Thế Giới

Tù nhân Cali ngưng tuyệt thực, tù nhân lao động vẫn còn

Monday, 17/10/2011 - 07:57:02

Vào hôm 13-10-2011, hàng trăm tù nhân tiểu bang California đã chấm dứt một cuộc tuyệt thực kéo dài ba tuần, với niềm hy vọng rằng họ sẽ được đối xử một cách nhân đạo.

Vanessa White/Viễn Đông


Một trăm năm sau, tù nhân ở nhà tù St. Anthony, Idaho, đang lựa và đóng bao khoai tây
cho một công ty tư nhân trong tháng 9-2011 - ảnh: Sở Cải Huấn Idaho

CRESCENT CITY, California – Vào hôm 13-10-2011, hàng trăm tù nhân tiểu bang California đã chấm dứt một cuộc tuyệt thực kéo dài ba tuần, với niềm hy vọng rằng họ sẽ được đối xử một cách nhân đạo. Tuy nhiên, trong các trại giam thì một số chuyện sẽ vẫn y như cũ.
Các luật sư đại diện cho những người tù đã cùng với Cơ Quan Cải Huấn và Phục Hồi California (CDCR) đồng ý rằng CDCR sẽ duyệt xét lại những chính sách của cơ quan này đối với việc đem nhốt các tù nhân vào trong những buồng biệt giam (SHU), và thực hiện những cải cách cần thiết trong việc đối xử với các tù nhân. Hiện nay những người tù có thể bị biệt giam, nếu họ phạm tội trong nhà tù, hoặc bị coi là những thành viên băng đảng trong tù, cũng như có quan hệ với các thành viên băng đảng.
Ban đầu các tù nhân khởi sự tuyệt thực vào ngày 1-7-2011. Họ cho biết rằng những người bị biệt giam đã bị hành hạ tra tấn và bị giam cô lập tại một nơi riêng biệt. Cuộc tuyệt thực chấm dứt vào ngày 21-7-2011, khi hàng ngàn người tù bị yếu sức đến nỗi không tiếp tục được một trong những cuộc tuyệt thực lớn nhất tại các nhà tù tiểu bang California. CDCR đã đồng ý đáp ứng những yêu sách của các tù nhân đòi giải quyết những quyền lợi cốt lõi của người tù. Tuy nhiên, những yêu sách ấy vẫn chưa được đáp ứng, khiến cho các tù nhân tiếp tục làm lại cuộc tuyệt thực.
Trong vòng mấy ngày đầu tiên của đợt tuyệt thực thứ nhì, bắt đầu từ hôm 26-9-2011, có gần 12.000 tù nhân California tham gia, thu hút sự chú ý và ủng hộ quốc tế của các tù nhân và thường dân. Tuy nhiên, số người tham gia tuyệt thực giảm bớt, vì việc gia tăng đàn áp của những nhân viên canh gác và các giới chức tại những nhà tù của CDCR, cũng như vì thiếu thốn sự chăm sóc y tế, thiếu sự tiếp xúc với các luật sư, và gia đình người tù không được phép vào thăm. Trong một số trại giam, như nhà tù Calipatria, các nhân viên coi tù từ chối cung cấp nước và thuốc bổ cho những tù nhân nào tuyệt thực.
Lời CDCR hứa sẽ duyệt xét lại những chính sách về biệt giam và cải cách sự đối xử đối với những tù nhân bị giam riêng đã trở thành biểu tượng của một cuộc chiến thắng đối với những người tù tuyệt thực mới đây. Tuy vậy, đánh thắng một trận không có nghĩa là cuộc chiến chấm dứt. Người ta đang làm gì về cuộc tranh đấu liên quan tới lao động tù nhân?


Một trăm năm trước, tù nhân ở nhà tù Parchman, Mississippi, đi làm nông năm 1911 -
ảnh tài liệu: The New York Times.

* Lao động tại những nhà tù tư nhân
Những người bị giam trong các nhà tù trên toàn quốc Hoa Kỳ làm việc cho những công ty tư nhân, một mặt làm giảm bớt phí tổn dành cho các nhà tù mà những người thọ thuế phải gánh vác, mặt khác góp phần vào chuyện mở rộng thêm các nhà tù tư nhân.
Lẽ ra các tù nhân phải được trả tiền công tối thiểu khi họ đi lao động như vậy, nhưng tiểu bang lại tính tiền ăn ở của các tù nhân, nên làm giảm bớt một cách đáng kể mức tiền công trả cho các tù nhân. Tại một số tiểu bang, những người tù không được trả tiền cho công việc họ làm, nhưng thay vì vậy thì họ nhận được sự cắt giảm thời gian ngồi tù.
Mặc dù chuyện người tù đi làm việc làm giảm bớt những phí tổn mà giới thọ thuế phải trang trải, những người nộp thuế trong các tiểu bang có nhiều nhà tù, như California, phải đóng nhiều tiền hơn so với giới nộp thuế trong những tiểu bang có ít nhà tù hơn. Ngoài ra, có tin tức cho biết rằng lao động của tù nhân góp phần vào tình trạng thất nghiệp, và làm giảm bớt mức lương trả cho nhân công, tất cả những chuyện này đều làm tăng lợi nhuận của các công ty.
Có cả những đề nghị do các công ty và tiểu bang đưa ra sẽ thay thế các công chức bằng những tù nhân, như đã được làm trong lúc và sau khi xảy ra những cuộc đình công để mặc cả hợp đồng lao động ở tiểu bang Wisconsin vào đầu năm nay. Hôm 1-8-2011, báo The Nation trích dẫn lời của ông Alex Friedman, phụ tá chủ bút báo Prison Labor News (Tin tức lao động nhà tù), nói: “Điều này đã diễn ra trong nhiều thập niên, vì việc tư nhân hóa trại giam đóng góp vào chuyện leo thang những mức tỉ lệ tù nhân tại Hoa Kỳ”.
Trong năm 1979, Quốc Hội Hoa Kỳ lập ra Chương Trình Chứng Nhận Gia Tăng Những Ngành Kỹ Nghệ Nhà Tù (PIE). Chương trình này khuyến khích các tiểu bang đem lại những cơ hội việc làm cho các tù nhân đi lao động cho các công ty tư nhân, mặc dù có ít tiểu bang tham gia vào chương trình này. Tuy nhiên, đến năm 1995, Hội Đồng Giao Dịch Pháp Lý Hoa Kỳ (ALEC), đã đưa ra Đạo Luật Những Ngành Kỹ Nghệ Nhà Tù, trong đó sửa đổi lại chương trình PIE.
Trong mùa hè năm nay, Trung Tâm Vì Truyền Thông và Dân Chủ (CMD) đã phanh phui về hoạt động của ALEC. ALEC là một hội đồng được các công ty tài trợ, bao gồm những thành viên là những người lãnh đạo công ty và các chính khách. Những người này họp kín với nhau, và bỏ phiếu biểu quyết những dự luật nhằm soạn thảo lại luật lệ tiểu bang. Các công ty này được coi như ngang hàng với những chính khách dân cử, biểu quyết về những dự luật ảnh hưởng đến những lãnh vực của tiểu bang, như giáo dục, thuế khóa, chăm sóc y tế và những lãnh vực khác. Tiến trình ngắn gọn, dành cho việc soạn thảo các dự luật thông qua ALEC, bao gồm việc tranh luận giữa toàn thể các thành viên hội đồng, và việc biểu quyết được làm riêng rẽ giữa các thành viên công ty và những chính khách công quyền. Trước khi những dự luật kiểu mẫu của ALEC được trình cho cơ quan lập pháp tiểu bang, thì danh tánh của những công ty này đều được xóa bỏ. Những sự chấp thuận của các công ty, hoặc việc soạn thảo ra những dự luật như thế là chuyện bí mật kín đáo.
Chiếu theo Đạo Luật Những Ngành Kỹ Nghệ Nhà Tù, những phí tổn ăn ở của tù nhân sẽ được dùng để xây thêm những nhà tù khác, và tuyển mộ các công ty sử dụng sức lao động của các tù nhân. Như vậy, trớ trêu thay, chính những người tù đang làm việc để gia tăng số lượng tù nhân, như vậy làm mở rộng thêm lực lượng lao động tư nhân.
Có khoảng 30 tiểu bang tham gia vào chương trình PIE, trong đó có California, sử dụng các tù nhân để sản xuất những vật dụng cho các công ty tư nhân. Những hãng này phân phát lịch cho quân đội, bàn học và bữa ăn trưa cho các em học sinh ở Hoa Kỳ.
Thậm chí họ còn làm ra những lá cờ Mỹ, vốn là biểu tượng của những giá trị của Hoa Kỳ, trong đó có tự do. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT