Hoa Kỳ

Trung Cộng muốn một nước Đại Hàn thống nhất?

Wednesday, 01/12/2010 - 10:25:10

BÌNH NHƯỠNG (PYONGGYANG) – Trong lúc tình hình ở bán đảo Đại Hàn (hiểu cả Bắc và Nam Hàn) đang hết sức căng thẳng kể từ sau cuộc “chiến tranh Triều Tiên” ...

koreaprotest.jpg

Ngày 30-11-2010, những cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến Nam Hàn đang tưới xăng đốt hình của triều đại lãnh tụ Bắc Hàn họ Kim, Il Sung (trái), Jong Il (giữa), và Jong Un (phải), trong một buổi biểu tình lên án cuộc pháo kích tuần trước vào hòn đảo biên giới của Nam Hàn – ảnh: Kim Ju-sung/Yonhap. 

Hoài Mỹ/Viễn Đông



BÌNH NHƯỠNG (PYONGGYANG) – Trong lúc tình hình ở bán đảo Đại Hàn (hiểu cả Bắc và Nam Hàn) đang hết sức căng thẳng kể từ sau cuộc “chiến tranh Triều Tiên” (1950-53), thì những tài liệu mật do Wikileaks tiết lộ vào Chủ Nhật vừa rồi, lại cho biết là sự hỗ trợ của Trung Cộng dành cho Bắc Hàn đã suy giảm tối đa.

Vẫn theo các tài liệu Wikileaks, Trung Cộng nay không còn coi Bắc Hàn là một đồng minh đáng tin cậy nữa, nhưng họ cho rằng chế độ cộng sản Bình Nhưỡng xử sự như một “thằng nhỏ hư hỏng”.

* Trung Cộng mong muốn sự thống nhất

Trong những lần đàm thoại mới đây với nhật báo Anh The Guardian, các phát ngôn viên Trung Cộng ở Âu Châu đã đều nói rằng, Trung Cộng ủng hộ “một sự thống nhất độc lập và hòa bình của bán đảo Đại Hàn”. Các viên chức này còn phát biểu là Trung Cộng không muốn tạo cho chế độ ở Bắc Hàn cảm tưởng rằng, họ được sự ủy quyền để làm tất cả những gì họ muốn.

Những người của chính quyền Trung Cộng đã nhấn mạnh là việc thống nhất không thể xảy ra trong một đêm, và Trung Cộng trước hết muốn góp phần vào việc làm xoa dịu tình trạng sôi động hiện bao trùm bán đảo này.

Tóm lại, theo những đại biểu Trung Cộng, mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh là tiến hành trở lại các cuộc thảo luận chính trị, sau đó mới tiến tới việc thống nhất.

* Bất mãn với Bắc Hàn

Ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Cộng trong những năm qua, đã bất mãn đối với những hoạt động của Bắc Hàn, điển hình hơn cả là chương trình nguyên tử, những cuộc bắn thử nghiệm hỏa tiễn và cuộc tấn công vừa rồi vào lãnh thổ Nam Hàn.

Trung Cộng ước mong duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Hàn, nhưng họ không muốn cảnh “đặt cái cầy trước con trâu”, hoặc trước “những sự đã rồi”. Ngược lại, cho dù Trung Cộng có nhiều đường ngoại giao ở Bắc Hàn, nhưng Bình Nhưỡng cũng không hoàn toàn để Bắc Kinh xỏ mũi dẫn đi. Một nhà ngoại giao Trung Cộng thú nhận với The Guardian: “Chúng tôi vốn không có một phương cách hữu hiệu thật sự nào ảnh hưởng đến họ. Vài lần chúng tôi đã cố gắng nhưng tác dụng chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn thôi”.

* Chê trách Trung Cộng

Nam Hàn đã mạnh mẽ phê phán Trung Cộng, bởi vì nước cộng sản này đã không kết án cuộc pháo kích của Bắc Hàn sang lãnh thổ Nam Hàn hồi thứ Ba tuần trước. Trung Cộng đã phản ứng một cách chậm chạp đồng thời tránh né chỉ trích công khai chế độ Bình Nhưỡng.

Nay Trung Cộng lại hoạt động tích cực cho việc tổ chức các cuộc thảo luận.

Wu Dawei, đặc phái viên của Trung Cộng tham gia vào vấn đề vũ khí nguyên tử, Chủ Nhật vừa rồi, trong một bản tuyên bố, đã kêu gọi các thành phần tham dự trong nhóm-sáu-nước cùng đến bàn thảo về hiện tình. Nhóm này, ngoài Bắc và Nam Hàn, còn có Trung Cộng, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.

Việc đàm phán trong nhóm này, vốn đã có mục đích buộc Bắc Hàn từ bỏ chương trình nguyên tử, nhưng công tác này đã bị gián đoạn vào tháng 4-2009, khi phái đoàn cộng sản Bắc Hàn rời bỏ bàn hội nghị.

Cuộc hội họp lần này được đề nghị diễn ra ở Bắc Kinh, tuy nhiên không phải là một thể thức tái lập các việc thảo luận dở dang trước đây, nhưng phù hợp với những gì mà Bình Nhưỡng đã biểu lộ mong ước.

Thế nhưng, tổng thống Nam Hàn Lý Minh Bác (Lee Myung-bak) đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Trung Cộng, là ông không hứng thú gì với các cuộc đàm phán như vậy, trước khi Bắc Hàn chứng tỏ một nguyện vọng chân thật về việc xuống thang vũ khí chiến lược. Hoa Kỳ xác nhận cũng đồng quan điểm.

Thông tấn xã NTB loan tin, tổng thống Lý Minh Bác đã có những buổi thảo luận với đặc phái viên Dai Bingguo của Trung Cộng. Theo bản tuyên cáo chính thức, ông Lý Minh Bác minh định rằng, nếu Trung Cộng ước muốn góp phần vào việc xây dựng hòa bình, thì nước này phải “khách quan hơn và nhận lãnh một trách nhiệm lớn lao hơn”. Ông cảnh cáo về “phản ứng của Nam Hàn sẽ mãnh liệt, nếu đất nước lâm vào các cuộc khiêu khích khác nữa”.

* Chờ đợi cuộc tấn công mới của Bắc Hàn

Theo tin hôm qua, ngày 1 tháng 12, của thông tấn xã Reuters: Trong một cuộc họp kín của quốc hội Nam Hàn, ông Won Sei-hoon, giám đốc cơ quan tình báo, đã nhận định: “Rất có thể Bắc Hàn sẽ lại tấn công nữa”. Ông này cho rằng một cuộc tấn công như vậy có thể là một sự cứu vãn cơ hội tuyệt vọng của Kim Chánh Nhật (Kim Jong-Il), vốn đã thật sự mỏi mệt vì những vấn đề nan giải nội bộ, sau khi lãnh tụ bệnh hoạn này hoạch định cho người con út là Kim Chánh Vân (Kim Jong-Un) thừa kế quyền lực - như chính ông ta đã được nối nghiệp ông bố Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), cha đẻ của chế độ cộng sản Bắc Hàn - nhưng theo sự xác định của giám đốc tình báo Nam Hàn Won Sei-hoon: “Vẫn có sự bất mãn gia tăng liên tục đối với sự thứ tự thừa kế ấy”.

Nhà cầm quyền Bắc Hàn cũng đã sử dụng từ ngữ “ultra-emergency” (tối khẩn cấp) để mô tả hiện tình ở bán đảo Đại Hàn.

* Cuộc thao luyện quân sự chung Mỹ-Hàn

Hôm qua đã kết thúc cuộc thao luyện quân sự chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn ở biển Hoàng Hải, cách biên giới Bắc Hàn 160 cây số. Hàng không mẫu hạm USS George Washington đã lên đường trở lại căn cứ ở Nhật Bản. Thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn NPCK viết là Bắc Hàn nhận định cuộc thao dượt này là hành động tìm cách tổ chức một cuộc chiến tranh chống đất nước cộng sản này. Trong khi đó, Hoa Kỳ tuyên bố là cuộc tập dượt này đã được hoạch định từ hồi tháng 5.

Cuộc thao luyện quân sự đã khởi sự từ Chủ Nhật vừa qua và kéo dài trong 4 ngày. Bắc Hàn đã đe dọa “trả đũa gắt gao” nếu cuộc thao dượt ấy vi phạm lãnh thổ đất nước của họ. Theo thông tấn xã Nam Hàn Yonhap, Bắc Hàn đã đặt sẵn hỏa tiễn vào các giàn bắn. Bộ Quốc Phòng Nam Hàn đã không xác nhận hoặc cải chính bản tin vừa kể. Thế nhưng, các phát ngôn viên quốc phòng đều chứng thực về vụ pháo binh Nam Hàn Chủ Nhật vừa qua đã bắn lựu đạn xuống vùng phi quân sự nằm giữa hai quốc gia thù nghịch. Theo các viên chức này, đó là do hậu quả của một sự “trục trặc kỹ thuật”. Tiểu đội pháo binh đồn trú ở thành phố biên giới Paju, tỉnh Gyeonggi, đã bắn những trái lựu đạn ấy; tuy vậy các trái lựu này đã rơi xuống một ngôi làng ở phía Nam Hàn của vùng phi quân sự. Không có tin tức gì về sự thiệt hại nhân mạng hay vật chất.

* Năm 2009, Hoa Kỳ đã báo động một cuộc tấn công vào Nam Hàn

Không phải Bắc và Nam Hàn chỉ “cận kề hiểm họa chiến tranh” như Bình Nhưỡng đã nhìn nhận nhân vụ Bắc Hàn pháo kích xuống đảo Yeonpyeong của Nam Hàn hôm thứ Ba tuần trước, nhưng phải nói điểm nóng đã lên tới cao độ từ năm ngoái.

Bản báo cáo của tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Hán Thành (Seoul) đề ngày 27-04-2009 do đại sứ Kathleen Stephens duyệt ký, đã viết: “Nhu cầu của Bắc Hàn là nhằm duy trì sự gắn kết nội bộ, khiến ‘người ta’ có thể thực hiện một cuộc xung đột giới hạn về quân sự với Nam Hàn”.

Tài liệu trên đây đã “được” trang thông tin điện tử Wikileaks tiết lộ đầy đủ chiều Chủ Nhật vừa qua. Nguồn tin còn nhấn mạnh rằng, Bắc Hàn nhận thức được rằng quốc gia lân bang (Nam Hàn) cũng đã chuẩn bị để đối đầu với những cuộc khiêu khích và sẽ trả đũa bằng một sức mạnh trội hơn. Bà đại sứ viết tiếp: “Đồng thời họ (Bắc Hàn) cũng đã biết Nam Hàn và Hoa Kỳ vẫn có những điều kiện canh phòng hữu hiệu và sẽ không gặp những sự bất ngờ, bởi vậy được yên lòng là không một sự khiêu khích quân sự trực tiếp nào sắp xảy ra”.

Nguồn tin còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột này, do đó Bắc Hàn nhìn nhận sự kiện ấy là yếu tố quyết định để cải thiện mối quan hệ với người Mỹ: “Chỉ có Hoa Kỳ có thể giải quyết được các vấn đề an ninh và kinh tế của Bắc Hàn”.

Bản báo cáo còn phác họa việc Kim Chánh Nhật ước muốn một cách tuyệt vọng có được một hiệp ước với tổng thống Barack Obama, nhưng ông ta trước hết phải làm sao chấm dứt được tình trạng căng thẳng, rồi mới có thể mong đạt được một cuộc đối thoại.

Trong tập tài liệu này, tình trạng sức khỏe suy nhược của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Nhật (68 tuổi) cũng đã được đề cập đến. Họ Kim thật sự đã chuẩn bị nắm quyền lâu dài, nào ngờ đương sự đã bị tai biến mạch máu não vào tháng 8-2008. Từ đó sức khỏe thể lý lẫn tâm thần của Kim Chánh Nhật xuống dốc thê thảm, khiến ông ta phải nghĩ ngay đến việc tạo dựng một bầu không khí chính trị cho việc chuyển tiếp quyền lực được ổn thỏa.

Theo một tờ trình khác đề ngày 24-07-2009, các phân tích gia Nam Hàn chuẩn đoán, Kim Chánh Nhật sống cùng lắm chỉ còn được từ 3 đến 5 năm nữa mà thôi. Ông ta sử dụng thời gian cuối đời này vào việc dọn đường cho đứa con thừa kế “ngai vàng”, bằng cách thực hiện một số kế hoạch thay đổi; trong đó quan trọng hơn cả là việc mở rộng và củng cố Hội Đồng Quốc Phòng. Cơ quan này đã được thành lập từ năm 1998. Khởi đầu, nhìn chung, nó chỉ có một vai trò tượng trưng, nhưng dần dần được nhiều chức năng chính trị, và trở nên quan trọng trong kế hoạch chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực.

Sự hiện diện của Chang Song-taek - anh rể của Kim Chánh Nhật - trong  Hội Đồng Quốc Phòng, quyết định phần chính yếu cho việc chuẩn bị nói trên - không chỉ vì đương sự kết hôn với người chị gái duy nhất của họ Kim, mà còn là một nhân vật chống đỡ tối quan trọng của Kim Chánh Nhật trong thời gian lãnh tụ dưỡng bệnh vào mùa Thu năm 2008.

Tháng 4-2009, Bắc Hàn thông báo không còn muốn tham dự nữa các cuộc thảo luận, bởi vì họ bất mãn với sự đền bù mà họ đã nhận lãnh theo thỏa hiệp ký kết năm 2007.

* Trung Cộng: “Chúng tôi không muốn đổ thêm dầu vào lửa”

Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng phải áp lực với Bắc Hàn. Tổng thống Barack Obama cũng đã khởi sự một cuộc “tấn công”, nhằm buộc Bắc Kinh phải nhập cuộc và nhận lãnh trách nhiệm, bởi vì Trung Cộng là quốc gia duy nhất có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Thế nhưng, quốc gia đông dân nhất thế giới này nói là họ không muốn ủng hộ bên nào, trong cuộc xung đột ở bán đảo Đại Hàn.

Theo thông tấn xã Reuters, trong chuyến công du Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Trung Hoa, Yang Jiechi, hôm qua đã cho rằng điều quan trọng hơn cả là lo sao không để cuộc xung đột leo thang. Ông Jiechi tuyên bố: “Chúng tôi muốn giải quyết cuộc xung đột này như ‘một siêu cường hữu trách’. Chúng tôi không ưu đãi bên nào và chúng tôi muốn tránh đổ thêm ‘dầu vào ngọn lửa’ ấy”.

* Bắc Kinh kêu mời “trở lại bàn hội nghị”

Nhân dịp kể trên, thông tấn xã nhà nước Xinhua nhắc lại rằng, hiện nay Trung Cộng nỗ lực để “đưa” Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị. Ngoại trưởng Yang Jiechi yêu cầu: “Tất cả những người liên hệ nên hành xử bình tĩnh và chứng tỏ sự kiềm chế đồng thời hoạt động cho việc đối thoại và thảo luận”.

Kế hoạch này là kết quả tạm thời sau nhiều ngày Trung Cộng đã thực hiện những cuộc tiếp xúc ngoại giao với nhiều thành phần vốn có ảnh hưởng đối với hiện tình, trong số đó có cả Nga và Bắc Hàn.

Một đại diện của Bình Nhưỡng, chủ tịch quốc hội Bắc Hàn hôm thứ Ba vừa rồi đã lên đường sang Bắc Kinh.

Trong khi đó theo tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ ngược lại, hiện không có chương trình nào về việc tái lập những cuộc thảo luận tức thì. Phát ngôn viên Robert Gibbs phân giải: “Hoa Kỳ mong muốn Trung Cộng hãy tạo áp lực với Bắc Hàn nhằm chấm dứt việc gây bất ổn, tuy nhiên để có thể quay trở lại bàn hội nghị, Bắc Hàn phải nghiêm chỉnh ước ao điều ấy”.

Nhật Bản đã không phát biểu như một câu trả lời ràng buộc nào đối với đề nghị của Trung Cộng. Phó đổng lý văn phòng phủ thủ tướng, Tetsuro Fukuyama cho thông tấn xã Kyodo biết: “Chúng tôi sẽ phúc đáp cẩn trọng trong sự hợp tác với Nam Hàn và Hoa Kỳ”. Tuy nghi ngờ việc tiến tới các cuộc đàm phán mới vào lúc này, Nhật vẫn cử một đặc phái viên sang Trung Cộng để bàn cãi nội vụ.

Như trên đã viết, văn phòng tổng thống Nam Hàn ngay lúc đầu đã bác bỏ rất nhanh chóng kế hoạch của Trung Cộng. Thông tấn xã Yonhap viết lại lời trình bày của ông Hong Sang-pyo, phát ngôn viên của tổng thống: “Ông Lee đã minh định rằng thời điểm này không thích hợp để đàm phán”.

Thế nhưng chỉ ít giờ sau, bộ Ngoại Giao Nam Hàn đã viết trong một bản tuyên cáo về phản ứng của Seoul đối với đề nghị của Trung Cộng: Nam Hàn sẽ cứu xét đề nghị này một cách “rất cẩn thận”.

Phần đông dư luận quốc tế đã đánh giá sự phát triển ngoại giao kể trên là một sự chuyển hướng mới trong bài toán ở bán đảo Đại Hàn, tuy nhiên chẳng ai dám tin tưởng sẽ có một đáp số chính xác. – (HM)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT