Bình Luận

Truất phế tổng thống

Saturday, 03/06/2017 - 08:49:05

Quyết định đổi bạn thứ nhì của Trump là Hoa Kỳ đang đồng minh với giáo phái Shia trong chiến tranh Iraq, ông đổi sang đồng minh với giáo phái Sunni.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Quốc Hội Cộng Hòa đang điều tra về những liên hệ giữa tổng thống Donald Trump và người Nga, với hai nhân chứng quan trọng: James Brien Comey Jr., nguyên giám đốc FBI (sở cảnh sát liên bang), và Michael Flynn, nguyên cố vấn An Ninh Quốc Gia.

Ngày mùng 8 tháng Sáu 2017, ông Comey sẽ điều trần công khai trước Thượng Viện để xác nhận điều cáo buộc quan trọng là tổng thống ép ông phải ngưng cuộc điều tra về những viên chức cao cấp trong chính phủ liên hệ với Nga.

Uỷ ban Tình Báo Thượng Viện muốn Comey trình bầy những dữ kiện FBI ghi nhận được về liên hệ giữa bộ tham mưu tranh cử của ứng cử viên Trump và người Nga. Nếu những liên hệ này quan trọng và phạm pháp, Quốc Hội có thể quyết định việc truất phế tổng thống.

Tuy nhiên truất phế tổng thống không bao giờ là việc dễ làm.
Lịch sử Hoa Kỳ chỉ ghi nhận có 3 trường hợp Quốc Hội thành công trong việc truất phế tổng thống, tuy nhiên chưa vị tổng thống nào phải ra khỏi Bạch Cung vì bị truất phế: hai ông Andrew Johnson và Bill Clinton chỉ bị Hạ Viện truất phế, nhưng lại được Thượng Viện tha bổng; người thứ ba -ông Richard Nixon- tự ý từ chức trước khi Hạ Viện kịp biểu quyết.


Câu hỏi đang được truyền thông nêu lên là số phận tổng thống Trump sẽ giống như trường hợp Nixon, hay giống trường hợp Clinton; nói cách khác Trump sẽ từ chức như Nixon đã từ chức, hay sẽ được Thượng Viện 'tha Tào', như số phận của Clinton.
Nixon từ chức vì tình trạng 'khủng hoảng hành pháp' do hành động 'nghe lén' của ông tạo ra; tội thông đồng với Nga để đánh tráo kết quả bầu cử mà Trump đang bị cáo buộc, có thể nặng hơn tội nghe lén của Nixon.
Kết quả nhiều cuộc thăm dò quan điểm cử tri cho thấy tỉ lệ những người đòi truất phế Trump đang mỗi ngày một gia tăng, và so sánh với tội nói dối của Clinton, thì tội thông đồng với người Nga để đắc cử (nếu chứng minh được) nặng hơn rất nhiều.

Để so sánh, cần tìm hiểu trường hợp tổng thống Bill Clinton bị truất phế; tháng 11/1995, Clinton bắt đầu tằng tịu với Monica Lewinsky, một thiếu nữ tình nguyện, làm việc không lương trong Bạch Cung; mối tình vụng trộm kéo dài được một năm, và 2 người làm tình với nhau trên chục lần.

Tháng Tư 1996, Lewinsky bị thuyên chuyển qua làm việc tại Ngũ Giác Đài, tại đây cô gặp một thiếu phụ đồng nghiệp -cô Linda Tripp- rồi ngây thơ khoe với Tripp mối tình thơ mộng của cô với tổng thống Clinton. Năm sau -1997- Tripp bắt đầu ghi âm những lời tâm sự của Lewinsky.

Tháng Chạp 1997, Clinton bị cô Paula Jones mướn luật sư kiện về tội xách nhiễu tình dục, và luật sư của cô đòi Lewinsky ra toà làm nhân chứng.




Bill Clinton với Lewinsky với Paula Jones và với Hillary

Tháng Giêng 1998, Lewinsky ký một tờ affidavit phủ nhận là chưa bao giờ cô làm tình với Clinton; 5 ngày sau đó, cô Tripp tìm đến văn phòng công tố viên Kenneth Starr, kể lại chuyện Lewinsky tâm tình với cô.
Ngày 16 tháng Giêng 1998, nhân viên FBI và luật sư của chính phủ bắt Lewinsky đưa đến một phòng trong khách sạn để cật vấn cô, và hứa hẹn quyền 'bất khả truy tố' (immunity) cho cô để cô có thể nhìn nhận cô làm tình với Clinton.

Vài ngày sau mối tình vụng trộm bùng nổ trong dư luận; Clinton tuyên bố "tôi chưa bao giờ làm tình với người đàn bà đó -cô Lewinsky."

Cuối tháng Bẩy 1998, luật sư bênh vực Lewinsky gặp công tố viên Starr dàn xếp tình trạng miễn truy tố cho cả cô và bố mẹ cô, vì Starr hăm sẽ truy tố đến những đấng sinh thành của Lewinsky. Ngày mồng 6 tháng Tám 1998, Lewinsky ra trước một đại bồi thẩm đoàn điều trần, và 11 hôm sau -ngày 8/17/1998 tổng thống Clinton phải điều trần. Ông nhìn nhận là có liên hệ tình dục với Lewinsky.

Trong suốt 4 tiếng đồng hồ điều trần kín, Clinton ngồi trong phòng bản đồ (Map Room) của Bạch Cung, trả lời qua hệ thống truyền hình mạch kín (closed-circuit television) những câu hỏi của thành viên đại bồi thầm đoàn ngồi trong toà liên bang gần đó.

Ông là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ phải điều trần trước một đại bồi thẩm đoàn về hành vi của mình.

Chiều hôm đó, Clinton lên truyền hình xác nhận là ông có liên hệ tình dục với Lewinsky. Chưa đầy một tháng sau, hôm mùng 9 tháng Chín 1998, Starr đệ nạp bản tường trình công tác cho Hạ Viện, kèm theo 18 thùng tài liệu xác nhận nội dung bản tường trình -đưa Hạ Viện đến quyết định truất phế tổng thống, vì Clinton vi phạm 11 tội, trong đó có tội nói dối trong lúc hữu thệ, cản trở công lý, gây ảnh hưởng cho nhân chứng (xúi Lewinsky phủ nhận việc làm tình với ông), lạm dụng quyền lực ... .

Ngày mùng 7 tháng Giêng 1999, Hạ Viện quyết định thực hiện thủ tục truất phế tổng thống Bill Clinton; chủ tịch Tối Cao Pháp Viện William Rehnquist tuyên thệ để trở thành chủ tịch Hội Đồng Xét Xử, và 100 nghị sĩ tuyên thệ để trở thành thành phần xét xử.

Ngày 12 tháng Hai 1999, phiên toà Thượng Viện họp để quyết định xem tổng thống có phạm tội man khai (perjury) hay không, thì 45 nghị sĩ Dân Chủ và 10 nghị sĩ Cộng Hòa biểu quyết 'không phạm'; về tội cản trở công lý, cuộc biểu quyết đưa đến kết quả 50-50.

Tổng thống Clinton được xử trắng án, đưa đến hậu quả là 5 nghị sĩ quyết liệt nhất trong thái độ đòi truất phế ông mất ghế vì mất tín nhiệm của cử tri trong cuộc bầu cử ngay sau đó.

VIỆC TRUẤT PHẾ tổng thống Donald Trump còn trong giai đoạn trứng nước: cả hai nhân chứng quan trọng Comey Jr và Michael Flynn đều chưa điều trần, và tổng thống cũng chưa sử dụng đến hiến quyền của ông là bảo mật: ông có quyền yêu cầu cả 2 nhân chứng không nói về ông.

TÓM LẠI, LỊCH CỬ ĐÃ CHỨNG MINH LÀ truất phế một vị tổng thống là việc tạo ra nhiều hậu quả bất lợi cho Hoa Kỳ, và cũng chưa cuộc vận động truất phế nào thành công.

Tuy nhiên, đem so sánh cái 'tội' ăn vụng của Clinton với những quyết định mang đến nhiều hậu quả khiếp đảm của Trump thì quả Trump đáng bị truất phế.

Chỉ đơn cử hai quyết định ngoại giao 'giầu đổi bạn, sang đổi vợ' tổng thống mới làm, cũng đủ thấy sợ về những hậu quả sắp đến.

Ông 'đổi bạn' -không bạn, không bầu với Liên Âu nữa mà ôm cầm sang thuyền khác, thuyền Nga. Liên Âu gồm 28 quốc gia Âu Châu với một quốc gia thứ 29 -Montenegro- đang xin gia nhập. Nước này rất nhỏ với 650,000 dân, trong số đó có đến 80,000 người gốc Nga, và một quân đội với 2,000 quân nhân.
Trong dịp đến Âu Châu tham dự phiên họp của những thành viên Hiệp Ước Liên Phòng Bắc Âu NATO, tổng thống Donald Trump đã nêu lên câu hỏi, "NATO cần Montenegro, hay Montenegro cần NATO?" Dĩ nhiên Montenegro cần NOTO, họ xin gia nhập NATO là để hưởng thế mạnh của cái bó đũa đã sẵn mạnh đến 28 thành viên, hy vọng cái thế mạnh đó sẽ giúp họ không bị Nga nuốt sống, như Nga đã nuốt sống Crimea của Ukraine.

Từ điểm đó, Trump đòi các nước không chi tiêu đủ 2% GDP (tổng sản lượng quốc gia) vào việc quốc phòng, phải trả nợ cho Mỹ, vì Mỹ đã tốn kém đến 3% GDP để tạo ra thế mạnh quân sự mà NATO nhờ cậy.
Với lập luận này, Trump có quyền nhắm mắt trước việc Nga xâm chiếm Montenegro, vì nước nhỏ này không chi tiêu đủ để được quyền bảo vệ.

Quyết định đổi bạn thứ nhì của Trump là Hoa Kỳ đang đồng minh với giáo phái Shia trong chiến tranh Iraq, ông đổi sang đồng minh với giáo phái Sunni.

Quyết định này sắp gây ra cảnh đảo ngược thế thắng bại chiến trường tại Iraq, như Mỹ đã gây ra tại Việt Nam, khi họ bắt tay đồng minh với Trung Cộng, trói tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa lại để giao miền Nam Việt Nam cho Bắc Việt.

Việc Trump đổi đồng minh, và những khó khăn để truất phế ông đang là bận tâm chính trị quan trọng nhất của Hoa Kỳ hiện nay.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT