Thế Giới

Trung Cộng khai trương ngân hàng với tham vọng đánh Mỹ

Saturday, 25/10/2014 - 09:21:16

Số vốn ban đầu của AIIB sẽ là $50 tỷ, phần lớn là từ Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng số vốn này sẽ nhanh chóng tăng lên $100 tỷ. Với số vốn trên, AIIB có quy mô gần bằng hai phần ba quy mô của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với tổng tài sản $165 tỷ.


BẮC KINH - Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu (AIIB) đã chính thức khai trương một cách lặng lẽ thay vì ồn ào như dự định hôm thứ Sáu. Và đây là bước đầu trong tiến trình thực hiện tham vọng thống lãnh thị trường tiền tệ của Bắc Kinh trước sự theo dõi của các cường quốc kinh tế khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trung Cộng thành lập ngân hàng AIIB với tổng số vốn $50 tỷ Mỹ kim, nhằm cạnh tranh với các tổ chức tài chính toàn cầu khác, như Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu.
Số vốn ban đầu của AIIB sẽ là $50 tỷ, phần lớn là từ Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng số vốn này sẽ nhanh chóng tăng lên $100 tỷ. Với số vốn trên, AIIB có quy mô gần bằng hai phần ba quy mô của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với tổng tài sản $165 tỷ.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan một bản tin khá vắn tắt về lễ ký kết thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu. Theo tin đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã gặp đại diện của 21 nước sáng lập vào buổi sáng trong lễ ký kết bản ghi nhớ. Ngân hàng là một tổ chức phát triển liên chính phủ tại Châu Á, có trụ sở tại Bắc Kinh và dự tính sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2015.
Các nước tham gia tổ chức này bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Brunei, Cam Bốt, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Mã Lai Á, Mông Cổ, Miến Điện, Nepal, Oman, Pakistan, Phi Luật Tân, Qatar, Singapore, Tích Lan, Thái Lan và Việt Nam.
Trước đó, Trung Quốc dự tính sẽ công bố về sự thành lập của ngân hàng này bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Bắc Kinh trong tháng 11. Tuy nhiên, sự rút lui vào phút chót của Nam Hàn, Úc và Nam Dương đã khiến Trung Quốc thay đổi thời điểm cũng như cách thức công bố.
Theo nhận xét của mạng tin ngoại giao The Diplomat, sự thiếu vắng của hầu hết các nước lớn trong khu vực, nhất là Nam Hàn, Úc và Indonesia là một thất bại mất mặt cho Trung Quốc. Điều đó cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực không hề nhỏ. Báo chí Bắc Kinh cũng như Tây Phương từ trước đó cũng đã nói về sự vận động hành lang của Mỹ trong việc ngăn chặn các nước khác tham gia vào AIIB.
Trong kế hoạch ban đầu đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc còn nhắm đến cả một số nước Âu Châu và đã âm thầm vận động các nước này cũng như trong khắp khu vực Á Châu. Tuy nhiên, trong thời điểm khởi đầu này, chưa có một nước EU nào tham gia. Nước lớn duy nhất tham gia vào AIIB là Ấn Độ. Đây có thể sẽ là cổ đông lớn thứ hai tại đây, sau Trung Quốc.
Theo tờ Yonhap tại Nam Hàn, thứ Ba vừa qua, Bộ Trưởng Tài Chính Choi Kyung-hwan đã gặp Bộ Trưởng Tài Chính Trung Quốc Lou Jiwei tại Bắc Kinh. AIIB đứng đầu trong chương trình nghị sự của hai bên. Tuy nhiên, Seoul quan tâm về cơ cấu quản trị và sự bảo đảm đồng tiền đầu tư của AIIB.
Úc, trong khi đó, cũng đã bày tỏ quan tâm tương tự như Nam Hàn cho dù chỉ trong tuần trước tờ báo The Australian cho biết: "Úc sắp cùng chính phủ Trung Quốc lập ngân hàng hạ tầng $50 tỷ ". Còn Indonesia từ chối tham gia ở giai đoạn đầu với lý do rằng chính phủ mới thành lập nên chưa có thời gian để xem xét đề nghị của Bắc Kinh.
Cho dù thiếu vắng Canberra và Seoul, AIIB vẫn đã được khai trương và theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động cuối năm tới. Đây là bước đi có lẽ không thể thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã công khai ý định muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, trong khi Ngân Hàng Phát Triển Á Châu dưới tay của Nhật Bản. Tại ADB, Nhật Bản và Mỹ hiện là hai cổ đông lớn nhất với quyền bỏ phiếu lên tới 26%, trong khi Trung Quốc chỉ có 5%.
AIIB sẽ tập trung mở ra tuyến đường thương mại mới với Âu Châu. Dự án này sẽ bắt đầu với việc xây dựng hệ thống đường sắt trực tiếp nối liền Bắc Kinh và Baghdad ở Iraq.
Theo các nhà ngoại giao Tây Phương, Trung Quốc và Mỹ đã và đang chơi trò "mèo vờn chuột" trong vài tháng gần đây khi hai bên ra sức kéo thêm đồng minh về phía mình. Các viên chức Mỹ cho biết, sẽ kịch liệt phản đối kế hoạch nhằm phá hỏng những tiêu chuẩn về môi trường, tiêu dùng và nhân quyền - những yêu cầu tối quan trọng mà Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đang buộc phải thực hiện. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ chỉ đang kìm hãm sự phát triển của toàn cầu, nhằm thực hiện tham vọng thống trị Á Châu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT