Bình Luận

Tứ bề thọ địch

Wednesday, 07/06/2017 - 08:59:01

Anh hô to khẩu hiệu "Free speech or die, Portland!” (Portland ơi, hãy chọn tự do phát biểu hoặc chết) và "Death to the enemies of America!” (Tận diệt bọn thù nghịch của Hoa Kỳ).

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Địch đang xúm lại đánh ông Sadiq Khan, thị trưởng Luân Đôn, trận đánh khá phức tạp, vì “địch” lại là những kẻ đáng lẽ phải là bạn ông; bọn địch đầu tiên bắt đầu đánh ông hôm mùng 3 tháng Sáu là ba người đồng đạo với ông -đạo Hồi.

Khan là tín đồ Hồi Giáo, lại đang ngồi ghế thị trưởng Luân Đôn, vậy mà ba tên khủng bố Hồi Giáo vẫn lái xe van, chạy lên lề đường trên cầu Luân Đôn, cán vào những người bộ hành đang đi trên cầu. Cuối cầu là chợ Borough Market. Ba tên khủng bố thắng xe, nhảy xuống múa dao đâm chém loạn xạ.

Tính chung số nạn nhân bị chúng cán và chém là 7 người bị giết và 48 người bị thương; cảnh sát bắn chết cả ba tên cuồng tín.


Chợ Borough


Chợ Borough nằm cuối chân cầu Luân Đôn

Giết người bằng dao là kiểu đặc thù độc quyền và chưa cầu chứng, của quân IS (Islam State), chúng cắt đầu nhiều người, quay video cảnh cắt đầu rồi đem quảng bá trên truyền hình; trong vài tháng đầu chúng có làm cho quần chúng khiếp sợ, nhưng sau đó họ chỉ căm hận và ghê tởm.

Tuy nhiên vẫn có vài người Mỹ cho là giết người bằng dao có vẻ “bảnh” hơn giết người bằng súng; một trong vài người này là anh Jeremy Christian: Anh dùng dao để giết hai người Mỹ Trắng, và đâm bị thương người thứ ba -cũng Mỹ trắng; một đại bồi thẩm đoàn quận Multnomah quyết định truy tố anh về 15 tội danh, liên quan đến hành động cố sát của anh.

Lưỡi dao anh sử dụng để giết người, dài một tấc, và anh cũng đâm vào cổ nạn nhân như những tên đao phủ IS cắt cổ những người vô phước bị chúng bắt quỳ dưới tay dao của chúng.

Hai nạn nhân bị Christian giết tại chỗ là ông Ricky Best, 53 tuổi, và anh Taliesin Myrddin Namkai-Meche, 23 tuổi; người bị thương là anh Micah Fletcher, 21 tuổi. Tuần trước anh này ra tòa để được nghe Christian bảo cả chánh án lẫn bồi thẩm đoàn là họ đừng tưởng việc anh làm là khủng bố; anh không phải là một kẻ sát nhân, mà là một nhà ái quốc.

Anh hô to khẩu hiệu "Free speech or die, Portland!” (Portland ơi, hãy chọn tự do phát biểu hoặc chết) và "Death to the enemies of America!” (Tận diệt bọn thù nghịch của Hoa Kỳ).

Nhiều học giả phủ nhận giá trị của quyền “tự do phát biểu” theo kiểu của Christian; họ cho là khi anh phát biểu những tiếng khích động thù hận, thì điều anh nói không còn được hưởng quyền tự do phát biểu nữa.
Chuyện anh Christian giết hai “kẻ thù của Hoa Kỳ” diễn ra ngày 26 tháng 5, 2017; đúng 10 ngày sau, ba tên khủng bố Hồi Giáo giết 7 người Anh; chúng không hô hoán gì, nhưng hành động của chúng cũng vẫn có nghĩa là “Tận diệt bọn thù nghịch của Hồi giáo” như chủ trương của anh Christian “Tận diệt bọn thù nghịch của Hoa Kỳ.”

Sau vụ khủng bố giết người Anh, một trong hai viên chức Anh lên tiếng là bà Thủ Tướng Anh Theresa May; bà tuyên bố, "Mọi người cần trở lại với sinh hoạt hàng ngày; xã hội chúng ta cần tiếp tục sống đúng theo tập tục thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cần thay đổi trong cách đối phó với nạn quá khích và nạn khủng bố."


Khích động thù hận không phải là tự do phát biểu

Thay đổi bà May nói, là chính phủ Anh có thể phải giam giữ bọn nghi can khủng bố dài hạn hơn, nhưng, bà còn nói thêm, điều quan trọng nhất là phải kết nối các cộng đồng vào với nhau để chống lại nguy cơ mà bà gọi là “a perversion of Islam,” (sự diễn dịch sai lầm về Hồi Giáo). Bà còn khẳng định, "phải thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta đã dung thứ nạn quá khích."

Quan điểm của bà May nằm trên mức chính sách quốc gia, Thị Trưởng Sadiq Khan đi sát với quần chúng hơn; qua video ông nói với cư dân Luân Đôn, "Hôm nay, người Anh chúng ta bị sốc và tức giận - nhưng Luân Đôn vẫn là thành phố của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ để những kẻ hèn nhát thắng thế và chúng ta sẽ không bao giờ để Luân Đôn bị chủ nghĩa khủng bố uy hiếp."

Khan còn cảnh báo cư dân Luân Đôn là lực lượng cảnh sát sẽ được tăng cường trong thành phố, do đó họ không cần khiếp sợ khi thấy quá nhiều cảnh sát.


Sadiq Khan

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump phê bình là, "quan điểm của thị trưởng Luân Đôn Khan, nói là không có lý do gì để kinh hoảng quả là một quan điểm thê lương; bọn MSM tận lực vận động để phổ biến quan điểm này." MSM là một tổ chức tả khuynh.

Khan trả lời, "Tôi không nghĩ là Luân Đôn cần trải thảm đỏ để đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ, người chống lại mọi chủ trương của Anh quốc."

Khan còn nói, "Có một tương quan ngoại giao đặc biệt, cũng giống cảnh chúng ta có một người bạn thân, sát cánh với bạn trong lúc bạn gặp khó khăn, nhưng vẫn cảnh giác bạn, khi bạn sai lầm, và tôi nghĩ, ông Trump có quá nhiều sai lầm."

Tháng Giêng vừa rồi, chính Khan đã quyết liệt chống việc Trump thăm viếng Anh quốc, vì trước đó, Trump ban hành sắc lệnh cấm người Hồi Giáo thuộc nhiều quốc gia không được nhập cảnh Hoa Kỳ -sắc lệnh mà Khan cho là “điếm nhục và bạo ngược.”

Thủ Tướng Theresa May bênh vực Khan; bà nói, "Tôi nghĩ ông Khan làm việc rất đắc lực, và bất cứ ai chê trách ông đều chê không đúng.”

Phóng viên truyền thông hỏi lý do bà không chỉ trích đích danh ông Trump, bà May đáp, "Tôi đã từng chỉ trích đích danh ông Trump; thí dụ tôi chỉ trích ông ta về việc rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa ước Paris về khí hậu."
Có thể Trump quá đáng trong việc công khai chỉ trích ông Khan về nỗ lực muốn trấn an cư dân Luân Đôn vì ông sử dụng cảnh sát nhiều hơn, nhưng Khan vẫn sai lầm trong chiến thuật chống khủng bố.

Sai lầm đầu tiên của Khan là mặc cảm tự ti đối với quân IS, và sai lầm thứ nhì là cảnh sát không có khả năng chống khủng bố. Ông để lộ mặc cảm tự ti qua việc ông chấp nhận để cảnh sát Luân Đôn sửa đổi sắc phục cảnh sát cho giống quân khủng bố: bịt mặt để không ai biết họ là ai. Cảnh sát có làm gì điếm nhục đâu mà phải che mặt như bọn đao phủ IS?


Cảnh sát Luân Đôn bịt mặt giống bọn sát nhân IS

Sử dụng cảnh sát vào việc chống khủng bố sai, vì họ chỉ đối phó với quân khủng bố sau khi chúng đã hành động -thí dụ: tại Luân Đôn họ không biết trước một giây, một phút nào trước cái chết của bảy người Anh thường dân.
Mà nhu cầu của công tác chống khủng bố lại là tin tức giúp biết trước lúc hoạt động khủng bố xảy ra, biết trước như Tổng Thống Barack Obama biết và triệu tập nội các chiến tranh của ông tại Bạch Cung để chứng kiến cảnh lính Biệt Kích Mỹ bắn chết Bin Laden; hoặc biết trước trong việc Hoa Kỳ dùng drone để giết tu sĩ sách động Anwar al-Awlaki tháng Chín 2011.


Chứng kiến lính Biệt Kích Mỹ bắn chết Bin Laden


Hoa Kỳ dùng drone để giết tu sĩ sách động Anwar al-Awlaki

Thủ Tướng May và Thị Trưởng Khan cần tìm gặp để vấn kế giám đốc CIA thời tổng thống Obama - ôngJohn Brennan- về kỹ thuật săn tin quân khủng bố ISIS.
Anwar al-Awlaki trốn trong rừng núi Yemen, bin Laden trốn trong rừng người Pakistan mà CIA vẫn tìm ra được để tiêu diệt thì chính phủ Anh còn chờ gì nữa mà không mời Brennan về giúp người Anh phát giác ra những ổ khủng bố Hồi Giáo đang mai phục trong lãnh thổ Anh.
Bí quyết của Brennan là ông ta mua tin và trả giá rất cao cho những tình báo viên người Hồi Giáo; Thị Trưởng Khan chắc chắn sẽ không chùn tay trong việc mua mắc những bản tin có tác dụng cứu sống cư dân Luân Đôn.
Kỹ thuật mua bán (dealing) của CIA có triển vọng giúp Khan biết trước mọi cuộc khủng bố để tránh thoát cả cơn mưa chỉ trích của Donald Trump, lẫn những màn khủng bố vừa lái xe cán chết người, vừa múa dao cắt cổ dân Londoniens -cảnh khổ "Tứ Bề Thọ Địch." (ndt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT