Thế Giới

Trung Quốc triển lãm tranh quý thời Tống

Thursday, 24/09/2015 - 10:50:00

"Thanh minh thượng hà đồ" khi mở ra sẽ bao gồm 3 khu vực chính: vùng nông thôn nằm ở phía bên phải, khu kinh doanh và các hoạt động khác ở giữa, tiếp đến là cảnh dòng sông, đường giao thông, cây cầu bắc qua sông. Xa hơn về phía bên trái là cảnh kinh đô và cổng thành.

 
Bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ”.

 

BẮC KINH – Chính quyền Bắc Kinh vừa cho triển lãm bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ”, một bức tranh quý dài 5 mét, được coi là một trong những quốc bảo của Trung Quốc.

Bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ", nghĩa là "tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh" là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được vẽ vào thế kỷ 12. Nó mô tả cảnh tượng bên trong và bên ngoài kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay) dưới triều nhà Tống, trong tiết Thanh minh.

"Thanh minh thượng hà đồ" còn được gọi là "Mona Lisa của Trung Quốc". Công chúng hiếm khi được chiêm ngưỡng tranh thật, mà chỉ được nhìn thấy bản sao, vì bản gốc rất quý giá. Lần gần nhất bức tranh được triển lãm là cách đây hơn 10 năm, vào năm 2002 tại Thượng Hải. Từ ngày 8 tháng 9, người dân Bắc Kinh đã xếp hàng 6 giờ ngoài khu di tích Cố Cung để được vào xem bản gốc. Bức họa sẽ được trưng bày đến 12 tháng 10.
Họa sĩ Trương Trạch Đoan (1085-1145) đã vẽ bức tranh này trên một cuộn giấy dài, với chiều cao 24.8 cm, dài 5.29 mét. Người xem phải nhìn từ phải sang trái. Bức tranh phác họa hình ảnh con người, động vật, con sông, tàu thuyền và các ngôi nhà ở nông thôn, vùng ngoại ô và trung tâm kinh đô. Nó giống như một bức ảnh chụp khoảnh khắc nhộn nhịp của thành phố trong dịp lễ hội.

"Thanh minh thượng hà đồ" khi mở ra sẽ bao gồm 3 khu vực chính: vùng nông thôn nằm ở phía bên phải, khu kinh doanh và các hoạt động khác ở giữa, tiếp đến là cảnh dòng sông, đường giao thông, cây cầu bắc qua sông. Xa hơn về phía bên trái là cảnh kinh đô và cổng thành.

Vùng nông thôn có một cây cầu nhỏ, dòng suối, cánh đồng hoa màu và những người dân quê (người nuôi heo, người chăn dê, nông dân). Ngoài ra, cũng có một con đường dẫn vào trung tâm thành phố, nơi xuất hiện nhiều ngôi nhà và dân cư đông đúc hơn.

Phần nổi bật nhất của bức tranh ở gần trung tâm, nơi có một chiếc cầu bắc qua sông và mọi người đang di chuyển phía trên. Một số người đứng ở trên cầu đang ra hiệu vì lo ngại rằng con thuyền với cột buồm lớn có thể va chạm với cây cầu. Được biết, Bảo tàng Cố Cung dự định sẽ trưng bày bản gốc của bức tranh lần tiếp theo vào năm 2020.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT