Thế Giới

Trung Cộng nghi Trump sẽ tiếp tục chính sách "làm bá chủ" ở Biển Đông

Saturday, 26/11/2016 - 11:30:43

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các vùng biển giàu năng lượng, mà qua đó khoảng 5 ngàn tỷ Mỹ kim trong hàng hóa thương mại được tàu thuyền vận chuyển mỗi năm. Các nước láng giềng Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

                         Chiến hạm USS Decatur của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Biển Đông. (Navy)

BẮC KINH - Donald Trump lên làm tổng thống không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Biển Đông, mà sẽ tiếp tục theo đuổi mưu toan làm “bá chủ khu vực,” theo các học giả Trung Quốc cho biết trong một bản phúc trình mới.

Việc bảo đảm nắm quyền “kiểm soát tuyệt đối” trên Biển Đông là mấu chốt của chiến lược quân sự Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, theo bản phúc trình cho biết. Các tác giả nói rằng đây là bản phúc trình công khai đầu tiên của Trung Quốc, về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Bản phúc trình này được soạn thảo cho một viện nghiên cứu đầy thế lực của Trung Cộng, và được công bố vào ngày thứ Sáu tại Bắc Kinh.

Người đứng đầu Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Biển Đông ở Hải Nam, tức viện nghiên cứu soạn thảo bản phúc trình, là ông Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn). Ông Wu nói, “Sẽ không có sự thay đổi đảo ngược nơi chính sách của Mỹ ở Biển Đông.”

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump hiếm khi đề cập đến Biển Đông, nhưng tập trung vào những mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ông dọa là sẽ gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, và áp đặt thuế nhập cảng trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.

Ông Wu nói rằng những sự cam kết của Mỹ với các đồng minh của họ sẽ không thay đổi, cũng như lập trường của Mỹ trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Như vậy, những mối căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông có lẽ gia tăng trong việc theo sát mức phát triển quân sự của Trung Quốc, theo ý kiến của ông Wu.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các vùng biển giàu năng lượng, mà qua đó khoảng 5 ngàn tỷ Mỹ kim trong hàng hóa thương mại được tàu thuyền vận chuyển mỗi năm. Các nước láng giềng Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Những nỗ lực mới đây của Mỹ, nhằm đối phó với điều mà họ coi là việc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đã khiến cho Bắc Kinh giận dữ, và làm dấy lên những nỗi lo ngại về xung đột quân sự.
Một cuộc tuần tra của các tàu Mỹ trong tháng Mười đã bị Bộ Quốc Phòng Trung Quốc gọi là “bất hợp pháp” và "khiêu khích”.

Bản phúc trình nói, “Từ quan điểm của Hoa Kỳ, những hoạt động xây dựng ở quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông đã xác nhận việc Mỹ nghi rằng Trung Quốc có ý định thực hiện một chiến lược chống tiếp cận / không cho tới gần khu vực.”

Trong buổi ra mắt bản phúc trình, ông Zhu Feng (Chu Phong), giám đốc Trung Tâm Biển Đông tại Đại Học Nam Kinh, nói rằng sẽ có “sự liên tục nhiều hơn là việc thay đổi”, trong chính sách quân sự của ông Trump tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Zhu Feng nói thêm răng ông Trump có thể không dùng thuật ngữ “tái cân bằng” cho khu vực này. Nhưng có lẽ ông sẽ giữ lại hầu hết các chính sách. Cả hai học giả đều đồng ý rằng có một xác suất cao của việc Mỹ gia tăng mức chi tiêu quân sự ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương dưới thời ông Trump.

Ông Zhu nói rằng chính phủ Daonald Trump sẽ “không là một ngoại lệ” cho những chính phủ khác, do phe Cộng Hòa cần đầu, làm tăng chi tiêu quân sự khi họ tại chức. Việc tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực đã dẫn đến những nỗi lo lắng về nguy cơ tăng cao của những vụ đụng độ ngẫu nhiên có thể châm ngòi cho việc xung đột.

Ông Zhu nói rằng việc quyết định công bố một bản phúc trình công khai vào lúc này không phải là Trung Quốc “chuẩn bị cho chiến tranh”, mà là để tránh một cuộc “chạy đua võ trang” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT