Thế Giới

Trung Quốc bị tố cáo đang lưới sạch tôm cá đại dương vì mê ăn hải sản

Saturday, 06/10/2018 - 07:34:18

Ông Li nói, “Hiện giờ chúng tôi đang thực hiện ba bước; kéo dài thời gian cấm đánh cá, thả thêm nhiều cá con ra, và bắt đầu giảm bớt số lượng tàu thuyền để làm giảm sản lượng.”


Những tàu đánh cá đua nhau ra khơi tại hải cảng Châu Sơn ngày 16 tháng 9, 2018, để tìm bắt tôm cá ngoài khơi Thái Bình Dương. Đó cũng là ngày đầu tiên của mùa đánh cá kéo dài bốn tháng rưỡi. (Getty Images)

Không chỉ uy hiếp các nước láng giềng, Trung Cộng còn dùng sức mạnh để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của họ, bất kể sự tai hại có thể gây ra cho các nước khác và cho môi trường toàn cầu. Mới đây đài ABC News tại Úc đã điều tra về nạn chài lưới quá mức, gây hại cho ngư trường của trái đất. Dưới đây là trích đoạn từ bài phóng sự điều tra đó.

Thuyền trưởng Lin Jianchang, 54 tuổi, là một ngư dân từ thuở bé. Ngồi vá lưới trên chiếc tàu đánh cá nhỏ, ông Lin cho biết thời buổi này khó khăn lắm.

Ông nói, “Khi tôi bắt đầu đánh cá, chúng tôi có thể đổ cá đầy ắp thuyền trong vòng một tiếng đồng hồ, chúng tôi không thể di chuyển, vì có nhiều cá ở chung quanh. Giờ đây có cá ít hơn và hiếm khi có được cá lớn.”

Các ngư trường trên khắp thế giới đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng 90 phần trăm trong số ngư trường đã suy sụp, và Trung Quốc là nước đóng vai chính trong việc phá hoại các môi trường của loài tôm cá.
Tính ra Trung Quốc đang có đội tàu đánh cá biển sâu lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc đã tước sạch tôm các tận đáy biển trên các đại dương của thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã trợ giá rất nhiều cho các đội ngư thuyền này, nhằm đáp ứng sự ham muốn không đáy của nước này đối với hải sản. Người Trung Hoa tiêu thụ một phần ba lượng hải sản trên thế giới.
Tại phố cảng Châu Sơn ở duyên hải miền đông của Trung Quốc, 500 tàu đánh cá đã chạy đua ra biển vào ngày đầu tiên của mùa đánh cá.

Mỗi mùa đều khó hơn mùa trước đó. Các đội tàu phải đi xa hơn trên đại dương và ở lại lâu hơn cho một đợt bắt cá được khá nhiều.
Các vùng biển xung quanh Trung Quốc hầu như không còn cá nữa, nhưng đội tàu đánh cá thương mại vẫn còn rất lớn.

Với khoảng 200,000 ngư thuyền, đội tàu này chiếm gần một phân nửa trong hoạt động đánh cá của thế giới.
Hàng chục chiếc tàu đánh cá đã quay trở lại Châu Sơn với đợt đánh bắt đầu mùa – họ bắt được cua. Những lượng cua hay cá bắt được này đều khá, nhưng cũng chưa bằng một nửa khối lượng trong những năm trước đó.

Trong thời gian gần đây, những chiếc tàu đánh cá và những chiếc ghe nhỏ hơn hầu hết đều bắt “cá tạp” - tức những con cá nhỏ xíu trị giá chẳng bao nhiêu, được dùng làm thức ăn cho động vật và trong các trại nuôi thủy sản.
Giống như hầu hết những người khác ở Châu Sơn, điều duy nhất giữ cho thuyền trưởng Lin và nhóm thuyền viên của ông vẫn ra khơi là chính sách trợ giá của chính phủ.

Thuyền trưởng Lin nói, “Nhiên liệu diesel và việc sửa tàu sẽ tốn 200,000 NDT (Nhân Dân Tệ) (tương đương $30,000 Mỹ kim). Chính phủ trợ cấp cho tôi hơn 100,000 NDT ($15,000).”

Chính phủ Trung Quốc đã cấp $20 tỷ tiền trợ giá trong bốn năm qua, cho đội tàu đánh cá của họ.
Những khoản trợ giá đó có thể giữ cho người ta tiếp tục công việc, nhưng việc đánh bắt quá mức đang đe dọa toàn thể hệ thống sinh thái của địa cầu.

Wang Dong, thuyền trưởng của một chiếc tàu đánh cá nhỏ, nói rằng 2,600 chiếc siêu ngư thuyền của Trung Quốc khiến cho chiếc tàu của ông gần như không thể sống sót nổi.
Thuyền trưởng Wang nói, “Trữ lượng cá chắc chắn là ít hơn, những tấm lưới đánh cá của họ đã giết sạch mọi thứ.”

“Những chiếc tàu đánh cá siêu lớn đều có động cơ mạnh hơn, vì vậy khi chúng đi qua thì hầu như không có con cá nào còn sót lại cả, dù to hay nhỏ.”
Chính phủ Bắc Kinh nói rằng họ đang ra tay hành động, ít nhất là với những đội thuyền nhỏ hơn, mà họ nó có thể kiểm soát gần Trung Quốc hơn.

Ông Li nói, “Hiện giờ chúng tôi đang thực hiện ba bước; kéo dài thời gian cấm đánh cá, thả thêm nhiều cá con ra, và bắt đầu giảm bớt số lượng tàu thuyền để làm giảm sản lượng.”

Nhưng nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận rằng ở ngoài khơi xa, các siêu ngư thuyền đều khó kiểm soát.
Trên giấy tờ, có những luật lệ và hình phạt nghiêm ngặt mới, nhưng thường những chiếc siêu ngư thuyền đều báo cáo không đúng mức, hoặc không ghi sổ những khối lượng đánh bắt được.

Nhiều chuyên gia nói rằng đã trễ để cứu lấy các trữ lượng cá trên thế giới.

Zhou Wei là giám đốc dự án đại dương tại tổ chức Greenpeace East Asia.
Bà Zhou nói, “Chúng ta đang ở vào một thời điểm khủng hoảng, các trữ lượng cá của thế giới đang cạn kiệt. Chúng ta đã mất hai phần ba trong số lượng cá săn mồi lớn. Có 90 phần trăm trong khối lượng cá trên thế giới đã bị khai thác trọn vẹn hoặc bị khai thác quá mức. Các đội tàu của chúng ta tiếp tục dùng những phương pháp phá hoại, tiêu diệt các ngư trường trong nước.”

Những chiếc siêu ngư thuyền của Trung Quốc đang nhắm tới các vùng biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương, Nam Mỹ Châu và Tây Phi C hâu.

Những chiếc tàu đó không những phá hủy các môi trường trữ lượng cá, mà còn đang xóa sạch các cộng đồng chài lưới kém hơn hiện còn tồn tại.

Mới đây Greenpeace East Asa thực hiện một cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của siêu ngư thuyền ở khu vực Tây Phi.

Bà Zhou nói, “Ở Tây Phi, bảy triệu người cậy nhờ vào cá để kiếm lợi tức và việc làm, thêm nhiều người dựa vào cá để có thực phẩm và chất đạm động vật. Đối với dân chúng địa phương, đó là sinh kế của họ. Thế nhưng đối với các đội tàu đánh cá kỹ nghệ thì đó là một hoạt động kinh doanh.”

Nhu cầu đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng. Mức giàu có đang tăng của Trung Quốc có nghĩa là hải sản, từng được coi là một món ăn đắt tiền, hiện giờ đang được tiêu thụ rộng rãi.
Có rất ít nhận thức về tính cách bền vững trong công chúng Trung Quốc. Những người bảo tồn nói rằng rất cần các cuộc vận động giáo dục.

Nhiều chuyên gia lo sợ rằng nếu Trung Quốc và các nước khác không thay đổi mô hình đánh cá của họ, thì cá sẽ còn lại rất ít cho thế hệ kế tiếp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT