Hoa Kỳ

TT Trump xét lại việc tái gia nhập TPP

Thursday, 12/04/2018 - 09:11:34

Giờ đây có tin là Tổng Thống Donald Trump đã yêu cầu các viên chức thương mại tìm cách đưa Hoa Kỳ tái gia nhập các cuộc đàm phán về hiệp ước Thái Bình Dương, sau khi ông rút lui khỏi hiệp ước này vào năm ngoái theo chính sách America First.

HOA THỊNH ĐỐN - Mới năm ngoái hô hào rút khỏi Hiệp Ước Mậu Dịch Thái Bình Dương (TPP), tự cô lập nước Mỹ, cho là TPP chỉ bất lợi cho Hoa Kỳ, nay lại đổi ý. TPP từng được chính phủ Obama vận động nhằm đối phó sự bành trướng thế lực kinh tế của Trung Quốc.
Giờ đây có tin là Tổng Thống Donald Trump đã yêu cầu các viên chức thương mại tìm cách đưa Hoa Kỳ tái gia nhập các cuộc đàm phán về hiệp ước Thái Bình Dương, sau khi ông rút lui khỏi hiệp ước này vào năm ngoái theo chính sách America First.
Theo một số nhà lập pháp cho biết hôm thứ Năm, ông Trump đã yêu cầu Đại Diện Thương Mại Robert Lighthizer và tân cố vấn kinh tế Larry Kudlow, tìm cách đưa Hoa Kỳ tái gia nhập đàm phán hiệp ước TPP. Hiệp ước này được cho là sẽ mở ra nhiều thị trường nước ngoài cho các nông dân Hoa Kỳ. Vào tháng trước, 11 nước còn lại của TPP đã ký kết hiệp ước.
Việc Tổng Thống Trump từ chối TPP đã gây ảnh hưởng cho các đồng minh, và khiến người Mỹ thắc mắc rằng liệu chủ nghĩa bảo hộ có gây hại cho sự phát triển kinh tế Hoa Kỳ hay không. Cuộc thảo luận về TPP diễn ra trong cuộc họp giữa ông Trump cùng các thống đốc và các nhà lập pháp của các tiểu bang nông nghiệp.
Ông Trump nói, ông đang gây áp lực để buộc Trung Quốc phải đối xử công bằng hơn với ngành nông nghiệp Hoa Kỳ. Các nông dân tại vùng Trung Tây hiện đang vướng vào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sau khi Bắc Kinh dọa đánh thuế nhập cảng đối với đậu nành và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Hoa Kỳ. Trong cuộc họp báo vào tháng Hai cùng với Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull, ông Trump đã nói về khả năng tái gia nhập TPP, nếu các nhà đàm phán đưa ra các điều khoản có lợi hơn cho Hoa Kỳ.

Tòa án: Liên bang không được cắt tài trợ cho các thành phố bảo vệ di dân lậu
LOS ANGELES – Trong vụ kiện được đưa ra bởi thành phố Los Angeles, một quan tòa liên bang đã phán quyết rằng, chính phủ Trump không thể đình chỉ các khoản tài trợ liên bang, đối với các thành phố từ chối hợp tác với cơ quan di trú liên bang. Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, Chánh Công Tố LA Mike Feuer thông báo Los Angeles đã có được một án lệnh có hiệu lực toàn quốc, cấm Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ưu tiên các thành phố đang xin tài trợ cho các chương trình cộng đồng, nếu họ đồng ý tập trung nỗ lực chống di dân lậu.
“Tòa liên bang đã đồng ý với yêu cầu của LA, ngăn cản chính phủ Trump quyết định ngân sách tài trợ dựa trên cách thực hiện chính sách di trú dân sự,” ông Feuer nói, cùng với sự hiện diện của Thị Trưởng Eric Garcetti và Cảnh Sát Trưởng Charlie Beck. Vào tháng 9 năm ngoái, Los Angeles đã kiện Bộ Tư Pháp, sau khi Bộ này có ý định trừng phạt các thành phố từ chối hợp tác với các cơ quan di trú liên bang.
Các thành phố không hợp tác với cảnh sát di trú ở miền nam California, hay còn gọi là các “sanctuary cities – thành phố dung thân,” bao gồm San Bernardino, Santa Ana, và Malibu. Vào tháng 10 năm ngoái, Thống Đốc Jerry Brown đã ký luật biến California thành “tiểu bang dung thân.”

Cần sa trôi dạt vào bãi biển Santa Barbara
SANTA BARBARA – Một lượng lớn cần sa đã bị sóng đánh dạt vào bãi biển West Beach ở Santa Barbara, theo một video đăng trên mạng đang thu hút chú ý của dư luận. Video cho thấy 2 người đàn ông đang đi nhặt các cục cần sa trên bãi cát. Một viên chức thuộc lực lượng tuần tra cảng Santa Barbara cho biết, số cần sa này được nhìn thấy lần đầu tiên bởi một hãng nạo vét bùn vào khoảng 2 tuần trước, khi đang trôi nổi trên biển. Lực lượng tuần tra đã vớt một lượng lớn cần sa, nhưng thừa nhận vẫn để sót một phần cần sa trôi đi mất. Viên chức liên bang đang điều tra sự việc, và nghi ngờ đây là một vụ buôn lậu.

Trump 'rút lại' lời đe dọa tấn công Syria
Một ngày sau khi đe dọa tấn công chính quyền Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, Tổng Thống Donald Trump sáng sớm thứ Năm đã viết trên Twitter rằng: "Chưa bao giờ nói khi nào cuộc tấn công Syria sẽ diễn ra. Có thể rất sớm nhưng cũng có thể rất lâu nữa.” Trước đó, tuyên bố "hỏa tiễn đang đến” của Tổng Thống Trump đã đặt cả chính phủ cùng nhiều đồng minh Hoa Kỳ vào thế không biết phản ứng ra sao, vì tất cả các bên vẫn chưa thảo luận cách trả đũa Syria.
Trong lời đe dọa hôm thứ Tư, tổng thống Hoa Kỳ nói thêm rằng đây là loại hỏa tiễn “mới, đẹp và thông minh,” đồng thời khuyên Nga hãy "chuẩn bị.” Ông cũng tuyên bố Nga không nên kết thân với "chế độ tàn ác" đã giết hại chính người dân của mình, với hàm ý buộc tội quân đội chính phủ Syria gây ra vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma hôm 7 tháng 4.
Tuy nhiên sau đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đã xoa dịu tình hình, nói rằng Washington vẫn đang đánh giá các thông tin tình báo về vụ tấn công tại Douma.

Số người tị nạn Syria vào Hoa Kỳ giảm mạnh
WASHINGTON DC – Chính phủ Hoa Kỳ chỉ nhận 11 người tị nạn Syria trong vòng 5 tháng qua, giảm rất ít so với những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Barack Obama, khi hàng ngàn người tị nạn Syria được thu nhận. Nhìn chung, tốc độ thu nhận người tị nạn của Hoa Kỳ đang giảm xuống mức thấp kỷ lục, trừ khi chương trình này gia tăng nhận người trong phân nửa còn lại của năm tài chính, vốn sẽ kết thúc vào 30 tháng 9, 2018.
Sự sụt giảm này xảy ra do chính phủ gia tăng kiểm soát những người muốn xin nhập cư vào Hoa Kỳ. Trong năm tài chính 2016, năm làm việc cuối cùng của Tổng Thống Barack Obama, 12,587 người tị nạn Syria đã được nhận vào Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen hôm thứ Tư thừa nhận quá trình xét duyệt người tị nạn bị chậm lại, nhưng khẳng định cơ quan của bà cần làm việc cẩn thận để bảo vệ an ninh quốc gia.
Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Trump tuyên bố tạm đình chỉ chương trình tị nạn đối với người dân của 11 nước, bao gồm cả Syria. Đến tháng 1 năm nay, lệnh cấm được thay thế bằng một lệnh kiểm tra gắt gao đối với công dân từ 11 nước này. Các lệnh kiểm tra, cùng với các chính sách khác của chính phủ, khiến gần như không còn người tị nạn nào từ Syria được thu nhận, và giảm tốc độ nhập cư của người tị nạn từ các nước khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói, việc xét duyệt hồ sơ tị nạn sẽ tăng thêm thời gian, nhưng điều này là cần thiết để các nhân viên có thể xác định tốt hơn về các mối nguy cơ cho an ninh cộng đồng và quốc gia.

Cuộc điều trần của Zuckerberg giúp cổ phiếu Facebook tăng 5%
CALIFORNIA - Cổ phiếu Facebook trong ngày thứ Tư - ngày CEO Mark Zuckerberg có phiên điều trần thứ hai trước Quốc Hội - vẫn tăng 1% lên $166.32 Mỹ kim, bất chấp việc các chỉ số chứng khoán đều mất điểm do căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Syria. Ban đầu, giá cổ phiếu hãng này giảm 0.5% khi Zuckerberg mới bước vào phiên điều trần thứ hai tại Hạ Viện. Nhưng sau đó, cổ phiếu này đảo chiều khi ông chủ Facebook lần lượt bác bỏ cáo buộc của các dân biểu, vốn cho rằng người dùng Facebook không có quyền kiểm soát dữ liệu của chính họ.
“Mỗi khi ai đó chọn chia sẻ thông tin trên Facebook, họ kiểm soát được nó, ngay tại đó, chứ không phải mò mẫm một chọn lựa trong phần Setting,” Zuckerberg nói. Anh khẳng định người dùng có quyền kiểm soát cao nhất với thông tin trên Facebook của họ. Trước đó, trong ngày đầu tiên Zuckerberg phải điều trần tại Thượng Viện, cổ phiếu của mạng xã hội này thậm chí còn có một phiên tăng mạnh nhất trong 2 năm qua, khi tăng 4.5%.
Như vậy, sau 2 ngày điều trần trước Quốc Hội, Zuckerberg đã giúp cổ phiếu của hãng tăng hơn 5%. "Có vẻ như các nhà đầu tư cho rằng Zuckerberg đã phản ứng tốt trước đám đông khó chịu,” một chuyên gia tài chính đánh giá. Chứng khoán Hoa Kỳ hôm thứ Tư đã sụt giảm do lời đe dọa tấn công Syria của Tổng Thống Trump. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại các thị trường lớn của châu Âu.

Đài quan sát cao nhất Tây Bán Cầu bắt đầu được lắp đặt
NEW YORK - Đài quan sát cao nhất Tây bán cầu và cao thứ năm thế giới đang bắt đầu được lắp đặt bên ngoài tòa cao ốc 30 Hudson Yards ở thành phố New York, theo truyền thông đưa tin hôm thứ Năm. Công trình này là một phần của dự án khu dân cư Hudson Yards ở quận Manhattan, với chi phí xây dựng ước tính lên tới $25 tỷ Mỹ kim. Khu dân cư Hudson Yards có diện tích hơn 113,000 mét vuông, xây dựng bên bờ sông Hudson, đây là dự án bất động sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Việc xây dựng được khởi công vào năm 2012 và toàn bộ khu dân cư dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Tòa nhà 30 Hudson Yards được thiết kế bởi công ty kiến trúc Kohn Pedersen Fox. Tòa nhà có kết cấu kính và thép này khi hoàn thành sẽ cao 395 mét, và đài quan sát nằm ở độ cao 335 mét. Tòa cao ốc sẽ có nhiều văn phòng, nhà hàng, quán bar, khu mua sắm và phòng hội họp. Đài quan sát được lắp đặt bên ngoài tòa nhà ở độ cao 335 mét, rộng khoảng 20 mét, với khung thép nặng 347 tấn. Công trình dự kiến mở cửa tiếp đón du khách vào cuối năm 2019, vài tháng sau khi tòa nhà 30 Hudson Yards bắt đầu hoạt động.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT