Hoa Kỳ

Tự do báo chí đang xuống dốc ở Ecuador?

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 30/01/2012 - 04:36:44

Có tin cho biết ông Palacio đã chạy sang Mỹ, ở Miami, Florida, và ban giám đốc điều hành tờ El Universo đã nộp một lá đơn kháng án, mà tòa vẫn chưa cứu xét, trong đơn họ nói rằng các thẩm phán trong vụ án này là những cái loa đầy thiên vị của Tổng Thống Correa.

Vanessa White/Viễn Đông

QUITO, Ecuador – Các luật sư biện hộ cho các phương tiện truyền thông, trong một vụ chống đối chính phủ nước Ecuador, đều bị gắn cho nhãn hiệu là tham nhũng và thao túng lũng đoạn.
Vào hôm 28-1-2012, tờ El Universo (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Vũ Trụ”), một nhật báo kỳ cựu của Ecuador hoạt động từ 90 năm nay, công bố một bản tuyên cáo, do tám vị luật sư biện hộ đưa ra, nói rằng Tổng Thống Rafael Correa của Ecuador đã bôi nhọ công việc của họ, trong khi các thẩm phán quốc gia áp đặt những biện phát trừng phạt đối với họ, vì họ làm những công việc hợp pháp của mình khi đứng ra bào chữa cho nhật báo El Universo, trong một vụ án chống lại chính phủ. Bản tuyên bố của các vị luật sư viết: “Chúng tôi quyết liệt bác bỏ những lời tuyên bố mới đây”. Họ nói thêm rằng họ lấy làm ngạc nhiên về chuyện có những người nắm những chức vụ cao như thế trong ngành tư pháp lại tỏ ra thiếu nhận thức một cách nghiêm trọng liên quan tới chuyện thủ tục và quyền lợi.
Tin tức cho biết vụ án El Universo phát sinh từ chuyện một tác giả là ông Emilio Palacio viết trong một mục của tờ El Universo nói rằng Tổng Thống Correa là “một nhà độc tài”. Chuyện xảy ra trong năm 2011, bài báo làm cho ông Correa nổi giận, thế là ông liền lôi tác giả Palacio và cả ba giám đốc của tờ báo này ra tòa, buộc cho họ tội hình sự mạ lị. Mặc dù các giám đốc của El Universo đề nghị đăng một lời cải chính về bài báo ấy, nhưng tòa án cứ chú ý tới mức án mà Tổng Thống Correa đề nghị là ba năm tù giam dành cho ông Palacio và ba vị giám đốc, cũng như phải nộp tiền phạt lên tới hàng chục triệu Mỹ kim.
Theo những lời trích dẫn, các giám đốc của El Universo nói rằng tờ báo có thể bị đóng cửa, như là một kết quả của vụ kiện.
Có tin cho biết ông Palacio đã chạy sang Mỹ, ở Miami, Florida, và ban giám đốc điều hành tờ El Universo đã nộp một lá đơn kháng án, mà tòa vẫn chưa cứu xét, trong đơn họ nói rằng các thẩm phán trong vụ án này là những cái loa đầy thiên vị của Tổng Thống Correa.

Lược sử Ecuador
Ecuador là một quốc gia nằm trong khu vực Nam Mỹ Châu, ở phía Nam của Columbia, phía Tây Bắc của Peru, và phía Đông của biển Thái Bình Dương. Nước này có dân số trên 15 triệu người, tính trong năm 2011. Ngôn ngữ quốc gia của Ecuador là tiếng Tây Ban Nha. Trước thời thực dân Tây Ban Nha đến đây vào đầu thập niên 1500, miền đất hiện nay được gọi là Ecuador là nơi có những người thổ dân bản xứ sinh sống, trong đó có người Inca từng dựng lên một đế quốc riêng của họ.
Cũng giống như đa số những vùng ở Mỹ Châu La Tinh, nhiều người thổ dân đã chết vì những dịch bệnh do người Âu Châu đem sang đây, cũng như vì những cuộc chiến tranh và chế độ nô lệ, khi những người Âu Châu tìm cách mở rộng những vùng lãnh thổ của họ tới tận Tây Bán Cầu. Để góp phần vào việc mở rộng và làm tăng thêm sự đa dạng văn hóa của khu vực này, những người Âu Châu đã mang nhiều người Phi Châu sang đây làm nô lệ, bổ túc cho lực lượng lao động nai lưng xây dựng những vùng đất thuộc địa.
Cùng với các nước khác ở Mỹ Châu La Tinh, nhiều người trong khu vực mà hiện nay là Ecuador đã nổi dậy tìm độc lập tách khỏi Tây Ban Nha. Đến năm 1822, dân chúng đã giành được nền độc lập, thế là quốc gia Ecuador được khai sinh. Tuy nhiên, nền độc lập của nước này lại không chứng tỏ là nền độc lập dành cho mọi người trong nước. Giới giáo sĩ và những địa chủ giàu có vẫn nắm hết quyền hành, trong khi đó dân nghèo lại bị tước đoạt mất quyền công dân. Ecuador đã trải qua những cuộc cách mạng theo khuynh hướng tự do, cùng với những cuộc chiến tranh đánh nhau với các nước láng giềng, và những chính phủ quân nhân cai trị từ năm 1885 tới năm 1979. Mặc dù nền dân chủ được thành lập trong năm 1979, chính phủ Ecuador đã bị chỉ trích, vì vẫn để cho tồn tại những sự bất bình đẳng về xã hội, chính trị, và kinh tế, cũng như đã áp đặt những biện pháp hạn chế quyền tự do báo chí.

Ecuador, tự do báo chí
Theo ông Cesar Ricaurte, giám đốc tổ chức Andean Foundation for Media Study and Observation, chuyên nghiên cứu và quan sát các phương tiện truyền thông, trụ sở ở Quito, thì Ecuador chuyển động nhanh hơn so với các nước khác, trong việc tiến tới việc hạn chế quyền tự do báo chí, bằng cách sử dụng những vụ kiện cáo, luật lệ và việc mạnh mẽ tuyên truyền của chính phủ, nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Theo chỉ số về tự do báo chí hàng năm trên toàn thế giới, do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố vào hôm 25-1-2012, thì Ecuador được xếp vào hạng thứ 104, trong tổng số 179 quốc gia. Tổng Thống Correa đã bắt đầu lên tiếng nói thẳng thừng chống lại các phương tiện truyền thông độc lập, cũng như chỉ trích Ủy Ban Liên Mỹ Châu về Nhân Quyền, có trụ sở đặt ở Hoa Kỳ, và lâu nay lập hồ sơ tài liệu về những cảm nghĩ của ông. Nhật báo Washington Post trích dẫn lời Tổng Thống Correa nói: “Chúng tôi không khoan dung đối với các phương tiện truyền thông. Điều mà chúng tôi không thể dung thứ được, đó là những lời dối trá của họ”. Trong năm 2008, Tổng Thống Correa nhận được sự ủng hộ dành cho một bản Hiến Pháp mới, trao cho chính phủ quyền kiểm soát điều tiết, và dọn đường cho những biện pháp hạn chế do chính phủ đưa ra, nhắm vào các phương tiện truyền thông độc lập. Theo Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ), thì những phát ngôn viên chính phủ thường xuyên theo dõi những chương trình phát sóng, và cắt đứt những chương trình tin tức, để bác bỏ những điều giới truyền thông đưa tin, nói rằng những điều ấy là không đúng. Báo Washington Post trích dẫn lời của bà Jeannette Hinostroza, một người từng bị chính phủ làm gián đoạn những chương trình tin tức của bà, nói: “Nếu trước đây tôi rất cẩn thận về chuyện thông tin, thì nay tôi càng cẩn thận gấp hai, ba, bốn lần, để coi lại mọi chuyện. Tôi thấy sợ. Tôi biết rằng họ có thể phá cho tôi sụp đổ tan tành”.
Trong một bài diễn văn đọc tại trường đại học Columbia University trong năm 2011, Tổng Thống Correa nói rằng các phương tiện truyền thông đã đánh cắp mất danh dự của ông. Ông đặt câu hỏi rằng tại sao các phóng viên lại không phải bị tống giam vào tù vì tội nhục mạ ông.

Ecuador, chuyến công du mới đây của tổng thống Iran
Những người lên tiếng chỉ trích sự đàn áp các phương tiện truyền thông, mà người ta tri nhận được, đã nối kết chuyện ấy với chuyến công du mới đây của Tổng Thống Iran ông Mahmoud Ahmadinejad tại Mỹ Châu La Tinh, kéo dài năm ngày trong tháng 1 năm 2012, mà nhật báo Viễn Đông có đưa tin vào hôm 15-1-2012. Iran được xếp vào hạng thứ 175, trên chỉ số tự do báo chí hàng năm do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố. Báo Viễn Đông đã đưa tin rằng Tổng Thống Correa và Tổng Thống Ahmadinejad đã thảo luận với nhau, củng cố một số thỏa thuận, và cam kết tiếp tục hợp tác với nhau.
Có tin cho biết Tổng Thống Correa tin rằng Ecuador và Iran có một mối quan hệ lành mạnh với nhau, và cùng nhau biến những thỏa thuận mà hai nước đã ký kết trở thành hiện thực. Tuy nhiên, cả hai ông tổng thống đều không cho biết chi tiết về những thỏa thuận ấy.
Đài CNN trích dẫn lời Tổng Thống Correa nói về hệ thống truyền hình sử dụng tiếng Tây Ban Nha của nhà nước Iran, trong chuyến viếng thăm của ông tại Ecuador: “Chúc mừng HispanTV. Tôi hy vọng đài giúp nâng cao trình độ báo chí ở Mỹ Châu La Tinh và trên toàn thế giới”. - (BV)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT