Thế Giới

Trung Cộng nổi giận vì nhà báo liên tiếp bị bắt ở Kenya

Friday, 07/09/2018 - 08:56:27

Kenya bắt đầu chiến dịch kiểm tra và bắt giữ người nhập lậu từ tháng trước. Trong vòng 2 tháng trước khi khởi sự chiến dịch, mọi người nước ngoài tại nước này được yêu cầu làm lại giấy phép làm việc.

NAIROBI - Thêm một nhà báo Trung Quốc vừa bị cảnh sát Kenya bắt giữ trong chiến dịch kiểm tra người nhập cư bất hợp pháp đang gây tranh cãi của nước này. “Giấy phép làm việc của phóng viên này hoàn toàn hợp pháp. Họ đã kiểm tra thông tin trên mạng nhưng vẫn bắt tạm giam người này,” phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Kenya ngày thứ Sáu cho biết.
Theo truyền thông, người phóng viên Trung Quốc bị bắt giữ là ông Liu Hongjie, phó văn phòng đại diện tờ China Daily ở thủ đô Nairobi. Tòa đại sứ Trung Quốc cho biết ông Liu đã được trả tự do sau đó.
Trước đó, cảnh sát Kenya ngày 5 tháng 9 cũng khám xét trụ sở chính tại châu Phi của Đài truyền hình Trung Quốc Toàn Cầu (CGTN). Có 8 phóng viên và 5 công dân Trung Quốc làm việc trong tòa nhà đã bị bắt tạm giam. Ngày 6 tháng 9, một thương gia Trung Quốc cũng bị nhà chức trách Kenya trục xuất sau khi người này quay video sỉ nhục và kỳ thị người địa phương. Trong khi đó, tòa đại sứ Trung Quốc khẳng định tất cả những người bị bắt đều có giấy phép làm việc hợp pháp, đồng thời đã bày tỏ lo ngại về các vụ bắt giữ này với chính phủ Nairobi.
Kenya bắt đầu chiến dịch kiểm tra và bắt giữ người nhập lậu từ tháng trước. Trong vòng 2 tháng trước khi khởi sự chiến dịch, mọi người nước ngoài tại nước này được yêu cầu làm lại giấy phép làm việc. Bộ Nội Vụ Kenya cũng mở một đường dây điện thoại hotline, để người dân báo cáo những người nghi lao động bất hợp pháp. Ngoài ra, cảnh sát còn mở nhiều đợt kiểm tra giấy tờ của người nước ngoài tại các khu mua sắm, nhà hàng, khách sạn và nhiều cơ sở kinh doanh khác.

Úc, Tân Tây Lan, Nhật cùng giám sát Bắc Hàn
TOKYO - Chính phủ Úc và New Zealand hôm thứ Sáu thông báo đang điều 3 máy bay tuần tra đến Nhật Bản, để hỗ trợ thực hiện các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc. Theo đó, Úc sẽ điều thêm 2 máy bay do thám AP-3C Orion đến giám sát trên vùng biển ngoài khơi Bắc Hàn, ngoài một máy bay đã hoạt động tại đây từ đầu năm, Bộ Trưởng Quốc Phòng Christopher Pyne cho hay. Hành động của Úc là "sự tiếp nối lập trường cứng rắn nhằm ngăn chặn giao thương trái phép, ngăn các hoạt động lách lệnh trừng phạt của Bắc Hàn và các mạng lưới liên quan,” ông Pyne nói.
Phó Thủ Tướng New Zealand Winston Peters cũng xác nhận nước này đã điều một máy bay P-3K2 của Không quân đến đến căn cứ Không quân Kadena của Nhật, để tuần tra vùng biển quốc tế ở Đông Bắc Á nhằm phát hiện các tàu thuyền vi phạm lệnh trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc, bao gồm việc chuyển hàng hóa, xăng dầu từ tàu này sang tàu khác trên biển. "Chúng tôi chào đón các cuộc đối thoại gần đây giữa Bắc Hàn với Hoa Kỳ và Nam Hàn. Tuy nhiên, cho đến khi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, việc thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An là điều cần thiết,” ông Peters nói.
Hoa Kỳ đã ban hành chính sách "gây áp lực tối đa" với Bắc Hàn thông qua các lệnh trừng phạt, nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ trong tháng 8 đã trừng phạt các hãng vận tải của Nga, được cho là chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Bắc Hàn.

Người biểu tình Iraq đốt tòa đại sứ Iran
BASRA – Người biểu tình Iraq đã xông vào tòa đại sứ Iran ở thành phố miền nam Basra vào thứ Sáu và đốt lửa bên trong tòa nhà này. Sự việc xảy ra giữa lúc làn sóng biểu tình tại Basra đã trở thành các vụ bạo động chết người trong vài ngày qua. Ít nhất 10 người đã chết trong các vụ đụng độ với cảnh sát tính từ thứ Hai, bao gồm cả 3 người bị cảnh sát bắn chết vào tối thứ Năm. Trong khi đó, người biểu tình cũng tấn công lực lượng an ninh bằng các chai bom xăng, đồng thời nổi lửa đốt 1 tòa nhà chính phủ và các văn phòng của các nhóm quân sự người Shiite trong thành phố.
Cuộc biểu tình tại Basra và các thành phố khác đã bắt đầu từ tháng 7, để phản đối nạn tham nhũng, tình trạng thất nghiệp, và dịch vụ công cộng yếu kém. Thủ Tướng Haider al-Abadi đã ra lệnh điều tra các trường hợp tử vong, trong khi tình trạng bạo động vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tình trạng bất ổn khiến các lãnh đạo quốc hội Iraq phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào thứ Bảy để tìm giải pháp.
Trong cuộc biểu tình vào thứ Sáu, người dân đã hô hào những khẩu hiệu chống Iran bên ngoài tòa đại sứ nước này, sau đó xông vào tòa nhà và nổi lửa đốt nhà từ bên trong. Nhiều cư dân của thành phố Basra, nơi có đa số cư dân là người Shiite, cáo buộc các đảng chính trị được Iran hậu thuẫn đang tìm cách can thiệp vào Iraq. Một số người khác cho rằng các đảng này phải chịu trách nhiệm cho tình trạng quản lý yếu kém tại thành phố. Bộ Ngoại Giao Iran đã lên án vụ tấn công, và cho biết các nhân viên của tòa đại sứ không bị thương, nhưng tòa nhà đã bị hư hại nặng.

Thiếu niên Palestine bị bắn chết tại biên giới Gaza
GAZA – Một thiếu niên Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, sau khi binh sĩ Israel nổ súng vào đám đông biểu tình tại biên giới, theo viên chức Gaza cho biết hôm thứ Sáu. Trong khi đó, các nỗ lực hòa giải của Ai Cập về việc thực hiện ngừng bắn giữa Gaza và Israel có vẻ vẫn bế tắc. Bộ Y Tế Gaza nói, một thiếu niên 17 tuổi đã chết và 45 người khác bị thương vì hỏa lực của Israel trong cuộc biểu tình ngày thứ Sáu. Ngoài ra, một thanh niên 19 tuổi khác cũng đã qua đời vì vết thương có từ nhiều tuần trước.
Quân đội Israel cho biết đã tấn công một trạm quan sát của Hamas, tổ chức cai trị Gaza, sau khi người Palestine ném lựu đạn vào binh sĩ Israel. Người biểu tình Palestine cũng ném bom xăng và lăn các bánh xe bốc cháy về phía các binh sĩ Israel đóng quân tại biên giới. Lực lượng Hamas đã tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần kể từ ngày 30 tháng 3, nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đối với các lệnh phong tỏa mà Israel và Ai Cập đã ban hành sau khi Hamas chiếm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007.
Các nỗ lực đàm phán giữa Hamas và Israel thông qua người trung gian là Ai Cập hiện vẫn bế tắc. Kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu đến nay, ít nhất 127 người Palestine đã thiệt mạng. Một binh sĩ Israel cũng bị xạ thủ của Gaza bắn chết trong thời gian này. Israel cáo buộc Hamas dùng các cuộc biểu tình để che đậy cho ý đồ xâm nhập biên giới.

Chủ tịch Tập sắp dự hội nghị tại Nga
BẮC KINH - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự một hội nghị khu vực tại Nga vào tuần sau, theo viên chức nước này cho biết hôm thứ Sáu. Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un cùng các lãnh đạo Nhật và Nam Hàn cũng được mời tới hội nghị này. Diễn đàn Kinh tế phương đông, với sự chủ trì của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng 9 tại thành phố Vladivostok. Ông Kim chưa xác nhận sẽ tham dự diễn đàn này, nhưng sự xuất hiện của ông nếu có sẽ là một bước tiến lớn trong nỗ lực đưa Bình Nhưỡng thoát khỏi sự cô lập của thế giới.
Trong thông báo về chuyến đi của Chủ Tịch Tập Cận Bình, viên chức Trung Quốc không cho biết vị lãnh đạo này có định gặp mặt các nguyên thủ quốc gia khác trong kỳ hội nghị hay không. Ông Tập và ông Kim đã gặp nhau 3 lần tại Trung Quốc trong năm nay, trong bối cảnh 2 nước tìm cách hàn gắn mối quan hệ, vốn đã lạnh nhạt vì các chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và vì Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Bình Nhưỡng.
Ông Tập sẽ có mặt tại Vladivostok vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Đây cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc tham dự diễn đàn kinh tế thường niên do Nga chủ trì. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã xác nhận tham dự diễn đàn. Quan hệ giữ Nhật và Trung Quốc đã ấm lên trong những năm gần đây, sau giai đoạn căng thẳng vì Tokyo quyết định quốc hữu hóa một hòn đảo tư nhân đang có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh tại biển Hoa Đông. Hai nước hiện cũng đang đàm phán để thực hiện các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau.

Bắc Hàn tuyên bố sẵn sàng làm bạn với các nước
BÌNH NHƯỠNG – Chính phủ Bắc Hàn hôm thứ Năm tuyên bố sẵn lòng hợp tác với cả các quốc gia từng có quan hệ thù địch, miễn là chủ quyền quốc gia được tôn trọng."Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình cải thiện và bình thường hóa quan hệ với bất cứ quốc gia nào cư xử thân thiện và thể hiện sự tôn trọng với chủ quyền của Bắc Hàn, ngay cả khi họ từng có mối quan hệ thù địch với chúng tôi,” thông báo trên trang web của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn nói.
"Dựa trên nguyên tắc đặt giá trị và lợi ích của mình lên trên hết, chúng tôi sẽ chủ động quản lý các quan hệ ngoại giao và phát triển chúng từ nhiều góc độ, đồng thời sẵn sàng thúc đẩy trao đổi và hợp tác trên nhiều lĩnh vực,” thông báo viết. Tuy nhiên, Bắc Hàn không nói rõ về quốc gia mà họ sẵn sàng cải thiện quan hệ. Bộ Ngoại Giao nước này khẳng định, Bình Nhưỡng chưa từng đóng cửa với thế giới, vẫn duy trì quan hệ thân thiện và tôn trọng lẫn nhau với nhiều nước.
Hành động mang tính hòa giải của Bắc Hàn diễn ra trong lúc nước này đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh được tổ chức vào ngày 9 tháng 9, dự kiến có sự góp mặt của các viên chức cấp cao từ một số quốc gia. Chủ Tịch Kim Jong-un hôm 5 tháng 9 cũng tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong cuộc họp với phái đoàn Nam Hàn do Tổng Thống Moon Jae-in cử sang Bình Nhưỡng để sắp xếp hội nghị liên Triều lần 3.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT