Thế Giới

Trung Quốc ngưng tăng thuế đối với $126 tỷ hàng Hoa Kỳ

Friday, 14/12/2018 - 09:14:15

Tuy nhiên, Trung Quốc ngày thứ Năm nói rằng họ chào mừng phái đoàn Hoa Kỳ tới thăm Bắc Kinh để tìm giải pháp cho những vấn đề “gai góc.”

BẮC KINH - Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Sáu thông báo sẽ tạm hoãn 90 ngày đối với lệnh tăng thuế đánh lên $126 tỷ Mỹ kim hàng Hoa Kỳ gồm xe hơi, xe tải, và phụ tùng xe, sau khi nước này đồng ý tạm ngừng chiến tranh thương mại với Washington. Cơ quan thuế thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết, việc đình chỉ tăng thuế - có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 – là nhằm thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp tại Argentina.
Cơ quan thuế cho biết Bắc Kinh sẽ tạm đình chỉ khoản tăng thuế 25% đối với xe hơi và xe tải, tổng trị giá $66 tỷ Mỹ kim, và 5% đối với $60 tỷ Mỹ kim hàng phụ tùng xe hơi. Tổng cộng 211 mặt hàng sẽ được hoãn tăng thuế. Tổng Thống Trump trước đó cũng đã đình chỉ lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ đối với hàng Trung Quốc, vốn sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1, trong lúc hai bên đàm phán. Bắc Kinh đã tăng thuế đánh vào xe hơi nhập cảng từ Hoa Kỳ từ 15% lên 40% hồi mùa hè năm nay, nhằm đáp trả việc Washington đánh thuế lên $50 tỷ Mỹ kim lên hàng Trung Quốc.
Việc đình chỉ tăng thuế của Trung Quốc cho thấy thỏa thuận “đình chiến” thương mại giữa 2 nước không bị ảnh hưởng bởi vụ Canada bắt giữ giám đốc hãng Huawei. Giới quan sát từng lo ngại rằng việc bà Mạnh bị bắt có thể sẽ khiến thỏa thuận đình chiến giữa 2 bên đổ bể. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày thứ Năm nói rằng họ chào mừng phái đoàn Hoa Kỳ tới thăm Bắc Kinh để tìm giải pháp cho những vấn đề “gai góc.”

Lực lượng Kurd đánh bật ISIS khỏi thành trì ở đông Syria
HAJIN - Lực lượng dân chủ Syria (SDF), với thành phần chính là dân quân người Kurd, hôm thứ Sáu đã chiếm được Hajin, thành trì cuối cùng của phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) ở miền đông Syria, đánh dấu mốc quan trọng trong chiến dịch quy mô và tốn kém do Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm diệt trừ ISIS. "Sau 1 tuần giao tranh và không kích ác liệt, SDF đã đuổi được ISIS ra khỏi Hajin,” ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (SOHR), cho biết.
Khu vực Hajin do ISIS kiểm soát là phần cuối cùng của lãnh thổ rộng lớn mà nhóm này từng nắm giữ hồi 2014, chiếm phần lớn lãnh thổ của Syria và Iraq. Sau nhiều chiến dịch của quân đội Syria và liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu, ISIS bị đẩy lùi khỏi các căn cứ quan trọng và co cụm tại Hajin. SDF mở màn chiến dịch tấn công Hajin từ ngày 10 tháng 9 với sự tham gia của khoảng 17,000 thành viên. Bị tấn công dữ dội, các tay súng ISIS cuối cùng rút vào cố thủ trong hệ thống đường hầm ở rìa Hajin, phía đông Deir Ezzor, cách biên giới Iraq khoảng 30 cây số.
Những tay súng này vào ngày thứ Sáu đã rút về các địa điểm ở đông Hajin, Sousa và Al-Shaafa, hai ngôi làng khác ở gần thung lũng Euphrates. Tổng Thống Donald Trump hôm 11 tháng 12 dự đoán ISIS sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn trong 1 tháng.

Ba phụ nữ bị đâm tại Đức
NUREMBERG – Ba phụ nữ đã bị đâm trọng thương tại thành phố Nuremberg của Đức, và cảnh sát vẫn đang điều tra xem các sự việc này có liên quan với nhau hay không. Hiện vẫn chưa có mô tả chính thức về vũ khí mà hung thủ sử dụng trong các vụ tấn công tối thứ Năm. Nhà chức trách nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy sự việc có liên hệ với khủng bố. Các vụ tấn công xảy ra tại khu St. Johannis của thành phố. Nạn nhân đầu tiên, một phụ nữ 56 tuổi, bị một người đàn ông tấn công trên đường. Hung thủ sau đó chạy bộ rời khỏi hiện trường.
Hai vụ tấn công kế tiếp xảy ra trong khoảng 3 tiếng rưỡi sau đó. Các nạn nhân gồm hai phụ nữ 26 và 34 tuổi, bị các vết thương được mô tả là “đe dọa đến tính mạng.” Cảnh sát vào ngày thứ Sáu cho biết, toàn bộ 3 nạn nhân đều đã được chữa trị kịp thời và không còn bị nguy hiểm đến tính mạng. Theo cảnh sát, có thể 3 vụ tấn công này được thực hiện bởi cùng một người. Nhà chức trách Đức vẫn chưa có thông tin gì về nghi can.

Nam Hàn, Hoa Kỳ chưa đạt thỏa thuận về chi phí quân sự
SEOUL – Nam Hàn và Hoa Kỳ đã không đạt được thỏa thuận trong việc chia sẻ chi phí quân sự, để duy trì sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại quốc gia châu Á, theo một viên chức Seoul cho biết hôm thứ Sáu. Các viên chức hai bên đã đàm phán ở Seoul từ ngày 11 đến 13 tháng 12 để thiết lập một thỏa thuận mới, thay thế cho thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự được ký năm 2014 và sẽ hết hạn vào cuối năm nay, trong đó Nam Hàn sẽ trả khoảng $850 triệu Mỹ kim cho chi phí của lực lượng đồn trú của Hoa Kỳ trong năm 2018.
Washington hiện đang yêu cầu Seoul phải tăng đáng kể khoản đóng góp, khiến hai bên không đạt được thỏa thuận. Tổng Thống Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng Nam Hàn cần chi trả nhiều hơn để duy trì 28,500 lính Mỹ ở nước này. Washington được cho là muốn Seoul tăng phần đóng góp lên khoảng $1.2 tỷ Mỹ kim, nhưng các viên chức Seoul không xác nhận con số này. Hai bên chưa có kế hoạch gặp mặt trở lại trong năm nay để bàn về hiệp ước ngân sách mới, làm tăng khả năng thiếu tiền cho hoạt động quân sự chung.
Tháng trước, lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Hàn khuyến cáo một số nhân viên người Nam Hàn rằng họ có thể phải nghỉ không lương từ giữa tháng 4, 2019, nếu hai nước không đạt được thỏa thuận về ngân sách quân sự chung. Khoảng 70% khoản đóng góp của Nam Hàn hiện nay được dùng để trả lương cho phần lớn trong 8,700 nhân viên hành chính, kỹ thuật và các dịch vụ khác cho quân đội Hoa Kỳ.

Tổng thống Brazil cho phép dẫn độ phiến quân người Ý
BRAZILIA – Tổng Thống Brazil Michel Temer vào ngày thứ Sáu đã ký lệnh dẫn độ phiến quân Cộng Sản người Ý Cesare Battisti, bị truy nã ở Ý từ thập niên 70 vì tội giết người. Mệnh lệnh này được ban hành sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Brazil hôm thứ Năm, nói rằng việc dẫn độ ông Battisti sẽ tùy thuộc vào quyết định của tổng thống. Cảnh sát Brazil nói rằng họ vẫn chưa xác định được vị trí của ông Battisti, người được cho là đang sống tại một thành phố ven biển ở miền nam Brazil.
Luật sư của Battisti cho biết đang làm thủ tục kháng án. Battisti đối mặt với án tù tại Ý sau khi ông ta bị kết tội sát hại 4 người, khi còn là thành viên của một nhóm phiến quân Cộng Sản. Battisti vượt ngục năm 1981 và sống tại Pháp, sau đó chạy trốn đến Brazil để tránh lệnh dẫn độ.
Chính phủ Ý gần như đã có được lệnh dẫn độ Battisti vào năm 2010, nhưng tổng thống thiên tả của Brazil - khi đó là ông Luiz da Silva - đã cho phép Battisti tị nạn trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống trong năm đó. Tổng thống cực hữu sắp tới của Brazil - ông Jair Bolsonaro, người sẽ nhậm chức vào ngày 1 tháng 1 – nói rằng ông sẽ cho dẫn độ Battisti về Ý ngay khi nắm quyền.

Nga từ chối thả thủy thủ Ukraine theo yêu cầu của Mỹ
MOCOW - Điện Kremlin hôm thứ Sáu đã từ chối lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc trả tự do cho 24 thủy thủ và 3 chiến hạm Ukraine, bị bắt từ hôm 25 tháng 11, và khẳng định những người này không thể được ưu tiên trong hệ thống tư pháp Nga. Washington hôm thứ Năm cho biết cuộc gặp giữa Tổng Thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ không thể diễn ra cho tới khi Nga thả 3 tàu Hải quân Ukraine và thủy thủ đoàn.
"Việc thả người không thể thực hiện vì sẽ vi phạm quá trình pháp lý cũng như cuộc điều tra đối với hành động xâm phạm lãnh thổ Nga của những người này,” ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết trong cuộc họp báo, nhắc đến các thủy thủ Ukraine đang bị giam và chờ ngày ra tòa. Ông Peskov nói Nga vẫn sẵn sàng tổ chức cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ và các viên chức Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định những cuộc gặp như vậy là cần thiết cho cả hai nước. Ông Trump và ông Putin đã định gặp nhau bên lề hội nghị G20 ở Argentina, nhưng tổng thống Hoa Kỳ đã hủy cuộc gặp sau khi xảy ra vụ bắt tàu.

Úc khuyên công dân cẩn thận khi đến Indonesia
CANBERRA - Chính phủ Úc vào ngày thứ Sáu đã khuyến cáo công dân nước này nên cẩn thận khi du lịch đến nước láng giềng Hồi giáo Indonesia, trong bối cảnh Canberra đang chuẩn bị công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Thủ Tướng Úc Scott Morrison dự kiến sẽ thông báo, sớm nhất là vào ngày thứ Bảy, rằng chính phủ của ông sẽ đi theo Hoa Kỳ và công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Trước tình hình này, Bộ Ngoại Giao Úc đã khuyên các công dân phải hết sức cẩn thận nếu muốn đến Indonesia du lịch. Cả Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô, và giới quan sát cho rằng, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của bất kỳ nước nào cũng sẽ dẫn đến căng thẳng và ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hòa bình.
Thủ Tướng Úc Morrison được cho là sẽ không dời tòa đại sứ về Jerusalem trong tương lai gần, vì còn lo ngại chi phí và tình hình an ninh. Tuy nhiên, việc công nhận Jerusalem sẽ giúp ông Morrison giành được phiếu của cử tri người Do Thái và người Thiên Chúa giáo bảo thủ trong cuộc bầu cử năm tới, đồng thời tạo được thiện cảm với Tòa Bạch Ốc. Ngược lại, quyết định của chính phủ Canberra có thể sẽ bị phản đối tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.
Jakarta vào đầu năm nay đã phản ứng giận dữ sau khi Thủ Tướng Morrison công bố ý tưởng về việc công nhận Jerusalem và dời tòa đại sứ về đây. Trong thông cáo đưa ra vào ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Úc nói, “Nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra trong những tuần gần đây xung quanh tòa đại sứ Úc ở Jakarta và lãnh sự quán Úc ở Surabaya. Công dân Úc đến Indonesia cần phải hết sức cẩn thận và các cuộc biểu tình có thể sẽ kéo dài.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT