Người Việt Khắp Nơi

Trung tâm thương mại đầu tiên của cộng đồng người Việt ở Philadelphia sắp bị xóa sổ để xây khu gia cư, nhưng bị chống đối

Sunday, 30/06/2019 - 10:15:32

“Tay chân tôi run rẩy,” bà Võ Thị Ngân nói. Gia đình bà đã bán thẻ điện thoại quốc tế và vé số ở trung tâm mua bán này kể từ khi thương xá mở cửa vào năm 1990. “Họ thực sự lạnh lùng. Tôi đã choáng váng.”


Ông Vương Toàn, chủ tiệm Hương Tràm, đang phát biểu trong buổi họp vào chiều thứ Ba, 25 tháng 6, 2019. Các chủ tiệm khác cùng với Nghị Viên Kenyatta Johnson đã có mặt để nghe về cuộc tranh đấu duy trì Hòa Bình Plaza, thay vì để cho khu thương xá biến thành khu gia cư với 44 căn hộ. (Heather Khalifa/ The Philadelphia Inquirer)

Bản tin dưới đây do ký giả Bethany Ao viết cho nhật báo The Philadelphia Inquirer, đăng trên mạng ngày 26 tháng 6, 2019, về một cuộc xung đột gây ra bởi một dự án đầu tư với một nếp sống quen thuộc suốt ba thập niên qua.

*
Bà Võ Thị Ngân đã trở lại cửa hàng của bà ở khu vực phía nam Philadelphia trong khu thương xá Hòa Bình Plaza vào đầu tháng 5, sau khi trải qua ba tuần ở bệnh viện để chăm sóc chồng được giải phẫu. Bà đã sửng sờ khi được biết trung tâm thương mại đã bị bán trong lúc bà vắng mặt. Bà Ngân nghe tin từ con gái bà. Cũng như nhiều chủ tiệm khác trong khu Hòa Bình Plaza, con gái cô đã đọc tin đổi chủ trên mạng.
 

(Heather Khalifa/ The Philadelphia Inquirer)

“Tay chân tôi run rẩy,” bà Võ Thị Ngân nói. Gia đình bà đã bán thẻ điện thoại quốc tế và vé số ở trung tâm mua bán này kể từ khi thương xá mở cửa vào năm 1990. “Họ thực sự lạnh lùng. Tôi đã choáng váng.”

Cuối cùng, bà Ngân đã tìm cách gặp các chủ nhân của trung tâm mua sắm này, là Lâm Huệ Mỹ và Ngô Hải Tuấn, để biết thêm thông tin. Bà cho biết họ từ chối nói chuyện với bà, khiến bà cảm thấy nhục, trở về nhà và khóc suốt một đêm.

“Tôi có thể nói tiếng Việt, nhưng tiếng Anh không tốt lắm,” bà cho biết. “Họ muốn tôi chuyển công việc kinh doanh, nhưng tôi phải đi đâu, nếu tôi chỉ có thể ở đây?”

Tọa lạc tại Đường 16 và Đại Lộ Washington, khu Hòa Bình Plaza, hay Peace Plaza, là một điểm mốc cho cộng đồng người Mỹ gốc Á sống trong khu vực mà người Mỹ gọi là South Philly - đặc biệt là người Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Trung Hoa, trong nhiều thập niên.

Hòa Bình là trung tâm thương mại Đông Nam Á đầu tiên ở Delaware Valley, có chợ Siêu Thị Big 8 và tiệm bánh mì Nam Sơn Bakery, một địa điểm được nhiều người ưa chuộng với những ổ bánh mì mới ra lò.
Hòa Bình plaza đã được bán cho một công ty phát triển địa phương có tên Streamline, công ty này cho biết họ có kế hoạch phá hủy trung tâm mua sắm để xây dựng 44 ngôi nhà mới. Dự án sẽ bao gồm một sự kết hợp của nhà phố một gia đình cùng nhà để xe và căn hộ nhiều gia đình.

Sau khi tin tức về việc bán trung tâm thương mại bị tiết lộ, có người đã đưa ra một lời kêu gọi trên mạng nhằm cứu trung tâm mua sắm và đến nay thỉnh nguyện thư này đã thu thập gần được 10,000 chữ ký.
Vào tối thứ Ba (25 tháng 6), bà Võ đã cùng các chủ tiệm khác tham gia một cuộc tập họp ở Hương Tràm, một nhà hàng Việt Nam đã có mặt kể từ khi trung tâm thương mại được thành lập. Cuộc tập họp được tổ chức bởi VietLead, một tổ chức tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt, để tạo cơ hội cho các chủ tiệm nêu lên ý kiến của họ với Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố là ông Kenyatta Johnson, người đại diện cho Quận 2. Khoảng 100 người ủng hộ đã đến để giúp làm những tấm biểu ngữ, cung cấp món ăn nhẹ món chả giò do ông Vương Toàn, chủ nhà hàng cung cấp.
“Trung tâm thương mại này đã luôn có mặt ở đây như một tổ chức văn hóa của người Mỹ gốc Á,” ông Ken Hung, người đã sống ở Philadelphia gần 25 năm nói. Ông Ken Hung đến dự buổi họp với ông nghị viên thành phố cùng với vợ. “Thương xá này cũng giống như khu chợ của người Ý dành cho cộng đồng Châu Á. Nó là điểm dừng chân đầu tiên của di dân và đã trải qua nhiều làn sóng khác nhau của người Châu Á.”

Dự án phá hủy trung tâm thương mại này được đề nghị sau khi có những dự án tương tự nhằm thay thế các khu thương mại và công nghiệp bằng các khu dân cư trên Đại Lộ Washington phía tây đường Broad Street. Khu vực mã số zip code 19146, trong đó có nhà thương Graduate Hospital và hầu hết Point Breeze, được liệt kê là khu vực zip code yên ổn hàng thứ tám trên toàn kể từ năm 2000, theo một nghiên cứu được RentCafe thực hiện vào năm ngoái.

Thương xá này nằm trong hợp đồng đã được ký kết, nhưng các chủ tiệm đang hy vọng rằng phiên điều trần vào ngày 24 tháng 7 trước Hội Đồng Quy Hoạch, nơi có quyết định tối hậu về các vấn đề sử dụng đất của thành phố, sẽ có lợi cho họ. Đối với các chủ tiệm, trường hợp tốt nhất chọ họ là hội đồng từ chối thay đổi quy định về quyền sử dụng khu đất của thương xá từ thương mại sang dân cư.

Ông Xing Zhou đã sang lại chợ Siêu Thị Big 8 khoảng 18 tháng trước, từ người chủ trước đây, người đã làm chủ chợ trong khoảng 16 năm. Khi khám phá ra rằng trung tâm thương mại sẽ đóng cửa, ông Zhou đã đến chất vấn với những người chủ thương xá, nhưng cũng như trường hợp của bà Ngân, họ đã từ chối nói chuyện với ông Zhou.

Ông rất bực bội vì đã bị mất từ 30 đến 40 phần trăm doanh thu vì rất nhiều khách hàng không biết chắc chợ của ông có tiếp tục buôn bán hay không. Ông cũng lo lắng về những gì sẽ xảy ra với 20 nhân viên nếu cửa hàng buộc phải đóng cửa. Hiện tại, ông Zhou không có kế hoạch di dời bởi ông cho biết sẽ tốn quá nhiều chi phí để di chuyển máy móc và hàng tồn kho.

“Nơi này là lịch sử,” Zhou nói. “Cha mẹ và ông bà của chúng tôi di cư đến Mỹ bởi vì nó là đất nước tự do, vì thế chúng tôi có thể đạt được bất cứ điều gì chúng tôi muốn, bao gồm cả ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp nhỏ. Nếu các nhà phát triển địa ốc quyết định xây dựng nhà ở đây, văn hóa và lịch sử của chúng tôi sẽ mãi mãi rời khỏi thành phố và cộng đồng.”

Ông Sarun Chan, giám đốc điều hành của Hiệp Hội Greater Philadelphia của người Cam Bốt, đã đến dự buổi họp tối thứ Ba để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Việt. Ông nói rằng vấn đề hiện tại không chỉ là về một trung tâm thương mại, mà còn liên quan đến sự đa dạng, công bằng và hòa nhập.
“Họ bắt đầu với trung tâm thương mại này, và điều gì sẽ xảy ra?”, ông Chan nói. “Họ cứ đẩy, đẩy và đẩy. Rồi chúng tôi sẽ đi đâu? Chúng tôi sẽ mua thức ăn ở đâu? Chúng tôi có  những kỷ niệm gia đình ở đây. Nếu không còn nơi này thì chúng tôi sống với kỷ niệm đó ở đâu? Thật là buồn nếu nó sẽ là quá khứ.”
Vào cuối cuộc họp, ông Nghị Viên Kenyatta Johnson đã nói chuyện với các chủ doanh nghiệp và các thành viên cộng đồng. Ông nói rằng ông đã lớn lên cách trung tâm mua sắm hai dãy nhà và bà nội của ông vẫn thường đi mua sắm ở đây. Johnson cũng nói với các chủ tiệm rằng ông không hề biết rằng họ đã chống lại việc bán trung tâm này.

Johnson cho biết ông sẽ gặp nhà phát triển để hiểu rõ hơn về việc liệu tất cả các nơi sẽ được dành riêng cho dân cư. Ông cũng sẽ liên lạc với Hiệp Hội Khu Dân Cư phía Nam, nơi đưa ra các khuyến nghị cho các dự án khu phố, để có được quan điểm và hiểu lý do tại sao họ bỏ phiếu nhất trí ủng hộ các kế hoạch phát triển của Streamline.

Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bà Võ Thị Ngân khi bà nghe ông Johnson nói.
“Cuối cùng, thương xá được lập nên bởi người Việt chúng tôi,” bà nói. “Đây là nơi các gia đình ở New Jersey, Delaware đến với nhau. Ai cũng có những kỷ niệm ở đây, và việc mất thương xá thì cũng giống như mất gốc rễ của chúng tôi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT