Mẹo Vặt

Tủ lạnh: Hiện đại hay... hại điện?

Vũ Hằng/Viễn Đông Tuesday, 08/05/2012 - 08:55:31

Tủ lạnh mà hư thì chúng ta chỉ chịu đựng được tối đa một ngày. Ngày hôm sau là phải ba chân bốn cẳng ra cửa hàng “rinh” ngay về một cái khác thay thế.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Ai lại nêu ra một câu hỏi cắc cớ như vậy với cái tủ lạnh, “người bạn” không thể vắng mặt trong nhà bếp của chúng ta cơ chứ! Ở những xứ nóng như Việt Nam, tủ lạnh phải được coi như... nhu yếu phẩm (nhưng rất tiếc không phải ai cũng có được). Ngay cả tại những xứ lạnh như Hoa Kỳ, Canada... tủ lạnh cũng là một tiện nghi không thể thiếu. Tủ lạnh mà hư thì chúng ta chỉ chịu đựng được tối đa một ngày. Ngày hôm sau là phải ba chân bốn cẳng ra cửa hàng “rinh” ngay về một cái khác thay thế. Vì vậy chúng ta nên có sẵn một số tiêu chuẩn để khi cần sẽ mua ngay được thứ thích hợp nhất.

Khả năng và nhu cầu

Đó là 2 yếu tố phải xét tới đầu tiên. Nói về khả năng, chúng ta thường nghĩ tới... túi tiền. Có người cho rằng thứ hợp với mình phải là thứ... rẻ nhất. Người khác thì ngược lại, thấy bất cứ cái gì giảm giá, on sale... cũng bĩu môi lắc đầu, vì cho rằng “của rẻ là của ôi”. Nhưng khi mua tủ lạnh, bạn nên nghĩ tới một khả năng khác, đó là chỗ đặt tủ. Nói về nhu cầu, chúng ta phải tự hỏi: Mình cần một cái tủ lạnh với sức chứa là bao nhiêu?
Nơi đặt tủ: Cái tủ lạnh hiện nay đứng ở chỗ nào trong bếp? Đo lại chiều cao, chiều rộng và chiều sâu của khoảng trống sẽ dành cho tủ lạnh mới. Và nhất là, phải xem cái khoảng không gian đằng trước tủ lạnh như thế nào: Có đủ chỗ để mở cửa tủ rộng ra tới 90 độ hoặc hơn nữa không? Nếu không, rất có thể bạn sẽ không mở các ngăn kéo ra hết được.
Dung tích: Dung tích là sức chứa trong lòng tủ lạnh, được tính bằng Cubic Feet. Nhà đông người thì chọn tủ có nhiều cubic feet. Giới nghiên cứu đã tính giúp chúng ta như sau: Nhà 2 người thì dùng tủ lạnh 12 tới 14 cubic feet là đủ. Thêm một người, thêm 2 cubic feet. Cứ như vậy mà tính ra, đừng mua nhỏ kẻo không đủ chỗ chứa hết đồ, cũng đừng mua lớn kẻo không đủ đồ phủ hết chỗ. Mà các bạn biết rồi đó, tủ lạnh phải chất đầy mới đỡ tốn điện, chứ để trống lại hao điện hơn.
Hằng thấy có những bạn mới lập gia đình, tuy chỉ có 2 người nhưng đã mua tủ lạnh lớn, hỏi ra thì họ tủm tỉm cười: “Mình lo xa. Đầu năm lo cưới... cuối năm thêm người mà”! Như vậy cũng được, nhưng nhớ phải thêm người cho sớm kẻo... phí điện! Ông xã Hằng bảo: “Nào có phải chỉ là điện, phí cả... nước nữa”. Em không hiểu làm sao lại có nước, nhưng ông ấy nói vậy chắc cũng có lý do. Em cứ ghi ra đây để các bạn đề phòng, đỡ được thứ gì quí thứ đó.

Các kiểu tủ
Bây giờ chúng mình lượt qua các thiết kế tủ lạnh. Tuy có nhiều kiểu, nhưng chúng ta có thể tóm tắt trong 3 kiểu sau:
- Tủ đá nằm trên tủ lạnh (freezer on top): Đây là kiểu tủ phổ thông, tuy không hiện đại, nhưng đỡ... hại điện, và vừa túi tiền giới tiêu thụ nhất.
- Tủ đá nằm dưới (freezer at bottom): Với thiết kế này, phần tủ lạnh ở trên, vừa tầm tay người sử dụng. Xét về mức tiết kiệm điện thì kiểu tủ này gần được như kiểu trên.
- Tủ đá song song (Side by Side): Kiểu tủ này có 2 cánh cửa nhỏ, không đòi hỏi nhiều khoảng trống trước mặt, với chiều cao tủ đá và tủ lạnh ngang nhau, xem ra rất hiện đại. Nhưng giới chuyên gia môi trường lại cho là... hại điện nhất. Và đây mới là yếu tố quan trọng, như các bạn sẽ thấy trong phần sau.

Tiêu thụ điện
Khi mua tủ lạnh, cũng như khi mua bất cứ một máy móc nào khác, cái điều khiến chúng ta phải để ý hơn cả, đó là nó xài điện như thế nào. Ông bà mình hay nói, “Một tiền gà, ba tiền thóc” là để ám chỉ vào trường hợp này: Giá tiền mua máy có thể chỉ là một, mà giá tiền mua điện cho nó chạy lại có thể gấp ba. Nhưng thực tế, khi mua tủ chúng ta chỉ so đo xem tủ đắt hay rẻ, chứ ít người để ý xem máy chạy có hao điện không. Phát triển ý tưởng của ông bà mình, mới đây chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một ban nghiên cứu về hiệu quả năng lượng, và tặng danh hiệu “ngôi sao” cho những máy nào xài điện ít hao nhất. Những máy “ngốn điện” như hũ chìm thì đừng có mà ngó tới ngôi sao.
Để tóm tắt về tủ lạnh, chúng ta có thể ghi nhớ những điều sau:
1. Luôn luôn tìm dấu hiệu ngôi sao năng lượng, tức là ENERGY STAR khi mua tủ lạnh (hoặc bất cứ thứ máy móc nào khác).
2. Trong các thiết kế, thì loại nằm trên có thể tiết kiệm điện từ 10% tới 25% so với các loại nằm dưới, hoặc nằm song song. À, chúng ta đang nói về tủ đá nằm trên, chứ không phải thứ gì khác nhé!
3. Nên bỏ qua những thiết kế cầu kỳ, như tủ lạnh có bộ phận làm đá bên ngoài. Loại tủ này tốn thêm tiền điện từ 14 tới 20% so với loại tủ bình thường. Đã vậy tiền mua tủ lại còn đắt hơn từ 100 tới gần 300 Mỹ kim nữa.
4. Kiếm một tủ lạnh có kích cỡ vừa đủ nhu cầu, không lớn quá, không nhỏ quá để luôn luôn có đủ đồ chứa đầy tủ lạnh.
Đó là những điều này chúng ta quen gọi là mẹo vặt, nhưng ông xã em bảo giới nghiên cứu trong Bộ Bảo Vệ Môi Trường của Hoa Kỳ cũng chỉ mong muốn chúng ta nhớ được như vậy thôi.

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT