Người Việt Khắp Nơi

Từ người tị nạn trở thành chiến sĩ, một Hạ Sĩ Quan gốc Việt sắp về hưu, biết ơn cha và những lính Mỹ từng tham chiến tại VN

Saturday, 03/03/2018 - 10:39:34

Ông Phan Phước cả quyết rằng câu chuyện của ông không phải là về cá nhân ông, mà là về thiện tâm của những người sẵn sàng chiến đấu cho những người hoàn toàn xa lạ.




Thượng Sĩ Phan Phước chia sẻ câu chuyện tị nạn của gia đình ông với nữ ký giả Marie Waxel. (KSLA News 12)

CĂN CỨ BARKSDALE AFB, Louisiana - Khi Thượng Sĩ Phan Phước về hưu trong tháng Sáu tới đây, từ Căn Cứ Không Quân Barksdale, ông đã phục vụ 30 năm trong binh chủng Không Quân Hoa Kỳ. Khi nói về thời gian phục vụ này với một đài truyền hình địa phương, ông Phước cho biết ông trân quí sự tự do mà các quân nhân Mỹ từng tranh đấu cho người dân Miền Nam Việt Nam trước làn sóng xâm lăng của Cộng Sản Miền Bắc.


Thượng Sĩ Phan Phước sắp về hưu trong tháng Sáu, sau 30 năm phục vụ trong Không Quân Hoa Kỳ. (KSLA News 12)

Ông Phan Phước đã được phỏng vấn bởi đài KSLA-TV, khi đài này thực hiện một chương trình nói về những người hùng đang phục vụ cho cộng đồng tại tiểu bang Louisiana. Và dưới đây là bài viết của nữ ký giả Marie Waxel đăng trên mạng ngày 1 tháng 3, 2018, ghi lại lời kể của Thượng Sĩ Phan Phước (Chief Master Sergeant) của Không Quân Hoa Kỳ.

Cuộc hành trình của ông bắt đầu từ lúc lên 8 tuổi, và chuyến đi này có thể xảy ra là nhờ công lao những người từng phục vụ tại Việt Nam.

Ông Phước giải thích, “Tôi về nhà và tôi nhớ nhìn thấy mẹ tôi ở trong nhà, bà ấy có hai bao lớn như bao rác. Bà đang dồn quần áo vào trong một bao, còn bao kia bà bỏ đồ ăn vào. Mẹ tôi nói rằng chúng tôi phải lên đường vì lúc đó bộ đội Bắc Việt đang xâm chiếm miền Nam.”

Trong lúc cha của ông đang chiến đấu đánh đuổi, ngăn chặn quân Việt Cộng xâm lăng từ miền Bắc, ông Phước nhớ lại người dân đã vơ lấy bất cứ thứ gì có thể mang theo được.

“Chúng tôi ra đi và lang thang trên những con đường từ thị xã này đến thị xã khác. Tôi muốn nói rằng lúc mặt trời mọc, chúng tôi đi bộ, tới lúc hoàng hôn thì chúng tôi cố tìm một chỗ để ngủ qua đêm. Phần lớn thời gian chạy di tản ở ngoài trời, đôi khi vào ở trong một ngôi nhà bị bỏ hoang. Nếu bạn từng xem những đoạn phim lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam và thấy nhiều người đi lánh nạn trên đường, đó chính là chúng tôi,” ông kể.

“Cho dù chạy xa cách mấy chăng nữa, chúng tôi vẫn luôn luôn có thể nghe tiếng súng đạn từ xa vọng lại. Tôi nhớ nghe tiếng đại bác và những thứ súng nhỏ đang nổ, và những thứ như thế.”
Ông Phan Phước và gia đình đã đi hơn 350 dặm từ miền Trung về đến Sài Gòn. Tại thành phố đó, ông gặp lại cha từ mặt trận trở về.

Ông Phước giải thích, “Nếu không tiếp tục đi thì cha tôi có lẽ đã bị đưa vào trại cải tạo, nên cha mẹ quyết định rời khỏi Việt Nam. Cha đưa chúng tôi lên một chiếc tàu đổ bộ cùng nhiều người khác, và chúng tôi ra khơi. Biển Đông vào lúc đó là vào giữa thập niên 1970, là một nơi khá nguy hiểm, và chúng tôi ra đó, tôi nhớ tàu của chúng tôi bị trục trặc máy móc.”

Khi tàu của gia đình ông bị mắc kẹt ngoài khơi, Hải Quân Mỹ đã tới giải cứu. Sau đó Phan Phước và gia đình được chở tới một trại tị nạn ở đảo Guam.

Ông giải thích, “Chúng tôi có giường để nằm ngủ, chúng tôi có ba bữa ăn mỗi ngày, chúng tôi tắm vòi hoa sen, chúng tôi có tất cả những thứ đó. Cứ theo thông lệ, đứng sắp hàng đề làm những việc đó. Một ngày nọ, chúng tôi xếp hàng rồi lên máy bay. Cha tôi nói với chúng tôi rằng chúng ta sang Mỹ, và đó là một ngày thật tuyệt vời.”

Gia đình tị nạn này đã được đưa tới trại Fort Chaffee, Arkansas. Một trại tạm cư và là trung tâm giải quyết tương lại cho cho những người tị nạn từ Đông Nam Á. Fort Chaffee từng là nơi dừng chân của hơn 50,000 người tị nạn trong cuộc chiến Việt Nam, cung cấp cho họ những dụng cụ cần thiết để thích nghi với cuộc sống ở Mỹ.

“Chúng tôi ở Fort Chaffee trong mấy tháng, và rồi được một gia đình Mỹ này, một cặp vợ chồng lớn tuổi này đã bảo trợ cho gia đình chúng tôi.”

Phan Phước và gia đình làm việc trên nông trại của họ trong hai năm, trước khi dời đến một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Oklahoma, nơi ông trải qua những năm còn còn lại của thời thơ ấu. Ông nhớ lại, “Trên nông trại đó cuộc sống thật là tuyệt vời. Đây là tất cả những gì mà hồi đó chúng tôi biết về nước Mỹ. Bài học mà tôi học được nhiều nhất từ cha tôi trong khoảng thời gian đó, là tôi không bao giờ nghe ông than phiền về cuộc sống mà ông có, và cuộc sống đó đã thay đổi như thế nào. Ông làm những gì ông cần làm để chăm sóc gia đình, và đó là một nếp đạo đức làm việc tôi nhận được từ ông.”

Sau khi tốt nghiệp trung học và có thêm một chút đại học, ông Phước gia nhập binh chủng Không Quân. Binh chủng này đã không những cho ông một công việc với một khoản tiền lương ổn định, mà còn nhiều hơn thế nữa.

“Lúc tôi gia nhập Không Quân, tôi chưa phải là công dân Mỹ, đó là vào năm 1988, và tới năm 1991 tôi trở thành công dân Mỹ, và cũng là lúc Chiến Tranh Vùng Vịnh bắt đầu.” Ông giải thích, “Trong lần nhập ngũ đầu tiên tôi cảm thấy sự tự do mà tôi có không phải tự nhiên mà có. Cả gia đình chúng tôi ở đây, ngày nay chúng tôi được tự do là nhờ sự hy sinh của họ, nhờ việc phục vụ của họ. Tự do không là miễn phí, nếu không có những gì mà họ đã làm cho tôi và gia đình tôi, và cho hàng trăm ngàn người Việt Nam ở đây trên đất Mỹ.”

Ông Phan Phước cả quyết rằng câu chuyện của ông không phải là về cá nhân ông, mà là về thiện tâm của những người sẵn sàng chiến đấu cho những người hoàn toàn xa lạ.

“Tôi hiểu những việc hy sinh đó đã được thực hiện, không phải những hy sinh mà tôi đã làm, nhưng là những hy sinh được làm để cho tôi sự tự do mà tôi có. Tôi biết rằng 58,000 người Mỹ đã hy sinh ở Việt Nam để cho tôi có cơ hội được síbg tự do. Tôi biết rằng hàng chục ngàn người Mỹ đã trở về nhà từ cuộc chiến Việt Nam với những vết thương trên thể xác cũng như tinh thần; sự hy sinh của họ cho tôi đặc quyền trở nên lính không quân. Và tôi biết rằng hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn người Mỹ đã bị bắt làm tù binh chiến tranh, bị đánh đập và tra tấn, chịu đựng suốt nhiều năm. Sự hy sinh của họ cho tôi niềm vinh dự được là một người lính không quân Hoa Kỳ.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT