho học, còn nếu không thì thôi.
“Tôi sẽ nói kỹ hơn trong phần sau, về việc có khiếu hay không có khiếu khi cho con học nhạc. Tôi không tin là có khiếu thì mới học được nhạc. Vì mỗi người có khiếu khác nhau.

“Tuần đầu tiên thầy Nguyễn Cầu dạy tôi Do Re Mi Fa Sol, rồi nói tôi về nhà tập trong một tuần, tuần sau quay lại gặp thầy. Trong tuần đó bố mẹ kèm cho tôi tập chơi các nốt nhạc trên đàn piano. Con nít mà, học cái gì mới thì dĩ nhiên thích rồi. Ở nhà bố mẹ tôi vốn rất thích nghe nhạc, bố tôi thích nghe nhạc cổ điển Tây Phương, nhạc giao hưởng… vì vậy ngay từ nhỏ tôi đã được nghe nhạc rất nhiều. Tôi nghĩ, cần phải nghe nhiều nhạc, chuyện đàn gắn với chuyện nghe nhạc với nhau rất nhiều. 

“Tuần sau trở lại gặp thầy Nguyễn Cầu, thầy “thử tai” của tôi và lúc đó thầy biết tôi nhận ra được từng nốt nhạc. Thầy nói tôi thử nghe nốt này, có nhận ra nốt gì không. Tôi trả lời đúng, sau đó thầy đánh thêm một hai nốt cùng một lúc với nhau, tôi vẫn trả lời được đủ hết. Sau đó thầy dùng cả 10 ngón tay gõ 10 phím khác nhau, hỏi tôi có nghe được nốt gì không. Tôi cứ thế đọc ra từng nốt. 

“Lúc đó thầy cho bố mẹ tôi biết tôi có perfect pitch (khả năng xác định cao độ âm thanh- nghe nhạc đoán nốt) rất tốt. Giống như một em bé, khi được dạy đây là màu đen, màu trắng, thì khi hỏi lại, em bé sẽ nói đúng màu đó là màu đen, hay màu trắng. Khả năng perfect pitch là trời cho. Một đứa trẻ khi sanh ra, nếu được dạy nốt nhạc, thì biết phân biệt được cao độ nốt nhạc khác nhau. Theo những nghiên cứu cho thấy, số người trên thế giới chỉ có khoảng 5 phần trăm là có perfect pitch. Nhưng trong số 5 phần trăm người có perfect pitch không phải ai cũng có cơ hội được học nhạc. Có những người có perfect pitch, nhưng không thể trở thành nhạc sĩ, vì họ không có cơ hội học nhạc, thứ hai là họ không có người giúp đỡ họ trong quá trình đi học.
“Tôi bước vào âm nhạc, là nhờ có bố mẹ giúp đỡ, nhất là mẹ tôi luôn ở cạnh, giúp tôi tập luyện mỗi ngày.”
*
Trên mạng internet có một bài viết giải thích rõ về Perfect Pitch, xin được trích lại trong bài viết này.
“Perfect Pitch là khả năng hiếm gặp của một người có thể nói tên note nhạc của một âm thanh (định âm) bất kì, mà không cần phải nghe chung với một note nhạc nào khác để so sánh. Nghĩa là, khi người có Perfect Pitch được yêu cầu hát một note nhạc nào, ví dụ note Rê thăng D#, họ có thể hát lên đúng ngay mà không cần nghe từ một nhạc cụ nào.

“Theo một nghiên cứu, tỉ lệ người có Perfect Pitch trên toàn dân số Mỹ là 1/10000, và với các quốc gia sử dụng hệ thống ngôn ngữ có trầm bổng như Việt Nam, Trung Quốc,tỉ lệ này cao hơn hẳn. Đáng chú ý nhất, ai cũng thấy Perfect Pitch bẩm sinh hay do tập luyện là một dấu hiệu của một nhạc sĩ lỗi lạc. Perfect Pitch cũng được tìm thấy ở một số nhạc sĩ, ca sĩ đi vào lịch sử nền âm nhạc thế giới như Ludwig van Beethoven, Michael Jackson hay Ella Fitzgerald.
“Người ta đã chứng minh được, người lớn khó luyện tập được để có khả năng đó. Để đạt được Perfect Pitch một cách dễ dàng, một đứa trẻ cần được tiếp xúc với âm nhạc trong một giai đoạn quan trọng, khi trẻ đang phát triển ý thức, nói rõ là từ 4-6 tuổi. Theo nghiên cứu của Đại học âm nhạc Ichiyonkai, dù kĩ năng này có thể được luyện tập một cách đúng cách để có thể đạt được khả năng này, những đứa trẻ trên 6 tuổi gặp khó khăn khi luyện tập perfect pitch, và khó khăn này gia tăng khi trẻ lớn hơn. Một đứa trẻ trên 9 tuổi có thể luyện tập được khả năng này nhưng sẽ rất khó.
“Giáo sư Diana Deutsch, Chủ tịch của Society for Music Perception and Cognition (tạm dịch: Cộng đồng Nhận thức và Tri thức Âm nhạc) đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh muốn phát triển năng khiếu âm nhạc của con như sau:

“Nếu con của bạn có đàn organ hoặc piano ở nhà, sử dụng giấy dán để gán tên của từng note nhạc lên đó, giúp chúng có thể gán được mỗi cao độ note nhạc với một chữ cái chúng đã được học.
“Cách duy nhất để trẻ có thể phát triển khả năng này là đứa trẻ được tiếp xúc với âm nhạc ngay từ khi còn rất nhỏ. Và nếu bạn muốn con có thể có được năng lực này, con cần được học một nhạc cụ trước khi lên 7 tuổi!”
*
Cô Bằng Lăng cho biết, 5 tuổi cô bắt đầu học đàn piano với Giáo sư Nguyễn Cầu, lúc đó là giám đốc Trường Quốc Gia Âm nhạc Sài Gòn. Khi cô gần 6 tuổi, cô đi thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. 

Cô kể, “Lúc học với thầy, thầy thường nói sao tôi chơi đàn nhanh quá. Vào hôm đi thi, mọi người cùng ngồi chờ thi, chơi cùng một bài nhạc như nhau. Trong khi ngồi chờ đến lúc thi, tôi thấy có hai em thi trước tôi, chơi rất chậm. Vì vậy tới khi tôi lên sân khấu thi, tôi cũng chơi y chang tốc độ chậm như vậy, vì tôi nghĩ tôi cũng cần phải chơi chậm như vậy. Vì chơi chậm quá, nên tôi bị rớt.

“Bố mẹ và thầy hỏi sao tôi lại chơi quá chậm vậy, trong khi mọi lần khi học thì chơi quá nhanh. Tôi đâu có biết, vì con nít mà, thấy người thi trước mình chơi chậm, thì bắt chước cũng chơi chậm theo.

“Còn khi thi nhạc lý, nhờ có khả năng nhận được nốt nhạc xuất sắc, tôi đậu phần lý thuyết. Tôi thi lần thứ hai phần đàn piano thì đậu vào Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.”

Khi qua định cư tại Canada, lý do nào đã khiến Đỗ Bằng Lăng quyết định tiếp tục học chuyên ngành Piano?
Cô cho biết, “Khi tôi 9 tuổi, năm 1975, gia đình tôi đã di tản qua Canada. Nhờ có vị linh mục quen với gia đình, mách nước cho biết bên Canada nơi gia đình tôi sống bấy giờ có trường Quốc Gia Âm Nhạc thuộc Viện Âm Nhạc của Québec tại thành phố Montreal, thí sinh thi đậu vào sẽ cho học nhạc miễn phí, bố mẹ nghe vậy cho tôi thi thử. 

“Thời bấy giờ, tỉnh Quebec có một số trường âm nhạc của chính phủ Canada ở một vài thành phố của tỉnh Quebec. Học sinh thi đậu vào học, được miễn phí hết. Nhưng mỗi năm đều phải thi lên lớp. Nếu điểm thi được dưới 80 hay 85 phần trăm thì bị loại ra khỏi trường. Trường này dạy theo chương trình Conservatory Paris của Pháp. Học sinh học nhạc tại đây sau giờ học chính ở trường học ban ngày, và học vào ngày cuối tuần. 

“Tôi thi đậu, và được học với thầy Heller, là vị thầy nổi tiếng thời đó. Thầy Heller là thầy dạy cho Marc Andre Hamelin (hơn tôi 5 tuổi). Marc Andre Hamelin ngày nay nổi tiếng lắm. 

“Lúc đó tôi mới qua Canada, đang học ở trường dậy bằng tiếng Pháp vì đó là ngôn ngữ chính được sử dụng tại Quebec. Thầy Heller thì chỉ nói tiếng Anh thôi, còn tôi thì lại không học tiếng Anh. Thành ra mỗi lần đi học, bố tôi phải đi theo để thông dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, nhưng tiếng Anh của bố tôi lúc đó cũng không giỏi lắm. Vì vậy lúc đó tôi học rất khổ sở. 
“Tôi không thích học với ông thầy, vì tôi không hiểu ông thầy nói gì. Mà tôi đã được dậy dỗ theo lối Á Đông, trẻ con lúc nào cũng im thin thít, không dám nói gì với thầy. Khi thầy dạy thì tôi chỉ “yes” hay “no” chứ không dám nói thêm gì hết. Ông thầy bực mình quá, vì ông chưa bao giờ dạy học trò Á Đông nào hết. Có một hôm ông thầy bực quá, đưa tự nắm tóc của ông, dù ông sói đầu, và hỏi: “Tại sao con giống xác ước Ai Cập vậy? Không biết đặt câu hỏi gì hết, không biết nói ra diễn tả gì hết. Mặt mũi lúc nào cũng nghiêm trọng!”

“Vì trong ngành nhạc, người chơi nhạc phải diễn tả, biểu lộ cảm xúc của mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cho tới năm 9 tuổi, quen cách giáo dục của Á Đông, thành ra không dễ gì để biểu lộ ra những cảm nghĩ của mình. Cuối cùng ông thầy đã phải bỏ cuộc, sau hai năm dạy tôi. Thầy Heller quyết định đưa tôi qua giáo viên khác dạy. Thầy cho tôi qua học với cô giáo Belanger. 

“Cô giáo Belanger mới mất cách nay vài năm. Bà không có chồng con, nên cả cuộc đời bà xem học sinh như con của mình. Bà bỏ rất nhiều công sức dạy dỗ học trò. Bà rất thương tôi. Ngày đầu tiên học bà, bà không muốn nghe tôi chơi gì hết. Bà đã từng nghe tôi chơi trong các kỳ thi trong hai năm qua. Mỗi năm sinh viên phải thi để xem có được tiếp tục học nữa không, trong kỳ thi đó các thầy cô giáo dạy piano trong trường đều phải tới nghe các học sinh thi để chấm điểm. 

“Bà nói rằng bà đã nghe tôi chơi từ lần tôi thi vào trường và lúc đó đã muốn dạy tôi. Bà ngạc nhiên tại sao sau hai năm sao tôi không tiến bộ gì hết. Bao nhiêu công của thầy Heller dạy dỗ, bao nhiêu công của bố mẹ bỏ ra đưa tôi đi học vô ích sao? Khi nghe bà giáo la vậy, tôi chỉ biết ngồi khóc. Thật sự lúc đó tôi vẫn chưa thích học đàn piano. Tôi chỉ tập đàn khi bị mẹ ngồi cạnh thúc đẩy thôi.

“Nhưng từ từ học với bà Belanger khoảng hai năm sau, tôi mới bắt đầu thích học đàn. Vì bà giáo này có nhiều cách dạy rất hay, mà sau này tôi muốn áp dụng cách dạy đó cho học trò tại trường nhạc của tôi. Nhưng rất khó giải thích với các phụ huynh ở đây hiểu được những phương pháp phức tạp này.

“Một điều hay mà bà giáo Belanger dạy tôi, tôi xin kể lại, là bà yêu cầu học trò phải đi học thêm vào chiều thứ Sáu. Lại thêm phải đến học chung, trong group class để chơi cho nhau nghe; cũng để học trong lúc nghe các bạn khác chơi. Mỗi tuần, mình không chỉ học riêng với bà giáo, mà còn dành thời gian đi dự lớp học chung đó nữa.

“Trong lúc học group class, giáo viên dậy về kỹ thuật, về chạy gam thế nào, kỹ thuật tay thế nào, học nhạc lý... học phân tích bài nhạc để nhớ nhanh hơn, và tìm được cách diễn tả riêng cho bài nhạc đó. Nhưng phải dựa trên những gì tác giả viết ra rồi, chứ không phải muốn diễn tả thế nào, thì cứ diễn tả. Học như vậy, chúng tôi biết thêm về lịch sử bản nhạc, về bí mật của bài nhạc đó khi được sáng tác. 

“Nhờ học lớp chung, biết phân tích, biết người bạn học chung chơi đàn bị phạm lỗi gì để mình tránh lỗi đó, cô giáo còn yêu cầu học sinh phải có ý kiến cá nhân, phát biểu nhận xét của mình về các bạn. Các học sinh nhiều lứa tuổi khác nhau cùng đến lớp học chung đó, mình học được nhờ nghe những người khác chơi. Đến khi mình phải tập bài nhạc đó thì mình đã thuộc hết rồi.

“Trong chương trình học Conservatory mà tôi theo học, cao nhất của chương trình này tương đương bằng cử nhân bên Mỹ. Chương trình ở học viện này không tính tuổi mà chỉ tính vào khả năng người học thôi. Mình thi phần xướng âm, hay thi chính tả, tức là nghe tiếng đàn rồi viết ra nốt nhạc. Lên cấp cao nhất, nghe một đoạn nhạc bốn bè mà viết ra đầy đủ, thì đậu. Khi tôi vào học, còn trẻ tuổi, nên khi 15 tuổi, tôi đã học xong bằng cử nhân. 

“Trong thời gian đó, tôi vẫn học trường công. Hồi bấy giờ tôi muốn trở thành nhà khoa học, vì tôi mê học toán lắm. Thường nhạc và toán đi đôi với nhau. Do đó khi học lên đại học, tôi lấy chuyên ngành Management Science (Khoa học Quản trị) tại Đại học McGill ở Montréal, Quebec. Tôi học gần xong, còn một năm thì lấy bằng cử nhân quản trị, nhưng tôi vẫn học song song tại trường nhạc vào buổi tối và cuối tuần. Tôi đã được bà giáo Belanger khuyên đi thi piano và đã thắng nhiều giải thưởng.”



Tại sao lại chọn trở thành giáo sư dạy nhạc mà không phải là nghệ sĩ trình diễn?

Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng cho biết, “Nhờ bà giáo Belanger khuyến khích tôi đi thi piano, nên tôi đã chiếm giải thưởng từ lúc 14, 15 tuổi. Bà là một nhà giáo dậy rất giỏi. Ngoài việc yêu cầu học sinh dự lớp học chung vào mỗi tối thứ Sáu, bà còn là một người rất cởi mở, khiêm nhường, luôn nói các thầy cô giáo khác ai cũng có những điều mình đáng học. Cho nên bà thường mang học trò đi dự những “master-class” do các thầy cô giáo nổi tiếng khắp thế giới đến dậy. Có nhiều giáo viên sợ đưa học trò đến dự những master-class như thế, vì lo học sinh sẽ bỏ mình đi qua học người khác. Còn bà giáo Belanger thì không nghĩ như vậy.

“Tôi đã được bà giáo dắt đi dự những lớp master-class và được học với biết bao giáo viên nổi tiếng khác nhau. Càng học được thêm, tôi càng ngày càng yêu thích piano. Nhờ thắng giải thưởng piano do chính phủ Pháp tổ chức, tôi có cơ hội đi qua Pháp học một năm. Tôi còn được qua Barcelona, Tây Ban Nha học trong mấy tuần sau khi thắng một học bổng của Canadian Arts Council. Chính vì vậy, tôi đã quyết định ngưng học đại học ngành Quản trị, để chuyển hẳn sang piano.

“Trong khoảng thời gian từ 20 tuổi đến 30 tuổi, tôi chỉ lo học nhạc và đi tranh giải và giành được các học bổng khác nhau.

“Tại Canada có nhiều học bổng dành cho thí sinh dự thi các cuộc thi piano, tôi ghi danh tham dự hầu hết.Thường khi mình thắng giải, là được học bổng để học thêm, nâng cao trình độ cho mình. Tôi lấy bằng Cao học và bằng Tiến sĩ cũng nhờ được cấp học bổng toàn phần, sau khi thắng giải.

“Trong lúc tôi đang hoàn tất bằng Tiến sĩ, tại Canada có một cuộc thi trình tấu nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music). Dự giải này, tôi phải học những bài nhạc thuộc loại mới sáng tác trong thế kỷ 20. Như các tác giả Ligeti, Messiaen, vân vân. Nhưng cuộc thi cũng đòi hỏi thí sinh phải chơi được những nhà soạn nhạc cổ điển xưa, như Beethoven, Bach. Trong kỳ thi nhạc đương đại này, tôi đoạt giải nhất. 

“Nhờ thắng giải này, tôi được ban tổ chức thu xếp cho tôi đi lưu diễn khắp nước Canada trong một năm. Lịch trình được họ sắp đặt tất cả, từ chuyện ăn ở, di chuyển, và trả thù lao nữa. Chính những cuộc lưu diễn trong năm đó khiến tôi nhận ra rằng mình không thích hợp làm một nghệ sĩ trình diễn. Vì rất cô đơn, nhiều lúc không có ai cho mình trò chuyện. 

“Khi trình tấu trên sân khấu thì mình không cô đơn, vì có khán giả trước mặt. Khi buổi diễn kết thúc thì mình trò chuyện với khán giả. Nhưng sau đó là mình chỉ sống trong khách sạn và di chuyển. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu một năm có 52 tuần, mình đi lưu diễn suốt 40 tuần như vầy thì buồn lắm. Mình chỉ được gặp khán giả và những nhà bảo trợ thôi. Đời sống sẽ chỉ có lo trình diễn thôi. 

“Lúc học piano thì ai mà không muốn mình được trình diễn, sống được bằng nghề mình yêu thích. Nhưng nhờ thắng giải và đi lưu diễn một năm, tôi nhận ra mình không thích trở thành nghệ sĩ trình diễn. Đây không phải cuộc đời mình muốn sống.

“Sau một năm lưu diễn kết thúc, tôi tiếp tục học lấy bằng Tiến sĩ và dạy đàn. Khi dạy, tôi thấy mình hợp với việc dạy học hơn là nghệ sĩ trình diễn.”

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT