Thế Giới

Trung Cộng tính bành trướng ở Ấn Độ Dương như ở Biển Đông

Sunday, 12/02/2017 - 09:39:01

Nhưng để ủng hộ việc tăng cường quân mà Tổng Thống Trump đã hứa, đô đốc Blair cũng nói rằng cách duy nhất để ngăn chặn việc Trung Quốc xâm lấn là các nước khác phải bảo đảm rằng Bắc Kinh phải biết Trung Cộng sẽ thua trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu.


Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng đang thao dượt gần biển Đài Loan cuối năm 2016. (Getty Images)

 

NEW DELHI - Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc xây dựng hạ tầng kiến trúc trên vành đai Ấn Độ Dương, trong lúc các quốc gia đang lo ngại hơn về tiến trình quân sự hóa có thể diễn ra, trong các lộ tuyến đường biển chuyên chở phần lớn khối lượng dầu hỏa của thế giới.
Một cựu giám đốc tình báo Mỹ nói rằng cách thức duy nhất để tránh điều đó là làm cho Trung Quốc khó chịu trước một cuộc đối đầu khó tránh khỏi.

Nhật Bản hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào dầu hỏa nhập cảng, nên họ đặc biệt lo ngại, và Nhật đã theo dõi hoạt động của Trung Quốc đắp bồi các hòn đảo hiện nay ở Biển Đông của Việt Nam.

Ông Nobuo Tanaka, một cựu giới chức Nhật Bản và là người đứng đầu Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế, đặt câu hỏi tại một hội nghị ở thủ đô Ấn Độ trong tuần này, “Đúng, Trung Quốc là một mối đe dọa cho chúng tôi ở Biển Đông. Liệu Ấn Độ Dương này sẽ như vậy, hay là khác đi?”

Trong khối lượng thương mại dầu hỏa chở bằng đường biển của thế giới, có hơn 80 phần trăm đi qua ba điểm thắt nút ở Ấn Độ Dương, là Eo Biển Hormuz, Eo Biển Malacca, và Bab el-Mandab.
Tại hội nghị an ninh Ấn Độ Dương được tổ chức ở New Delhi, ông Tanaka nói, “Khu vực này, Ấn Độ Dương, là rất quan trọng đối với chúng tôi lúc này, vì khu vực ấy kết nối các nguồn năng lượng của chúng tôi ở Trung Đông với Á Châu và Nhật Bản. “

Ông Tanaka là chủ tịch của viện nghiên cứu Sasakawa Peace Foundation. Ông nghĩ rằng Nhật Bản lo lắng về một dự án của Trung Quốc về đường bộ, đường xe lửa, và đường ống dẫn dầu, từ Trung Quốc chạy băng qua Trung Á và Pakistan. Dự án ấy đạt cao điểm tại một hải cảng nước sâu ở gần Karachi, vị trí chiến lược ở gần lối vào Vịnh Ba Tư.

Ông nói, “Trung Quốc đang tìm cách phát triển chiến lược được gọi là một vành đai, một con đường. Họ cũng đang mở rộng quyền lực của họ, nới dài sức mạnh của họ tới khu vực này.”

Ông Dhruva Jaishankar, một nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao tại viện Brookings Institute ở Ấn Độ, nói, “Nỗi lo sợ là việc này có thể trở nên càng ngày càng được quân sự hóa. Ấn Độ Dương đã bắt đầu nhìn thấy một mức độ cạnh tranh, mà tôi nghĩ rằng chúng tôi đã không dự đoán cách đây 10 năm. Chúng tôi nhìn thấy những khoản đầu tư của Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ, trên khắp các vùng ven biển Ấn Độ Dương, từ Iran đến Djibouti, miền đông Phi Châu, cho tới Đông Nam Á. Tôi nghĩ rằng Ấn Độ Dương sẽ trở thành một trọng tâm chính yếu của cuộc cạnh tranh an ninh, trong một, hai thập niên sắp tới.”

Hoa Kỳ sẽ làm gì?
Sự bất trắc lớn nhất là Tổng Thống Mỹ Donald Trump, vì người ta khó đoán trước ông sẽ làm gì.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc đã báo hiệu ý định của Tổng Thống Trump muốn “bảo vệ các lãnh thổ quốc tế khỏi bị một nước chiếm lấy,” nhắc đến đến cuộc đối đầu có thể xảy ra ở Biển Đông.
Câu hỏi nơi những người chú ý kỹ tới chính sách là liệu ông Trump sẽ theo một lập trường tương tự ở Ấn Độ Dương hay không.

Trong cuộc hội nghị ở New Delhi, ông Dennis Blair, một đô đốc hồi hưu và là cựu giám đốc các cơ quan Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ, nói đùa, “Tôi cũng sẽ kêu gọi những người nào trong quý vị đang theo dõi Hoa Kỳ, hãy nhìn một chút vào bên dưới bề mặt, chứ đừng chỉ xem bên trên qua truyền thông xã hội, từ bất cứ nguồn nào.”

Nhưng để ủng hộ việc tăng cường quân mà Tổng Thống Trump đã hứa, đô đốc Blair cũng nói rằng cách duy nhất để ngăn chặn việc Trung Quốc xâm lấn là các nước khác phải bảo đảm rằng Bắc Kinh phải biết Trung Cộng sẽ thua trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu.

“Tôi tin rằng điều thực sự quan trọng là Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, phải hiện đại hóa và tăng cường những khả năng của chúng ta, ở trên biển, trên không, và trên bộ nếu cần thiết. Mục đích là cải thiện thế cân bằng quân sự ấy có lợi cho chúng ta, và do đó làm cho việc Trung Quốc xâm lấn quân sự gặp phải mức rủi ro rất cao.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT