Văn Nghệ

Trò chuyện cùng Tiến Sĩ-nhạc sĩ Piano Đỗ Bằng Lăng về âm nhạc (kỳ 3 và hết)

Friday, 21/12/2018 - 07:51:20

Đối với tôi, trong ngành giáo dục, điều này dạy cho các em biết suy nghĩ, biết tò mò, để nó tự đi tìm hiểu thêm kiến thức, thì rất tốt cho trẻ.

Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng và các học trò nhỏ của trường nhạc Mindful Music Academy ở thành phố Costa Mesa do vợ chồng cô lập ra. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Trong hai bài viết đã đăng trên nhật báo Viễn Đông gửi đến quý độc giả những chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng về thế giới âm nhạc qua nhạc cụ dương cầm, cùng những kinh nghiệm của cô qua việc học piano và các kỳ thi piano, kinh nghiệm giảng dạy và ước mong truyền thụ cho các học trò tình yêu âm nhạc của một nhà giáo giàu tâm huyết, xin gửi đến quý độc giả kỳ 3 và cũng là kỳ cuối phần trò chuyện của Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng.


Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng và các học trò nhỏ của trường nhạc Mindful Music Academy. (Hình cung cấp)

- Sự đồng hành trong cuộc sống gia đình và sự đồng hành trong âm nhạc của chị với người bạn đời của mình, Tiến sĩ James Sherry có thể được chị miêu tả như thế nào?

Lần đầu tiên tôi nghe chồng thổi kèn trumpet, tôi rất thích, vì tiếng kèn của anh rất ngọt. Anh là người rất hiền lành và ngọt ngào. Chúng tôi ít có dịp chơi nhạc chung với nhau. Nhưng cả hai đều trong ngành nhạc nên rất hiểu nhau. Anh cũng rất thích dạy nhạc và dạy con nít.

Chúng tôi rất đồng cảm với nhau trong chuyện giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Cả hai đều tin tưởng những mầm non âm nhạc phát triển được hay không là nhờ có sự tưới tắm dạy bảo từ thầy cô giáo và sự quan tâm của bố mẹ các em, để các em có cơ hội phát triển mầm âm nhạc đó hay không. Vì ai cũng có mầm âm nhạc trong người hết.


Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng và chồng Tiến sĩ James Sherry. (Hình cung cấp)

Vợ chồng tôi có tiếng nói chung về khía cạnh giáo dục, nhạc sĩ, nghệ thuật, nhiều điều có thể thông hiểu được với nhau, là những người tri âm tri kỷ. Các con tôi sanh ra trong gia đình có bố mẹ làm ngành nhạc, nên đã được nghe biết bao nhạc cụ khác nhau, các loại nhạc khác nhau từ nhỏ rồi, nên các con cảm được âm nhạc và học nhanh hơn.

Tôi có 3 con, con gái lớn 15 tuổi, hai con trai sinh đôi thì 13 tuổi. Con gái chọn học đàn cello, chỉ học trong trường phổ thông, chứ không học kèm thêm ở nơi nào khác, hai con trai thổi kèn như bố. Chúng tôi cho các con tự chọn nhạc cụ yêu thích, chúng tôi tin tưởng nếu các con thích thì tự các con tìm tòi học, vì chúng tôi ở trong ngành rồi. Chỉ khuyến khích các con, chứ không ép buộc.

- Khi trình tấu piano, chị có coi ai là tác giả “ruột” của mình không? Nếu có thì vì sao, chị yêu điều gì của tác giả ấy?

Khi chơi nhạc, tác giả mà tôi thấy gần nhất với mình là nhà soạn nhạc Johannes Brahms (1833 - 1897) là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm người Đức. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của giai đoạn âm nhạc lãng mạn.


Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng và các học trò nhỏ của trường nhạc Mindful Music Academy. (Hình cung cấp)

Điều này khó nói lắm, thường trong giới âm nhạc, có người thì chơi nhạc của Franz Liszt hay, hoặc của Franz Peter Schubert hay, mình có thể hiểu được người chơi hay những tác phẩm của những nhà soạn nhạc nổi tiếng, có cùng làn sóng với nhau. Nhờ hiểu rõ tác giả, thì mới chơi hay được bài nhạc của tác giả đó. Trong giới nhạc người ta hay nói là đàn bà không chơi được nhạc của Johannes Brahms.

Nhà soạn nhạc Johannes Brahms có đời sống tâm linh cao cả. Ông là người sống hướng nội. Ông có những sáng tạo trong âm nhạc rất suất sắc. Khác hẳn những nhà soạn nhạc trước đó. Ông vừa tìm về với truyền thống, vừa cách tân và đem tới cho âm nhạc cổ điển những nguồn sáng tạo mạnh mẽ. Nhưng ông rất khiêm tốn. Cấu trúc âm nhạc qua các tác phẩm của ông rất chặt chẽ.

Một thiên tài của ông là khi viết tác phẩm độc tấu cho đàn piano nghe ra như cả một dàn nhạc Orchestra. Nghĩa là tai của ông nghe được những màu sắc khác nhau của các nhạc cụ khác nhau. Giai điệu trong tác phẩm của ông không rõ rệt như Franz Liszt hay, hoặc của Franz Peter Schubert.
Thường những tác phẩm của Johannes Brahms dành cho piano rất dài và khó nghe, nên khi trình tấu, tôi ít chơi trước khán giả. Tôi chỉ chơi nhạc của Johannes Brahms cho chính mình.

- Chị có sáng tác tác phẩm để mình trình tấu hay dạy cho các sinh viên hay không? Nếu có, mời chị giới thiệu vài điều về thế giới sáng tác của mình để giúp mọi người hiểu hơn về chị?

Tôi có viết những bài nhạc cho học trò tập hai tay chung với nhau khi đàn, nhưng chỉ phát cho học sinh, chứ chưa có thời giờ soạn ra thành sách để phát hành. Tôi thích “phăng” khi chơi nhạc ngay lúc đó, và dạo này tôi rất thích “phăng” khi chơi nhạc với người khác nhiều hơn. Chứ “phăng” một mình chán lắm.

- Đối với chị sự tự chủ có được khi học âm nhạc là gì?

Có phụ huynh ép con học để đi thi lấy giải, thường phụ huynh đó không biết rằng riêng chuyện học nhạc đã tốt cho các em đó rồi. Không cần phải có bằng này bằng kia, giải thưởng này giải thưởng nọ. Vì trong chuyện học nhạc, tùy cách các em học, đều có ảnh hưởng tốt ít hay nhiều. Ví dụ, khi tôi dạy, sau khi các em chơi bài nhạc xong, tôi thường hỏi em có cách nào khác làm cho bài nhạc hay hơn không. Tạo cho em bé đó suy nghĩ, giúp cho đứa bé nghĩ được à chỗ này bị sai, sai cái gì, tại sao sai.
Điều đó quan trọng lắm. Sẽ giúp đứa bé sửa được chỗ sai. Nếu phụ huynh đó không ngồi trong lớp với em, không nghe được những trao đổi giữa tôi với em, sẽ không hiểu được tại sao đi học nhạc không thấy tiến bộ nhiều, cũng không lấyđược chứng chỉ gì hết, mà nó vẫn có thể mang được nhiều điều tốt trong chuyện học nói chung cho đứa bé.


Hai con trai sinh đôi của Tiến sĩ Đỗ Bằng Lăng (áo màu xám ngắn tay và áo màu xanh dương ngắn tay, ngoài bìa trái của ảnh) và học trò nhỏ của trường nhạc Mindful Music Academy. (Hình cung cấp)

Đối với tôi, trong ngành giáo dục, điều này dạy cho các em biết suy nghĩ, biết tò mò, để nó tự đi tìm hiểu thêm kiến thức, thì rất tốt cho trẻ.

Đàn sai, bị vấp, bị quên là những lỗi dễ nhận thấy nhất, đây cũng là những điều tối kị trong các concours quốc tế. Vì vậy có ý kiến cho rằng nhiều nhạc sĩ piano gốc Á Đông rất sợ không hoàn hảo và quá căng thẳng vì điều đó. Riêng chị, chị có nhận định gì về điều này? Chị thường khuyên các học trò mình điều gì? Vì sao?
Đàn sai bị vấp là cách duy nhất để các phụ huynh biết con mình chơi đàn giỏi hay không chơi giỏi. Nhưng mà thật ra trong giới nhạc, rất ít thầy cô giáo nào dạy cho các em “phăng”. Còn riêng tôi thì luôn luôn cho các em thử “phăng”. Chỉ cho các em thử thôi, em nào thích nhiều thì “phăng” nhiều. Vì “phăng” thì sẽ không vấp. Vì “phăng” là cái của mình sáng tạo ra.

Vì vậy trong những buổi trình diễn của các học trò trường nhạc do vợ chồng tôi mở ra, có những em 3 tuổi, tôi cũng cho những em đó “phăng”. Đại khái tôi để sticker lên phím đàn, nói bây giờ con chơi màu đỏ, thế là tôi đệm với bé. Khi bé chơi màu đỏ xong, thì tôi nói bây giờ con chơi màu xanh, và bất kỳ phím đàn nào có sticker màu xanh là bé chơi.

Qua việc này, tôi muốn các em cảm thấy chơi nhạc là vui. Thứ hai là không có gì mà “vấp” hết. Có một em vì mới 3 tuổi, ngày đầu tiên vào học, nhảy phốc lên ghế bấm các phím, tôi ngồi cạnh, đệm theo làm cho bài nhạc em bấm lung tung nghe phong phú hơn, thế là bé khoái lắm, hôm nào đến học cũng đòi “phăng” hết.
Cái đó chính là điều làm cho các em thấy thú vị khi học chơi đàn. Vì không có phạm lỗi. Cá nhân tôi sau khi học lấy bằng tiến sĩ, mới bắt đầu học “phăng” khi chơi nhạc. Làm cho tôi thay đổi về nhận thức rất nhiều. Không sợ khi đàn sai, vì lúc đó mình sẽ “phăng”. Bước chân vào thế giới mới lạ là điều sung sướng. Cũng giống như em bé bắt đầu biết đứng, biết đi, biết nói, rất sung sướng.
Trong giới âm nhạc rất ít người giúp các em diễn tả âm nhạc như thế, giúp các em đỡ bị stress hơn là phải chơi những bài đúng như các tác giả viết.

Trong giới nhạc, vào thế kỷ 18 là người ta “phăng”, cuối mỗi concerto là người ta “phăng”, được gọi là Cadenza (Đoạn thêm vào cuối bài hát. Đoạn trổ kỹ thuật, kỹ xảo ở cuối các chương Concerto do người biểu diễn ứng tác hoặc do tác giả viết. Đôi khi, phần Cadenza được ngẫu hứng ngay tại chỗ hoặc được viết sẵn. Phần Cadenza là chỗ để nghệ sĩ độc tấu thể hiện kỹ năng chơi đàn và dẫn dắt bản nhạc đến cao trào trước khi dàn nhạc quay lại để kết thúc chương nhạc)
Nhà soạn nhạc Franz Liszt của giai đoạn âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19 cũng “phăng”. Tôi có ba, bốn bản nhạc cùng là một tác phẩm của ông, vì mỗi lần ông chơi, lại chơi một cách khác nhau.

- Ngoài âm nhạc, có loại hình nghệ thuật nào khác thực sự thu hút trí tưởng tượng của chị không?

Tôi rất thích chụp hình, từng học nhiếp ảnh khi chưa có máy chụp ảnh kỹ thuật số, từng rửa ảnh trong phòng tối…
Vì có học nhiếp ảnh, nên khi thực hiện web site cho cá nhân, hay thực hiện những flyer cho trường nhạc của mình, nhìn bố cục ảnh, màu sắc cũng có khái niệm tốt hơn.
Theo tôi giữa âm nhạc và nhiếp ảnh có liên quan tới nhau. Nếu muốn nêu ra đầy đủ sẽ rất dài. Tôi chỉ nêu một khía cạnh thôi, đó là trong âm nhạc, lúc nào cũng có zoom in và zoom out như nhiếp ảnh. Trong âm nhạc, cứ zoom in và zoom out liền trong lúc mình đang chơi, đúng nốt đó, câu đó, mình phải biết nó ở trong cấu trúc trang nhạc đó như thế nào, đối với cấu trúc của nguyên cả bài đó như thế nào.

- Giả sử nếu không dạy piano, chị sẽ chọn nghề gì?

Tôi sẽ chọn ngành viết văn. Vì tôi thích diễn tả. Tôi học tiếng Việt không đủ vững, rời khỏi Việt Nam qua Canada lúc 9 tuổi, sau đó học tiếng Pháp. Đã dùng tiếng Anh hơn 20 năm, thành ra tiếng Anh vững hơn tiếng Pháp, nhưng cách nay 25 năm tiếng Pháp vững hơn tiếng Anh.
Nếu viết văn thì phải viết bằng tiếng Anh vững hơn tiếng Việt. Tôi viết rất nhiều về các lĩnh vực khác nhau, đăng trên web site, viết về đề tài vật lý liên lạc với âm nhạc như thế nào…

- Lời khuyên của chị dành cho những người mới bắt đầu học chơi piano là gì?

Phải kiên trì với nó. Ví dụ như cà phê, nếu cho con nít nếm khi còn nhỏ, các em sẽ nói đắng quá, đâu có thích đâu. Có những cái mình phải thử đi thử lại thì mới thích. Đại khái mình phải học, phải tìm hiểu, phải thử nhiều lần thì mới thưởng thức được.
Trong nhạc, khi mới học, có nhiều điều cực nhọc lắm, thì mới diễn tả được. Ngày xưa khi học nhạc lấy bằng Cao Học, bà giáo tôi hỏi, sao muốn chơi bài nào. Tôi nói, tôi chỉ làm sao diễn tả được những gì tôi có, vì hiện giờ tôi chơi nhạc, có những chổ rất dễ, nhưng cổ tay chặt lại, dường như có cái gì để nói, mà nó không ra đúng như mình muốn. Các đầu ngón tay của mình không ra được như mình muốn. Bà giáo nghe vậy, nói ủa cứ tưởng tôi sẽ lựa một bài nào rất khó, chạy qua chạy lại các ngón tay thật nhiều.
Tôi nói, những cái đó chỉ là kỹ thuật thôi, chỉ cần gặp thầy cô chỉ cái này cái kia để luyện tập, có thể thực hiện được.
Năm đầu tiên học cao học, tôi chỉ học chơi những bài nhạc thật dễ, nhưng cái diễn tả sâu, làm sao cho ra được bài nhạc đó thôi.
Khi mới học piano rất khó, vì mình không thể nào diễn tả được hết, cái tay không làm đúng như mình muốn. Thành ra phải kiên trì.

- Điều gì chị cho là khó khăn khi dạy các học viên (tùy theo từng độ tuổi khác nhau) học âm nhạc?

Theo tôi cái khó nhất là làm sao cho các phụ huynh hiểu, còn đối với các em thì không có gì khó hết. Mỗi em mỗi khác, mình sẽ tìm cách để dạy. Có em lâu lâu phải đứng ra khỏi ghế, làm cái này cái kia, thì mình cho em đứng ra khỏi ghế để tập nhịp.
Cái khó nhất là làm sao cho phụ huynh hiểu được học nhạc có những điều gì tốt ngoài chuyện phải đi thi để đạt giải hay chơi bài nào đó thật hoàn hảo.

Xin cảm ơn Tiến Sĩ Bằng Lăng!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT