Bình Luận

Trục xuất vào nghĩa địa

Monday, 09/09/2019 - 05:08:34

Bà luật sư Miriam Aukerman không biện hộ anh Jimmy Aldaoud nữa; bà nói với phóng viên truyền thông, "Không luật pháp nào đúng, khi con người nhân danh pháp luật trục xuất người khác vào nghĩa địa."


NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Bà luật sư Miriam Aukerman không biện hộ anh Jimmy Aldaoud nữa; bà nói với phóng viên truyền thông, "Không luật pháp nào đúng, khi con người nhân danh pháp luật trục xuất người khác vào nghĩa địa."
Anh Jimmy Aldaoud -nguyên là thân chủ của bà- bị trục xuất về Iraq -sinh quán của bố mẹ anh- vùng đất khói lửa mà anh không hề quen một người nào để chào hỏi, không biết một tiếng nào để giao tiếp.
Mẹ anh bồng anh vào lãnh thổ Mỹ năm 1979, và từ ngày đó anh sống tại Michigan trong tình trạng một người mắc bệnh tiểu đường kinh niên và lùng khùng, mất trí, từ ngày lọt lòng mẹ.
Anh chào đời tại Hy Lạp (Greece), và ngày bị trả về Iraq, anh ngủ trên những chiếc băng đá trong phi trường Najaf; anh cũng không có bất cứ một thứ căn cước nào để trình cho cảnh sát Iraq.
Ngày mùng 4 tháng Sáu, 2019, bà Rita Bolis -chị ruột anh Aldaoud- gọi điện thoại báo cho bà Aukerman biết tin anh đã từ trần.
Ngoài hai thiếu phụ đó và cảnh sát di dân ICE, có lẽ không người nào biết sự hiện diện của anh trên mặt quả địa cầu này.


Luật sư Miriam Aukerman (The Rapidian)


Và anh Jimmy Aldaoud (Hình gia đình cung cấp báo chí)

Xác anh được Iraq trả về Michigan, và được chôn hôm thứ Sáu, mùng 6 tháng Chín, 2019; việc anh được vĩnh viễn nằm trong lòng đất Mỹ có thể làm phật lòng tổng thống, mặc dù anh không chủ trương việc đó.
Xác chết không chủ trương việc gì cả, mà cũng không tuân hành bất cứ luật lệ nào.
Luật sư Aukerman nói bà là một luật sư cộng tác với hội ACLU; do đó bà vận động cứu anh Aldaoud, ngày bà chưa tiếp xúc với anh, chưa biết mặt anh.
Năm 2017, tổ chức ACLU - American Civil Liberties Union (hội Nhân Quyền Mỹ) đã kiện đòi hủy bỏ lệnh trục xuất những người Iraq này, vì sinh mạng của họ có thể bị nguy hiểm nếu họ bị trả về nguyên quán của họ; bà Aukerman viết trong một thông báo, "Chúng tôi biết, nếu bị trục xuất, anh Jimmy và những người Iraq đó sẽ không sống được bao lâu. Gia đình ảnh và chúng tôi (hội ACLU) rất đau buồn, vì biết ảnh sẽ chết mà không cứu được ảnh. Điều chúng tôi đang lo sợ là còn bao nhiêu người nữa sẽ chia với ảnh cái số phận buồn thảm -bị trục xuất vào nghĩa địa."

Aldaoud và một số người Iraq bị cảnh sát ICE ruồng bắt và trục xuất về Iraq.
Thẩm phán liên bang Mark Goldsmith đã xử khoan hồng, hoãn lệnh trục xuất họ, nhưng chính phủ chống án, và tòa phá án Hạt Sáu (The Sixth Circuit Court of Appeals) đã hủy bỏ án lệnh của ông vào tháng Chạp năm ngoái.
ACLU vẫn tiếp tục đưa vụ án ra xin tái xét, nhưng ICE bắt được người nào, trục xuất người đó.
Cảnh sát di dân ICE (Immigration and Customs Enforcement) nói họ biết Aldaoud bị bệnh tiểu đường, và đã cho anh thuốc đủ để uống vài tháng, nhưng anh vẫn chết, có thể vì những lý do khác. Anh chỉ là một trong 1,400 người Iraq có tên trong danh sách bị trục xuất.

Tổ chức ACLU của tiểu bang Michigan tiếp tục đưa vụ án ra tòa sau tháng Sáu 2017, khi ICE tổ chức bao vây và bắt sống vài trăm người di dân Iraq; họ yêu cầu tòa cứu xét từng trường hợp một, xem những người bị trục xuất về Iraq có bị chính quyền hiện tại truy tố, tra tấn hoặc giết không.
Một vị thẩm phán liên bang xử là mỗi người Iraq -trước khi bị trục xuất- phải được một thẩm phán di trú xử xem họ có được an toàn trở về nguyên quán hay không. Bản án đó cứu sống vài trăm người.
ICE lại chống án và lại được phép trục xuất hồi tháng Tư năm nay; giờ này ACLU vin vào cái chết của anh Aldaoud để xin tòa tái xét quyết định trục xuất người Iraq. Riêng anh Aldaoud, không những được Iraq gửi xác trả lại Mỹ, mà anh còn được gia đình chôn anh cạnh mộ phần của bà mẹ anh.
Bà Bolis -chị ruột anh- bùi ngùi nói, "Chắc linh hồn nó thỏa mãn lắm, vì từ ngày còn nhỏ nó vốn là đứa trẻ được mẹ cưng chiều (a big-time mamas boy).”
Theo hồ sơ của sở Di Trú thì hiện đang có 49,006 người Iraq di trú sống trên lãnh thổ Mỹ, và 25,710 đứa trẻ gốc Iraq, sinh ra tại Mỹ; tuy nhiên trong cuộc kiểm tra dân số năm 2000 lại có đến gần 90,000 người tự nhận là sinh quán tại Iraq, đang sống tại Mỹ.

Họ có thể là những người đã cộng tác với ông Bush 41 -ông bố- trong cuộc chiến tranh Gulf War kéo dài 6 tháng, từ tháng Tám 1990 đến tháng Hai 1991; hoặc cộng tác với ông Bush 43 -ông con- trong cuộc chiến tranh Iraqi War, khởi đánh từ năm 2003 cho đến năm nay, súng vẫn còn nổ, người vẫn cứ chết, kể cả người Mỹ.
Nói cách khác, giữa người di dân Iraq đang sống tại Mỹ và trên 2 triệu người Mỹ gốc Việt chúng ta cũng có đôi chút tương đồng. Con số chính thức (năm 2017) người gốc Việt đang sống tại Mỹ là 2,104,217 người.
Thấy việc anh Aldaoud chết tại Iraq, tôi nghĩ đến các con tôi, mặc dù sinh trên đất Mỹ, chúng đã là người Mỹ ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, do đó không bao giờ có thể là khách hàng của ICE; tuy nhiên giả thử chúng bị trục xuất về VN, thì dù không chết như anh Aldaoud, nhưng chúng cũng không sống được.
Tôi cũng đồng ý với luật sư Miriam Aukerman là không luật pháp nào đúng, khi con người nhân danh pháp luật trục xuất người khác vào nghĩa địa.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT