Thế Giới

TT Cameron: Nước Anh vừa mất một nhà lãnh đạo vĩ đại

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 08/04/2013 - 07:42:49

Bà Margaret Hilda Thatcher sinh ngày 13-10-1925, ái nữ của một thương gia ở thành phố Grantham, miền đông Anh quốc. Bà tốt nghiệp ngành hóa học tại trường đại học danh tiếng Oxford, nơi bà từng là lãnh tụ của hội sinh viên bảo thủ.

LONDON – “Với sự đau buồn, ông Mark và bà Carol Thatcher cho biết là thân mẫu của ông bà, nữ Bá Tước Thatcher, hôm nay đã từ trần trong sự yên bình sau một thời gian bạo bệnh.”

Trên đây là lời thông báo của ông Lord Bell, phát ngôn viên của gia tộc Thatcher, vào lúc 2:20PM chiều thứ Hai ngày 08-04-2013.
Bà Margaret Hilda Thatcher sinh ngày 13-10-1925, ái nữ của một thương gia ở thành phố Grantham, miền đông Anh quốc. Bà tốt nghiệp ngành hóa học tại trường đại học danh tiếng Oxford, nơi bà từng là lãnh tụ của hội sinh viên bảo thủ.
Bà Thatcher đắc cử vào Quốc Hội năm 1959, và năm 1970 bà giữ chức Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục dưới thời Thủ Tướng Edward Heath. Sau năm 1974, ông Heath bị thất cử, bà Thatcher được đề cử làm lãnh tụ của phe đối lập và là ứng cử viên thủ tướng của đảng Bảo Thủ Anh.
Năm 1979, bà Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh và lãnh đạo đảng Bảo Thủ trong ba nhiệm kỳ, lâu dài nhất trong thế kỷ 20 ở vương quốc này. Với cách thức lãnh đạo cứng rắn, bà được giới truyền thông Nga và dư luận quốc tế tặng biệt danh là “The Iron Lady” (Người Đàn Bà Thép).
Sau chiến thắng ở hải đảo Falkland, bà Thatcher đã tỏ ra nắm chặt quyền lực hơn bao giờ hết. Thế nhưng, năm 1990, sự kết thúc đã xẩy ra một cách đột ngột. Lối hành xử độc đoán và bất khả hòa giải của bà đã làm suy yếu sự hỗ trợ trong nội bộ đảng và vì vậy bà bị cưỡng bức rút lui khỏi cương vị Thủ Tướng cũng như lãnh tụ đảng.
Vào năm 1992, bà được hoàng gia Anh trao tặng chức vị “Baroness” (nữ bá Tước) nhưng từ thời điểm này sức khỏe của bà đã khởi sự xuống dốc nhanh chóng; cho đến năm 2003, bà dường như bị suy nhược hoàn toàn bởi sự ra đi vĩnh viễn của người chồng yêu quí, ông Denis Thatcher. Mười năm sau, bà Thatcher đã an nghỉ sau một thời gian bạo bệnh với hai người con song sinh - Mark (59 tuổi) và Carol - cùng các cháu ở bên cạnh. Bà hưởng thọ 87 tuổi.
Sau khi tin bà Thatcher từ trần được công bố vào chiều thứ Hai, quốc kỳ đã được treo rủ trên tòa nhà chính phủ và Quốc Hội ở thủ đô Luân Đôn.

Nước Anh vừa mất một nhà lãnh đạo vĩ đại
Thủ Tướng Anh, David Careon tuyên bố, “Nước Anh vừa mất một nhà lãnh đạo vĩ đại, một vị Thủ Tướng vĩ đại và một người Anh vĩ đại.”
Điện Buckingham cũng loan báo là Nữ Hoàng Elizabeth “rất buồn” khi nghe tin tạ thế của bà Thatcher. Bản tuyên cáo của hoàng gia Anh viết, “Nữ Hoàng rất buồn khi nghe tin nữ Bá Tước Thatcher từ trần. Nữ Hoàng chuyển lời phân ưu riêng tư đến tang quyến.”
Đảng đối lập, Chủ Tịch đảng Lao Động Anh, Ed Miliband, nhân dịp này cũng biểu lộ thiện cảm với gia đình Thatcher, “Bà sẽ mãi được tưởng nhớ là một hình thể duy nhất.” Tuy nhiên ông Miliband cũng không che giấu khoảng cách dị biệt giữa bà Thatcher và đảng Lao Động, “Đảng Lao Động đã từng bất đồng rất nhiều với những gì bà đã làm, và sẽ luôn luôn là một hình tượng phản bác. Tuy nhiên đảng vẫn khả thể vừa bất đồng lẫn vừa kính trọng những thành quả chính trị và sức mạnh cá nhân của bà.”
Bộ Trưởng Y Tế Jeemy Hunt bầy tỏ, “Bà là một phụ nữ đặc sắc. Bà đã xoay chuyển đất nước này. Chúng tôi là một quốc gia xem như đã rơi vào một vực thẳm của tuyệt vọng, nhưng bà đã mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng.”

Các lãnh đạo điển hình trên thế giới bầy tỏ sự thương tiếc
Cựu Chủ Tịch cuối cùng của khối Sô Viết, Mikhail Gorbatsjov, đã ca ngợi vị nữ lãnh đạo quá cố với những lời khen, “Bà là một chính khách vĩ đại và là một người tài giỏi. Bà sẽ đi vào tất cả mọi cuốn sách lịch sử.”
Vào giai đoạn cáo chung của cuộc chiến tranh lạnh, ông Mikhail Gorbatsjov đã liên tục gặp Thủ Tướng Thacher.
Hôm qua, ngay sau khi được tin bà Thatcher từ trần, Tổng Thống Barack Obama của Hoa Kỳ đã phát biểu, “Thế giới vừa mất một trong những nhà vô địch vĩ đại của Hòa Bình và Tự Do. Và Hoa Kỳ vừa mất đi một người bạn thân tín.”

Những phản ứng trái ngược
Điển hình được kể hơn cả là từ phía nghiệp đoàn hầm mỏ Anh. David Hopper, Tổng Thư Ký của Hiệp Hội Công Nhân Hầm Mỏ Durham cho rằng cái chết của bà Thacher là “tin vui.” Ông tuyên bố, “Tiếc rằng tin này không thể đến sớm hơn cho Hiệp Hội chúng tôi. Và tôi vui là tôi sống lâu hơn bà.”
Được biết, hôm thứ Hai ông Hoper cũng đúng ngày tròn “thất thập cổ lai hy” và ông không chống đối việc “ăn mừng” ngày từ trần của bà Thatcher. Ông nói, “Xem ra đây là một trong những sinh nhật tuyệt vời chưa bao giờ từng có của tôi.”
Được biết, ở quốc nội bà được trước hết tưởng nhớ về chính sách kinh tế cứng rắn, theo đó “tư hữu hóa” và “trận chiến chống lạm phát” là những từ ngữ chủ yếu. Bà là một người bạn và là một người yểm trợ đắc lực cho ngành thương mại Anh, và là thù địch của nghiệp đoàn công nhân.
Trên hết, bà bị oán giận bởi biện pháp giải quyết toàn bộ đối với các công nhân hầm mỏ Anh. Cuộc đình công lâu dài và cay đắng đã phải chấm dứt bằng sự chiến thắng của chính phủ Bảo Thủ và sự thất bại của toàn nghiệp đoàn Anh.
Bởi vậy không lạ khi bà Thatcher đã không được mến mộ chút nào trong các cộng đoàn hầm mỏ ở Bắc Anh quốc kể từ thập niên 1980.
Nay trước tin từ trần của bà Thatcher, ông Hopper tuyên bố, “Bà ấy đã ghét giới công nhân, và tôi vẫn có những kỷ niệm cay đắng về những gì bà ta đã làm.”
Không chỉ riêng ông Hopper hân hoan trước sự qua đời của bà Thatcher, còn nhiều người khác nữa, chẳng hạn như Tina Bourne, cố vấn hội đồng thành phố Colcherster, đã trưng bày một chai “champagne” trên Twitter và viết, “Chin chin, xin mời tất cả!”
Một nhóm Facebook gồm khoảng 1,000 thành viên cũng chủ trương như trên. Sau khi thiết lập đầu đề, “Ding dong, the witch is dead,” (Ding dong, phù thủy đã chết, viết thêm, “Maggie Thatcher đã ở dưới hỏa ngục 2 giờ rồi. Và bà ta đang bị thiêu trong hai hỏa lò.” Một trong những thành viên của nhóm, sau khi “thao tác” chân dung của bà Thatcher, cũng đã viết, “Hôm nay tôi cực kỳ hạnh phúc, còn hơn cái ngày mà Lucy trả lời 'yes' trở thành vợ của tôi.”

Khắp nơi trên đảo Falkland treo cờ rũ
Quần đảo Falkland (tiếng Tây Ban Nha: Islas Malvinas) nằm ở mạn nam Đại Tây Dương, cách lục địa Nam Mỹ 450 cây số, từ năm 1833 vẫn là thuộc địa của vương quốc Anh. Diện tích các hải đảo này cộng lại rộng 12,293 cây số vuông, trong khi dân số chỉ có khoảng 3,140 người. Falkland được tự trị về mọi lãnh vực, ngoại trừ chính sách đối ngoại và ngoại giao.
Năm 1982, bùng nổ cuộc chiến giữa Argentina (Á Căn Đình) và Anh quốc sau khi chính phủ quân phiệt Argentina xâm chiến quần đảo Falkland vào ngày 02 tháng 4 và tuyên bố chủ quyền tại đây. Liên Hiệp Quốc yêu cầu Argentina rút quân và chấm dứt mọi hành động thù nghịch. Các cuộc hòa giải chính trị không đem lại kết quả. Ngày 21 tháng 5, các lực lượng hải và không quân Anh tấn công lên Falkland. Cuộc chiến đẫm máu diễn ra cho tới ngày 14-06-1982 thì chính quyền Argentina tuyên bố đầu hàng. Hậu quả: 649 quân nhân Argentina và 255 người Anh bị thiệt mạng.
Bà Thatcher đã được Anh quốc ca ngợi về sự cương quyết đã mang lại chiến thắng. Mãi đến năm 1992, Argentina và vương quốc Anh mới chính thức nối lại mối quan hệ ngoại giao.
Hôm qua cư dân Falkland đã đồng loạt treo cờ rũ sau khi họ nhận được tin bà Thatcher qua đời. Tim Miller (60 tuổi) nói, “Bà ấy là Winston Churchill của chúng tôi.” Đương sự nay đang điều hành một cửa tiệm bán các dụng mang tính ái quốc và các kỷ vật từ cuộc chiến tranh 'Falklands War” (1982). Ông Miller nhấn mạnh thêm rằng bà là “đúng người, đúng thời điểm” và “đã hành động chính xác.”
Mike Summers, Chủ Tịch của cơ quan lập pháp gồm 8 người của Falkland, tuyên bố rằng tin bà Thatcher qua đời hôm thứ Hai đã gây đau buồn hết sức lớn lao ở đây, “Chắc chắc cư dân ở quần đảo này đã cảm niệm mạnh mẽ đặc biệt đối vớ bà Thatcher. Thanh danh của bà rất cao trọng ở đây vì bà đã dẫn đưa chúng tôi trở lại với Tự Do vào năm 1982.”

Bạn của ông Reagan, niềm kính trọng của ông Gorbatsjov
Những đối thủ của bà trong giới lãnh đạo Cộng Sản Sô Viết ở Mạc Tư Khoa đã tặng bà Thatcher biệt danh “The Iron Lady.” Ngược lại, bà là nhà lãnh đạo Tây Phương đầu tiên đã xây dựng được một sự hợp tác tốt đẹp với lãnh tụ Nga-Sô Viết vốn có đầu óc canh tân mạnh mẽ, Mikhail Gorbatsjov. Điều gây nên sự chú ý lớn lao cho toàn thế giới - sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với ông Gorbatsjov, bà đã tuyên bố rằng “Gotbatsjov là một người mà tôi có thể kinh doanh chung được.”
Ngoài ra, bà còn là một đồng minh thân thiện của vị Tổng Thống Hoa Kỳ chống Cộng Sản kịch liệt, Ronald Reagan. Sự liên minh chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo hữu khuynh Thatcher và Reagan đã góp phần mạnh mẽ vào công cuộc thay đổi bầu không khí chính trị trên các phần lớn của thế giới Tây Phương, theo chiều hướng mở rộng hơn nữa về tự do kinh tế và chủ nghĩa tự do thương nghiệp.
Có thể nói bộ ba - Thatcher - Reagan - Gorbatsjov - đã hợp lực đưa đến kết quả sụp đổ toàn vẹn khối Cộng Sản Sô Viết.
Đồng thời bà Thatcher lại là người chống đối kịch liệt một sự liên kết kinh tế ở Âu Châu vốn bao gồm cả vương quốc Anh - và bà tranh đấu chống lại sự tập trung chính trị của Âu Châu về cả lời nói lẫn hành động.
Bà Thatcher chế ngự cả đảng Bảo Thủ của bà lẫn toàn bộ xã hội Anh, dùng quyền lực để thực hiện ý muốn xuyên qua khối đa số “gà nhà” ở Quốc Hội. Những phần tử chống đối đông đảo trong chính đảng “nhà”, bà cũng đánh bại.

Ái quốc hay theo chủ nghĩa quốc gia?
Cố nữ Thủ Tướng Thacher thuở nắm quyền lực luôn luôn bận tâm đến việc khích lệ cao độ nghị lực và khả năng xây dựng kinh tế nơi các đồng hương của bà nhằm kiến tạo sự tiến bộ mới cho vương quốc Anh.
Trên tất cả, bà luôn luôn bận bịu với việc bảo vệ giá trị đồng bản Anh, bởi vì theo quan điểm của bà, đó là một điều kiện tuyệt hảo của sự mạnh mẽ trong nền kinh tế về tất cả mọi phương diện.
Bà đồng thời là một nhà ái quốc Anh chứ không thể nói bà là người theo chủ nghĩa quốc gia. Bà nhìn nhận sự hợp tác với Hoa Kỳ vốn quan trọng hơn việc hợp tác với Âu Châu.
Là chính khách mà không người Anh nào, dù là bạn hay là thù, có thể từ chối không công nhận bà. Hơn nữa, bà có một nghị lực và sự quả cảm mà không một nam đồng nghiệp nào có thể so sánh nổi.

Mai táng riêng tư?
Một số phần tử tự nhận là “những tâm hồn sáng tạo” đã khởi sự vận động một chiến dịch lấy chữ ký để cuộc mai táng của bà Thatcher đúng lý sẽ do ngân sách quốc gia đài thọ thì được “tư nhân hóa” - gọi là theo tinh thần của bà Thatcher. Nhóm này viết, “Để chuyển tiếp tinh thần của 'Lady' vĩ đại này, cuộc mai táng của bà Thatcher thay vì đất nước đài thọ, nên được tài trợ và được điều hành bởi ngành tư nhân hầu cung cấp một sự lựa chọn tốt nhất đối với những người tiêu dùng và những quyền lợi khác.”
Chiến dịch trên đây đã chấm dứt sau khi một ngày, một đêm, với 33,000 người đã đồng ký tên. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT