Thế Giới

Trung Cộng yêu cầu phi cơ Mỹ bay trên Biển Đông "Hãy rời khỏi đây ngay lập tức"

Sunday, 12/08/2018 - 04:45:36

Trong suốt chuyến bay, phi hành đoàn đã nhận được sáu cảnh báo riêng rẽ từ quân đội Trung Cộng, nói rằng phi cơ Mỹ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc, và yêu cầu Mỹ hãy rời khỏi nơi đó.


Trung Cộng đã bồi đắp dãi san hô thành một căn cứ không quân giữa Biển Đông. (CNN)


Mới đây, một phóng viên của đài CNN được tháp tùng theo một chuyến bay của phi cơ quân sự Hoa Kỳ trên Biển Đông. Bài tường trình của phóng viên này cho thấy Trung Cộng đang rất hung hăng trên Biển Đông, xem đây như là lãnh thổ của mình và sẵn sàng đe dọa những ai dám bén mảng vào, mặc dù đây là biển quốc tế được chia xẻ với các quốc gia chung quanh cũng như với các nước cần du hành qua vùng biển này. Dưới đây là bài tường trình được CNN loan tải vào ngày thứ Sáu vừa qua.

Từ độ cao bên trên một khu vực bị tranh chấp căng thẳng nhất trên thế giới, đài CNN có được một cái nhìn hiếm hoi về tiến trình quân sự hóa đang bành trướng nhanh chóng của Trung Cộng ở Biển Đông
Vào ngày thứ Sáu, trên một chiếc máy bay thám thính P-8A Poseidon của Hải Quân Mỹ, CNN nhìn thấy được chuỗi san hô dài 16,500 feet (5 km) nằm thấp được biến thành những đồn lính, với nhiều tòa nhà năm tầng, hệ thống radar lớn, nhà máy điện và đường phi đạo đủ vững chắc dành cho các phi cơ quân sự cỡ lớn.

Trong suốt chuyến bay, phi hành đoàn đã nhận được sáu cảnh báo riêng rẽ từ quân đội Trung Cộng, nói rằng phi cơ Mỹ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc, và yêu cầu Mỹ hãy rời khỏi nơi đó.
Một giọng nói vang lên, “Hãy rời khỏi đây ngay lập tức và bay ra xa để tránh sự hiểu lầm.”
Chiếc phản lực cơ của Hải Quân Hoa Kỳ đã bay ngang qua bốn hòn đảo nhân tạo chính yếu trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Cộng đã xây dựng đồn lũy: Subi Reef, Fiery Cross Reef, Johnson Reef và Mischief Reef.

Trên rạn san hô Subi Reef, những bộ cảm biến của Poseidon đã nhận ra được 86 chiếc tàu thủy, trong số đó có những chiếc tàu phòng vệ duyên hải của Trung Quốc, neo đậu trong một vụng biển rất lớn. Trong khi đó trên rạn san hô Fiery Cross, những dãy nhà vòm chứa máy bay nằm dọc theo một đường phi đạo dài.

“Việc nhìn thấy những sân bay ở giữa đại dương là điều gây ngạc nhiên,” Đại Úy Lauren Callen, người cầm đầu phi hành đoàn chiến đấu trên không, trên chuyến bay Hải Quân, nhận xét.
Mỗi khi chiếc máy bay thăm thính này bị quân đội Trung Cộng thách thức, phản ứng của phi hành đoàn Hải Quân Mỹ đều giống nhau.

Trung Quốc nhất quyết khẳng định rằng các khu vực rộng lớn của Biển Đông là một phần lãnh thổ của nước họ “từ thời xa xưa.”

“Đường lưỡi bò” của Bắc Kinh kéo dài hơn một ngàn cây số từ tỉnh cực nam của họ, bao gồm gần như tất cả vùng biển, nơi có một phần ba khối lượng vận chuyển toàn cầu đi qua, theo Liên Hiệp Quốc ước tính.
Biển Đông cũng được cho là chứa những trữ lượng phong phú của dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, chưa được thăm dò đầy đủ.

Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai, và Brunei đều tuyên bố chủ quyền trên những phần chồng chéo lên nhau của Biển Đông, trải rộng 3.6 triệu cây số vuông (1.4 triệu dặm vuông). Tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố trên khu vực rộng nhất ở Biển Đông.

Những lời tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đều được hầu hết các nước khác coi là không được chứng minh. Quan điểm đã được một tòa án quốc tế ủng hộ trong năm 2016.

Tuy nhiên bất chấp điều này, Trung Quốc không thay đổi các tiếp cận tại khu vực này trong những năm gần đây.

Để củng cố cho việc tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh đã bồi đắp ở trên và xung quanh những rạn san hô và bãi cạn, để xây dựng các đảo nhân tạo, sau đó được quân sự hóa bằng những sân bay và thiết bị radar.
Trung Quốc đã bỏ ra phần lớn thời gian trong hai năm qua để củng cố những hòn đảo này, bao gồm việc đặt các hỏa tiễn trên quần đảo Trường Sa, trong những cuộc tập trận hải quân hồi tháng Tư.

Việc này diễn ra bất chấp một lời hứa của Chủ Tịch Tập Cận Bình nói với Tổng Thống Mỹ Barack Obama hồi đó, trong năm 2015, rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo này.
Lần cuối cùng đài CNN có được dịp tiếp cận với một nhiệm vụ của Hải Quân Hoa Kỳ trên Biển Đông là trong tháng Chín, 2015, khi chiếc máy bay này cũng bị quân đội Trung Quốc cảnh cáo.

Từ đó việc Bắc Kinh xây dựng các đảo trong vùng biển bị tranh chấp đã tiến tới với một tốc độ nhanh.
Bay trên rạn san hô Fiery Cross Reef vào ngày thứ Sáu, CNN có thể nhìn thấy một tòa nhà năm tầng, cũng như một trạm radar lớn, trông giống như những trái banh chơi golf được sắp xếp gọn gàng, trên máy camera hồng ngoại tuyến của chiếc phi cơ Hải quân.

Mặc dù không có hỏa tiễn nào của Trung Quốc được nhìn thấy từ chuyến bay hôm thứ Sáu trên Biển Đông, các viên chức Hải Quân cho biết rằng một số cấu trúc được nhìn thấy có thể được dùng để chứa hỏa tiễn.

Chris Purcell, sĩ quan chỉ huy phi đội tuần tra Patrol Squad Four thi hành nhiệm vụ hôm thứ Sáu, nói rằng Hoa Kỳ thực hiện những chuyến bay này trong năm thập niên qua, và những chuyến bay như thế cho thấy việc Mỹ cam kết duy trì việc tự do đi qua vùng biển quốc tế này.

Ông Purcell nói, “Lý do chúng tôi ở đây không thay đổi [trong năm thập niên]. Lý do khiến cho người Trung Quốc ở đây thì có thay đổi.”

Trong vòng mấy giờ sau chuyến đi này của CNN, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) Times của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đăng một phản ứng với bản tin của đài CNN, trên trang web bằng tiếng Trung Hoa của họ. Bài báo kêu gọi mọi độc giả hãy “hoan nghênh binh sĩ Trung Quốc” vì họ đã bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc.

Bắc Kinh nói rằng sự hiện diện quân sự gia tăng của họ ở Biển Đông là cần thiết để bảo vệ chủ quyền của họ, và quy trách nhiệm cho Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của Mỹ gây ra tình hình căng thẳng trong khu vực.

Trong số những cuộc tập trận của Trung Quốc trong tháng Tư, có cuộc diễn hành hải quân lớn nhất trong lịch sử nước này. Chủ Tịch Tập Cận Bình giám sát các cuộc tập trận bao gồm 10,000 binh sĩ, 48 chiếc tàu hải quân, và 76 chiếc máy bay chiến đấu.

Bắc Kinh lưu ý rằng những chuyến tuần tra và bay ngang qua thường xuyên của Hải Quân Mỹ là một ví dụ về việc quân sự hóa và khiêu khích của Hoa Kỳ, và là một sự biện minh cho việc hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Trong tháng Năm, phát ngôn viên Hoa Xuân Ánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói, “Bằng phóng đại điều được gọi là tiến trình quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, một số người ở Mỹ đang dàn dựng một trò hề vừa ăn cướp vừa la làng. Ai đang quân sự hóa Biển Đông là điều hiển nhiên dưới cái nhìn của tinh ý hơn.”

Trong năm qua, Mỹ tăng cường quyền tự do hoạt động hàng hải trong khu vực đó, đưa tàu thuyền hải quân vào trong vòng dặm của các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những cuộc diễn tập, mà Mỹ cũng thực hiện ở những nơi khác trên thế giới, khẳng định quyền của hải quân đi tới bất cứ nơi nào họ muốn, trong hải phận quốc tế, một thành phần quan trọng trong sức mạnh hải quân của Hoa Thịnh Đốn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thời gian có thể không còn để thách thức một cách hữu hiệu việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đô Đốc Philip Davidson, người mới đây được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, trong một buổi điều trần cho chức vụ mới vào tháng Tư, nói với các Nghị Sĩ rằng Trung Cộng đã cố thủ rất vững chắc.

Ông Davidson cho biết, “Trung Cộng hiện giờ có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ chiến tranh với Hoa Kỳ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT