Thế Giới

Trung Quốc thề trả đũa đánh thuế $200 tỷ

Wednesday, 11/07/2018 - 08:28:48

Thông báo này được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Washington đánh thuế 25$ đối với $34 tỷ Mỹ kim hàng nhập cảng và Bắc Kinh đáp trả bằng khoản thuế tương tự.

BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Tư thề sẽ thực hiện “những biện pháp mạnh mẽ” sau khi Hoa Kỳ dọa đánh thuế thêm đối với hàng ngàn sản phẩm Trung Quốc nhập cảng, từ hải sản, trái cây, cho tới đồ gia dụng. Trung Quốc không cho biết chi tiết, nhưng nước này có rất nhiều lựa chọn để đáp trả lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ. Nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ đình chỉ hoạt động của các hãng sản xuất xe hơi và các hãng bán lẻ Hoa Kỳ, vốn đang coi Trung Quốc là thị trường chính.
Tại buổi họp báo ngày thứ Ba, Đại diện thương mại Robert Lighthizer xác nhận chính phủ đã khởi động quá trình đánh thuế 10% lên $200 tỷ Mỹ kim hàng nhập cảng từ Trung Quốc, theo yêu cầu của Tổng Thống Donald Trump. Dự kiến, chính sách này sẽ có hiệu lực vào tháng 9. Thông báo này được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Washington đánh thuế 25$ đối với $34 tỷ Mỹ kim hàng nhập cảng và Bắc Kinh đáp trả bằng khoản thuế tương tự.
Bộ Thương Mại Trung Quốc vào thứ Tư cho biết họ “sốc” sau khi biết về tuyên bố của Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ là “không thể chấp nhận,” cho rằng “thái độ của Washington đang làm tổn hại tới Trung Quốc, tới thế giới và tới chính Hoa Kỳ.” Phụ tá Bộ Trưởng Thương Mại Trung Quốc, ông Li Chenggang, khuyến cáo Bắc Kinh sẽ có “biện pháp đáp trả cần thiết” với Washington. Ông Li cho rằng Hoa Kỳ dường như đã đẩy mâu thuẫn thương mại giữa 2 quốc gia lên một độ cao mới, và cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào quá trình toàn cầu hóa, phá hủy trật tự kinh tế thế giới, và gây ảnh hưởng xấu tới hệ thống của tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO.

Hy Lạp trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga
ATHENS – Chính phủ Hy Lạp vừa trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Nga, với cáo buộc ngăn cản thỏa thuận đổi tên nước giữa Hy Lạp và Macedonia. Truyền thông Hy Lạp hôm thứ Tư cho biết, nước này sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga và cấm nhập cảnh với 2 nhân viên khác, do nghi ngờ họ có hành động bất hợp pháp chống lại an ninh quốc gia của Hy Lạp. Các nhân viên ngoại giao Nga bị cáo buộc can thiệp vào tình hình nội bộ Hy Lạp, khi tìm cách ngăn cản thỏa thuận đổi tên nước ký kết với Macedonia hồi tháng trước. Tuy nhiên, việc điều tra chỉ tập trung vào nhóm 4 nhân viên này và không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Athens và Moscow.
Nghị Sĩ Nga Andrei Klimov, lãnh đạo Ủy Ban Bảo Vệ Chủ Quyền Quốc Gia của quốc hội Nga, tuyên bố Moscow cũng sẽ trục xuất hai nhà ngoại giao Hy Lạp, để đáp trả tương xứng với hành động của Athens. Mâu thuẫn giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát từ năm 1991 sau khi Macedonia tuyên bố độc lập. Hy Lạp phản đối nước láng giềng lấy tên "Macedonia" vì trùng với tên một tỉnh ở phía bắc nước này và có thể gây hiểu lầm về chủ quyền. Sau nhiều thập kỷ tranh cãi, hai nước ngày 17 tháng 6 ký kết thỏa thuận đổi tên nước Macedonia thành Cộng Hòa Bắc Macedonia. Đổi lại, Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng này gia nhập Liên Âu (EU) và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhiều người ở cả Macedonia lẫn Hy Lạp cho rằng đây là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia. Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở cả 2 nước nhằm ngăn chặn việc thực thi thỏa thuận. Nga được cho là không muốn Macedonia thuận lợi đổi tên, vì không muốn nước này gia nhập NATO – một sự kiện nếu xảy ra sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Moscow ở vùng Balkans.

Ấn Độ và Nam Hàn thúc đẩy quan hệ quân sự
NEW DELHI - Các lãnh đạo Ấn Độ và Nam Hàn hôm thứ Ba đã đồng ý gia tăng hợp tác quốc phòng, thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện chung, nhằm mở rộng quan hệ giữa 2 nước ra ngoài lĩnh vực kinh tế. Thỏa thuận này được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in tới Ấn Độ. Hai nước trước đây đã từng thực hiện một số cuộc tập trận chung, nhưng hiện đang tìm cách gia tăng hợp tác quốc phòng. Ngoài việc tập trận chung, New Delhi cũng muốn thu hút các hãng quốc phòng Nam Hàn đầu tư vào Ấn Độ. Theo thông cáo báo chí sau cuộc họp giữa Thủ Tướng Narendra Modi và Tổng Thống Moon, Nam Hàn và Ấn Độ sẽ gia tăng trao đổi quân sự, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả các kỹ thuật mới nhất, nhằm đem lại lợi ích cho cả đôi bên.
Nam Hàn đang tìm cách mở rộng quan hệ với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, theo chính sách Tân Phương Nam được ban hành năm ngoái, sau các xung đột ngoại giao với Trung Quốc. Ấn Độ cũng lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc và muốn củng cố quan hệ với các nước khác ở châu Á, thông qua chính sách Hành Động Phương Đông. Ấn Độ và Nam Hàn trước đây đã phát triển quan hệ thông qua nhiều cuộc trao đổi cấp cao, nhưng chủ yếu chỉ là hợp tác kinh tế. Giao dịch thương mại giữa 2 nước đạt khoảng 16.82 tỷ Mỹ kim trong giai đoạn 2016-2017. Nhiều công ty Nam Hàn, như Samsung, LG và Hyundai, đã thành công xâm nhập vào thị trường Ấn Độ.

Công ty TQ bị cấm tham gia dự án 5G của Úc
CANBERRA - Chính phủ Úc đang chuẩn bị cấm không cho hãng Huawei của Trung Quốc cung cấp thiết bị cho dự án mạng truyền thông 5G của Canberra, sau khi các cơ quan tình báo Úc lo ngại rằng Bắc Kinh có thể buộc hãng công nghệ của nước này phải giao ra các dữ liệu nhạy cảm. Giới tình báo phương Tây lâu nay vẫn nghi ngờ về mối quan hệ giữa hãng Huawei và chính phủ Trung Quốc, và cho rằng các thiết bị của hãng này có thể bị lợi dụng cho hoạt động gián điệp.
Huawei, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về thiết bị viễn thông và thứ 3 thế giới về linh kiện điện thoại di động, đã hứa hẹn rằng Canberra sẽ có quyền giám sát hoàn toàn với các thiết bị mạng 5G, bao gồm các trạm phát sóng, tháp truyền tín hiệu, và các thiết bị chuyển sóng radio. Kiểu giám sát này đã được chấp thuận bởi một số nước khác, nổi tiếng nhất là Anh quốc, nơi các cơ quan tình báo cùng 1 phòng thí nghiệm đặc biệt đã kiểm tra mọi sản phẩm của Huawei.
Một số nước phương tây khác, như New Zealand, Canada, và Đức, cũng nói rằng họ có biện pháp phòng ngừa để bảo đảm rằng thiết bị của Huawei không chứa bất kỳ bộ phận bí mật nào để làm nhiệm vụ do thám hay thu thập thông tin. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Úc cho rằng, việc kiểm soát không làm giảm được nguy cơ vì Huawei là một hãng Trung Quốc, và theo luật của đảng Cộng Sản, các công ty của nước này phải hợp tác với cơ quan tình báo nếu được yêu cầu.

Thủ Tướng Do Thái công du Nga
MOSCOW - Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu hôm thứ Tư cho biết, quân đội nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) của Syria trong cùng ngày, vì vi phạm không phận Do Thái. Thông tin này cho thấy sự leo thang xung đột tại vùng biên giới giữa Israel và Syria - một vấn đề đang được ông Netanyahu thảo luận với Nga, đồng minh lớn nhất của chính phủ Damacus. Trong cuộc gặp tại Moscow với Tổng Thống Vladimir Putin, Thủ Tướng Netanyahu khẳng định Do Thái sẽ ngăn chận mọi ý định xâm phạm biên giới trên bộ và trên không. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần, Do Thái cho biết đã bắn hỏa tiễn Patriot vào một máy bay drone vì băng qua biên giới.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Jerusalem và Damacus, sau khi quân đội của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad mở cuộc tấn công nhắm vào phe nổi dậy. Chiếc máy bay drone, vốn cũng bay ngang Jordan, có vẻ không mang vũ khí và được thiết kế để làm nhiệm vụ do thám. Máy bay này bị bắn hạ gần biển Galilee ở dưới chân cao nguyên Golan, theo phát ngôn viên quân đội Do Thái. Chính quyền Israel đang trong tình trạng đề phòng cao sau khi quân đội Damacus tấn công phe nổi loạn ở gần cao nguyên Golan. Khu vực này bị Do Thái đánh chiếm từ Syria vào năm 1967 và sau đó sát nhập vào lãnh thổ, dù không được quốc tế công nhận. Chính phủ Jerusalem lo ngại rằng, Tổng Thống Assad có thể để các đồng minh của ông là Iran và Hezbollah lập căn cứ gần biên giới Do Thái. Trước khi lên đường sang Nga, Thủ Tướng Netanyahu cho biết ông sẽ thảo luận với Tổng Thống Putin về các vấn đề Syria, Iran, và nhu cầu an ninh của Do Thái.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT