Thế Giới

Trung Quốc ủng hộ Miến Điện trong cuộc khủng hoảng Rohingya

Tuesday, 12/09/2017 - 10:18:03

Sự lên tiếng của Bắc Kinh dường như là để ngăn ngừa những nỗ lực nhằm khiển trách Miến Điện tại hội đồng khi hội nghị diễn ra vào ngày thứ Tư.


Một thanh niên đang dìu một bà cụ bị kiệt sức rời một chiếc thuyền mà người tị nạn Rohingya đã dùng để rời Miến Điện để đến Dakhinpara, Bangladesh ngày thứ Ba, 12 tháng 9, 2017. (Dan Kitwood/ Getty Images)


Một ngày trước diễn ra một cuộc họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, về cuộc khủng hoảng người tị nạn càng lúc càng tệ hơn tại Miến Điện, tình trạng chia rẽ trong cộng đồng quốc tế đã được thấy rõ hôm thứ Ba, khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ cuộc trấn áp quân sự đang diễn ra tại Miến Điện, mặc dù cuộc trấn áp này bị Mỹ chỉ trích và khiến cho 370,000 người thuộc sắc dân thiểu số Rohingya phải chạy ra khỏi cảnh bạo động.

Sự lên tiếng của Bắc Kinh dường như là để ngăn ngừa những nỗ lực nhằm khiển trách Miến Điện tại hội đồng khi hội nghị diễn ra vào ngày thứ Tư.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia thân với chế độ quân phiệt tại Miến Điện trước đây.
Nay Bắc Kinh đã siết chặt việc ủng hộ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Đó là một phần trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc về thương mại, năng lượng, và hạ tầng kiến trúc, đối với Đông Nam Á.

Cuộc tháo chạy khỏi tiểu bang Rakine ở Miến Điện bắt đầu xảy ra, sau khi các chiến binh Rohingya tấn công các đồn cảnh sát vào ngày 25 tháng Tám. Đợt tấn công này khiến cho quân đội phản ứng kịch liệt, và khiến cho một phần ba dân số thuộc nhóm thiểu số Hồi Giáo Rohingya phải bỏ chạy để giữ mạng sống.

Những người Rohingya tị nạn kiệt sức đã kể lại những hành động tàn ác của binh lính và những tín đồ Phật Giáo đốt phá san bằng làng mạc của họ. Những lời tường thuật đó không thể được kiểm chứng một cách độc lập, vì việc đi tới tiểu bang Rakhine đã bị kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Chính phủ Miến Điện phủ nhận mọi vụ ngược đãi, và quy trách nhiệm cho các chiến binh về việc thiêu rụi hàng ngàn ngôi làng, trong đó có nhiều làng của người Rohingya.

Tuy nhiên áp lực quốc tế trên Miến Điện đã tăng lên cao trong tuần này, sau khi cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein nói rằng bạo lực được dùng “theo đúng bài bản của việc diệt trừ sắc tộc.”

Hoa Kỳ cũng lên tiếng báo động về nạn bạo lực. Trong khi đó Hội Đồng Bảo An loan báo sẽ họp vào ngày thứ Tư, để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Bà Aung Sang Suu Kyi từng là một nhân vật được cộng đồng nhân quyền yêu mến. Nhưng lúc này bà gặp phải những lời tố cáo rằng bà đã nhắm mắt làm ngơ, và thậm chí tiếp tay vào việc gây ra một thảm họa nhân loại.

Trong khi đó, Bắc Kinh đưa ra thêm lời lẽ khích lệ bà Suu Kyi hôm thứ Ba. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Geng Shuang lên tiếng ủng hộ những nỗ lực chính phủ của bà nhằm “giữ gìn hòa bình và ổn định” ở Rakhine.

Trong một cuộc họp báo thường lệ, ông Geng nói, “Chúng tôi lên án những vụ tấn công bạo động xảy ra tại tiểu bang Rakhine ở Miến Điện. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Miến Điện trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở tiểu bang Rakhine. Chúng tôi hy vọng rằng trật tự và sinh hoạt bình thường sẽ được phục hồi càng sớm càng tốt ở đó. Chúng tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ nỗ lực của Miến Điện, trong việc bảo vệ sự ổn định của việc phát triển quốc gia.”

Nhóm thiểu số Rohingya bị từ chối quyền công dân, và đã phải chịu đựng nhiều năm bị bách hại ở Miến Điện, một nước có đa số dân chúng là tín đồ Phật Giáo.

Theo phúc trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền tại Miến Điện cho biết, đợt bạo động mới đây nhất có thể đã làm thiệt mạng hơn 1,000 người, đa số là người Rohingya.
Miến Điện nói rằng số người thiệt mạng là khoảng 430 người, phần lớn là “những kẻ khủng bố cực đoan” từ Quân Đội Cứu Nguy Arakan Rohingya (ARSA).

Theo Miến Điện cho biết, thêm 30,000 người sắc tộc ở Rakhine và người Ấn Độ Giáo đã phải dời đi nơi khác trong tiểu bang Rakhine ở miền bắc, nơi mà các chương trình cứu trợ đã bị cắt giảm nghiêm trọng vì nạn bạo động.

Cuộc di tản của sắc dân Rohingya làm cho Bangladesh phải gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại chính nước này. Trong lúc đó, các nhân viên cứu trợ phải vất vả tìm cách cung cấp lương thực và nơi tạm trú cho dòng người tị nạn hàng ngày lếch thếch tuôn sang đây.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT