Bình Luận

Truyền thông ca tụng côn đồ

Friday, 26/07/2019 - 07:03:10

Tôi cố tình dấu chữ “Tầu” sau hai chữ truyền thông để tạo chút giựt gân cho cái tựa của bài báo, không dấu, thì chuyện truyền thông Tầu ca tụng côn đồ là chuyện bình thường, còn độc giả nào muốn đọc, thính giả nào muốn nghe nữa.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Tôi cố tình dấu chữ “Tầu” sau hai chữ truyền thông để tạo chút giựt gân cho cái tựa của bài báo, không dấu, thì chuyện truyền thông Tầu ca tụng côn đồ là chuyện bình thường, còn độc giả nào muốn đọc, thính giả nào muốn nghe nữa.
Không những biết chuyện truyền thông Tầu ca tụng côn đồ, mà nhiều độc giả, nhiều thính giả còn biết việc côn đồ Tầu lãnh lương chính phủ, như cảnh sát lãnh lương, ký giả lãnh lương. Ngoài biên giới Trung Quốc, có lẽ chỉ còn chính phủ cộng sản Việt Nam mướn côn đồ để đàn áp sức phản đối của quần chúng.

Câu chuyện côn đồ được ca tụng xảy ra trên trang nhất của tờ Nhân Dân Nhật Báo phát hành tại Bắc Kinh ngày thứ Hai, 22 tháng Bảy, 2019; bài báo tường thuật chuyện côn đồ đón đánh dân Hồng Kông tại sân ga xe lửa Yuen Long (Uyên Long), trạm chót chở khách bốn phương trên bán đảo Hồng Kông tới biên giới Hồng Kông và đại lục Trung Quốc.

Đa số hành khách trên chuyến xe lửa đó là dân Hồng Kông đã tham dự cuộc biểu tình đánh phá Văn Phòng Đại Diện chính phủ cộng sản Trung Quốc bên cạnh chính phủ -được coi như độc lập- của Hồng Kông; họ muốn đến Uyên Long -địa điểm gần nhất với Trung Quốc- để biểu tình chống việc Trung Quốc chen lấn quá đáng vào việc cai trị Hồng Kông, vì họ tưởng là còn đứng trên lãnh thổ Hồng Kông, họ còn có quyền biểu tình chống Trung Quốc.
Tháp tùng người biểu tình là hai Nghị Viên dân chủ trong quốc hội Hồng Kông, ông Chi Chuen Ray Chan, và ông Lam Cheuk-ting, cùng một số phóng viên truyền thông khá đông đảo, gồm cả phóng viên ngoại quốc.


Đồng phục áo trắng quần đen, lực lượng côn đồ đón đánh người biểu tình ngay bên trong nhà ga Uyên Long. (Mothership)


(Reuters)

Hai ông nghị viên hội đồng thành phố và vài trăm cư dân Hồng Kông đến Uyên Long với dự tính biểu tình, bị lực lượng côn đồ đánh bị thương.
Báo chí Mỹ ngây thơ nêu lên câu hỏi, "Lý do nào đồn cảnh sát, nằm gần sân ga Uyên Long không can thiệp vào cuộc ẩu đả, xảy ra và kéo dài suốt 20 phút?" Họ quên là ngay buổi sáng ngày thứ Hai, cảnh sát đã đàn áp người biểu tình trong thành phố Hồng Kông, khi họ tấn công văn phòng Đại Biểu chính phủ Trung Quốc tại đó.
Cuộc giằng co trước văn phòng Đại Biểu chính phủ giữa cảnh sát và người biểu tình còn tiếp cho đến xẩm tối hôm thứ Hai, mặc dù một số người biểu tình đã bỏ đi Uyên Long. Hôm trước họ đã sơn đen lên mặt tiền của văn phòng này và viết bằng sơn nhiều khẩu hiệu chống đối.

Văn phòng Nghị Viên Ray Chan ra thông cáo mô tả cuộc tấn công của đám côn đồ như sau:
Trong bóng đêm dầy đặc 21 tháng Bảy, 2019, đám côn đồ Uyên Long đã tấn công đoàn người tại nhà ga xe điện- việc làm chưa từng xảy ra trong lịch sử cận đại của Hồng Kông. Chúng mặc áo trắng -một hình thức đồng phục; và có thể là nhóm hung phạm có tổ chức thường được gọi là nhóm Triads.
Cuộc bạo động diễn ra ngay bên trong nhà ga xe điện, và quanh đó; chúng đánh người đến Uyên Long để biểu tình chống Trung Quốc chen lấn vào nội tình Hồng Kông, đánh cả những ký giả, và hai nghị viên cùng đi với người biểu tình.
Đa số người biểu tình là thành phần của nhóm 430,000 người đã tham dự cuộc diễn hành buổi sáng ngày 21 tháng Bảy, 2019 tại thị xã Hồng Kông.


Nghị Viên thành phố Hồng Kông Ray Chan.

Theo nhiều nhân chứng địa phương, cảnh sát chỉ can thiệp sau nửa tiếng đồng hồ ẩu đả, mặc dù đồn cảnh sát chỉ cách ga xe điện nửa dặm. Cả hai đồn cảnh sát tại Uyên Long và Tin Shui Wai đều đóng cửa và tắt máy điện thoại, không liên lạc với bên ngoài, ngay cả số phone cấp cứu cũng không hoạt động.
Người đến từ thị xã Hồng Kông để biểu tình, và nhóm phóng viên đi theo họ bị tấn công ngay khi họ bước xuống sân ga; bọn côn đồ đánh họ bằng tay, hoặc bằng gậy; nhiều người mới xuống xe, chạy trở ngược vào trong toa tầu để tránh bị đòn.
Bọn côn đồ đuổi theo vào đến bên trong những toa xe điện để tiếp tục đánh cả ký giả lẫn những người có ý định tới Uyên Long biểu tình.
Nghị Viên Lam Cheuk-ting bị đánh có thương tích lên tiếng kết tội cảnh sát vô trách nhiệm trong việc bảo vệ công dân Hồng Kông.


Nghị Viên Lam Cheuk-ting bị đánh có thương tích lên tiếng kết tội cảnh sát vô trách nhiệm trong việc bảo vệ công dân Hồng Kông. (The Standard)

Ông Lam nói việc cảnh sát không bảo vệ quần chúng là một tội hình sự cần truy tố, vết thương trên cầm ông cần đến 18 mũi kẹp để khép kín; và Lam là một trong khoảng trên chục người bị đánh có thương tích. Lam mô tả cuộc tấn công của bọn côn đồ “áo trắng” là vô cùng tàn bạo, “very brutal attack.”
Nghị Viên Lam còn nói, "Tôi lên án sở cảnh sát Hồng Kông không đáp ứng đúng đắn nhiệm vụ của họ là bảo vệ công dân Hồng Kông bị bọn du đãng tấn công. Họ đã để cuộc tấn công xảy ra ngay trong nhà ga xe điện Uyên Long, và để bọn côn đồ phạm pháp an toàn rút lui sau cuộc tấn công. Tôi có lý do để tin là bà thị trưởng và sở cảnh sát Hồng Kông đã cho phép vụ tấn công này xảy ra."

Không chỉ riêng Nghị Viên Lam Cheuk-ting tin là chính quyền Hồng Kông sử dụng dân dao búa để trị tinh thần bất khuất của người Hông Kông, mà Bắc Kinh cũng biết điều đó; truyền thông và dư luận quần chúng tại Trung Quốc cũng biết, nhưng không phản đối.
Người Hoa đại lục cho là người Hồng Kông hạ nhục Trung Quốc, bằng cách tấn công và bôi lọ tòa nhà đại diện cho Trung Quốc tại Hồng Kông.


Mặt tiền văn phòng đại diện Trung Quốc bị người biểu tình ném sơn đen

Phản ứng tâm lý đó quả cũng phức tạp, người Hoa đại lục không phản đối thủ đoạn của chính phủ Hồng Kông, sử dụng côn đồ để trị dân Hồng Kông.
Họ cũng không thấy shock vì tờ Nhân Dân Nhật Báo mô tả việc Nghị Viên Lam Cheuk-ting bị côn đồ đánh vỡ quai hàm.
Có lẽ phải chấp nhận là tinh thần dân chủ có nhiều nấc, nhiều bậc, và không thể lấy mức độ dân chủ tại Hoa Kỳ làm tiêu chuẩn để đánh giá tinh thần dân chủ của người Hoa.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT