Đời Sống Việt

Trồng Hoa Ven Suối

Wednesday, 11/03/2015 - 07:55:22

Tôi rất cần lá mơ này, tôi cần có nhiều lá để nấu nước uống mới chữa được bịnh bao tử của tôi, già rồi bao tử cũng không chịu làm việc nữa cô ơi. Năm nay tôi đã bảy tám tuổi rồi.

Cao Thu Cúc

Tôi có thói quen đi bộ mỗi buổi sáng. Từ nhà tôi đến công viên Educational Park nằm trên đường Mabury mất mười lăm phút, đi ngang qua một dòng suối nhỏ, suối Penitencia Creek. Khi tôi mới đến cách đây ba năm, dòng suối còn đầy nước chảy róc rách suốt ngày đêm, cây cối hai bên bờ xanh mát, sóc chạy từng bầy. Vào mùa xuân các loại hoa đua nhau nở nhưng tôi chú ý đến đám hoa Aloe Vera bên kia suối. Hoa nở đỏ rực cả môt khoảng đất trống. Tôi thầm nghĩ, người Mỹ hay thật, họ trồng hoa cả bên bờ suối.
Rồi mùa xuân đi qua, hoa nở rồi tàn, tôi vẫn tiếp tục đi bộ mỗi ngày. Một hôm tôi chú ý đến một người đi xe đạp trên con đường dọc theo bờ suối. Người đàn bà già này chở nhiều thứ rất nặng. Phía sau xe là những thùng nước và rất nhiều thứ lỉnh kỉnh khác. Bà đạp xe đến chỗ có trồng những cây Aloe vera thì dừng lại rồi tháo gỡ mọi thứ xuống để bên vệ đường. Tò mò tôi đến gần hỏi chuyện.
- Chào chị, chị đi đâu và tại sao phải mang theo nhiều nước như vậy?
Bà chỉ qua phía mấy cây Aloe Vera rồi nói:
- Tôi trồng mấy cây thuốc bên đó, tôi mang nước tới tưới cho nó.
Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa:
- Sao bà chị lại ra đây trồng hoa? Ở nhà trồng không được sao?
Bà ngập ngừng hồi lâu nhưng có lẽ thấy tôi có vẻ vô hại nên bà thở dài rồi nói:
- Ở nhà thằng con rể không cho trồng, nó nói nó không thích mấy cây tôi trồng. Nhưng tôi trồng mấy cây này là để chữa bịnh cho tôi. Tôi có nhiều bịnh, uống thuốc bác sĩ cho nhiều mà không hết, tôi uống lá cây này lại rất hợp.
Phải, cây Aloe Vera hay là cây nha đam, còn gọi là cây long tu hay cây lô hội, là một loại cây có thể chữa được rất nhiều thứ bịnh, có thể nói, bịnh gì cũng chữa được, cứ mỗi ngày uống một ly nước nha đam là thấy mình không cần phải đi bác sĩ nữa. Ở Việt Nam, nhà nào cũng có trồng một hai cây sau vườn, khi da mặt khô rám, khi làm bếp vô ý bị phỏng lửa… vài lát nha đam đắp lên là sẽ thấy phép lạ ngay. Bà Ba, sau này khi tôi hỏi tên, bà nói bà thứ ba nên cứ gọi là bà Ba, thật là một người biết rành cây thuốc Việt Nam.
Bà Ba tiếp tục lôi ra nhiều thứ “đồ nghề” khác rồi từ từ chuyển qua bên kia suối. California liên tiếp mấy năm hạn hán, nước suối khô cạn, lòng suối trơ những đá là đá, chúng tôi băng qua suối bằng những bước chân xiêu vẹo, lạo xạo. Bà Ba lấy một bình nước tưới cho mấy cây nha đam xong rồi, trước sự ngạc nhiên của tôi, bà xách cái thùng không vạch một bụi cây xanh rậm phía bên trái, nhét cái thùng vô đó. Tôi nhìn thấy trong đó khoảng vài chục cái thùng không chất lên cao. Tôi kêu lên:
- Ồ, bao nhiêu là thùng. Bộ có người nào muốn chôn dấu kho tàng gì ở đây hả?
- Đây là những cái thùng mà tôi đã đem nước ra tưới cho cây.
- Thì ra chính là bà chị đã làm cho bờ suối thêm đẹp. Mấy năm trước tôi ngày nào cũng đi qua đây ngắm hoa của chị.
- Tôi trồng ở đây, ai cần thì cứ lấy, tôi dùng đâu có hết. Bà ở bên kia đường cũng hay qua đây hái về dùng. Cô có cần không? Cô lấy đi.
Vừa nói chuyện, bà Ba vừa lôi trong giỏ ra một cây khác, chỉ là một cành cây nhỏ mà bà gọi là dây mơ. À thì ra dây mơ rể má đây rồi. Dây mơ này có lá màu tím, nhiều người gọi là Mơ Tam Thể, cây mơ này có hoa cũng màu tím mà tôi rất thích, nó hơi khác với dây mơ có lá màu xanh. Cũng giống như cây long tu, mơ là một loại cây vừa dùng làm thức ăn như rau, vừa dùng làm thuốc. Theo y học Việt Nam cây mơ chữa nhiều bịnh về đường ruột, bao tử, gan… Bà Ba nói:
- Tôi rất cần lá mơ này, tôi cần có nhiều lá để nấu nước uống mới chữa được bịnh bao tử của tôi, già rồi bao tử cũng không chịu làm việc nữa cô ơi. Năm nay tôi đã bảy tám tuổi rồi.
Bà Ba vừa nói vừa đi đến một bụi cây rậm khác phía bên tay mặt, tôi tò mò đi theo. Bà lôi từ bụi rậm ra một cái thùng bằng nhựa lớn màu đỏ, khá lớn, giống cái thùng nhựa người ta hay dùng đựng trái cây để bán ở siêu thị. Trong thùng đầy đất. Bà Ba đem cái thùng đặt cạnh mấy cây nha đam, bà đào một cái hố sâu, đặt thùng đất xuống rồi trông dây mơ vào đó. Công việc trồng cây của bà cũng thật công phu. Trồng xong cây mơ, bà tìm rất nhiều cành khô chụm lại, phủ lên trên mấy dây lá màu xanh trông như một chiếc lều nhỏ của chú lùn. Bà nói:
Tôi phải che cho kỹ, cảnh sát họ thấy là họ dẹp liền, họ không cho mình trồng đâu cô ơi.
Bà xách thùng nước tưới cho cây mơ, xong rồi lại vạch một “chiếc lều” khác chỉ cho tôi một cây mơ khác và một cây mơ khác nữa. Bà nói:
Tôi trồng mấy cây này đã mấy tháng nay rồi. Loại cây này nó chịu nắng giỏi lắm cô ơi. Nó còn sống đây này, cô thấy không?
Bà hớn hở chỉ cho tôi xem mấy lá mơ còn xanh. Tưới nước cho mấy cây mơ xong rồi, còn lại hai bình nước, bà đem dấu ở bụi rậm bên phải như một kho tàng bí mật khác của bà.
Nhìn thấy bà lam lũ vất vả một mình bên bờ suối, tôi ái ngại hỏi:
-Bà chị lớn tuổi rồi, chắc là có tiền trợ cấp của xã hội, lại ở với con gái, tôi nghĩ như vậy là hạnh phúc đầy đủ rồi.
Bà chẳng mấy vui khi nhắc tới con gái:
-Đứa con gái này nó học không được nhiều nên đi làm cũng vất vả, chỉ tội nó gặp thằng chồng không ra gì… Tôi còn một đứa con gái khác bên Việt Nam, nó không ra gì, cả hai vợ chồng suốt ngày đi theo số đề, tôi buồn lắm. Nó bỏ thằng con nó không lo cho ăn học, tôi gởi tiền về đóng tiền học cho con nó nó cũng đem đánh số đề hết.
Trời ơi, sao lại có cha mẹ không biết lo cho con như vậy kìa?
- Tôi phải nhờ một người bà con giữ tiền giùm để lo cho thằng nhỏ. Mong nó học được kha khá mà tự lo nuôi thân. Tôi già rồi đâu có sống mãi được.
Nhìn bà Ba tôi cũng thấy ngậm ngùi rớt nước mắt. Lo cho con rồi lo cho cháu, những người mẹ Việt Nam sao mà khổ dài khổ dai mãi thế?
Câu chuyện bên bờ suối như một cây bút u buồn vẽ mãi trong tâm trí tôi những hình ảnh xám đen nặng nề. Đã lâu rồi tôi không gặp bà Ba ra tưới cây. Rồi cây khô suối cạn. Một ngày tôi đi qua đó không thấy những lùm cây che kín của bà Ba nữa, tất cả đều đã bị sang bằng, chỉ còn lại vài cây nha đam xơ xác và cái thùng nhựa màu đỏ trên đó còn cắm một cây cột nhỏ ghi dấu tích của cây mơ bà Ba đã trồng. Mùa xuân năm nay, bên dòng suối khô cạn, vài bông nha đam nở buồn bã cô đơn. Tôi nhìn cây hoa tự hỏi:
- Không biết bà Ba bây giờ ra sao? Bà ở cách đây không xa, trên đường Capitol, bà đi xe đạp tới đây mất ba mươi phút. Ba mươi phút đạp xe đối với một người bảy mươi tám tuổi có lẽ không dễ gì. Mong đứa cháu bên quê nhà của bà sẽ thực hiện được ước nguyện của bà Ba khi mà bà vẫn ngày đêm lo nghĩ cho nó.
Cao Thu Cúc
San Jose
Febuary 8, 2015

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT