Thế Giới

Trung Quốc kêu gọi Kim giữ kế hoạch gặp Trump

Thursday, 17/05/2018 - 12:03:08

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hai lần gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong 2 tháng qua. Hành động này được coi là nỗ lực để bảo đảm lợi ích của Trung Quốc sẽ được duy trì, trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

BẮC KINH – Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm thứ Tư kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Hàn nên bảo đảm cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra đúng dự kiến, và mang lại "kết quả đáng kể.” "Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xoa dịu căng thẳng đồng thời duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” phát ngôn viên Lục Khảng nói.
Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un dự kiến gặp nhau tại Singapore vào ngày 12 tháng 6, nhưng Bắc Hàn hôm thứ Ba bất ngờ đe dọa hủy cuộc gặp, và cũng hủy một cuộc đối thoại cấp cao với Nam Hàn, vì phản đối cuộc tập trận chung Max Thunder của liên quân Hoa Kỳ - Nam Hàn, diễn ra từ ngày 11 đến 25 tháng 5. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hai lần gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong 2 tháng qua. Hành động này được coi là nỗ lực để bảo đảm lợi ích của Trung Quốc sẽ được duy trì, trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Congo nhận 4,000 liều vaccine Ebola
KINSHASA – Chuyến hàng đầu tiên của 4,000 liều vaccine thử nghiệm chống Ebola đã được chuyển đến thủ đô Kinshasa của Cộng Hòa Congo vào thứ Tư, sau khi dịch bệnh này bị nghi là đã khiến 23 người thiệt mạng. Thuốc ngừa, được phát triển bởi hãng Merck và được tổ chức Y Tế Thế Giới gởi từ châu Âu, hiện vẫn chưa được cấp giấy phép, nhưng đã tỏ ra khá hiệu quả trong đợt thử nghiệm giới hạn tại Tây Phi, trong đợt bùng phát Ebola lớn nhất lịch sử, giết chết 11,300 người ở Guinea, Liberia, và Sierra Leone từ năm 2014 đến 2016.
Cơ quan y tế hy vọng số vaccine này có thể giúp khống chế đợt bùng phát Ebola mới nhất tại Congo. Ông Peter Salama, phó tổng giám đốc WHO chịu trách nhiệm đối phó tình huống khẩn cấp, cho biết số lượng người nhiễm Ebola hiện nay là 42 người, bao gồm cả 23 ca tử vong. Dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại vùng Bikoro, và sau đó là vùng Iboko, thuộc phía tây bắc Congo. Đã có gần 400 người được xác định có tiếp xúc với những người nhiễm Ebola.
Vào thứ Tư, WHO cho biết thêm 4,000 liều vaccine nữa đã được chuyển tới Geneva, và sẽ tiếp tục được gởi tới Kinshasa trong vài ngày tới. Bộ Y Tế Congo cho biết việc chích ngừa sẽ khởi sự vào cuối tuần. Đây là lần đầu tiên vaccine ngừa Ebola được sử dụng rộng rãi kể từ khi được phát triển vào 2 năm trước.

OPCW: Vũ khí hóa học được dùng ở Saraqeb
HÒA LAN - Trong thông báo đưa ra ngày thứ Tư, tổ chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OPCW) cho biết, nhóm điều tra tại Syria xác nhận "khí chlorine dường như đã được sử dụng" trong vụ tấn công ở thị trấn Saraqeb, tỉnh Idlib, ngày 4 tháng 2. Theo OPCW, nhóm điều tra kết luận chất chlorine được rải xuống bằng các hệ thống máy móc ở vùng dân cư Al Tahil, thị trấn Saraqeb. Tuy nhiên, OPCW không cho biết lực lượng nào đứng sau vụ tấn công.
Saraqeb là một trong các thành trì của phe nổi dậy nằm ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria. Trong các chiến dịch quân sự tái chiếm lãnh thổ, quân đội của Tổng Thống Bashar al-Assad đã thực hiện nhiều cuộc không kích vào thị trấn này cũng như nhiều khu vực khác. Vụ không kích hôm 4 tháng 2 bị phe nổi dậy và một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc là tấn công hóa học, sử dụng khí độc chlorine. Tổ chức Phòng vệ dân sự Syria cho biết, ít nhất 9 người đã nhiễm khí độc chlorine và có các triệu chứng như khó thở, đau họng, buồn nôn, và chảy máu cam sau vụ tấn công tại Saraqeb.
Ngoài thị trấn Saraqeb, các nhân viên của OPCW cũng đang điều tra cáo buộc tấn công hóa học tại Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Vụ tấn công ở Đông Ghouta diễn ra hôm 7 tháng 4, khiến 75 người thiệt mạng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, 40 trong số 75 người chết có dấu hiệu trúng độc. Hơn 500 người bị thương do tiếp xúc với chất độc. Phe nổi dậy và phương Tây cáo buộc quân đội chính phủ Syria đã sử dụng chất độc hóa học Sarin trong vụ tấn công. Nhiệm vụ của OPCW chỉ là xác định xem vũ khí hóa học có được sử dụng hay không, và sẽ không xác định ai chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Chiến hạm Nga sẽ có mặt liên tục ở Địa Trung Hải
SOCHI – Một chiến hạm Nga mang hỏa tiễn hành trình Kalibr sẽ có mặt thường trực ở Địa Trung Hải, để chống lại điều Tổng Thống Vladimir Putin gọi là mối đe dọa khủng bố ở Syria. Trong thông báo điều động tàu tại cuộc họp với các viên chức quân sự ở Sochi, ông Putin nói rằng việc cho chiến hạm hỏa tiễn đóng quân ở Địa Trung Hải là do “mối đe dọa khủng bố còn lại ở Syria.” Nga từng bắn hỏa tiễn hành trình Kalibr từ khu trục hạm và tàu ngầm tại Địa Trung Hải vào các mục tiêu của phe nổi dậy, để hỗ trợ cho quân đội Syria. Ông Putin khẳng định chỉ có chiến hạm mang hỏa tiễn Kalibr có mặt ở Địa Trung Hải, và không có tàu ngầm.
Hành động này cho thấy sự tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở Trung Đông, kể từ khi nước này bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, để hỗ trợ đồng minh là Tổng Thống Syria Bashar al-Assad. Nga có một căn cứ Hải quân tại Tartus và một căn cứ Không quân tại Hmeimim ở Latakia.

Guatemala mở tòa đại sứ tại Jerusalem
JERUSALEM - Guatemala hôm thứ Tư đã khai trương tòa đại sứ tại Jerusalem, trở thành quốc gia đầu tiên đi theo quyết định đầy tranh cãi của Hoa Kỳ. Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng Thống Guatemala Jimmy Morales và đại sứ Hoa Kỳ tại Israel David Friedman, đã tham gia lễ khai trương tòa đại sứ mới của Guatemala tại Jerusalem. Ông Netanyahu đã ca ngợi Guatemala và nhắc rằng hành động được thực hiện chỉ 2 ngày sau khi Hoa Kỳ mở tòa đại sứ tại Jerusalem. Ông Morales gọi đây là "khoảnh khắc để thế hệ tương lai nhớ rằng, các quốc gia thân hữu đã thực hiện những quyết định dũng cảm để ủng hộ Israel.”
Quốc gia Trung Mỹ Guatemala là một trong số ít nước ủng hộ quyết định hồi tháng 12 của Tổng Thống Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Quyết định này đảo ngược chính sách duy trì hiện trạng mà Hoa Kỳ đã theo đuổi suốt nhiều thập kỷ qua, khiến các nước Hồi giáo và đồng minh phương Tây phản đối. Tòa đại sứ của Guatemala trước đây nằm ở Herzliya, phía bắc Tel Aviv.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Israel chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Trong khi đó, Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của quốc gia Palestine tương lai.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT