Thể Thao

Tứ kết tại Thế Vận Hội Rio: Mỹ bị Thụy Điển loại ở vòng đá luân lưu

Friday, 12/08/2016 - 11:09:14

Sau trận đấu, Hope Solo tuyên bố là có cái gì đấy bất công ở chỗ là đội Mỹ đáng lẽ phải thắng thì lại thua, và thua là thua “một đám hèn” (nguyên văn tiếng Anh: “A bunch of cowards.”).

Bài THANH NGUYỄN

BRASILIA - Vẫn là giải bóng đá của Thế Vận Hội Hè tại Rio nhưng là trận đầu trong ngày của vòng tứ kết, giữa Mỹ với Thụy Điển. Đội nam của Mỹ không được tham gia kỳ Thế Vận Hội (TVH) này cho nên hễ nói đến đội Mỹ thì chỉ có thể là đội nữ, và hôm thứ Sáu là trận cuối cùng của Mỹ tại TVH! Và trận diễn ra tại sân Mané Garrincha ở thủ đô Brasilia.

Tiền đạo Thụy Điển Stina Blackstenius (bên trái) đang đá được một trái banh qua chân của hậu vệ Mỹ Whitney Engen và lọt lưới trong trận tứ kết ngày thứ Sáu tại Thế Vận Hội Hè Rio. (Evaristo Sa/ Getty Images)


Trước ngày đấu thì người ta thấy tình trạng của mặt sân đấu có một số vấn đề sau mấy trận liên tục tại đây. Tưởng đã phải dời địa điểm giao đấu nhưng rồi rốt cuộc vẫn cứ địa điểm này mà tiến hành.
Vì sẽ còn vài trận nữa ở đây cho nên tưởng cũng cần ghi chú là người ta đặt tên cho sân đấu để tưởng niệm cố cầu thủ Manuel Francisco Dos Santos của Brazil, người từng có chân trong hai kỳ Brazil đoạt giải FIFA World Cup vào năm 1958 và 1962. “Mané” là tên gọi tắt của Manuel, còn “Garrincha” là biệt danh người ta gán cho Dos Santos, có nghĩa là “con chim nhỏ.”

Sân Garrincha hôm thứ Sáu chỉ đông vừa chứ không đông lắm. Người ta ước lượng chừng 40,000 khán giả ở một sân đấu có đến gần 70,000 chỗ ngồi. Thời tiết vào lúc bắt đầu trận là 84 độ F, quãng xế trưa.
Đội nữ của Mỹ vừa là đương kim vô địch thế giới từ giải của FIFA năm 2015 ở Canada, đồng thời cũng là đương kim vô địch kỳ Thế Vận Hội Hè ở London năm 2012. Giới "chuyên môn" về bóng đá vẫn cho là vào tứ kết kỳ này thì đội nữ của Thụy Điển khó địch lại đội Mỹ. Chỉ có điều đáng nói là huấn luyện viên hiện nay của đội Thụy Điển, bà Pia Sundhage người Thụy Điển, 56 tuổi, không ai khác hơn chính là cựu huấn luyện viên đội nữ của Mỹ!


Các nữ cầu thủ Thụy Điển ùa ra sân sau bàn thắng quyết định của đồng đội Dahlkvist ỏ vòng đá luân lưu. (Celso Junior/ Getty Images)


Trước trận đấu, khi người ta phỏng vấn huấn luyện viên hiện nay của đội Mỹ là bà người Mỹ Jill Ellis, 40 tuổi, thì bà này nói rằng đội Thụy Điển thể nào cũng co cụm lại để phòng thủ trước những đợt tấn công của Mỹ, và họ sẽ tìm cách chờ thời với những sơ hở của Mỹ để có thể làm bàn.

Bà huấn luyện viên Sundhage của đội Thụy Điển thì đương nhiên đã biết rõ những mặt mạnh mặt yếu của đội Mỹ cho nên sách lược của bà ta cũng không khác gì cách nhận định tình hình của bà Ellis! Và trận đấu đã diễn ra theo đúng như "kịch bản" mà huấn luyện viên đội Mỹ hình dung cũng như huấn luyện viên đội Thụy Điển đề ra cho đội ngũ của mình thực thi!

Bởi thế mà xem trận banh theo kiểu “xe chạy một chiều” trên sân thì người xem rất dễ thắc mắc không hiểu tại sao mà đội Thụy Điển lại tránh được không để bị thua ít nhất từ 4 đến 5 bàn trắng là căn cứ vào số lần Mỹ gây náo loạn trong cấm địa và trước khung thành Thụy Điển.


Thủ môn Lindahl của Thụy Điển đỡ được cú sút của Alex Morgan ở vòng đá luân lưu Thụy Điển thắng Mỹ 4-3. (Celso Junior/Getty Images))



Giản dị thì có thể kết luận là Thụy Điển phòng thủ vững, nhưng chi tiết hơn thì tưởng cũng phải tính đến tình trạng căng thẳng đối với cả đôi bên. Từ đầu đến cuối, ngoại trừ ở vòng đá luân lưu, khi cầu thủ mỗi bên đều thay phiên nhau sút 5 lượt, còn ngoài đấy ra thì Thụy Điển chỉ 2 lần sút vào khung thành Mỹ và cả hai lần đều lọt lưới, tuy lần thứ hai vào phút thứ 115 thì không được tính vì trọng tài biên cho là cầu thủ Lotta Schelin vượt vị trong khi Schelin thực tế là không vượt vị, và việc này đã được kiểm chứng hết sức rõ ràng sau trận đấu qua các đoạn video được chiếu lại cũng như qua sự chứng kiến của các phóng viên tường thuật trận đấu, (kể cả người viết những dòng này)!

Trong khi đó thì cả chục lần cầu thủ Mỹ sút vào khung thành Thụy Điển từ xa hoặc ngay trước khung thành thì không thành công do bị vướng chân cầu thủ Thụy Điển, do cầu thủ Thụy Điển đỡ được banh, do sút lệch hướng hoặc do sút đúng hướng như thủ môn Lindahl của Thụy Điển bắt hoặc đỡ được banh!
Bàn thắng đầu tiên của trận đấu lại là do cầu thủ Stina Blackstenius của Thụy Điển từ xa trên phần đất của Mỹ đón được banh trong khi đội ngũ của Mỹ đang vây hãm khung thành Thụy Điển. Một cuộc phản công chớp nhoáng của hầu như một mình Blackstenius giữa hai hậu vệ của Mỹ kèm theo sát nhưng không kịp ngăn chận cú sút của cô ta vào phút thứ 60!

Phía đội Mỹ còn chưa hoàn hồn thì may sao Alex Morgan gỡ được 1-1 vào phút thứ 76 từ một cú sút từ xa rất chính xác.

Hiệp 2 kết thúc với tỷ số không thay đổi. Hiệp 1 của 30 phút phụ trội cũng không gì thay đổi. Qua hiệp 2 của 30 phút phụ trội thì lẽ ra Thụy Điển đã thắng. Phút thứ 114, banh trước khung thành Thụy Điển, Carli Lloyd đánh đầu lọt lưới nhưng không được tính vì Lloyd vừa vượt vị vừa xô ngã cầu thủ Thụy Điển liền ngay khi nhảy lên đánh đầu. Nhưng cũng liền ngay đấy Thụy Điển phản công, banh đến trước khung thành Mỹ và Lotta Schelin sút lọt lưới để rồi không được tính vì trọng tài biên cho là vượt vị! Một quyết định sai lầm như đã nêu ở trên!

Và thế là với tỷ số 1-1, đôi bên đành phải kéo nhau ra đá vòng luân lưu, tạo nên tiền lệ đầu tiên từ xưa đến nay trong lịch sử bóng đá của phái nữ ở những kỳ Thế Vận Hội.

Cầu thủ Alex Morgan của Mỹ đứng ra sút cú đầu tiên. Thủ môn Lindahl bắt được banh! Phía Thụy Điển sút thành công hai cú kế tiếp và phía Mỹ cũng vậy. Cú sút thứ 3, Mỹ thành công trong khi thủ môn Hope Solo bắt được cú sút lượt 3 của Thụy Điển. Đội Mỹ đã có thể hoàn hồn được phần nào và sút thành công cú thứ 4 cũng như phía Thụy Điển ngay sau đó.

Nhưng đến cú sút thứ 5 thì cô Press của Mỹ sút quả banh vọt lên khỏi xà ngang. Cô này trông tuyệt vọng trong khi bước lần đến các đồng đội của mình đang dàn hàng một bên sân. Một đồng đội nhìn Press và nói khẽ hai ba lần: “It's OK. It's Ok.,” (Không sao, đừng buồn).

Đến phiên Lisa Dahlkvist của Thụy Điển chuẩn bị sút cú thứ 5! Solo bấy giờ tinh thần cực kỳ căng thẳng. Cô ta tìm cách tự trấn an bằng cách câu giờ, bước ra bìa sân đòi thay cặp găng tuy suốt 120 phút đấu trước đấy chỉ có thủ môn Lindahl của Thụy Điển là tất bật trước khung thành chứ còn Solo thì kể như vô công rồi nghề! Điều cho thấy Dahlkvist của Thụy Điển hết sức trầm tĩnh là ở chỗ cô ta ôm trái banh bên hông, nhoẻn miệng cười kiểu ái ngại, nhìn cảnh Solo lăng xăng thay cặp găng mới. Và rồi Dahlkvist ung dung đặt quả banh vào vị trí, ung dung sút vào lưới trong khi Solo với cặp găng mới vẫn không làm gì được với bàn thắng quyết định ở vòng đá luân lưu, đưa đội Thụy Điển vào bán kết.

Thụy Điển sau khi hòa 1-1 với Mỹ với 120 phút đấu đã thắng 4-3 ở vòng đá luân lưu!
Trận đấu hết sức hấp dẫn và căng thẳng theo cung cách riêng và đặc biệt của nó thì sau đấy đã kết thúc với một sự kiện chẳng mấy đẹp mà chắc chắn trong những này tới sẽ được báo chí thế giới tận tình khai thác.

Sau trận đấu, Hope Solo tuyên bố là có cái gì đấy bất công ở chỗ là đội Mỹ đáng lẽ phải thắng thì lại thua, và thua là thua “một đám hèn” (nguyên văn tiếng Anh: “A bunch of cowards.”).

Cô Solo này từ hai năm trở lại đây về mặt đời tư ở trong nước đã chịu nhiều tai tiếng, rồi trước khi đi TVH lại cường điệu hóa cái vụ vi trùng Zika theo kiểu riêng của cô ta khiến trong tất cả những trận có Mỹ tham gia thì khán giả cứ thế la ó phản đối cũng như chế nhạo mỗi khi Solo đụng đến quả banh.
Bây giờ lại đến những lời bình luận kiểu như báo chí đưa tin! Trước sau gì thì dư luận cũng có cách để xử trí với phong cách tạm gọi một cách nhẹ nhàng ở đây là "kém cỏi về mặt tinh thần thể thao" như vậy!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT