Kinh Doanh

Trung Hoa qua mặt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Friday, 24/02/2017 - 09:03:52

Mỹ đứng thứ nhì với một mức thâm hụt thương mại song phương: xuất cảng của Đức sang Hoa Kỳ vượt quá nhập cảng từ đó với 49 tỷ euro.


Một chiếc xe của công ty Trung Hoa Geely đang được giới thiệu tại Bá Linh vào mùa thu năm 2016. Đó cũng là năm mà Trung Hoa trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. (Odd Andersen/ Getty Images)


BÁ LINH - Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Hoa đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của nước Đức trong năm 2016, vượt lên trên Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ rớt xuống hàng thứ ba đứng sau Pháp, theo các số liệu được công bố hôm thứ Sáu.

Hàng hóa nhập cảng vào Đức từ Trung Hoa, và xuất cảng từ Đức sang Trung Hoa, đã tăng lên tới 170 tỷ euro ($180 tỷ Mỹ kim) trong năm ngoái, theo số liệu Văn Phòng Thống Kê Liên Bang cho thấy.

Sự việc Trung Hoa dẫn đầu là tin mừng cho chính phủ Đức. Đức đã chọn mục tiêu bảo vệ tự do thương mại toàn cầu là ưu tiên hàng đầu, sau khi Tổng Thống Donald Trump đe dọa đánh thuế hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, và cố vấn hàng đầu của ông về thương mại cũng đã tố cáo Đức lợi dụng tình trạng đồng euro đang yếu để đẩy mạnh xuất cảng sang Mỹ.

Phó Thủ Tướng Đức Sigmar Gabriel gợi ý rằng Liên Hiệp Âu Châu nên tái tập trung vào chính sách kinh tế của họ về phía Á Châu, nếu chính phủ Trump theo đuổi chủ trương bảo hộ thương mại.

Ông Anton Boerner, người đứng đầu hiệp hội thương mại BGA, nói, “Với những kế hoạch theo chủ trương bảo hộ của tân tổng thống Hoa Kỳ, người ta sẽ dự kiến rằng các mối quan hệ thương mại giữa Đức và Trung Hoa sẽ được củng cố nhiều hơn nữa.”

Lý do chính giải thích khối lượng thương mại sụt giảm với Hoa Kỳ là một mức giảm bớt trong hàng hóa xuất cảng của Mỹ sang Đức, theo ông Boerner cho biết thêm.

Nước láng giềng Pháp vẫn là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì, với một khối lượng thương mại tổng công là 167 tỷ euro. Hoa Kỳ đứng hạng thứ ba với 165 tỷ euro.

Trong năm 2015, Mỹ leo lên đứng hàng đầu trên danh sách các đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, vượt qua Pháp lần đầu tiên tính từ năm 1961.

Một cách riêng rẽ, Ủy Ban Quan Hệ Kinh Tế Đông Âu của nước Đức hôm thứ Sáu nói rằng họ dự đoán khối lượng xuất cảng sang Nga có thể sẽ tăng ít nhất 5 phần trăm trong năm nay. Đây là mức tăng đầu tiên của họ tính trong nhiều năm, vì những biện pháp trừng phạt của Tây Phương.

Mức lạc quan nơi các nhà xuất cảng của Đức đang tăng lên. Những mức kỳ vọng về xuất cảng đã tăng trong tháng Hai, cho thấy những con số thương mại mạnh mẽ nói chung, trong tam cá nguyệt thứ nhất của năm 2017.

Nhìn vào một mình hàng hóa xuất cảng, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất cho các sản phẩm “Made in Germany” (chế tạo hay sản xuất ở Đức) trong năm 2016, nhập cảng hàng hóa trị giá 107 tỷ euro từ nền kinh tế lớn nhất Âu Châu.

Pháp vẫn là điểm đến duy nhất quan trọng vào hàng thứ nhì cho hàng xuất cảng đối với hàng hóa của Đức, với số tiền 101 tỷ euro, theo các số liệu cho thấy. Nước Anh đứng hàng thứ ba, nhập cảng khối lượng hàng hóa của Đức trị giá 86 tỷ euro.

Nước Anh cũng chiếm mức thặng dư thương mại song phương lớn nhất: Xuất cảng vượt lên nhập cảng từ Anh với mức 50 tỷ euro.

Mỹ đứng thứ nhì với một mức thâm hụt thương mại song phương: xuất cảng của Đức sang Hoa Kỳ vượt quá nhập cảng từ đó với 49 tỷ euro.

Điều này có nghĩa rằng Anh và Mỹ cùng nhau chiếm khoảng 40 phần trăm, trong tổng số thặng dư thương mại kỷ lục của Đức là 252.9 tỷ euro trong năm 2016.

Những con số này có lẽ sẽ gây ra cuộc tranh cãi về hiệu năng xuất cảng của Đức, thặng dư thương mại của nước này, và những điều mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu, trước một kỳ họp của các bộ trưởng tài chánh và các thống đốc ngân hàng trung ương thuộc khối G20, ở Baden-Baden vào giữa tháng Ba.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT