Hoa Kỳ

Trong thánh lễ tấn phong, Đức Giáo Hoàng kêu gọi bảo vệ những người yếu kém nhất

Hoài Mỹ/Viễn Đông Tuesday, 19/03/2013 - 07:35:38

Thế nhưng giữa biển người đó cũng đã nổi bật một số lá cờ vàng-3-sọc-đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.

Hoài Mỹ/Viễn Đông


VATICAN - Từ sáng sớm Thứ Ba, 19-03-2013, trên 200,000 người - đủ mọi quốc tịch trên khắp thế giới - đã hân hoan tụ tập ở công trường thánh Phêrô (St. Peter's Square) để tham dự lễ tấn phong Giáo Hoàng của đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục của giáo phận Buenos Aires, Argentina (Á Căn Đình). Dưới ánh nắng hiền dịu nhưng rực rỡ của thời tiết đầu Xuân, đa số người hiện diện đã reo mừng và phất quốc kỳ của nước mình, tuy nhiên lá cờ mầu xanh lơ-trắng của quê hương Argentina của đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đệ nhất (I) đã chiếm số lượng nhiều hơn cả. Thế nhưng giữa biển người đó cũng đã nổi bật một số lá cờ vàng-3-sọc-đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.

Trước khi thánh lễ chính thức bắt đầu, một chiếc xe mui trần đã chở đức tân Giáo Hoàng trong khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ chạy vòng quanh công trường. Mặc dù xe này không có kính bảo vệ an toàn nhưng ngài đã không biểu lộ một sự băn khoăn nào. Người ta còn nhớ năm 1981, đức cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã bị mưu sát cũng ở công trường thánh Phêrô này, thế nhưng vị tân Giáo Hoàng Phanxicô xem ra đã không nghĩ gì đến sự kiện ấy. Thay vào đó, ngài luôn mỉm cười và vẫy tay đáp lễ những lời chào mừng, những âm thanh reo hò nồng nhiệt của đám đông. Ngài hôn các em bé và dừng lại nói chuyện, rồi ban phép lành cho một bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
Một công dân Argentina, Cirigliano Valetin hiện làm việc ở Ý, đã xin nghỉ việc một ngày để về Roma tham dự lễ tấn phong của vị Chủ Chăn đồng hương. Anh phát biểu: “Giáo Hoàng này là một người đơn giản và khiêm tốn. Ngài không xa lạ như một vài vị tiền nhiệm. Ngài tỏ ra là một người mà những người bình thường có thể dang tay ra”.

Quan khách, yếu nhân
Phái đoàn tôn giáo: 132 quốc gia đã gửi đại diện chính thức và trên 30 tổ chức tôn giáo cũng gửi phái đoàn riêng của mình đến chứng kiến biến cố lịch sử này. Trong số đó, người ta nhận thấy có giáo hội Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo; đặc biệt tiêu biểu mạnh mẽ nhất là đức Thượng Phụ Bartolomeus đệ nhất của Chính Thống Giáo. Đây là lần đầu tiên mà một vị Giáo Chủ của Chính Thống Giáo trên thế giới đã tham dự lễ đăng quang của một Giáo Hoàng Công Giáo kể từ khi Giáo Hội La Mã bị phân rẽ thành một Giáo Hội Phương Đông và một Giáo Hội Phương Tây vào năm 1054.
Bị cấm xuất ngoại: Trong số khách đến tham dự, đặc biệt có Tổng Thống Robert Mugabe của đất nước Zimbabwe, Phi Châu. Tổng Thống Mugabe từ năm 2002 đã bị nghiêm cấm du hành ở Âu Châu vì nguyên nhân đương sự bị cáo buộc về những hành động vi phạm nhân quyền. Thế nhưng Vatican, nhìn từ phía kỹ thuật (đường lối), vốn không thuộc về Liên Hiệp Âu Châu (EU), nhờ đó ông ta đã có thể tránh khỏi lệnh cấm ấy. Vatican nêu rõ là họ không mời quan khách trong những trường hợp tương tự hôm nay, nhưng luôn luôn mở rộng cánh cửa đón mừng tất cả những người đến thăm viếng từ tất cả quốc gia.
Trong số những yếu nhân vào hạng cao cấp nhất là nữ Tổng Thống Cristina Fernández cùng quê hương Argentina với đức Giáo Hoàng, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, nữ Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel. Thêm vào đó, 6 nước, điển hình như Bỉ và Monaco, đã cử nguyên thủ quốc gia làm đại diện.
150 vị Hồng Y đã đồng tế thánh lễ với đức tân Giáo Hoàng Phanxicô. Các nghi thức tấn phong, nhận xét tổng quát, đã diễn ra đơn giản về hầu hết phương diện so với nghi lễ đăng quang của vị tiền nhiệm, đức Benedict XVI, bởi chủ yếu là do sự mong muốn của chính đức tân Giáo Hoàng.
Rắc rối về chính trị: Nhân đây, tưởng cũng cần nhắc lại việc đức tân Giáo Hoàng hôm Thứ Hai vừa rồi, đã “được” hưởng một sự nếm mùi đắng cay của tiết mục chính trị phức tạp. Đó là việc bà Cristina Fernandez, Tổng Thống của Argentina, quê hương của đức Giáo Hoàng, đã xin ngài góp phần vào việc giải quyết cuộc xung đột giữa vương quốc Anh và Á Căn Đình về các hòn đảo Falkland. Ngược lại, Thủ Tướng Anh, David Cameron cũng đã phàn nàn việc đức Giáo Hàng vào năm 2010 đã xác định lập trường của ngài đối với vấn đề này xuyên qua câu tuyên bố rằng các đảo ấy là “của chúng tôi”, một quan điểm mà đại đa số người dân Argentina đồng thuận.

Đức Giáo Hoàng chọn huy hiệu
Thứ Hai, tòa thánh Vatican đã phổ biến huy hiệu và khẩu hiệu của tân Giáo Hoàng. Thay vì làm những thứ mới, ngài vẫn giữ lại các biểu tượng của ngài từ thời làm Tổng Giám Mục ở quê nhà.
Khẩu hiệu này thích hợp với vị Tổng Giám Mục vốn đã vẫn thường đi xe buýt sau giờ làm việc và cư ngụ trong một căn hộ tầm thường: “Miserando atque eligendo” (tạm dịch sang Việt ngữ: “Thảm thương tuy thế vẫn được chọn lựa”.
Thế nhưng, huy hiệu lại không hẳn đơn giản. Nội dung bao hàm ý nghĩa biểu tượng hơn cả. Chính yếu là sự biểu tượng của các tu sĩ dòng Tên (Jesuite), gồm 3 mẫu tự JHS (Jesus Homo Salvato = Jesus là đấng Cứu Chuộc) và 3 cái đinh (nhắc nhở việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá).
Thêm vào đó, huy hiệu còn có một ngôi sao và một nhánh cây tam tùng (nard). Ngôi sao là biểu thị Đức Mẹ Maria và nhánh cây này thường tượng trưng thánh Giuse.
Riêng cái khiên thì được vây quanh bằng 2 chiếc chìa khóa và một chiếc mũ Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho những người yếu kém nhất
Trong thánh lễ tấn phong ở thánh đường thánh Phêrô, đức tân Giáo Hoàng đã tuyên bố qua bài giảng của ngài rằng một Giáo Hoàng phải nỗ lực bao hàm toàn thể thế giới bằng tình yêu thương của mình. Ngài xin toàn thể nhân loại bảo vệ môi trường và hoạt động cho những người yếu kém nhất trong chúng ta. Ngài nhấn mạnh bổ túc: “Đặc biệt hơn cả là những người nghèo. Phải, chính họ mà một số người vẫn xem họ là những kẻ kém quan trọng”.
Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã hứa trở nên một “Giáo Hoàng khiêm nhượng, thực tế và trung tín”. Bài giảng của ngài chứa đựng những đặc điểm minh bạch bởi sự ảnh hưởng từ một vị thánh khiêm nhượng hơn cả trong các vị thánh: Phanxicô Savie (Francis of Assisi).
Ngài phát biểu tiếp theo: “Tôi muốn xin mọi người vốn đang mang trách nhiệm trong cuộc sống kinh tế, chính trị và xã hội, hãy cùng đồng lòng phủ nhận những sự đe dọa về những sự tàn phá và chết chóc. Tôi hằng rất ao ước họ hãy cùng tham gia vào việc hợp tác cho sự tiến bộ trong thế giới này”.
Cũng trong ngày Thứ Ba, đức tân Giáo Hoàng đã quì bên mộ thánh Phêrô. Ngài cầu nguyện được sức mạnh cho các việc làm mà nay ngài thể hiện trong chức vị đấng kế vị thánh Phêrô để điều khiến Hội Thánh.

Một Giáo Hội của người nghèo
Trong buổi họp báo đầu tiên ở Vatican của tân Giáo Hoàng Phanxicô I, vào lúc 11 giờ (giờ địa phương) Thứ Bảy tuần rồi. Có hàng mấy trăm ký giả từ khắp thế giới đã tham dự.
Đức tân Giáo Hoàng đã thỉnh thoảng đọc thẳng từ một bản thảo viết trước nhưng đôi khi cũng ứng khẩu. Nhiều lần ngài đã tạo cho những người hiện diện bật cười vui vẻ và được những dịp vỗ tay tán thưởng. Nhân buổi gặp gỡ giới truyền thông này, ngài xác quyết: “Tôi muốn có một Giáo Hội nghèo khó và một Giáo Hội của người nghèo”.
Thêm vào đó, ngài cũng đã giải thích tại sao ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô. Theo ngài, đó là bởi ngài đã lãnh nhận được nguồn cảm hứng từ một đồng vị Ba Tây. Vị này, sau khi có kết quả tuyển cử của Hội Đồng Hồng Y, đã ôm lấy ngài đồng thời thầm thĩ: “Xin đừng quên những người nghèo!”.
Lời của đức tân Giáo Hoàng: “Thánh Phanxicô thành Assisi đã là một người của sự nghèo khổ và của hòa bình. Vậy thì làm sao tôi lại không muốn có một Giáo Hội của những người nghèo”.
Ngài kêu gọi các ký giả hiện diện hãy hiểu biết về Giáo Hội với cả “những nhân đức lẫn tội lỗi” của Giáo Hội - đồng thời chia sẻ sự tập trung của Giáo Hội vào những sự “Chân - Thiện - Mỹ”.
Sau buổi họp báo, những người thuộc Giáo Hội lẫn các ký giả đều được dịp trực tiếp bắt tay chào đức Giáo Hoàng. Một vài người đã mang theo những món quà nhỏ để tặng ngài, chẳng hạn một chiếc Ipad, một tấm ảnh trong khung kính hay một cây nến...

Sẽ thăm vị tiền nhiệm
Tòa thánh Vatican cho biết đức tân Giáo Hoàng Phanxicô sau ngày đăng quang sẽ gặp gỡ vị tiền nhiệm, đức Benedict XVI vào Thứ Bảy tuần này, tại Castel Gandolfo, ở bên ngoài Roma; nơi đây vốn là nhà nghỉ ngơi vào mùa Hè của Giáo Hoàng.
Đức Benedict XVI từ nhiệm ngày 28-02-2013, vì thế ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã thoái vị trong vòng 600 năm nay.

Viết nên lịch sử
Tổng Giám Mục Argentina, Jorge Mario Bergoglio (76) - ngài đã lãnh nhận danh hiệu Giáo Hoàng Phanxicô - đã viết nên lịch sử khi ngài trở thành Giáo Hoàng Châu Mỹ Latin đầu tiên, nơi đại diện cho 40 phần trăm của toàn thể tín hữu Công Giáo trên thế giới. Trong bài diễn văn đầu tiên đọc ở ban-công của nhà thờ thánh Phêrô, ngài đã mô tả thời gian tới đây là một cuộc hành trình trong tình bằng hữu, trong tình thương yêu, trong niềm tín cẩn và trong đức tin.
Hôm qua Thứ Ba, đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã được chính thức tấn phong làm Chủ Chăn của 1.2 tỉ người Công Giáo. Trong bài giảng của thánh lễ, ngài kêu gọi bảo vệ những người yếu đuối nhất. Đó chính là những người bần cùng giữa chúng ta.
Đức tân Giáo Hoàng vẫn được mô tả là một người đã quen sống đơn giản. Ngài chống lại việc phá thai và hôn nhân đồng tính, nhưng đồng thời ngài cũng được mô tả là một người khiêm tốn, một “jesuite” vốn là phát ngôn viên của những người nghèo.
Các nghi thức đăng quang đã xong và nay những ngày làm việc chờ đợi đức Giáo Hoàng Phanxicô, có thể trở nên nặng nề, khó khăn. Đây là thời gian mà Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục phải đối diện với những thử thách lớn lao, đang cần những việc tái sắp đặt khẩn thiết và “dọn dẹp” hầu xứng đáng trở thành một tổ chức thánh thiện của Đức Giêsu Kitô ở trần thế này... - (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT