Thể Thao

Từ một trận banh bên Anh đến chuyện con đà điểu

Friday, 01/05/2015 - 09:36:01

Mà khi xảy ra những việc như vậy thì thói quen chẳng đặng đừng của thiên hạ là lập tức moi móc lại ngay những chuyện xưa tích cũ có liên quan đến “phong cách” của ông Pearson nhà ta.

HLV Pearson bóp cổ đè đầu James McArthur của đội Crystal Palace hồi tháng Hai 2015 ở Leicester. (Getty Images)

 

Từ một trận banh bên Anh đến chuyện con đà điểu

Bài THANH NGUYỄN

 

Tựa đề bài viết còn có thể là những chuyện sôi nổi, hào hứng không thể tìm thấy được trên một sân banh.

Nếu người hâm mộ bóng đá mà chỉ để tâm đến những chuyện gì diễn ra trên sân cỏ thì sẽ mất đi rất nhiều sự hứng thú có liên quan trực tiếp đến một trân banh. Chẳng hạn như báo chí, các đài truyền hình trước ngày hoặc có khi cả tuần lễ cứ bình luận về một trận banh sắp tới, hoặc xong trận đấu rồi thì lại càng có đề tài để bình luận “mệt nghỉ,” thì rõ ràng thời gian 90 phút của một trận đấu không thấm tháp gì so với những chuyện “râu ria” xảy ra trước và sau đó.

Bằng chứng là ngay cả đối với một người hâm mộ bóng đá bình thường thì trước trận đấu là cứ thấp thỏm, hồi hộp chờ xem “đội mình” - ai cũng có một đội mình thích nếu là dân ghiền bóng đá thực sự - rồi sau trận đấu thì hả hê hoặc bất bình về một khía cạnh nào đấy khi “phe mình” thua!

Vậy thì chuyện nổi cộm, sôi nổi nhất mấy ngày hôm nay ở Luân Đôn, ở bên Anh và châu Âu là từ cuộc họp báo của huấn luyện viên đội Leicester, ông Nigel Pearson, 51 tuổi, sau trận đấu vào ngày 29/4 giữa Leicester với đội Chelsea của ông Mourinho. Một trận mà hiệp 1 Leicester gác Chelsea 1 bàn trắng nhưng qua đến hiệp 2 thì thua lại 3 bàn. Vì thế mới sanh chuyện; bởi nếu Leicester thắng thì đã không có chuyện!

Như đã tường thuật, trận banh diễn ra ở sân King Power Stadium tại thành phố Leicester, cách Luân Đôn 100 miles, hướng Tây Bắc. “King Power” này thì không phải thứ “quyền lực” của vua chúa bên Anh mà có lẽ là nhắm vào hoàng triều xứ Thái vì chủ nhân của đội Leicester là đại công ty du lịch King Power International Group, đặt bản doanh ở Bangkok. (Chủ nhân các đội banh bên Anh chẳng phải chỉ là mấy ông người Nga hoặc mấy ông hoàng bên các xứ dầu mỏ Trung Đông).

Trận giữa Leicester với Chelsea vào ngày 29/4 đặc biệt có ý nghĩa đối với cả hai ông Pearson lẫn ông Mourinho. Đội Leicester hiện đứng hạng thứ 17 trong nhóm câu lạc bộ Premier League hàng đầu của Anh với 20 đội. Đứng hạng 17 có nghĩa là thuộc 3 đội cuối sổ. Nếu không ngoi lên được hạng 16 thì đến hết mùa bóng, ba đội cuối sẽ bị đưa xuống nhóm dưới là “Champion League” và 3 nhóm đầu bảng của Champion League sẽ được đưa lên thay.

Hệ trọng là cỡ như thế! Mà Nigel Pearson là một người từng làm huấn luyện viên cho cả một lô một lốc những đội banh bên Anh, và thành tích về nghề nghiệp cũng khá dày cộm. Ông ta về làm huấn luyên viên cho Leicester từ năm 2011, và về một cái là đã bắt đầu có chuyện lớn! Bởi ông Pearson thuộc loại người trực tính nhưng cũng lại nóng tính. Con người ta, trực tính mà nhỏ nhẹ ôn hòa thì không sao, nhưng còn trực tính mà lại kèm theo cái nóng tính nữa thì như thể tay phải cầm thùng xăng và tay trái cầm cái bật lửa!

Mà trong trận ngày 29/4 thì ông Pearson nhà ta rất nóng ruột nóng gan, vì đội ông thuộc hạng thấp đấy, thế nhưng ông đã thắng liên tục 4 trận trước đó, bởi vậy nếu thắng thêm trận thứ 5 này nữa lã gỡ được uy tín cùng danh dự cho đội mình phần nào.

Trong khi đó thì trận ngày 29/4 đối với ông Mourinho của Đội Chlesea lại hệ trọng theo kiểu khác. Chelsea đứng đầu bảng, gác hai anh hạng Nhì và Ba là Manchester City với Arsenal cùng một số điểm là 10. Tất cả 3 anh đều chỉ còn bốn năm trận nữa là kết thúc mùa bóng đá. Chelsea mà thắng Leicester hôm đó rồi thắng thêm Crystal Palace vào Chủ Nhật 3/5 thì cho dù vẫn còn đôi ba trận để đấu nhưng vẫn sẽ được chính thức tấn phong Champion của Premier League năm 2015.

Hệ trọng là cỡ như thế! Vậy thì hiệp 1, Chelea đã bị Leicester gác 1 bàn trắng. Trong 15 phút giữa hai hiệp, Mourinho đã phải “răn đe” đội ngũ của mình. Một phóng viên sau trận đấu hỏi Mourinho, “Trong cái Dressing Room (nơi cầu thủ vào nghỉ mệt và thay quần áo) thì ông đã nhắn nhủ gì với họ?”

Mourinho đáp, “Tôi mà lập lại nguyên văn thì khi anh cho phát thanh lại sẽ nghe khá nhiều tiếng “peep, peep!”

“Tiếng “peep, peep” bên Hoa Kỳ này thì người ta gọi là “bleep, bleep,” tức là những âm thanh đưa vào một câu phát biểu gì đấy để lấp đi những tiếng chửi thề! Qua hiệp 2 thì mấy chỗ “bleep, bleep” đó quả đã có tác dụng, và đội Chelsea liên tiếp gỡ lại 3 bàn, thắng Leicester 3-1!

 

Cuộc họp báo sau trận đấu và con đà điểu

 

Sau bất cứ một trận banh nào cũng có những cuộc họp báo của huấn luyện viên mỗi bên.

Phía ông Mourinho thì không có gì gay cấn hơn việc ông bình luận dông dài về cái vụ đám ủng hộ viên của Leicester, vì là sân nhà của họ, suốt trận đấu cứ hô hoán ầm ĩ mấy chữ “Boring… boring Chelsea;” ám chỉ Chelsea lo thủ cho kín, không dám mạo hiểm tấn công. Họ bắt chước cái đám ủng hộ viên đội Arsenal mấy ngày trước đó khi Arsenal đấu với Chelsea mà không thắng được vì thiếu các cầu thủ cột trụ cho nên Mourinho cương quyết áp dụng chiến thuật thủ sao cho hòa đã là thượng sách.

Còn về phía Nigel Pearson thì mới thật là gay go! Ông ta đang buồn bực thì đã đành; nhưng nhè đâu anh phóng viên Ian Baker của nhóm truyền thông Wardle Whittel Agency lại đi chạm nọc ông ta khi đưa ý kiến theo cái ý là “Tôi thấy là đội của ông tuy thua nhưng đấu đá ngon lành, và ai thì cũng phải thấy rõ như vậy, nhưng cớ sao ông lại có ý nghĩ là báo chí bấy nay không mấy mặn mà đối với đội mình?”

Chả là vì từ đầu mùa bóng năm nay, đội Leicester do ông Pearson lèo lái thì khi thắng khi thua trên sân cỏ, thế nhưng báo chí, theo cách nhìn của ông Pearon, lại cứ thích moi móc những khuyết điểm của phe mình ra mà lớp thì chỉ trích, lớp thì bới móc, lớp thì khuếch đại lên! Bởi vậy mà nghe anh phóng viên Baker nói năng như thế thì ông Pearson bèn nổi dóa! Ông “làm” cho anh ta một trận tối tăm mặt mũi! Với câu đốp chát “chủ lực “ được toàn thể giới báo chí bên Anh cứ thế nhắc đi nhắc lại suốt mấy ngày liền. Tóm gọn nội dung câu “trả đũa” của ông Pearson: “Bấy nay anh ở đâu vậy? Anh có chịu đọc báo đọc chí để theo dõi thình hình hay không vậy? Cái đầu của anh có phải cái đầu của con đà điểu rồi cắm sâu xuống cát để không nhìn ra những gì xảy ra quanh mình hay sao vậy?” Ông đỏ mặt tía tai phát biểu một thôi một đỗi như thế, xong rồi phủi đít đứng giậy, rời bỏ phòng họp!

Pearson rời khỏi phòng họp một cái là báo chí online cũng như các đài truyền hình ở Luân Đôn, bên Anh, bên Âu Châu, lập tức tường thuật lại sự việc, và chỉ tường thuật lấy thừa chứ không lấy thiếu! Mà khi xảy ra những việc như vậy thì thói quen chẳng đặng đừng của thiên hạ là lập tức moi móc lại ngay những chuyện xưa tích cũ có liên quan đến “phong cách” của ông Pearson nhà ta. Hai sự tích “nổi cộm” nhất được nhắc nhở đến là chuyện xảy ra ngay trên sân banh vào hồi tháng Hai 2015. Trong trận đấu lần đó với đội Crystal Palace, thấy trung đạo James McArthur của Crystal Palace ngáng chân ngáng cẳng cầu thù đội mình thô bạo sao đó, gặp lúc anh này trờ tới lằn biên sân đấu, Pearson bèn nhào ra, hai bàn tay bóp lấy cổ đương sự và đè nghiến xuống mặt cỏ. Người ta có được tấm hình lịch sử này! Đúng là chuyện thuộc loại cực kỳ hệ trọng, thế nhưng có điều ly kỳ là sau đó thì cả “hung thủ” lẫn nạn nhân đều làm lành với nhau ngay ngày hôm sau. Chỉ có thể là vì bề nào khán giả xem trận banh hẳn cũng đã thấy cái “ẩu” của anh trung đạo kia, và hơn ai hết, anh kia hẳn cũng biết mình “ẩu” cỡ nào thì mới khiến Pearson nổi cơn điên lên như thế!

Nhưng đấy là với cầu thủ phe địch. Vì sau một trận đấu và thua đội Liverpool tháng 12 cũng năm đó thì lại đến phiên một “fan” của Leicester –thế mới chết- mắng mỏ Pearson rất thiếu nhã nhặn vì cái tội để cho đội mình thua đậm như thế! Pearson đã nổi dóa mà hét tướng lên, “Cút xéo cho rảnh mắt; rồi đi mà chết bờ chết bụi ở đâu đó thì đi mà chết”! (Tiếng Việt ta không có cách nói câu đó ngắn gọn như trong tiếng Anh “F... off and die”!). Báo chí cùng truyền hình ngày đó thì tất nhiên cũng đã làm inh ỏi, ầm ĩ về chuyện ấy.

Trong cả ba vụ đáng kể như vừa được nêu ở trên thì sau vụ bóp cổ đè đầu người ta, Nigel Pearson đã xin lỗi nạn nhân. Ông không xin lỗi gì cái anh ủng hộ viên ồn ào bất lịch sự kia. Sau “trận họp báo” ngày 29/4, qua hôm sau, cũng trong một buổi họp báo khác, Pearson đã chính thức xin lỗi phóng viên Ian Baker và xác định là đầu anh ta không như đầu con đà điểu! (tn)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT