Thế Giới

Trung Quốc thử nghiệm hệ thống tác chiến ở Trường Sa

Saturday, 07/07/2018 - 12:41:31

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc vừa điều hỏa tiễn chống hạm và phòng không lên 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Các hệ thống hỏa tiễn cùng thiết bị tác chiến điện tử này được cho là không có mục đích nào khác ngoài việc phục vụ ý đồ quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh.

Giới tình báo Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đã âm thầm khởi động và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử, được lắp đặt gần đây trên các căn cứ xây dựng trái phép ở biển Đông, theo truyền thông đưa tin hôm thứ Năm. Tình báo Hoa Kỳ cho rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc khởi động các thiết bị tác chiến điện tử, kể từ khi chúng được đưa hồi đầu năm tới các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa. Giới chuyên gia cho rằng việc thử nghiệm thiết bị tác chiến điện tử ở Trường Sa có thể giúp Trung Quốc gây nhiễu, thậm chí vô hiệu hóa các hệ thống thông tin liên lạc và radar trong khu vực.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc vừa điều hỏa tiễn chống hạm và phòng không lên 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Các hệ thống hỏa tiễn cùng thiết bị tác chiến điện tử này được cho là không có mục đích nào khác ngoài việc phục vụ ý đồ quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh.

Bắc Hàn: Nhật bỏ cấm vận trước khi bàn về bắt cóc
BÌNH NHƯỠNG - Theo một nguồn tin cho biết hôm thứ Năm, chính phủ Bình Nhưỡng mới đây tuyên bố sẽ không giải quyết vấn đề công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc, trừ khi Nhật dỡ bỏ các lệnh cấm vận đơn phương của nước này. Yêu cầu của Bình Nhưỡng với Tokyo được đưa ra trong các cuộc đàm phán sau hậu trường, và được coi là điều kiện để Bắc Hàn mở lại cuộc điều tra về số phận các công dân Nhật, những người bị bắt cóc vào thập niên 70 và 80. Hiện chưa rõ liệu Nhật có chú ý đến yêu cầu của Bắc Hàn hay không, do nước này vẫn đang tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho các vấn đề nguyên tử, hỏa tiễn, và bắt cóc.
Vấn đề người mất tích đã không có tiến triển gì kể từ năm 2016, khi Bình Nhưỡng giải tán hội đồng điều tra tung tích các công dân Nhật, nhằm đáp trả lệnh cấm vận do Tokyo áp đặt lên Bắc Hàn vì các vụ thử hỏa tiễn và nguyên tử. Hội đồng điều tra này được thành lập theo một thỏa thuận giữa Tokyo và Bình Nhưỡng vào năm 2014 tại Stockholm, Thụy Điển. Trong các cuộc đàm phán hậu trường sau cuộc họp liên Triều vào tháng 4 năm nay, Bắc Hàn đã nói với Nhật Bản rằng, thỏa thuận Stockholm vẫn chưa bị hủy bỏ. Dù vậy, Nhật đã tái khẳng định rằng, các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì trừ khi Bắc Hàn có các hành động thực tế đối với việc giải trừ hạt nhân.
Nhằm đạt được sự đột phát trong vấn đề bắt cóc, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đang cố gắng sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp với ông Kim Jong Un vào tháng 9, bên lề sự kiện Diễn đàn kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok của Nga, hoặc tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Nga hy vọng làm hài lòng Trump trong cuộc gặp tới
MOSCOW - Các viên chức của điện Kremlin đang trong các cuộc đàm phán căng thẳng với những người đồng cấp tại Washington, nhằm đạt được ít nhất 1 thỏa thuận có thể khiến Tổng Thống Donald Trump tự hào rằng cuộc gặp giữa ông với Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã thành công. Một trong các chủ đề hàng đầu cho cuộc họp ngày 16 tháng 7 tại Helsinki, Phần Lan, là vai trò của Iran tại Syria, một vấn đề Moscow đang thương lượng với Tehran, theo một viên chức ẩn danh của Nga tiết lộ. Theo 2 cố vấn của điện Kremlin, Tổng Thống Putin đã tạm đồng ý với yêu cầu của Hoa Kỳ và Israel rằng, các lực lượng được Iran hậu thuẫn tại miền nam Syria phải tránh xa khỏi biên giới với Israel, và phải được thay thế bằng các lực lượng trung thành với chính phủ Damacus.
Theo viên chức Nga, sau khi quan sát cuộc họp giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un vào tháng 6, Tổng Thống Putin đã quyết định ông cần gặp trực tiếp với lãnh đạo Hoa Kỳ. Hai tổng thống có thể sẽ gặp mặt mà không cần bất kỳ phụ tá nào, tương tự như cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga Jon Huntsman xác nhận kế hoạch gặp mặt riêng giữa 2 tổng thống, và nói rằng ông Trump sẽ đến cuộc họp với tổng thống Nga trong một thái độ thận trọng. Tổng Thống Trump đã có nhiều thay đổi so với chính sách của người tiền nhiệm, vốn yêu cầu Tổng Thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton, người vừa đến Nga để chuẩn bị cho cuộc gặp Trump- Putin, cho biết ông Assad không còn là vấn đề chiến lược đối với Washington, mà thay vào đó là Iran.

Nhật phê chuẩn hiệp ước TPP-11
TOKYO - Vào thứ Sáu, Nhật Bản chính thức phê chuẩn Hiệp ước đối tác Thái Bình Dương TPP bản điều chỉnh, trở thành nước thứ 2 chấp thuận hiệp ước này sau Mexico. Nhóm 11 quốc gia đã công bố phiên bản chỉnh sửa của TPP, được gọi là CPTPP hoặc TPP-11, sau khi Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước ban đầu. Hiệp ước TPP-11 sẽ có hiệu lực nếu được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên. Mexico đã phê chuẩn hiệp ước này vào tháng 4 năm nay. Trong thông cáo hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Nhật nói rằng, nước này hy vọng việc phê chuẩn hiệp ước sẽ là một thông điệp mạnh mẽ gởi đến xu hướng bảo hộ thương mại hiện nay trên thế giới, và là bước tiến đáng kể để thiết lập các quy tắc thương mại tự do và công bằng cho thế kỷ 21 tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trước đó, vào ngày 1 tháng 7, Bộ Trưởng Thương Mại Singapore Chan Chun Sing nói rằng, đảo quốc này sẽ là 1 trong nhóm nước đầu tiên phê chuẩn TPP-11. Ông Chan cũng bày tỏ hy vọng rằng TPP-11 sẽ được 6 thành viên chấp thuận trước cuối năm nay để sớm trở nên có hiệu lực. Úc, Canada, và New Zealand đều đã thực hiện các bước tiến tới việc phê chuẩn, và Chile cũng sẽ sớm thực hiện việc này. Các nước khác cùng ký kết hiệp ước là Brunei, Malaysia, Peru, và Việt Nam. Nhật sắp tới sẽ chủ trì một hội nghị của TPP-11 tại thị trấn du lịch Hakone từ ngày 17 tới 19 tháng 7, để thảo luận cách thu nhận thêm thành viên mới. Thái Lan, Indonesia, và Anh quốc được cho là đang muốn gia nhập hiệp ước này.

Viên chức Anh tẩy chay WC sau vụ đầu độc mới
LONDON - Chính quyền Anh một lần nữa khẳng định lập trường tẩy chay ngoại giao với World Cup tại Nga, sau khi thêm 2 công dân nước này, ông Charlie Rowley và bà Dawn Sturgess, bị nhiễm Novichok, chất độc thần kinh từng được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia. Hai nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch và được chữa trị tại bệnh viện Salisbury. Sự tẩy chay có nghĩa là trận tứ kết giữa Anh và Thụy Điển vào ngày thứ Bảy sẽ tiếp tục vắng bóng các thành viên Hoàng gia và viên chức Anh tại khán đài VIP.
Vụ đầu độc ở cha con cựu điệp viên Skripal khiến quan hệ Nga - Anh căng thẳng và ảnh hưởng tới sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới. Thủ Tướng Anh Theresa May hồi tháng 3 tuyên bố tẩy chay ngoại giao World Cup, sau khi đổ lỗi cho Moscow thực hiện vụ ám sát, bất chấp điện Kremlin liên tiếp phủ nhận. Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson thậm chí còn đề nghị đội tuyển Anh không tham gia giải đấu.
Một số quốc gia như Iceland, Ba Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng thực hiện các biện pháp tẩy chay ở mức độ khác nhau. Nhiều lãnh đạo Iceland tuyên bố không theo dõi World Cup sau khi hoãn vô thời hạn tất cả cuộc họp song phương với Nga. Viên chức Thụy Điển và Đan Mạch cũng không dự lễ khai mạc World Cup vào ngày 14 tháng 6, nhưng các bộ trưởng sau đó đã tới sân theo dõi các trận đấu của đội nhà.
Tuy nhiên, những nỗ lực tẩy chay vẫn không làm giảm sức hấp dẫn của World Cup khi rất nhiều du khách đã tới Nga. Các nước châu Âu có đội tuyển lọt vào vòng trong cũng gởi viên chức hoặc thành viên hoàng gia tới tham dự. Giới quan sát nói rằng, Anh và Nga thậm chí có thể gặp nhau tại trận bán kết đầy căng thẳng về mặt chính trị, nếu 2 đội đều chiến thắng ở tứ kết.

Ít nhất 40 du khách thiệt mạng vụ chìm tàu Thái Lan
PHUKET – Vào chiều thứ Sáu, nhà chức trách Thái Lan xác nhận đã tìm thấy thi thể của 40 du khách thiệt mạng trong vụ chìm tàu Phoenix PD Diving, ngoài khơi tỉnh Phuket, xảy ra 1 ngày trước đó. Nhiều hành khách không kịp thoát thân mà kẹt lại trong tàu. Các tàu cứu nạn cùng người nhái sẽ tiếp tục rà soát vùng biển Phuket để tìm 16 du khách Trung Quốc còn mất tích. Chính quyền địa phương cũng xác nhận đã giải cứu thành công 49 du khách. Phần lớn các thi thể vẫn chưa được đưa về đất liền.
Tàu Phoenix PD Diving bị sóng đánh lật ngoài khơi đảo Koh Hae, tỉnh Phuket, vào gần 6 giờ chiều thứ Năm. Tàu chở 105 người, gồm 93 hành khách, 12 thủy thủ đoàn, và hướng dẫn viên du lịch. Theo lời kể của thuyền trưởng Somjing Boontham, phần lớn du khách trên tàu là người Trung Quốc. Chỉ có 2 du khách là người phương Tây. Ông cũng khẳng định đã khuyên hành khách mặc áo phao và cho chuẩn bị xuồng phao trước khi tai nạn xảy ra. Hải quân Thái Lan đã điều chiến hạm và trực thăng tìm kiếm các nạn nhân. Đại diện lực lượng cứu nạn cho biết tàu Phoenix chìm cách mặt nước biển 40 mét, và phải cần người nhái để tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Tàu Phoenix là một trong nhiều tàu bất chấp khuyến cáo bão của chính quyền Phuket, và tiếp tục hoạt động trên biển vào thứ Năm. Được biết, chính quyền địa phương đã ra khuyến cáo từ thứ Tư, nhưng vẫn có ít nhất 10 tàu du lịch không về bến trú ẩn.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT