Văn Nghệ

Trụ, Thở, Đi: 20 Năm Gom, Phóng Chữ Nghĩa Việt Ngoại Biên

Sunday, 02/01/2022 - 04:56:15

Trụ một cái, 20 năm. Thở một hơi, 20 năm. Đi một lần, 20 năm. Mà 20 năm Gió O bằng 60 năm cuộc đời là bởi vì...

Trụ, Thở, Đi:

20 Năm Gom, Phóng Chữ Nghĩa Việt Ngoại Biên
Trangđài Glassey-Trầnguyễn


 

LGT: Đây là bài nhận định được tác giả trình bày, trình diễn tại chương trình “20 Năm Nắn Net" kỷ niệm 20 thành lập trang mạng gio-o.com tại Đại học UC Berkeley.

 

1. Trụ



Xin trân trọng kính chào quý vị.

 

Kính thưa với quý vị, rất nhiều quý vị đã lặn lội đường xá xa xôi để tụ hội về đây hôm nay. Điều đó cho thấy quý vị rất hết lòng với Gió O. Tôi cũng bế chồng bồng con, lái xe đò nhà (chứ không được đi xe đò Hoàng như nhiều vị), lặn lội dặm trường, bỏ quê ở dưới Quận Cam mà lên đây, để được hân hạnh gặp gỡ quý vị trong ngày kỷ niệm Gió O thổi trên Net được 20 năm. Hai năm nay bị con Cồ Cồ nó phá, ai cũng khổ hết. Cho nên trong mười phút tới đây, chúng ta cùng chơi với nhau ba trò chơi cho vui cửa vui nhà. Quí vị có chịu chơi không? Chịu há! Phải rồi, ai tới với Gió O thì cũng đều chịu chơi hết! Vậy chúng ta cùng chơi!

 

Trước hết, tôi xin đố quý vị, Gió thường đi với gì? Và cũng xin nói rõ: đố vui này không có thưởng. Phần thưởng chính là câu trả lời của quý vị. Vậy, gió thường đi với cái gì? Có người nói gió tai họa, gió dông bão. Đúng rồi, miền Trung và miền Nam nước Mỹ vừa bị một cơn gió lốc tàn phá, thiệt hại nặng nề ngày 11 tháng này. Gió còn đi với gì nữa? Đi mây về gió. Mưa gió. “Mây ngàn gió núi đọng trên mi” như trong bài hát “Mộng Dưới Hoa,” nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng. Nắng gió. Mây gió. Phải rồi. Gió hay đi với mây và nắng, mà nói đến hai thứ này nhà văn Mai Thảo xúi chúng ta:

 

chế lấy mây và gây lấy nắng

chế lấy, đừng vay mượn đất trời

 

Tôi chưa hề được gặp Nhà văn Mai Thảo. Chỉ được nghe và xem một vài phát biểu của ông trong các sinh hoạt văn nghệ qua youtube. Nhưng nếu có chút quen biết với ông, tôi sẽ đem hai câu thơ này ra để ghẹo ông và nói, “Mây với nắng gì! Xưa rồi Thảo ơi!” Và tôi nghĩ, ông cũng sẽ cười hiền khô, theo cái cách rất nhẹ nhàng của ông. Rồi tôi sẽ kèm thêm một câu, “Nhưng mà, chữ của Thảo, càng xưa càng  hay!”

 

Gió O treo ngay đầu cổng hai câu thơ này của Mai Thảo, trích từ bài thơ “Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại,” nhưng quý vị có bao giờ thắc mắc: Trang Gió, mà bảng phong thần chỉ thấy mây và nắng? Không thấy gió mái gì cả! Vậy thì có phải Gió hay đi với mây và nắng không? Hay là nếu ta “chế lấy mây, gây lấy nắng,” thì Gió sẽ đến chăng? Khó hiểu quá phải không quý vị! Chắc phải nhờ O Huệ giải thích mới được! Gió O thổi được 20 năm, thì tôi may mắn được tham gia trong nửa đoạn đường đó. Gió trên trời thì hay thổi lung tung, nhưng Gió O thì có một chỗ trụ rất vững. Quý vị có biết chỗ trụ đó là gì không? Bây giờ xin quý vị thiền định trong ba mươi giây, và câu trả lời sẽ đến với chúng ta. Trước giờ, có thiền hành, là vừa đi vừa thiền; thiền toạ, là ngồi thiền. Hôm nay, chúng ta đặc biệt, có thiền Gió - chỉ có tại chương 20 Năm Gió O mà thôi. Khi thiền thì người ta hay ngâm chữ “Om,” nhưng thiền Gió thì chúng ta nói “Ooooooooooooo.” Quý vị nhớ phải ngâm “ooooo" liên tục chứ nếu quý vị ngưng thì Trangđài cũng sẽ ngưng theo đó! Xin bắt đầu. “Oooooooooooooooo…” (Tác giả bắt đầu đọc với giọng phim kiếm hiệp; mọi người cùng ngâm chữ “oooooo.”)

 

 Tác giả trong chương trình “20 Năm Nắn Net"

 

Tục truyền rằng hai trăm bốn chục con trăng trước, có một nữ quái nhân lập am thờ chữ ở San Jose, thuộc vùng Bắc California, gọi là trang Gió O. Một mình nữ quái vào ra ngang dọc, vượt tường lửa, trị hacker, cực khổ đủ điều, nhưng đam mê vô bờ bến, coi chữ lựa ảnh với tiêu chuẩn không nhượng bộ. Cũng vào thời đó, ở miền Berkeley lân cận, có một cô Rùa thần ẩn dật mài gươm, tên Nguyễn Vũ Khuyên. Cô Rùa chỉ thi thoảng xuất hiện dù có tài kinh bang tế thế và thường được giới mộ điệu tìm đến tư vấn và thảo luận.

Truyền thuyết kể rằng, nữ quái nhân này, qua sự giới thiệu của nhà biên dịch Ngô Bắc, đã gặp gỡ và kết nghĩa với cô Rùa. Từ đó, hai nữ quái tương tri tương ngộ, tri âm tri kỷ, làm nhiều chuyện chữ nghĩa kinh động trên mạng. Hai nữ quái này trụ trì ở miền Bắc California nhưng cũng hay phóng gió đi chơi khắp nơi với nhau, nhờ cỗ xe ngựa sắt Lexus 350 EX của nhà chụp ảnh NÁT TAN (Ghi chú: NAT đã tự giới thiệu như thế trong lần đầu gặp tôi tại Quận Cam năm 2016).

 

Mỗi dịp Xuân về, O Gió lại gặp cô Rùa để lấy câu đối, treo cho Gió thổi bay đi bốn phương mười hướng. Mỗi khi kỷ niệm những dịp trọng đại, cô Rùa lại rút gươm thần, chữ nghĩa trêu người lại rơi lả tả trên net. Rồi Gió lại phóng chữ đi lung tung khắp xứ.

 

Quý vị "thiền Gió" hay quá! Xin cám ơn quý vị! À, hoá ra, Gió thích đi với Rùa. Cho nên thế gian cứ nghĩ, nhanh như gió là không đúng. Có lúc, cứ từ từ chậm chậm mới là diệu kế! Mà nhờ cái chậm rãi diệu vợi nên Gió O đã trụ được trên cái mạng internet này đến hai mươi năm. Hồi tháng bảy, gặp nhau ở Cafe Mimosa vùng duyên hải San Clemente, cô Rùa có nói, “Tụi mình còn trẻ lắm Trangđài à! Con đường phải đi còn dài lắm!” Tôi thì đã rỉ tai chồng cả năm nay là chỉ cần chờ bảy năm nữa thôi, vợ anh sẽ là senior rồi, có thể dọn vô khu 55+ mà ở! Nhưng nghe O Rùa nói thì tôi an tâm, vì O Rùa nói như vậy thì Gió O sẽ còn tiếp tục trụ trên net thêm vài lần hai mươi nữa. Bởi vì, hai mươi năm chỉ là một sự bắt đầu! Mà có nhiều loài rùa sống tới 150 năm! Hy vọng Rùa Khuyên cũng thọ cỡ đó để giúp trụ Gió!

 2. Thở



Bây giờ, chúng ta đi vào trò chơi thứ hai. Có Gió thì có hơi. Có hơi thì phải thở. Đại dịch COVID đã cho chúng ta thấy rõ hơn bao giờ hết, hơi thở vô cùng quan trọng. Có mang máy trợ thở mà phổi không làm việc thì cũng chịu! Tạ ơn Trời hôm nay tất cả chúng ta được gặp nhau ở đây. Xin mọi người nhắm mắt, cùng thở với nhau một cái thật sâu. Xin quý vị hít vào, xin cùng thở ra.

 

Kính thưa quý vị, thở trên mạng thì bây giờ ai cũng thở. Thở ngàn kiểu trăm kiểu vạn kiểu. Thở một cái là thành viral, đi spiral, triệu triệu like. Thở kiểu đó thì khỏi bàn. Ai cũng biết rồi. Thở kiểu Gió thì phải bàn. Mà thở một hơi dài 20 năm thì phải bàn, coi thở làm sao! Trong phần này, xin quý vị giúp tôi trắc lưỡi, hoặc búng tay, hoặc cả hai, tuỳ quý vị chọn. Chúng ta sẽ theo nhịp bốn, cặp hai: 1 2 và 3 4, và đảo phách. Xin quý vị vào nhịp, và có thể lắc lư theo điệu đồng dao. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt giúp chúng ta giữ nhịp bằng song lang.

 

Nguyễn Đức Đạt gõ song lang, Trangđài gõ phách tre trong bài "Đồng dao Gió"

 

Nguyễn Đức Đạt: Song lang hả? Sao sướng vậy?

Tác giả: Sướng chứ! Đến với Gió O là phải sướng rồi! OK, bạn già, anh Đạt giữ nhịp dùm em nghe!

 

Xin quý vị nhớ theo nhịp của anh Đạt, đừng theo nhịp của Trangđài, vì Trangđài đi phách ngược. Chúng ta bắt đầu:

 

ĐỒNG DAO GIÓ

nắn na mà nắn nét

gió ru rà gió thét

diết da rồi thắm thiết

chế mây cùng nắng siết

khúc kha và khúc khích

gió ru đùa gió kết

nhớ nhung lùa tha thiết

có thương rày có ghét

thích vui và thích hét

rất oai còn lí lét

tốc bay ngàn ngóc nghét

phóng thay người trong két

Dó Oi giờ Dó Net

trót hai chục Gió Tết

Hết!

 

Xin cám ơn quý vị. Em cám ơn anh Đạt. Để em đưa anh Đạt về chỗ. Hôm nay, chúng ta ở đây, cùng nhau thở như Gió! Mà thở đảo phách là thở gió ngược, nên thở ít thôi, thở nhiều sẽ rất mệt! Mong là trong những tháng năm tới, chúng ta sẽ còn có nhiều dịp cùng giữ chung nhịp thở văn chương Việt ở xứ người, bởi vì không có độc giả và cộng tác viên như quý vị, thì không có sân chơi Gió O. Rõ ràng, là từ “15 Năm Dó Oi,” nhờ có quý vị cùng “thở,” nên hôm nay lại có 20 Năm Nắn Net, mà tôi xin gọi tắt là “20 Năm Dó Net” vậy.

 3. Đi



Bây giờ chúng ta đi vào trò chơi cuối cùng, đó là một cuộc thử nghiệm. Huệ ơi, lên em nói này nghe! Mau lên chút chứ sao Gió chi mà cứ như Rùa rứa! Bi chừ em nói chi thì chị làm đúng như rứa hỉ!

 

Đi dịu dàng thướt tha

Đi từ từ thong thả

Đi chậm chạp vất vả

Đi hùng dũng oai phong

Đi như GIÓ!

 

O Gió mà kêu “Đi như Gió!” lại đứng yên một chỗ. Thiệt là! Em mời Huệ về chỗ. Cám ơn Huệ. Con gái nhà ai mà đi đứng khó coi ghê! Chắc nãy giờ quý vị thắc mắc không hiểu tôi thử nghiệm cái gì. Kính thưa quý vị, tôi nhờ O diễn tả những cách đi như trên là vì gần ba chục năm trước, tôi là cô giáo nhí mười mí tuổi, đi dạy Việt Ngữ chiều thứ bảy ở trường Westminster tại Quận Cam. Có một lần, tôi được giao dạy lớp Đặc Biệt, dành cho những sinh viên đại học đi học Việt ngữ lần đầu. Trò lớn tuổi hơn cô. Cô giáo ít kinh nghiệm. Học trò ít chữ Việt. Cho nên, để giải thích những từ hơi rắc rối, tôi phải dùng tứ chi để minh hoạ. Hôm nay nhờ O làm thử coi O viết giỏi mà diễn tả có giỏi không. Quý vị thấy O Huệ diễn xuất có đạt không? (Khán giả vỗ tay khen O Huệ). Wow, Huệ có nhiều fans hâm mộ quá! Tôi thì thấy, O Huệ đã chọn đúng sở trường, đó là viết lách. Đi làm diễn viên thì ngoại hình rất tốt, nhưng phần diễn xuất cần phải tập luyện thêm nhiều (mọi người cười)!

 

Tại sao lại có cuộc thử nghiệm này? Hai ngàn không trăm hai mươi mốt. Cái năm mà Gió O đi vào năm thứ 21. Những cây bút, những độc giả thuần thạo tiếng Việt đã dần di cư về miền cát bụi. Đi, về cũng một nghĩa như nhau. Sau bốn mươi bảy năm ở hải ngoại, nhiều chữ nghĩa vời vợi của tiếng Việt đã rơi rụng. Rồi cũng có lúc, tôi và quý vị cũng sẽ đi về miền miên viễn. Còn văn chương Việt ngoại biên thì sao? Thế hệ tiếp nối vẫn thương và giữ tiếng Việt còn được bao nhiêu? Thế hệ ngoại biên rành và mếch tiếng Việt có bao nhiêu người? Chắc chắn có trường hợp ngoại lệ, nhưng chúng ta biết, không có nhiều. Bao nhiêu bạn trẻ sẽ đi ngược dòng để dám chọn sáng tác bằng Việt ngữ thay vì bằng Anh ngữ, hay một ngôn ngữ chính nơi họ sinh sống? Khi những người cầm bút trẻ - vốn đã ít - chọn giữa tiếng Việt và tiếng địa phương, thì chọn lựa đó không chỉ là chuyện phát triển nghề nghiệp và tương lai cá nhân, mà nó còn là chuyện sống còn của một nền văn chương Việt Nam hải ngoại, chưa nói đến những khó khăn ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ vì họ sinh trưởng tại hải ngoại.

 

 O Huệ đang "Đi như Gió"

 

Khi nhìn về 20 năm tới, tôi muốn hỏi: Gió O sẽ đi như thế nào, và đi tới đích điểm nào? Vài ba cụm từ thì có thể dùng tứ chi để diễn tả (mà nhiều khi còn không xong), nhưng những tinh hoa uyên bác của văn Việt, của chữ Việt, của lịch sử Việt, thì làm sao để truyền tải đến những thế hệ tương lai? Làm sao để chúng ta đi tìm nhịp cầu nối cho hai mươi, bốn mươi, sáu mươi, một trăm năm tới? Làm sao để chúng ta tạo ra một từ trường đủ mạnh để quyến rũ những thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại, mà tôi hay gọi là thế hệ ngoại biên, để kéo họ về với môi trường sáng tác tiếng Việt, để họ dám chấp nhận những thử thách khó khăn không chỉ trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, mà trong vấn đề sinh tồn cá nhân trên văn đàn thế giới? Ý thức và chọn lựa sử dụng tiếng Việt của các bạn trẻ cần sự vun xén của mỗi người chúng ta. Tôi xin lập lại: Ý thức và chọn lựa sử dụng tiếng Việt của các bạn trẻ cần sự vun xén của mỗi người chúng ta.

 

Năm 2014, tôi được mời hướng dẫn một khoá viết, mà tôi gọi là “The Write Stuff,” một dạng Writers' Workshop, cho lớp Tiếng Việt tại trường Trung Học Westminster tại Quận Cam. Trước hết, tôi cho các em tự đánh giá khả năng tiếng Việt của mình, từ “Siêu việt!”, “Thông thạo,” “Khá tốt,” “Trung bình,” “Căn bản,” đến “Sơ sài.” Kế đến, các em được hỏi sẽ chọn công việc nào, một là viết 800 chữ, nhuận bút $500; hoặc là viết 1,200 chữ, nhuận bút $50. Dĩ nhiên là các em đều chọn số một. Sau đó, tôi cho biết, công việc số một là viết tiếng Anh và phải viết theo chủ đề được giao, số hai là viết tiếng Việt và có quyền viết theo cảm hứng của mình. Vậy thì, khi biết thêm về đề tài và ngôn ngữ cho mỗi công việc, các em có thay đổi quyết định của mình không? Tại sao? Đa số nói không, vì lý do các em phải đi làm để giúp cho kinh tế của gia đình, viết nhiều mà lương ít thì… hơi khó sống. Một vài em thay đổi quyết định vì các em mới qua Mỹ nên chưa biết tiếng Anh, chỉ có thể viết tiếng Việt. Có em còn cắc cớ hỏi ngược lại tôi, “Có việc nào viết tiếng Việt 800 chữ được trả $1,000 đô không Cô?” Tôi cũng muốn trả lời chắc nịch “Có!” với em, nhưng thực tế không như vậy.

 

Đối với những người cầm bút ở hải ngoại, việc nhận nhuận bút hình như rất hiếm hoi, chỉ trừ một số cộng tác viên thường xuyên của một vài tờ báo. Đa số chúng ta viết vì chúng ta yêu tiếng Việt, vì chúng ta còn say đắm với tình quê và hương quê, vì chúng ta còn nhiều trăn trở và hoài bão. Và như những sinh hoạt khác trong cộng đồng Việt hải ngoại, những người cầm bút luôn phải ưu tiên thời gian, tài chánh, và năng lực cho công việc sáng tác bằng Việt ngữ. Chúng ta sáng tác bằng chữ, bằng màu, hay bằng nhạc, là vì chúng ta muốn giữ nhựa cho cây Đại Việt, giữ lửa cho bếp Lạc Hồng. Nếu sáng tác, sáng tạo ở bình diện cá nhân đã là một ý thức đóng góp và chọn lựa hy sinh ở nhiều mặt, thì ở bình diện diễn đàn hay những trang mạng văn chương, nghệ thuật, chọn lựa này còn khốc liệt hơn cả chục, cả trăm lần. Nếu bạn sáng tác, mà hôm nào bận công ăn việc làm, hay có việc nhà, bạn không có bài mới, thì có thể những độc giả quen thuộc của bạn sẽ nhớ, nhưng trái đất vẫn xoay. Ngày mai bạn lại viết, cũng không sao. Nhưng làm Chủ Biên một trang mạng như Gió O, thì bạn còn gánh vác trách nhiệm đọc, chọn, và đăng bài vở của nhiều cộng tác viên nên nếu bạn ngưng trệ vì bất cứ lý do gì, thì sẽ ảnh hưởng đến cả một cộng thể và sinh hoạt chung.

 Khung trắng, ít giờ trước chương trình.

 20 + 20 + 20 = 60

 

 Trụ, Thở, Đi

 

Gió O là một cuộc chơi chung. 20 năm Gió O, bằng 60 năm cuộc đời rồi, thưa quý vị. Trụ một cái, 20 năm. Thở một hơi, 20 năm. Đi một lần, 20 năm. Mà 20 năm Gió O bằng 60 năm cuộc đời là bởi vì người Chủ Biên cần phải đủ kinh nghiệm sống, đủ can trường, đủ quyết tâm, đủ sáng suốt, đủ sáng tạo, đủ gân guốc để đi trọn con đường mà Gió O đã chọn, là “Đam Mê - Thách Đố - Trí Huệ - Sáng Tạo.” Một nữ quái nhân chân cứng đá mềm đã bền bỉ gầy dựng và duy trì Gió O trong hai thập niên, biến con số 0 thành vô tận, biến khung vẽ trống thành 60 năm cuộc đời. Vậy thì, chúng ta hãy cùng trụ, cùng đi, cùng thở với Gió O thêm vài chục năm nữa. Trụ làm sao cho thấu tâm tư thế hệ tiếp nối. Thở làm sao cho thiên văn liền mạch từ kiếp thuyền nhân đến kiếp ngoại biên. Đi làm sao để năm 2041, còn có dịp gặp lại nhau, ở một nơi nào đó, nơi Gió sẽ thổi những luồng văn Việt mới. Khi đó, tôi mong rằng, tôi sẽ được ngồi ở chỗ của quý vị, để chúng ta cùng lắng nghe những giọt thơ văn vàng son của một thế hệ văn học ngoại biên ngời ngời sáng tạo.

 

Đây là mơ ước, là thách đố của tất cả chúng ta, mà tôi mong và tin là Gió O sẽ có những khai phóng mới để không chỉ là vườn chơi cho hôm nay, mà sẽ là vườn ươm của ngày mai. Mong là chữ nghĩa của chúng ta sẽ còn ở lại, để cùng những thế hệ ngoại biên tiếp tục đi trên hành trình văn chương, nghệ thuật, lịch sử, triết học Việt Nam ở ngoài quê hương.

 

Xin trân trọng cám ơn quý vị đã cùng tôi nhìn lại quá trình “Trụ, Thở, Đi: 20 Năm Gom, Phóng Chữ Nghĩa Việt Ngoại Biên” của Gió O. Xin trân trọng kính chào!

 

 Chủ Biên Lê Thị Huệ và gia đình tác giả







Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT