Bình Luận

Trơ như đá, vững như đồng

Saturday, 23/06/2018 - 10:32:35

Nhưng ông Trump vẫn làm, vẫn đòi quốc hội viết luật mới để giải quyết tình hình nan giải. Mới hôm thứ Năm 6/21/18, ông còn gõ Twitter đòi ba điều: thay đổi luật pháp, xây trường thành, và không tuyển thêm thẩm phán di dân.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời;
... là hai câu thơ cụ Nguyễn Du viết để mô tả thế chết đứng của Từ Hải, vì trúng kế 'tiên lễ, hậu binh' của địch; hy vọng đó không phải là thế đứng buồn thảm của tổng thống Hoa Kỳ, mặc dù ông cũng đang rơi vào ổ phục kích 'trước lùi, sau đánh' của một anh quân sư quạt mo nào đó đang đưa đàn bà, trẻ con đi tiên phong tấn công chính sách 'không nhân nhượng tí nào' (Zero Tolerance ) của tổng thống.
Đoàn nữ binh Nam Mỹ lững thững tay bồng, tay dắt đàn con của họ đến trình diện tại những trạm canh biên giới để xin tị nạn. Họ cố tình không băng rừng, không chui qua địa đạo, mà đường hoàng đi bộ trên đường cái để chứng minh là họ đi tị nạn.


Đi tị nạn

Việc họ làm là cả một mưu đồ có ước tính, có thể họ tiên đoán được là họ sẽ bị bắt, bị giam, và bị đưa ra tòa xét xử về tội xâm nhập lãnh thổ Hoa Kỳ bất hợp pháp, nhưng chắc chắn họ không ngờ là đứa con họ đang bồng trên tay bỗng nhiên bị giằng ra và được nhân viên chính phủ Mỹ đưa vào trại tập trung để săn sóc kỹ lưỡng.

Viên chức Bộ Nội An và Bộ Xã Hội nhấn mạnh với phóng viên truyền thông là 2,342 đứa trẻ bị tạm giữ được đối xử nhân đạo (treated humanely), và giải thích là sau khi bố, mẹ chúng ra tòa, rồi bị án, và bị tống giam, những đứa trẻ bị tạm giữ sẽ được xếp vào hạng unaccompanied children (những đứa trẻ đi một mình) và gửi vào trại trẻ em của Bộ Xã Hội.

Chỉ riêng việc coi những đứa trẻ bị giựt từ trên tay mẹ chúng ra là những đứa unaccompanied children cũng đã đủ là một nhược điểm khó cãi trước tòa án -vì nội vụ chắc chắn sẽ phải đưa ra tòa phân xử.
Giờ này, họ tạm đặt trên 2,000 đứa trẻ đó trong sự chăm sóc của Bộ Nội An.
 

Bị giằng ra khỏi tay mẹ,...


... đứa trẻ được chăm sóc trong trại tạm giữ

Viên chức trách nhiệm phủ nhận là họ không ngược đãi trẻ bị tạm giữ; họ khẳng định họ nghiêm túc tuân hành phương thức chăm nom trẻ con.

Một viên chức cao cấp -thứ trưởng Steven Wagner- cam kết, "chúng tôi cung cấp đầy đủ tiện nghi cho đám trẻ bị tạm giữ."

Nhưng những đứa bé vẫn khóc, vẫn đòi mẹ, khiến bốn người mẹ được dư luận kính trọng nhất phải lên tiếng; họ lên án chính sách zero tolerance là vô luân và khó thương (immoral, disgraceful) rồi gọi tình trạng Trump gây ra là một cuộc khủng hoảng nhân đạo (humanitarian crisis.) Bốn vị nữ lưu đó là quý bà nguyên đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Laura Bush, Rosalynn Carter và Hillary Clinton.
Bà Melania Trump không chỉ trích đức ông chồng, nhưng cũng chính thức yêu cầu giải quyết tình trạng ly cách mẹ con, người xin tị nạn. Cuối cùng, tổng thống nhượng bộ; ông thú nhận "vợ tôi, con gái tôi đều xúc động vì tiếng khóc của trẻ con.
 



Áp lực dư luận làm tổng thống nhượng bộ

Quý vị dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa thở ra nhẹ nhõm, vì không phải viết ra một đạo luật giải quyết tình trạng nan giải mà tổng thống khoán trắng cho họ.

Chính tổng thống đã thân chinh đến trụ sở quốc hội để nghe hai đạo dự luật -một của Thượng Viện, một của Hạ Viện- về giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng ly cách trẻ con. Không vừa ý với cả hai dự luật, ông bảo cứ gửi lên cho ông, để ông sửa lại.

Cuối cùng sắc lệnh ông ký vẫn duy trì chính sách 'zero tolerance' nhưng cho phép giam chung 2,342 đứa trẻ với mẹ chúng.

Chánh án liên bang James Boasberg cảnh cáo là chính phủ không có quyền giam giữ bị can quá lâu mà không đưa họ ra tòa xét xử. Nghị Sĩ Ted Cruz đề nghị tuyển thêm nhiều chánh án di dân để xử nhanh chóng những người nhân danh tị nạn để vào lãnh thổ Mỹ. Tổng thống bác đề nghị đó, cho là giới chánh án có thiên kiến đối với ông.

Tuy nhiên, dù có tuyển thêm chánh án, có xử thật nhanh, chính phủ vẫn không giải quyết được số phận của những đứa trẻ đang bị giam giữ, vì tổng thống muốn xử thật nặng để dứt khoát giải quyết tệ trạng biên giới Mỹ, không được người Nam Mỹ tôn trọng.

Xử nặng là một án tù, và xử thật nặng là một án tù dài hạn, sau đó chính phủ vẫn phải giải quyết vấn đề con cái của những phạm nhân đó. Và, như đã tuyên bố, chính phủ sẽ giao cho Bộ Xã Hội phụ trách vấn đề, mà không minh định là giải quyết như thế nào. Nuôi chúng như hiện cán Bộ Xã Hội đang nuôi? Hay đem chúng cho những gia đình xin con nuôi?

Mãn hay chưa mãn hạn tù những bà mẹ tị nạn Nam Mỹ vẫn có thể kiện chính phủ, vì con họ không hề là unaccompanied children (những đứa trẻ đi một mình), mà chính phủ có thể tự ý sắp xếp số phận chúng.
Chỉ mới tạm cách ly mẹ con người tị nạn mà chính phủ đã phải đối phó với những xúc động lớn của xã hội Mỹ, thì bắt con của người tị nạn đem cho người khác nuôi sẽ tạo ra những phản ứng quan trọng đến mức nào.

Ấy là chưa nói đến giả thuyết tên quân sư Nam Mỹ học lóm được chiến thuật biển người của Việt Cộng, điều động lòng biển Nam Mỹ với hàng trăm triệu người nối đuôi nhau tiến vào lãnh thổ Mỹ xin tị nạn.
Dĩ nhiên giả thuyết đó khó xảy ra, nhưng ông Trump cũng không làm gì khác hơn những người tiền nhiệm được, mặc dù ông chê họ là áp dụng chính sách 'bắt đó, thả đó, để bọn di dân lậu tiếp tục vượt biên.'

Trước ông Trump, những vị tổng thống khác cũng đã đối phó với nạn di dân bất hợp pháp của người Nam Mỹ, họ không áp dụng biện pháp ly cách gia đình người tị nạn chỉ vì họ không thích thế chết đứng của tướng cướp Từ Hải.

Nhưng ông Trump vẫn làm, vẫn đòi quốc hội viết luật mới để giải quyết tình hình nan giải. Mới hôm thứ Năm 6/21/18, ông còn gõ Twitter đòi ba điều: thay đổi luật pháp, xây trường thành, và không tuyển thêm thẩm phán di dân.

Quả là một vị anh hùng -trơ như đá, vững như đồng.
(ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT