Thế Giới

Trung Cộng tố Mỹ "khiêu khích" khi đưa tàu chiến vào Biển Đông

Saturday, 22/10/2016 - 10:45:14

Các tàu quá cảnh khu vực “một cách hợp pháp, đúng lộ trình, không tàu hộ tống, và không xảy ra sự việc nào,” một phát ngôn viên cho biết.

Chiếc USS Decatur của Hoa Kỳ (US Navy)


BẮC KINH - Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ cho tàu chiến đến gần lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, nói rằng đây là một “hành động bất hợp pháp nghiêm trọng” và “cố ý khiêu khích.”

Trong một tuyên bố trên trang web đêm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng nước này cho biết hai tàu hải quân Trung Quốc đã cảnh cáo một tàu Mỹ sau khi tàu Mỹ tiến vào “hải phận Trung Quốc” gần quần đảo Hoàng Sa, còn gọi là Tây Sa trong tiếng Trung Quốc.

Trung Quốc kiểm soát tất cả các đảo mà Việt Nam và Đài Loan cũng đều tuyên bố chủ quyền.
“Việc xâm nhập hải phận Trung Quốc” của chiếc tàu “là một hành động bất hợp pháp nghiêm trọng và là một hành động cố tình khiêu khích,” họ nói thêm rằng Bộ đã gửi văn thư “phản đối nghiêm trọng” đến Hoa Thịnh Đốn.

Trong một tuyên bố trực tuyến riêng biệt, Bộ Ngoại giao cho biết hành động đó đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc có liên quan và luật quốc tế.”

Ngũ Giác Đài cho biết họ đã đưa tàu khu trục USS Decatur tới gần quần đảo Hoàng Sa, nhưng chiếc tàu trên đã không vượt qua khu vực 12 hải lý mà luật pháp quốc tế định nghĩa là hải phận. Chiếc Decatur đã tiến sát hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm và bị ba tàu của Trung Quốc theo sát nhưng “không có chuyện gì xảy ra.”

Các tàu quá cảnh khu vực “một cách hợp pháp, đúng lộ trình, không tàu hộ tống, và không xảy ra sự việc nào,” một phát ngôn viên cho biết.

Đây là lần thứ ba trong năm nay Hoa kỳ điều động tàu dến khu vực để thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trên Biển Đông, đã nhiều lần họ nhấn mạnh sẽ không quan tâm đến những tuyên bố chủ quyền trên biển “quá mức” của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc ông Josh Earnest nhấn mạnh, “Việc đưa tàu khu trục USS Decatur đi qua khu vực nói trên cho thấy, các quốc gia ven biển không có quyền ngăn chặn một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải trên khu vực mà tàu của Mỹ và tất cả các quốc gia khác được phép hoạt động theo quy định của luật pháp quốc tế.”

Diễn biến hôm thứ Sáu là lần đầu tiên kể từ khi một phiên tòa tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague vào tháng Bảy đã phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như cả vùng biển là không có cơ sở pháp lý - một phán quyết mà Bắc Kinh bác bỏ kịch liệt.

Trong tháng đó Trung Quốc đã tổ chức một tuần tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc của Biển Đông, lúc đó các tàu khác đã bị cấm vào vùng biển nói trên.

Một số quốc gia khác trong khu vực gồm Phi Luật Tân và Việt Nam đồng tuyên bố chủ quyền đối với các bộ phận khác nhau của Biển Đông.

Các hành động của Mỹ diễn ra khi Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte kết thúc chuyến thăm kéo dài bốn ngày tại Trung Quốc, nơi mà ông ta đã cam kết tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, đồng thời đả kích kịch liệt đồng minh Hoa Kỳ lâu năm của Phi Luật Tân.

Trong một tuyên bố chung vào cuối chuyến đi của mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Phi Luật Tân cam kết sẽ tiếp tục đàm phán về tranh chấp lãnh thổ của mình ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Bảy, Đô đốc John Richardson đã tuyên bố, “Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên toàn thế giới, trong đó có Biển Đông để bảo đảm rằng, những quyền này được áp dụng đối với mọi quốc gia trên thế giới. Điều này là không thể thay đổi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT