Thế Giới

Trung Cộng cấm mẫu hạm Mỹ ghé Hong Kong

Friday, 29/04/2016 - 10:28:08

Từ nhiều tháng qua, chiếc USS Stennis đã cùng với các chiến hạm hộ tống hoạt động phía tây của Thái Bình Dương, kể cả tại Biển Đông. Vào đầu tháng Tư, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter của Mỹ đã viếng thăm chiếc Stennis, khẳng định Hoa Kỳ sẽ “góp phần làm ổn định lại khu vực” này.

Chính phủ Trung Quốc đã từ chối không cho hàng không mẫu hạm USS Stennis của Hải Quân Mỹ ghé thăm bến cảng Hong Kong. Như vậy hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử này, cùng hết thảy các chiến hạm hộ tống, sẽ phải di chuyển đến nơi khác. tuy nhiên, Hải Quân Hoa Kỳ cho biết một chiến hạm khác, chiếc USS Blue Ridge, đã ghé Hong Kong như dự trù.
Bill Urban, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, cho báo chí hay là “từ trước đến nay ít khi nào việc chiến hạm Mỹ ghé thăm xã giao Hong Kong lại bị từ chối như thế.”
Sáng thứ Sáu chiến hạm USS Blue Ridge đã vào Hong Kong. Hiện nay vẫn chưa có lời giải thích chính thức nào từ Bắc Kinh tại sao họ lại không cho phép chiếc Stennis cặp bến ở Hong Kong.
Từ nhiều tháng qua, chiếc USS Stennis đã cùng với các chiến hạm hộ tống hoạt động phía tây của Thái Bình Dương, kể cả tại Biển Đông. Vào đầu tháng Tư, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter của Mỹ đã viếng thăm chiếc Stennis, khẳng định Hoa Kỳ sẽ “góp phần làm ổn định lại khu vực” này.

Một ông cao niên Mỹ bị Bắc Hàn xử 10 năm tù
Bình Nhưỡng đã kết án một công dân Hoa Kỳ lớn tuổi 10 năm tù khổ sai vì các cáo trạng làm gián điệp và khuynh đảo chính phủ Bắc Hàn. Đây là tù nhân Mỹ thứ nhì trong năm nay bị Bắc Hàn tuyên án nặng nề.
Ông Kim Dong Chul, người Mỹ gốc Đại Hàn, đã bị một phiên tòa ở Bắc Hàn chóng vánh đưa ra bản án hôm thứ Sáu, vào theo đó ông Kim còn bị tố cáo đã “ăn cắp bí mật quốc phòng.” Hiện nay các chi tiết về vụ án này không được tiết lộ.
Trong lần bị đưa ra trước báo chí Bắc Hàn vào tháng Ba, ông Kim bị ép phải “thú nhận có cộng tác với Seoul để do thám Bắc Hàn và lật đổ chế độ.”
Ông Kim bị bắt vào tháng 10 năm 2015 ở thành phố Rason. Cơ quan tình báo quốc gia Nam Hàn có tuyên bố vụ ông Kim không có liên quan gì đến cơ quan này cả. Trước đây không lâu sinh viên Mỹ Otto Warmbier cũng bị Bắc Hàn tuyên án 15 năm tù vi ăn cắp đồ quảng cáo có liên quan đến an ninh tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng.

Trực thăng rơi ở Na Uy, 11 người chết
Có 11 hành khách thiệt mạng và hai người còn mất tích khi một chiếc trực thăng chở nhân viên từ giàn khoan dầu do công ty Statoil điều hành ở duyên hải Na Uy đã rơi gần thị trấn Bergen phía tây. Chiếc trực thăng CHC chở 13 người và phi hành đoàn khi lâm nạn gần Turoey, bên ngoài thị trấn Bergen. Trực thăng đã bay từ giàn khoan Gullaks B bay về đất liền.
Ông John Sjursoe, phắt ngôn viên của toán cấp cứu cho hay họ đã tìm thấy 11 người chết tại nơi xảy ra tai nạn và hai người vẫn còn mất tích. Chiếc máy bay này đã rơi trên mặt đất. Morten Kronen, đại diện cảnh sát Na Uy, nói với báo chí, “Chúng tôi đã tìm kiếm thật kỹ nhưng e là chuyện tệ hại nhất đã xảy ra, hiện nay vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc này.”
Đây là tai nạn phi cơ lớn xảy ra tại một vùng duyên hải của Na Uy từ năm 1997 đến nay. Năm đó, một trực thăng đã lâm nạn trong vùng biển Na Uy làm cho 12 người tử thương.

Ấn Độ yêu cầu Anh trục xuất kẻ trốn nợ cả tỉ đô
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Anh Quốc nên trục xuất và cho dẫn độ ông Vijay Mallya, cựu chủ tịch công ty hàng không Kingfisher Airlines, về Ấn Độ để điều tra lời tố giác ông này rửa tiền. Ông Mallya đã rời Ấn Độ vào tháng Ba năm nay và đang có mặt ở London.
Trong tuần qua, giới chức Ấn Độ đã rút lại passport ngoại giao của ông sau khi một tòa án ra trát lệnh bắt giữ ông. Ông Mallya còn là Dân Biểu của Quốc Hội Ấn Độ. Ông đã bác bỏ mọi cáo trạng, cho mình không làm điều gì sai trái. Nhưng ông đã liên tiếp vắng mặt trong những lần ban điều tra mời ông ra để điều tra về chuyện công ty hàng không Kingfisher Airlines làm nhiều chuyện mờ ám về tài chính và phải tuyên bố phá sản vào năm 2013.
Ông Mallya tuyên bố trên Twitter là ông “phải đi nhiều vì ông là doanh nhân quốc tế” và phủ nhận việc đã bỏ trốn từ Ấn Độ. Bộ Ngoại Giao đã tiếp xúc với chính phủ Anh để nhờ London trục xuất ông Mallya về Ấn Độ, nhưng chưa có hồi âm.

Nga, Trung Quốc đồng ý về Biển Đông và Triều Tiên
Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã gặp gỡ và cùng lên tiếng chống lại ý định can thiệp vào Biển Đông và tình hình của bán đảo Triều Tiên từ bên ngoài. Trong cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh, hai ngoại trưởng Nga và Trung Quốc lên tiếng muốn chống lại áp lực của Hoa Thịnh Đốn cùng với các đồng minh ở vùng Biển Đông và rộng hơn ở Châu Á.
Cả hai ông Sergey Lavroz và Dương Nghị đều chống lại việc Hoa Kỳ định giàn ra loại hỏa tiễn phòng không tối tân ở Nam Hàn, và hai ông kêu gọi “những nước nào không liên quan gì đến chuyện tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông phải đứng bên ngoài.”
Tuy Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Hàn sau vụ thử bom nguyên tử và bắn hỏa tiễn, nhưng hai siêu cường nhất quyết chống lại việc Hoa Kỳ đưa hỏa tiễn THAAD đến Nam Hàn. Trong cuộc họp báo chung, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov nói, “Bên ngoài không được lợi dụng lệnh trừng phạt này để gia tăng sự hiện diện quân sự của họ trên bán đảo Triều Tiên.”

Mỹ không viện trợ Pakistan mua máy bay F-16
Một đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay Mỹ sẽ không còn tài trợ việc bán tám chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan, điều này có nghĩa là Pakistan phải trả hơn $700 triệu Mỹ kim nếu họ muốn tiếp tục mua tám chiếc máy bay này, tức là họ sẽ trả cao gấp hai lần rưỡi nếu như Hoa Kỳ rút lại tài trợ.
Quốc Hội Mỹ đã từ chối vụ tài trợ kinh phí này cho Pakistan vì nhiều Dân Biểu Hoa Kỳ nhận định Pakistan đã không có nhiều cố gắng trong việc trấn áp phiến quân cực đoan Hồi Giáo. Ấn Độ, một lân bang từ lâu không có giao hảo tốt đẹp với Pakistan, cũng đã phản đối vụ bán máy bay F-16 này của Hoa Kỳ.
Pakistan cho là các máy bay này rất cần thiết cho cuộc chiến đấu chống khủng bố nên Hoa Kỳ cần phải giúp đỡ Pakistan. Các quan sát viên cho là Islamabad sẽ không chịu móc tiền túi ra mua máy bay như thế. Lúc đầu theo thỏa thuận đôi bên, Pakistan chỉ trả có $270 triệu, phần còn lại sẽ do Mỹ tài trợ.

Syria đề nghị ngưng chiến, nhưng phớt lờ Aleppo
Syria đã kêu gọi các phe lâm chiến hãy ngưng giao tranh gần Damascus và trong một tỉnh khác, nhưng không nhắc đến chiến trận ác liệt ở Aleppo, nơi mà nhiều thường dân đã tử thương. Liên Hiệp Quốc đã lên án việc các bên đã “không thèm để ý gì đến sinh mạng của người dân Aleppo một cách trắng trợn.”
Quân đội Syria đề nghị ngưng bắn một ngày ở khu Ghouta của Damascus và ba ngày ở tỉnh Latakia. Đã có giao tranh bộc phát mạnh trong hai khu vực nói trên trong những ngày gần đây. Nhưng bản thông báo lại không nhắc đến Aleppo, nơi mà các vụ oanh kích dữ dội của máy bay Nga và Syria đã làm ít nhất 27 người chết trong một bệnh viện.
Các hãng tin của Nga trích lời đại diện phe kháng chiến cho hay lệnh ngưng bắn có tác dụng cả ở Aleppo, nhưng hiện chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận điều này.Thật ra đã có một lệnh ngưng chiến từ tháng Hai năm nay để bắt đầu các bên đàm phán hòa bình, nhưng lệnh này đã hoàn toàn tan biến vì hai bên vẫn giao tranh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT