Hoa Kỳ

Trung Quốc đánh thuế trả đũa Trump, ảnh hưởng ngành rượu vang California

Wednesday, 04/04/2018 - 08:24:22

Công ty Honig Vineyards đã bỏ ra mười năm để lôi cuốn giới khách hàng đó, và năm nào chủ công ty cũng thực hiện một chuyến đi Trung Quốc để quảng cáo trong các nhà hàng và khách sạn hàng đầu.


Công nhân Jimmy Guzman đang khiêng thùng nho zinfandel tại trại sản xuất rượu vang Tres Sabores Winery ở St. Helena, Bắc California. Với cuộc chiến mậu dịch đang leo thang giữa Mỹ và Trung Cộng, rượu nho từ California trở thành nạn nhân tại Trung Hoa. (Justin Sullivan/ Getty Images)

NAPA VALLEY - Rượu Cabernet không phải là con cờ rõ ràng nhất trong một cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Máy bay và đồ phụ tùng mới là những mặt hàng xuất cảng hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc. Đậu nành và lúa mì cũng vậy, được trồng ở những tiểu bang ủng hộ ông Trump.

Thế nhưng việc Trung Quốc chọn rượu vang làm một mục tiêu đánh thuế trả đũa sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng cho các nhà sản xuất rượu vang trong vùng thung lũng Napa Valley. Tin tức về vụ này là một diễn biến không vui cho nhiều hãng sản xuất rượu vang ở California. Họ đã bỏ ra nhiều năm tìm cách chiếm cho được một vị trí trong lòng của những người tiêu thụ giàu có ở Trung Quốc. Công việc khó nhọc đó đã giúp họ giành được một phần đáng giá của một nơi đang trở thành một trong những thị trường nhập cảng phát triển nhanh nhất cho rượu vang.

Rượu vang Mỹ được nhập cảng vào Trung Quốc đạt mức $82 triệu trong năm ngoái, không bao gồm những chai rượu được nhập cảng miễn thuế qua ngả Hong Kong. Đây là một mức tăng nhiều gấp bảy lần trong mười năm qua. Thế nhưng sự gia tăng uy tín đã có thể biến rượu Napa thành mục tiêu cho Bắc Kinh để đánh thuế.
Mức thuế 15 phần trăm, được loan báo vào ngày thứ Hai, cộng thêm trên những mức thuế hiện hành, là một cú đấm mạnh giáng vào những hãng sản xuất rượu vang đang quảng cáo các sản phẩm của họ cho tầng lớp đông đảo những người Trung Quốc trẻ tuổi giàu lên mới đây.

Chính thành phần đó, một hoặc hai cấp đứng dưới giới siêu giàu của Trung Quốc, đang nắm giữ một tiềm năng rất lớn cho các hãng rượu ở California. Những người tiêu thụ này đông hơn nhiều so với nhóm 1 phần trăm. Và quan trọng hơn, họ là những người thúc đẩy đợt nở rộ mới đây của nền văn hóa rượu vang ở Trung Quốc, trong đó các chai rượu thực sự được uống, chứ không chỉ là quà đắt tiền được trao đổi giữa những người thuộc tầng lớp thượng lưu.

Công ty Honig Vineyards đã bỏ ra mười năm để lôi cuốn giới khách hàng đó, và năm nào chủ công ty cũng thực hiện một chuyến đi Trung Quốc để quảng cáo trong các nhà hàng và khách sạn hàng đầu.

Loại rượu cabernet của Honig được nhiều người ưa chuộng có giá bán sĩ chừng $25 một chai. Hãng này gửi hơn 500 thùng rượu cabernet mỗi năm cho một cơ sở kinh doanh nhập cảng mạnh dạn ở Thượng Hải, được thành lập bởi hai anh em mang quốc tịch đôi. Với những mức thuế hiện có và thuế giá trị gia gia tăng cộng thêm vào, giá tổng cộng của rượu vang California đã lên tới gần 50 phần trăm. Sau khi nhà nhập cảng tính tiền vận chuyển, lấy phần lời của họ và chuyển các chai rượu đến một khách sạn hoặc cửa hàng bán lẻ, những nơi này cũng lấy phần lời riêng, cuối cùng rượu vang đỏ Napa được bán với giá tương đương khoảng $100 một chai.
Mức thuế tăng thêm 15 phần trăm đó sẽ rất tàn bạo cho các công ty rượu California. Mỹ đang cạnh tranh với Úc và Chile, đó là một bất lợi lớn về mặt cạnh tranh. Rượu vang của Chile và New Zealand không phải chịu thuế của Trung Quốc, nhờ các hiệp định thương mại tự do. Trong năm tới, những chai rượu Úc sẽ vào Trung Quốc mà không bị đóng thuế.

Người Trung Quốc thích rượu vang California, nhưng không ưa thích đủ để bỏ qua yếu tố giá rẻ hơn của rượu tức các nước khác. Rượu Mỹ giá vốn đã không rẻ, và nếu trở thành mắc hơn nữa, người Trung Hoa sẽ tìm rượu khác.
Đó là chưa kể người Trung Hoa còn uống rượu sản xuất ngay tại nước của họ. Các chuyên gia làm rượu vang đã bỏ ra nhiều năm để thu hoạch những dạng nho làm rượu cabernet sauvignon, merlot, và cabernet franc ở những vùng sơn cước dãy núi Helan ở Ningxia, một vùng giáp biên giới Mông Cổ. Họ đã bắt đầu giành được những giải thưởng quốc tế, thậm chí đánh bại những loại rượu Pháp được ưa chuộng.

Sau đó, chính phủ Bắc Kinh đã bắt đầu bảo vệ các hãng rượu vang trong nước.
Khi Liên Hiệp Âu Châu đánh thuế vào những tấm thu năng lượng mặt trời của Trung Quốc trong năm 2013, Bắc Kinh trả đũa bằng cách mở một cuộc điều tra để xem các hãng nhà sản xuất rượu của Âu Châu có bán phá giá hay không với những chai rượu rẻ, được trợ giá không đúng cách, vào trong thị trường Trung Quốc. Một năm sau đó Trung Quốc kết thúc cuộc điều tra, sau khi phía Âu Châu đồng ý giúp huấn luyện những người sản xuất rượu ở Trung Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT