Bình Luận

Trói buộc

Saturday, 18/07/2015 - 08:55:07

Sau khi hạ bệ thủ tướng Mossadeq, Hoa Kỳ ủng hộ ông Mohammad Reza Pahlavi thành lập tân chính phủ cai trị Iran; nhưng chỉ 26 năm sau, chính phủ này bị người Iran lật đổ; trong cuộc đảo chánh, sinh viên Iran tràn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ, bắt giữ 52 viên chức Mỹ, và quản thúc họ ngay trong tòa đại sứ suốt 444 ngày, từ mùng 4 tháng Chín 1979 đến ngày 20 tháng Giêng 1981.

 Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH


   Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cầm đầu đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội chống các chính sách của Tổng Thống           Obama, kể cả việc ký Hiệp Ước Hạt Nhân với Iran trong tuần qua. (Chip Somodevilla/Getty Images)



Giải thích việc ký Hiệp Ước ngăn cấm không cho Iran tiếp tục công cuộc nghiên cứu vũ khí nguyên tử, Tổng Thống Barack Obama nói Hiệp Ước đó là sự lựa chọn khôn ngoan nhất, để làm dịu những cuộc chiến tranh Trung Đông.
Ông quả quyết nếu để mặc Iran tiếp tục chương trình nguyên tử của họ, thì sớm hay muộn họ cũng làm được bom nguyên tử, và việc Iran -một nước Hồi Giáo Shiite- có bom nguyên tử sẽ không để các quốc gia theo tín ngưỡng Hồi Giáo Sunni ngồi yên. Cuộc chạy đua làm bom nguyên tử sẽ xảy ra, đe dọa nền an ninh thế giới không chỉ trong thế hệ này, mà tiếp nối gây nguy hại cho nhiều thế hệ sau nữa.
“Tôi tin là nếu chúng ta không lựa chọn giải pháp khôn ngoan nhất, thì những thế hệ sau này sẽ gắt gao phiền trách chúng ta,” Obama nói để biện hộ việc Hoa Kỳ ký Hiệp Ước ngăn cấm Iran thí nghiệm nguyên tử.
Nhưng đó chỉ là quan điểm của ông, quan điểm chủ hòa.
Trái ngược với quan điểm này là quan điểm chủ chiến của thủ tướng Do Thái -ông Benjamin Netanyahu; chống lại thỏa ước, Netanyahu từng tuyên bố, “Hiệp Ước này đe dọa sự sống còn của Do Thái.”
Ông còn cam kết sẽ làm “mọi việc tôi có khả năng làm” để ngăn chặn không cho Thỏa Ước thành hình. Một trong những việc Netanyahu đã làm là thuyết trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ chống lại Hiệp Ước.
Giờ này -sau khi sáu cường quốc ký Thỏa Ước với Iran- ông tiếp tục vận động Quốc Hội Hoa Kỳ bác bỏ Hiệp Ước.
Mô tả cuộc khủng hoảng bang giao giữa Hoa Kỳ, Do Thái và Iran, truyền thông thế giới dùng chữ “entanglement” (trói buộc) như tình trạng của những con cá mập bị quấn trong lưới. Nhiều tờ báo nhắc lại việc Tổng Thống Jimmy Carter thất bại trong nỗ lực gởi quân vào Iran giải cứu con tin; không giải cứu được, ông tố cáo Iran tội tống tiền, nhưng Hoa Kỳ không nhượng bộ.
Trói buộc không bắt đầu từ cuộc hành quân thất bại đó, mà xa hơn nữa khá nhiều. Gay cấn giữa hai nước bắt nguồn từ năm 1953, sau việc CIA tổ chức đảo chánh thủ tướng Iran Mohammad Mossadeq theo lời yêu cầu của Sở Tình Báo Anh.
Ông Mossadeq “phạm tội” quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu tại Iran -lúc đó đang là tài sản của công ty APOC (Anglo-Persian Oil Company).
Sau khi hạ bệ thủ tướng Mossadeq, Hoa Kỳ ủng hộ ông Mohammad Reza Pahlavi thành lập tân chính phủ cai trị Iran; nhưng chỉ 26 năm sau, chính phủ này bị người Iran lật đổ; trong cuộc đảo chánh, sinh viên Iran tràn vào tòa đại sứ Hoa Kỳ, bắt giữ 52 viên chức Mỹ, và quản thúc họ ngay trong tòa đại sứ suốt 444 ngày, từ mùng 4 tháng Chín 1979 đến ngày 20 tháng Giêng 1981.
Đối với dư luận Hoa Kỳ thì việc Iran chiếm tòa đại sứ Mỹ, bắt giam viên chức Mỹ, là thái độ phạm thượng không chấp nhận được. Chưa một quốc gia nào dám ra mặt chống Mỹ như vậy; do đó Hoa Kỳ không giao thiệp với Iran suốt 36 năm nay.
Một phóng viên hỏi Tổng Thống Obama nguyên nhân nào ông không tiếp tục chính sách đoạn giao đã dài hơn gần bốn thập niên đó nữa. Obama trả lời là ông không nối lại bang giao với Iran như ông đã nối lại bang giao với Cuba; ông chỉ ký thỏa ước để ngăn cấm Iran, bắt họ buông bỏ những nỗ lực thực hiện vũ khí nguyên tử.
Ông chỉ tìm cách ngăn chặn không cho chiến tranh nguyên tử xảy ra; ông chủ trương mưu cầu hòa bình cho thế giới.
Obama chủ trương giải quyết mọi va chạm quốc tế bằng phương tiện ngoại giao, mặc dù quá trình làm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ chứng minh ông là một thiên tài chiến lược; trước hết, ông thắng trận trong cuộc chiến tranh chống khủng bố; thắng bằng cách giết trọn gói dàn lãnh tụ al-Qaeda, mà không đổ nhiều máu. Cũng vẫn sử dụng chiến thuật “không đổ nhiều máu” đó, ông đang cầm chân đoàn quân xâm lược vô cùng hùng hậu, và rất sẵn sàng của Nga bên kia biên giới Ukraine bằng chính lược trừng phạt kinh tế.
Tránh được việc sử dụng quân Mỹ trên biên giới Ukraine, nhưng không thể tránh tham chiến tại Trung Đông, Obama vẫn tìm mọi cách để xuống thang, chấm dứt chiến tranh, và giới hạn tổn thất cho quân nhân Hoa Kỳ.
Ông không thích thú trong giao tranh, mặc dù trên mọi chiến trường ông vẫn giành phần thắng, trong lúc bảo vệ tối đa sinh mạng của người lính Mỹ; điển hình cho chủ trương không trả giá máu để mua chiến thắng là chiến lược "không chạm gót xuống chiến trường."
Nhưng chủ trương hòa bình Trung Đông của ông không phù hợp với quyền lợi của Do Thái, vì Do Thái không muốn Iran có tiền để có khả năng tài trợ những sắc tộc Ả Rập chống Do Thái; Iran sẽ có tiền, vì sau khi thi hành Hiệp Ước ngưng thí nghiệm nguyên tử, Iran sẽ được xả phong tỏa, được trở lại thị trường cung cấp dầu hỏa cho thế giới, và được hoàn trả hàng trăm tỉ Mỹ kim đang bị đông lạnh trong các ngân hàng thế giới từ ngày Tổng Thống Obama quyết định trừng phạt kinh tế Iran.
Do Thái phản đối việc xả phong tỏa; hôm thứ Tư 15 tháng Bảy, thủ tướng Do Thái, ông Benjamin Netanyahu nói trước Quốc Hội Do Thái là, “Chúng ta dành quyền tự vệ chống lại mọi kẻ thù; quân đội chúng ta hùng mạnh, can trường và thiện chiến.”
Ý Netanyahu nói là không cần một nguyên do nào khác, chỉ riêng việc Iran ký Hiệp Ước ngưng nghiên cứu nguyên tử cũng đủ để ông tấn công Iran.
Câu tuyên bố của Netanyahu cắt đôi giới cầm quyền Hoa Kỳ; chủ tịch Hạ Viện John Boehner lập tức cho người phát ngôn của ông tuyên bố là qua việc ký hiệp ước với Iran, Tổng Thống Obama đã tự chứng minh là ông ta sống trong tháp ngà, xa dời thực tế.
Tình trạng chính quyền Hoa Kỳ chia đôi không phải là chuyện mới; thái độ kinh niên của Quốc Hội Cộng Hòa không chỉ là chỉ trích những nỗ lực của tổng thống Dân Chủ Barack Obama, mà còn là vô vàn hành động ngăn chặn, đánh phá những việc Obama làm.
Điển hình rõ rệt nhất là họ vận động toàn lực, từ liên bang xuống đến tiểu bang, trường kỳ đánh phá đạo luật ACA (Affordable Care Act-còn được gọi là ObamaCare). Luật này được ông Obama ký ban hành vào ngày 23 tháng Ba 2010, thời điểm cực thịnh của đảng Dân Chủ, thời điểm chính khách Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội.
Nhưng trong ba kỳ bầu cử 2010, 2012, và 2014, đảng Cộng Hòa phục hồi được thế giá chính trị, chính khách Cộng Hòa nắm quyền đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện Quốc Hội, tạo bế tắc chính trị trên mọi địa hạt.
Tình trạng kinh niên chống đối, thường xuyên bế tắc, trở thành quen thuộc đến mức nhàm chán và được người Mỹ chấp nhận như một thứ thuế không ai thích, nhưng vẫn cứ phải đóng; tình trạng buồn ngủ đó đột nhiên trở thành náo nhiệt hơn, với thái độ bênh vực Do Thái của Quốc Hội.
Chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc Hội, các chính khách Cộng Hòa tuyên bố họ sẽ bác bỏ Hiệp Ước Iran trong thời hạn 60 ngày họ có quyền tái xét Hiệp Ước; thời điểm đó là tháng Chín sắp tới.
Để đối phó với nguy cơ Hiệp Ước bị Quốc Hội bác bỏ, Obama cảnh cáo là ông sẽ dùng quyền phủ quyết để hóa giải biểu quyết của Quốc Hội. Nếu giả thuyết veto xảy ra, Quốc Hội vẫn còn có thể vô hiệu hóa phủ quyết của tổng thống bằng biểu quyết lần thứ nhì, với điều kiện là biểu quyết này tập họp được sự đồng thuận của 2/3 thành viên cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.
Phóng viên VOA hỏi Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch tiểu ban Quân Sự Thượng Viện liệu tình trạng veto rồi chống veto quyết liệt đó có xảy ra không; ông McCain nhìn nhận khó khăn vận động được 2/3 số phiếu của thành viên Quốc Hội để bác bỏ phủ quyết của tổng thống.
Ông nói thêm, “Khó thì rất khó, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc,” câu nói khẳng định thái độ Quốc Hội Cộng Hòa quyết liệt chống Iran.
Trở lại chữ entanglement (trói buộc) của truyền thông, người viết bài bình luận này xin mượn câu triết lý Phật Giáo để mô tả việc Tổng Thống Obama cởi trói cho Iran.
"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan."
Giữ cho người Iran tiếp tục nghèo khó thêm vài chục năm nữa trong phong tỏa kinh tế, không giúp người Mỹ giầu hơn tí nào, vui hơn tí nào, nhưng xả cấm vận khiến khối lượng dầu Iran tuôn vào thị trường quốc tế làm giá xăng bán lẻ chỉ còn dưới $2/gallon, chắc chắn sẽ giúp người tiêu thụ thoải mái hơn.
Nhưng lại làm buồn quý vị tỉ phú dầu hỏa! (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT