Thế Giới

Trung Quốc xử tử cựu chỉ huy cảnh sát Nội Mông

Friday, 26/05/2017 - 08:28:52

Người ta cũng chưa rõ có bao nhiêu tội nhân bị xử tử ở Trung Quốc, tổ chức Ân Xá Quốc Tế tin là trong năm 2016, đã có trên 1,000 tử tội bị hành hình ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.



Trung Quốc đã cho thi hành án tử hình đối với một quan chức phạm tội sát nhân và nhiều tội trạng nặng nề khác. 
Ông Zhao Liping là cựu quan chức nắm toàn bộ quyền hành chỉ huy cảnh sát ở vùng Nội Mông của Trung Quốc. Ông Zhao bị xử tử sau khi bị cáo buộc đã bắn chết một phụ nữ 26 tuổi vào năm 2015. Cô gái này tên là Li bị cho là tình nhân của ông ta, các báo đài của Trung Quốc đưa tin Zhao đã thiêu đốt và bí mật chôn xác chết. 
Ngoài ra ông Zhao còn bị cáo trạng nhận hối lộ lên đến 2 triệu đồng yuan ($292,000 Mỹ kim), chứa vũ khí và 91 chất nổ bất hợp lệ, trong lúc đang giữ chức Bộ Trưởng Công An vùng Nội Mông từ năm 2008 đến năm 2010. 
Người ta cũng chưa rõ có bao nhiêu tội nhân bị xử tử ở Trung Quốc, tổ chức Ân Xá Quốc Tế tin là trong năm 2016, đã có trên 1,000 tử tội bị hành hình ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ai Cập: Giáo dân Thiên Chúa bị sát hại
Một chiếc xe bus đang chở các tín đồ Thiên Chúa Coptic ở vùng trung bộ Ai Cập bị phiến quân nã súng bắn hôm thứ Sáu, khiến 28 nạn nhân tử thương và 24 người khác bị thương. Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng trong các vụ tàn sát người theo đạo Thiên Chúa trước đây ở Ai Cập, nhóm IS thường là thủ phạm.
Vụ tấn công xảy ra ở Minya, một vùng cách thủ đô Cairo khoảng 150 dặm về phía nam, vài ngày trước khi tháng Ramadan chay của người Hồi giáo diễn ra. Các nhân chứng cho hay các tay súng bịt mặt đã ra tay, quần áo và giày vớ các nạn nhân nằm la liệt xung quanh chiếc xe, với nhiều xác chết được che phủ gần đó.
Chiếc xe bus đang hướng về tu viện St.Samuel Monastery, một linh địa được nhiều tín đồ Thiên Chúa Ai Cập lai vãng, thì bị tấn công. Có nhiều trẻ em trong số các nạn nhân bị bắn chết. Địa điểm chỉ còn cách tu viện nói trên khoảng 10 dặm.

Mỹ, Âu đồng ý chống khủng bố

Thành phố Taormina đã chào đón các lãnh tụ về dự hội nghị G7. Các lãnh tụ đã tham gia các cuộc thảo luận, đã đồng ý là cần phải có hành động mới nhằm chống lại sự gia tăng khủng bố trên thế giới. Hội nghị quy tụ lãnh đạo của bảy quốc gia hàng đầu thế giới là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada và Ý, cùng với các đại diện của khối EU.
Thủ Tướng Ý Paolo Gentiloni nói, “Chúng ta cần chứng tỏ chúng ta có quyết tâm đoàn kết, tăng cường sức mạnh chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.”
Một văn bản cũng được các lãnh tụ ký kết nhằm các công ty trên Internet phải loại bỏ các trang mạng quá cực đoan về tôn giáo. Các lãnh tụ cũng tỏ lòng đoàn kết với Thủ Tướng Anh qua vụ khủng bố ở Manchester khiến 22 người chết.
Tuy nhiên hội nghị chưa thống nhất với nhau về chuyện vấn đề, nhất là chuyện khí hậu thế giới và mậu dịch. Ông Gentiloni thừa nhận là Hiệp ước Khí Hậu Paris 2015 vẫn chưa rõ rệt vì Hoa Kỳ chưa quyết định dứt khoát.

Anh: Có thể sót nhiều kẻ khủng bố ở Manchester
Cuộc lùng soát kéo dài 3 ngày qua ở Manchester vẫn chưa làm yên tâm nhiều người dân Anh vì họ cho là vẫn có thể còn nhiều dư đảng trong mạng lưới khủng bố đã trốn thoát được sự bao vây của cảnh sát. Thứ hai tuần sau là ngày lễ khắp nước Anh, vì thế sẽ có nhiều đám đông lớn tụ tập, trong lúc nhiều viên chức Anh cảnh báo là một vụ tấn công thứ nhì kiểu Manchester có thể diễn ra nữa.
Hàng ngàn binh sĩ Anh đã được giàn ra trên các đường phố tại các thành phố lớn. Đã vậy sân vận động Wembley với sức chứa trên 90,000 khán giả lại là nơi diễn ra cuộc tranh tài của trận chung kết giành cúp Châu Âu FA vào chủ nhật, và 82,000 ngàn khán giả khác thì theo dõi trận chung kết cúp Aviva Premiership của môn dã cầu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cảnh sát vũ trang của Anh sẽ kiểm tra an ninh bên trong các xe hỏa. Có đến 90% lực lượng của Sở Cảnh Sát London thường không mang súng khi đi tuần.

Ấn Độ khai mạc cây cầu dài nhất nước
Chính phủ đã khánh thành cây cầu bắt qua sông Lohit dài 9.5 cây số, được xem là cây cầu dài nhất Ấn Độ, vốn nối liền hai tỉnh bang Arunachal Pradesh và Assam. Vùng Arunachal Pradesh từ lâu là nơi Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ triền miên, vì Trung Quốc cho vùng này là đất của mình và đặt tên nơi đây là “Tây Tạng phía nam.”
Ngoài ra Bắc Kinh hay chỉ trích chính phủ Ấn Độ đã cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma đến viếng thăm vùng này và chỉ trích cố gắng nâng cấp hạ tầng quân sự của vùng từ Delhi. Bộ Trưởng Nội Vụ Ấn Độ Khiren rijiju, cho các ký giả hay, “Trung Quốc ngày càng hung hăng, đã đến lúc chúng tôi phải siết lại cơ cấu hạ tầng để bảo vệ đất nước.”
Cây cầu nói trên có tên Dhola Sadiya, bắt đầu được khởi công từ năm 2011, nó có 2 làn xe và các viên chức Ấn Độ hy vọng nhờ cây cầu này mà nền kinh tế địa phương sẽ phát triển và kích thích thêm công nghiệp du lịch.

Tích Lan: Lũ lụt, sạt lỡ làm chết nhiều người
Những trận lũ lụt và đất chuồi do tình trạng mưa nhiều đã làm ít nhất 91 người chết và trên 100 người mất tích ở Sri Lanka, theo lời các viên chức xứ này cho hay. Khoảng 20,000 cư dân bị bắt buộc phải bỏ nhà cửa ở miền nam và tây của Sri Lanka vì thời tiết khắc nghiệt.
Quân đội đã phải mang tàu chiến và trực thăng ra tham gia cứu giúp dân chúng bị nạn. Trận lũ năm nay được xem là tệ hại nhất từ trận lũ vào tháng 5 năm 2003, khi đó có 10,000 căn nhà của dân chúng bị phá hủy và khoảng 250 người dân thiệt mạng.
Văn phòng Cứu Trợ Thiên Tai của Sri Lanka cho hay có thể con số thương vong còn tăng cao do các báo cáo từ các vùng xa xôi chưa về kịp. Dunesh Gankada, Thứ Trưởng Bộ Cứu Trợ Thiên tai cho các ký giả hay, “Mưa quá lớn ở vùng tây và nam Sri lanka, có những nơi chúng tôi không sao đến được, nhiều con đường đã bị hỏng do lũ tàn phá.”

Đức cương quyết chích ngừa rộng rãi cho dân
Chính phủ Đức cho áp dụng khung tiền phạt lên đến $2,800 Mỹ kim nếu như cha mẹ nào không chịu mang con cái của họ di chích ngừa. Bộ Trưởng Y Tế Đức Hermann Grohe giải thích biện pháp này là cần thiết nhằm đối phó với cơn dịch bệnh sởi đang gia tăng trong nước Đức.
Trong tuần một bà mẹ có ba đứa con đã qua đời vì bệnh sởi tại thành phố Essen. Chính phủ yêu cầu tất cả các nhà trẻ và trường mẫu giáo phải báo cáo bất cứ phụ huynh nào không sao chứng minh được là họ đã được chủng ngừa.
Trong lúc Ý là quốc gia rất triệt để trong việc chủng ngừa cho dân chúng thì tình trạng bắt buộc như thế ở Đức lỏng lẻo hơn.
Bộ Trưởng Grohe nói, “Chúng ta không thề dửng dưng khi con số người chết do dịch sởi ngày càng gia tăng.”
Bộ Y Tế Đức muốn áp dụng luật mới rất khe khắc là em bé nào bị khám phá chưa chủng ngừa bệnh sởi sẽ bị từ chối không nhận vào các nhà trẻ nữa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT