Thế Giới

Trump mở đại chiến mậu dịch, đánh thuế thép và nhôm của Canada, Mễ và Âu Châu; cả ba đều trả đũa

Thursday, 31/05/2018 - 09:18:21

Chính phủ Trump tuyên bố đánh thuế 25% trên thép nhập cảng và 10% trên nhôm nhập cảng, có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, theo Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói với các phóng viên vào sáng thứ Năm.


Hàng Mỹ sắp lên giá ở Âu Châu
Trong thời gian tới, hàng hóa sẽ đắt hơn vì hậu quả của cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và thế giới. Sau khi thông báo đánh thuế các món hàng nhập cảng từ Trung Quốc, đến ngày thứ Năm chính phủ Trump bất ngờ tuyên chiến với hai nước láng giềng Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, và với khối đồng minh Liên Hiệp Âu Châu. Mỹ sẽ đánh thuế 25% trên thép nhập cảng và 10% trên nhôm. Ngay sau đó, Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố sẽ đánh thuế các món hàng Mỹ như quần jeans, xe mô tô Harley-Davidson, rượu whiskey, bơ đậu phọng, vân vân. Còn xe bán ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế thép và thuế nhôm. Hình trên chụp tại một tiệm bán hàng jeans tại Miami, Florida, trong ngày chính phủ Trump tuyên chiến mậu dịch với các quốc gia. (Joe Raedle/Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Tổng Thống Trump đã đưa ra mức thuế rất cao đánh vào các sản phẩm thép và nhôm xuất phát từ ba khối quốc gia đối tác thương mại, vừa láng giềng vừa đồng minh, lớn nhất của Mỹ: Canada, Mễ Tây Cơ và Liên Hiệp Âu Châu (EU).
Ngay sau khi chính phủ Trump tuyên bố đánh thuế, cả ba Mễ Tây Cơ, Canada và Liên Hiệp Âu Châu đều thông báo kế hoạch trả đũa riêng của mỗi quốc gia, đánh thuế những sản phẩm nhập cảng từ Hoa Kỳ.

Trong nội bộ đảng Cộng Hòa, nhiều nghị sĩ và dân biểu cũng phẫn nộ, bất an sau khi Tòa Bạch Ốc bất ngờ thông báo kế hoạch đánh thuế các nước đồng minh, thuế 25% đối với thép nhập cảng và 10% đối với nhôm.

Trong mấy tháng qua, các chính khách Cộng Hòa đã tìm cách thuyết phục chính phủ Trump, rằng việc đánh thuế nhập cảng nên nhắm vào Trung Quốc thay vì các quốc gia láng giềng hoặc đồng minh.

Giờ đây các chính trị gia Cộng Hòa đang lên tiếng chống chính sách đánh thuế của Trump. Họ có thể hành động chống lại Trump.
Dân Biểu Paul Ryan, người đang giữ chức Chủ Tịch Hạ Viện, tuyên bố trưa thứ Sáu, “Tôi không đồng ý với quyết định này.” Ông Paul Ryan, Cộng Hòa Wisconsin, đã âm thầm vận động Tổng Thống Trump không nên đánh thuế các quốc gia đồng minh. Ông nói, “Chúng ta có những cách khác hay hơn để giúp giới công nhân Mỹ và giới tiêu thụ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với tổng thống về những cách khác đó.”

Một Nghị Sĩ Cộng Hòa giấu tên đã nói với đài CNN, “Tôi không thích chiến tranh mậu dịch, vì không có ai thắng trong tranh chấp mậu dịch. Tôi rất lo lắng.”
Chính phủ Trump tuyên bố đánh thuế 25% trên thép nhập cảng và 10% trên nhôm nhập cảng, có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, theo Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói với các phóng viên vào sáng thứ Năm.

Trong tháng Ba, ông Trump từng loan báo việc đánh thuế nhôm và thép từ khắp thế giới, nhưng miễn thuế cho một số nước lớn có trao đổi thương mại với Mỹ.
Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ và EU nằm trong số các quốc gia được cho miễn giảm thuế, trong khi Hoa Kỳ thương lượng với các quốc gia này, để giải quyết những nỗi lo ngại của chính phủ về tình trạng sản xuất thép và nhôm trong nước Mỹ. Những cuộc đàm phán đó có hạn chót là ngày thứ Sáu, 1 tháng Sáu.
Quyết định của ông Trump có thể làm cho dân Mỹ phải chịu tình trạng tăng giá của một loạt các sản phẩm dùng hàng ngày. Quyết định này cũng có thể đưa Mỹ vào trong một cuộc tranh chấp mậu dịch trên nhiều mặt trận. Chính phủ Trump đang xúc tiến một cách riêng rẽ việc đánh thuế hàng hóa Trung Quốc.
Tổng Thống Trump đánh thuế thép và nhôm căn cứ theo một luật ban hành năm 1962. Luật này cho tổng thống được quyền tăng thuế hoặc giảm thuế đánh trên những hàng hóa nào được xem là quan trọng đối với nền an ninh quốc gia.

Bộ Trưởng Ross nói với các phóng viên, “Chúng tôi quan niệm rằng nếu không có một nền kinh tế vững mạnh, người ta không thể có được nền an ninh quốc gia vững mạnh.”

Âu Châu đã hứa nhanh chóng trả đũa nếu họ bị trừng phạt về mậu dịch. Khối liên hiệp này cảnh cáo rằng họ có thể nhanh chóng đáp trả bằng mức thuế 25% đánh vào các sản phẩm của Mỹ, như xe gắn máy, quần jean denim, thuốc lá, nước ép trái nam việt quất (cranberry), bơ đậu phộng, vân vân và vân vân.
Trong khi đó, việc loại bỏ các khoản miễn trừ cho Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ có thể gây thêm phức tạp cho những cuộc thương thuyết đang diễn ra trên NAFTA (Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ Châu).

Các cuộc đàm phán của NAFTA là một yếu tố trong việc chính phủ Mỹ quyết định miễn thuế thép và nhôm cho Canada và Mễ Tây Cơ. Nhưng vào ngày thứ Năm, Bộ Trưởng Ross nói rằng những cuộc đàm phán đó “đang làm tốn mất thời gian nhiều hơn chúng tôi mong muốn.
Canada là nước đứng đầu về việc xuất cảng thép sang Hoa Kỳ, tính theo giá trị trong năm ngoái. Mễ Tây Cơ là nước đứng hàng thứ ba, sau Nam Hàn.
Mỹ cũng đang thăm dò khả năng đánh những mức thuế mới trên xe hơi. Trong tuần qua, chính phủ Trump loan báo mở một cuộc điều tra, để xem việc nhập cảng xe có đang gây tổn thương cho nền an ninh quốc gia của Mỹ hay không, đặt nền tảng cho một cuộc chiến tranh mậu dịch khác.
Sự đánh thuế đối với ngành sản xuất xe như vậy có thể làm tổn thương Mễ Tây Cơ, Canada, Đức và Nhật Bản.

Canada trả đũa Mỹ

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, Thủ Tướng Justin Trudeau nói, việc Hoa Kỳ đánh thuế nhập cảng đối với nhôm và thép từ Canada là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận.” Ông Trudeau nói, tuy rất tiếc, nhưng Canada sẽ phải trả đũa quyết định của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Ngoại Trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng, nước này sẽ áp đặt các khoản thuế đối với hàng hóa Hoa Kỳ, với trị giá tổng cộng $16.6 tỷ Mỹ kim, và gọi đây là “biện pháp thương mại mạnh nhất của Canada trong thời hậu chiến, và là hành động hoàn toàn cân xứng với quyết định của Hoa Kỳ.”
Ngoại Trưởng Freeland cũng cho biết, Canada sẽ khởi kiện sắc lệnh thuế của Hoa Kỳ tại WTO và NAFTA.
Theo bà Freeland, các khoản thuế của Canada sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, và sẽ được duy trì cho tới khi Hoa Kỳ tự hủy bỏ các khoản thuế của nước này. Vào thứ Năm, bộ trưởng tài chính các nước G7 đã tề tựu về thành phố Whistler, thuộc bang British Columbia của Canada, để dự định thảo luận về cách giảm bớt tình trạng mất cân bằng thu nhập. Tuy nhiên, các mối lo ngại về thương mại đã khiến Bộ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin trở thành mục tiêu cho các lời than phiền từ các nước đồng minh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT