Chuyện Nước Pháp

Từ Gaza đến người Do Thái trên đất Pháp

Thursday, 31/07/2014 - 12:21:58

Một tuần lễ biến động với những cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine của phần đất cực nhỏ như một giải lụa mang tên Gaza - diện tích 350 cây số vuông với khoảng hơn 1 triệu rưỡi đầu người, tỷ lệ gần như đậm đặc nhất thế giới là 4000 người trên 1 cây số vuông - xảy ra tại thủ đô Paris và vùng ngoại ô Sarcelles dù bị cấm




Bàn tròn hội thảo Tôn-Giáo và Chính-Trị tại Paris
 
Một tuần lễ biến động với những cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine của phần đất cực nhỏ như một giải lụa mang tên Gaza - diện tích 350 cây số vuông với khoảng hơn 1 triệu rưỡi đầu người, tỷ lệ gần như đậm đặc nhất thế giới là 4000 người trên 1 cây số vuông - xảy ra tại thủ đô Paris và vùng ngoại ô Sarcelles dù bị cấm, đã đưa đến một quyết định: điện Elysée đã tiếp đón một phái đoàn đại diện các tôn giáo.

Trong hình kèm theo, chúng ta thấy mái tóc đen và một phần gương mặt Á Châu của bà Võ Minh Tri, đại diện cho nhóm Phật Giáo ngồi nơi bàn tiếp tân với 5 vị chức sắc cao cấp còn lại, bên góc trái ảnh chụp. Bà là phó hội trưởng hội Phật tử tại Pháp, trụ sở tại Paris và hàng tuần có chương trình phát hình trên màn ảnh nhỏ mỗi sáng chúa nhật.

Những danh nhân khác là: các ông Dalil Boubakeur, đại diện thánh đường lớn Hồi Giáo ở Paris, Joal Mergui, về phía tôn giáo Do Thái tại Pháp; vị giám mục Stanislas Lalanne, Thiên Chúa Giáo, linh mục Georges Michel đại diện Cơ Đốc Giáo (Protestant), linh mục Joseph đại diện nhánh nhà thờ độc lập vùng Đông thuộc Rome (Orthodoxe, Chính Thống Giáo). Mục đích buổi tiếp tân là cùng nhau kêu gọi sự tôn trọng người Do Thái, chống kỳ thị chủng tộc, chống bạo loạn lợi dụng thời cơ, ủng hộ tinh thần nhân bản và tâm linh hòa bình.

Lời kêu gọi có kết quả tốt đẹp khi cuộc biểu tình sau đó đã diễn ra thật ôn hòa trong thái độ an lành, bình thản gần như là truyền thống của nước Pháp khi có những cuộc xung đột trên thế giới gây phẫn nộ.

Chúng ta gần đây thường hay nhận được tài liệu trên các forum bạn bè chuyền nhau nói về xứ Do Thái rất nhỏ với 20.000 cây số vuông diện tích và 8 triệu dân mà thôi nhưng tài năng lại quá lớn! Khổ thay, còn sự tương phản kia: dải đất Gaza còn bé nhỏ hơn thế bị kẹt giữa hai gọng kềm Ai Cập với Do Thái, bên kia tiếp giáp biển Địa Trung Hải. Với lịch sử dựng nước 1500 năm trước Thiên Chúa, Gaza và Cisjordanie hợp thành nước Palestine - Gaza đã từng bị Ai Cập và Do Thái chiếm đóng, vẫn còn dấu vết thực dân Do Thái sống nơi đây - mà thực tế rối rắm và phức tạp vô cùng.

Do Thái đã giội bom vào lãnh thổ Gaza gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng, bởi lý do nơi này phóng đều đều đầu đạn hỏa pháo vào đất họ. Thỉnh thoảng lại có các vụ bắt cóc thanh niên đôi bên làm hại lẫn nhau gây rối loạn triền miên. Lần giội bom này khiến dân Paris xuống đường ủng hộ Gaza.

Theo dự kiến của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2020 có thể dải Gaza sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới nếu quốc gia này không tự nó vùng dậy với sức mạnh Hercules (nhân vật huyền thoại có sức mạnh thần kỳ). Bị Ai Cập cấm vận kinh tế và người Do Thái kiềm tỏa, Gaza sống trong những chuỗi ngày chiến tranh kéo dài căng thẳng nhất vào những năm 2009, 2012 và năm nay 2014 (và trước đó nữa...).

Người Do Thái sống trên đất Pháp được ước tính vào khoảng nửa triệu người, trong đó có nhiều danh nhân đủ các ngành nghề; quan trọng nhất về chính trị, báo chí, truyền thanh truyền hình và kinh tế. Lịch sử Pháp ghi lại từ đầu con số người Do Thái nhập cư di dân chỉ vào khoảng 40.000 vào thế kỷ thứ 19 từ các nước Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Áo, kể luôn từ nước Đức vùng giáp giới Đông Pháp. Sau hai cuộc thế chiến, có thêm di dân đến từ Bắc Phi (các nước Algérie, Tunisie, Maroc). Kể từ năm 1948, khi nước Do Thái chính thức thành lập thì làn sóng người Do Thái đến từ Ai Cập được phép nhập cư vào Pháp.

Sau khi bị Đức Quốc Xã giết hại cả triệu người, dân Do Thái đến nay nổi tiếng khắp thế giới nhất là ở Hoa Kỳ và Châu Âu (Pháp, Anh ...) vì họ nắm nhiều quyền hành tột bậc và gần như khuynh đảo chính trị. Có thể vì điều này mà họ bị ganh tỵ, ghen ghét và đề phòng. Tại Pháp, một nữ ký giả đã phản ứng gắt gao với Google khi cô đi tìm trên mạng thấy luôn luôn có chữ “Do Thái” kèm theo tên họ danh nhân người Pháp thuộc bất kỳ nghề nghiệp nào như ký giả, tài tử xi-nê, giáo sư, bác sĩ v.v... Điều này gây hoang mang cho nhiều người vì sự phân biệt quá lố này. Không biết rõ có đúng chăng, sao ai cũng là... gốc Do Thái hết vậy: từ nam ca sĩ nổi tiếng hạng nhất đến nữ tài tử xi-nê số một, qua đến thủ tướng và tổng thống Pháp, kể cả một số nghị sĩ, dân biểu, ký giả truyền hình được xem mặt hàng ngày...? Đây là một sự kiện đáng ghi nhận, điều này không tốt vì nó gây ra sự kỳ thị âm tính. Để trả lời cô ký giả phẫn nộ, Google thuộc Ban điều hành tại Pháp cho rằng cô đã có thái độ đúng đắn vì chính họ cũng e sợ và bực bội tính cách bài Do Thái một cách tò mò lộ liễu hầu như chỉ có trên đất Pháp mà thôi! Tôi ở Pháp khá lâu và cũng nhận thấy điều này đúng như vậy riêng đối với dân da trắng vì bề ngoài hình thể họ giống y như nhau, cho nên ngày xưa Đức quốc xã bắt người Do Thái mang ngôi sao vàng trên ve áo để phân biệt.

Một bài báo khác của ký giả tờ “Người Quan Sát Mới” cho chúng ta một góc nhìn khác về thái độ kỳ thị Do Thái của dân chúng gốc Á-Rập theo Hồi giáo, bênh vực nỗi đau khổ của dân Gaza.

Theo ký giả này ghi lại thì ông rất bàng hoàng lúc nghe thấy đám biểu tình la lối rằng xứ Pháp này không phải là của người Do Thái. Nếu như bênh vực người Palestine, thì cũng phải biểu tình chống đối những cuộc đàn áp tương tự ở nơi khác (Syrie, Bosnie...), nếu như vì trông mong một thể chế chính trị tốt đẹp thì than ôi, tầng lớp cai trị quân sự độc tài mang tên Hamas ở Gaza khủng bố đám trẻ đã bao năm với chủ trương Hồi-giáo-hóa toàn thể dân chúng bắt buộc, kỳ thị phái tính nam-nữ, sát nhân man trá vì lý do “danh dự”...

Nếu có một nhân tài tầm vóc như tướng De Gaulle để giảng hòa vĩnh viễn dân Á-Rập và Do Thái thì êm chuyện, điều này chưa từng xảy ra và chủ trương giội bom sát hại thường dân là sai lầm cũng nên kết tội.

Người Pháp chủ trương tôn trọng và phát triển sự khác nhau trong một xã hội lành mạnh, tự do, nên ngày nay họ có đủ thứ tôn giáo xuất hiện nhưng từ đó phải trừng trị kẻ khủng bố nhân danh tôn giáo, điều này chưa thực hành đúng mức vì nó ngừng lại ở chỗ “cấm biểu tình vì vụ Gaza” mà thôi. Cũng theo ký giả này thì sự cộng-đồng-hóa đời sống xã hội gây ra nguy hiểm cho chính xã hội. Bọn khủng bố tuyển chọn những thanh thiếu niên nam nữ ngu dại và khờ khạo gốc Á Rập bỏ nhà ra đi rồi sau khi huấn luyện xong trở lại làm công cụ cho chúng. Đúng vào lúc này, người Pháp cần có công dân gương mẫu tuy theo đạo Hồi nhưng biết lên tiếng xác định vị trí tốt đẹp của họ trong một nước tự do, dân chủ thật sự là yêu chuộng hòa bình.
Ntnd

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT