Thế Giới

Trung Cộng bắt người Đài Loan, dằn mặt nữ tổng thống

Thursday, 14/04/2016 - 10:20:41

Bộ Công An bênh vực cho vụ trục xuất, bằng cách nói rằng một số nghi can trong trong những vụ lừa đảo viễn thông trước đó đã được trả tự do tại Đài Loan, sau khi họ được hồi hương. Văn bản ấy nói, “Vì việc giải quyết riêng rẽ những trường hợp này, nhiều nghi can phạm tội trên mạng điện toán ở Đài Loan đã không bị trừng phạt đúng mức, và những ngân quỹ bị đánh cắp đã không thể được trả lại cho Trung Quốc.”

 
Nữ Dân Biểu Chen Ting-fei đang tiếp xúc báo chí bên ngoài Quốc Hội, tố cáo Trung Cộng đã bắt cóc người Đài Loan từ Kenya. (Getty Images)


BẮC KINH - Một nhóm công dân Đài Loan đã bị trục xuất từ Kenya sang Trung Quốc thay vì về đảo quốc của họ. Chính phủ Trung Quốc loan báo rằng nhóm người này sẽ bị truy tố về tội gian lận viễn thông, mặc dù họ đã được tha bổng bởi một tòa án ở Kenya trong tháng Tư này.

Thông báo của Bắc Kinh đã nâng căng thẳng trong một cuộc chiến ngoại giao và khiến cho Đài Bắc rất nổi giận.
Chính phủ Đài Loan xem việc trục xuất các công dân của họ sang Trung Quốc là một vụ bắt cóc bất hợp pháp. Vụ này cũng đã nêu ra những câu hỏi pháp lý quốc tế, và khiến cho Kenya bị liên lụy trong cuộc tranh chấp chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Các công dân Đài Loan bị dẫn độ đến Bắc Kinh hôm thứ Tư. Họ đội mũ trùm đầu và bị còng tay, sau khi các nhân viên cảnh sát Kenya bắt buộc họ phải lên một chiếc phi cơ. Các nhà lập pháp Đài Loan tố cáo chính phủ Kenya vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp của chính Kenya để xoa dịu Trung Quốc. Đài Loan nói rằng các công dân đã được trắng án, không còn bị cáo buộc dính líu vào một đường dây lừa đảo viễn thông lớn tại Kenya.
Vụ trục xuất cho thấy chính phủ Đài Loan bị hạn chế trong thẩm quyền trên thế giới. Trung Quốc và Kenya không có hiệp ước dẫn độ, nhưng Kenya cũng không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ.

Cơn phẫn nộ tăng lên ở Đài Loan về điều mà các giới chức gọi là “hành động bắt cóc không được phép về mặt pháp lý và thiếu văn minh.” Trong khi đó, Bộ Công An Trung Quốc đưa ra một văn bản nói rằng 32 người Trung Hoa và 45 người Đài Loan, trong đó có 10 người đã bị đưa đến Trung Quốc, “đã tự giới thiệu sai là các nhân viên công lực, để tống tiền những người Trung Hoa lục địa, thông qua những cú điện thoại gọi từ Kenya,” theo Tân Hoa Xã cho biết.

Hãng tin nhà nước này nói rằng nhóm người ấy hoạt động ở Nairobi, thủ đô của Kenya. Họ đã lừa đảo nhiều người trong chín tỉnh ở Hoa Lục, lấy mất hàng triệu nhân dân tệ. Một số nạn nhân đã tự tử vì bị mất những khoản tiền lớn, theo Tân Hoa Xã đưa tin.

Bộ Công An bênh vực cho vụ trục xuất, bằng cách nói rằng một số nghi can trong trong những vụ lừa đảo viễn thông trước đó đã được trả tự do tại Đài Loan, sau khi họ được hồi hương. Văn bản ấy nói, “Vì việc giải quyết riêng rẽ những trường hợp này, nhiều nghi can phạm tội trên mạng điện toán ở Đài Loan đã không bị trừng phạt đúng mức, và những ngân quỹ bị đánh cắp đã không thể được trả lại cho Trung Quốc.”

Bộ Công An nói rằng các giới chức Trung Quốc đã liên lạc với Đài Loan, và sẽ mời các giới chức Đài Loan đến Trung Quốc, để thảo luận về những vụ lừa đảo. Ngay cả khi nỗi tức giận gia tăng, chính phủ Đài Loan dường như hy vọng sẽ có một giải pháp nào đó.

Việc trục xuất các nghi can sang nước thứ ba không là điều bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Julian Ku (Cổ Cử Luân), một giáo sư về luật quốc tế tại Đại Học Hofstra cho biết rằng chiếu theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có quyền truy tố những người bị tình nghi phạm những tội nhắm vào lãnh thổ Trung Quốc,.

Nhưng làm cho vấn đề thêm phức tạp, từ năm 2009 Trung Quốc và Đài Loan đã tuân thủ Hiệp Định Chống Tội Phạm và Tương Trợ Tư Pháp Xuyên Eo Biển của họ. Thỏa thuận này chính thức hóa việc hợp tác tư pháp hình sự, và thiết lập một thủ tục cho mỗi bên, để đôi bên có thể giao trả những công dân trong các vụ án. Trong một vụ lừa vào năm 2011, 14 nghi can người Đài Loan bị trục xuất từ Phi Luật Tân sang Trung Quốc đã được đưa trở về Đài Loan theo thỏa thuận ấy.

Một số chuyên gia nghi ngờ rằng sự thay đổi hiện nay của Bắc Kinh là một lời cảnh cáo dành cho tổng thống tân cử của Đài Loan là bà Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn). Bà sẽ nhậm chức trong tháng Năm. Bà đã cổ võ cho sự thận trọng hơn trong mối giao hảo với Trung Cộng so với vị tổng thống tiền nhiệm.

Ông Ku nói, “Trung Quốc chắc chắn đang tìm cách gởi một thông điệp. Trước khi xảy ra vụ này, Đài Loan thường được Trung Quốc tham khảo ý kiến. Mức độ tín nhiệm từ thỏa thuận ấy dường như đã bị phá vỡ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT