Hoa Kỳ

Tử tù Mỹ tu pháp môn Niệm Phật, tin ở Đức Phật A Di Đà, được tòa cho tạm ngưng thi hành án tử hình

Friday, 29/03/2019 - 05:09:39

Gần một thập niên trước đây, một tử tù Mỹ đã được cơ duyên học pháp môn Tịnh Độ của Phật Giáo, và vì lý do này mà ông yêu cầu có được một vị tăng Phật Giáo


Hình Patrick Murphy khi bị bắt mấy thập niên trước, và hình sau khi tu niệm Phật.


HUNTSVILLE, Texas - Gần một thập niên trước đây, một tử tù Mỹ đã được cơ duyên học pháp môn Tịnh Độ của Phật Giáo, và vì lý do này mà ông yêu cầu có được một vị tăng Phật Giáo ở bên cạnh lúc lâm chung, để tăng sĩ hộ niệm giúp ông chuyên tâm niệm Phật trong lúc về bên kia thế giới. Tôn giáo cũng là lý do mà Tối Cáo Pháp Viện tại Hoa Thịnh Đốn đã đưa ra một quyết định vào phút chót, giúp ông được sống thêm mà không biết trong bao lâu trước khi án tử hình được tiếp tục tiến hành.

Vào đêm thứ Năm vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã yêu cầu nhà từ tại Texas hãy tạm dừng thi hành bản án hành quyết đối với một tù nhân từng cải đạo và theo đạo Phật. Phạm nhân này là một trong nhóm Texas 7 từng gây chấn động dư luận vào năm 2000.

Tòa đã ngăn Texas xử tử tù nhân Phật giáo này và nói rằng ông Patrick Murphy, 57 tuổi, được quyền có một vị cố vấn tâm linh trong phòng tử hình giống như các tù nhân Kitô giáo hoặc các tôn giáo khác. Tòa nhận thấy yêu cầu của ông Murphy là chính đáng khi ông muốn có một tăng sĩ bên cạnh khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Phán quyết dành cho ông Murphy là kết quả của sự việc Tối Cao Pháp Viện từng bị chỉ trích nặng nề một tháng trước đây, khi đó tòa cho phép xử tử một tù nhân Hồi giáo mà không cho ông có được một giáo sĩ Hồi ở bên cạnh vào lúc chết.

Khi đưa ra lệnh tạm ngưng hành quyết ông Murphy, Tối Cao Pháp Viện không cung cấp lời giải thích về việc tại sao tòa đã có hai phán quyết khác nhau. Nhiều chuyên gia tin rằng tòa đưa ra phán quyết này vì muốn chính quyền ở mọi cấp bậc phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân Hoa Kỳ, cho dù họ là tử tù.

Các học giả pháp lý cho biết quyết định mới này gửi một thông điệp rằng tòa không thể chấp nhận sự phân biệt tôn giáo của các viên chức chính phủ, khi tù nhân không có cố vấn tâm linh Phật giáo, và đó có thể là một cách để tòa án hóa giải những chỉ trích mà tòa đã phải nghe rất nhiều trong vụ để cho tù nhân Hồi giáo chết mà không can thiệp trong tháng Hai.

Đại diện cho bảy vị thẩm phán đồng ý ngưng án tử hình, Thẩm Phán Brett Kavanaugh viết trong một ý kiến đồng tình, “Vì Tòa Án này đã nhiều lần giữ lập trường, rằng sự phân biệt đối xử của chính phủ đối với tôn giáo - đặc biệt là sự phân biệt đối xử với người theo đạo, tổ chức tôn giáo và lời nói tôn giáo là vi phạm Hiến Pháp. Chính phủ có thể không phân biệt đối xử với tôn giáo nói chung hoặc chống lại các giáo phái tôn giáo cụ thể.”

Vào cuối thế ký trước, ông Patrick Murphy đã bị kết án 50 năm vì các vụ tấn công tình dục nghiêm trọng. Trong thời gian đang thọ án thì vào năm 2000, ông trở thành một thành viên của nhóm “Texas 7” do nhà chức trách đặt tên. Nhóm bảy tù nhân này đã vượt ngục và thoát khỏi một nhà tù an ninh tối đa ở phía đông nam San Antonio. Trong cuộc chạy trốn, nhóm người trên đã gây ra nhiều vụ cướp, kể cả tại một cửa hàng bán đồ thể thao vào đêm Giáng sinh và bắn chết cảnh sát viên Aubrey Hawkins khi anh đến điều tra vụ cướp. Lúc đó cảnh sát Hawkins chỉ mới có 29 tuổi. Anh bị bắn 11 phát đạn.

Ông Murphy đã nhiều lần nói rằng sự việc ông bị kết tội sát nhân và bị án tử hình là quá nặng, vì ông chỉ đóng vai trò người lái chiếc xe cho nhóm tẩu thoát, chứ chính cá nhân ông không bắn chết viên cảnh sát kia. Thế nhưng toàn nhóm đã bị kết tội sát nhân như nhau. Cho đến nay thì năm tù nhân trong nhóm vượt ngục đó đã bị xử tử. Đáng lý ông Murphy là người thứ sáu bị chích thuốc độc vào đêm thứ Năm vừa qua.

Trong thời gian thọ án tử hình, ông Murphy đã trở thành một Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ. Trong một bản tóm tắt trước tòa án hình sự cao nhất của Texas, các luật sư của ông đã giải thích lý do ông Murphy muốn có một vị tăng chuyên niệm Phật giáo của ông đi cùng. “Theo niềm tin của ông Murphy, ông ta cần tập trung vào Đức Phật [A Di Đà] vào lúc chết để được tái sinh ở cõi Tịnh Độ,” nơi ông được đới nghiệp vãng sanh và có thể “tiếp tục tu hành để hướng tới giác ngộ,” họ viết.

Luật sư của ông cho biết rằng có được một vị cố vấn tinh thần bên cạnh tại thời điểm hành quyết - hoặc một vị sư Phật giáo khác được Bộ Tư Pháp hình sự Texas chấp nhận - “sẽ cho phép ông ta duy trì sự tập trung cần thiết bằng cách chuyên trì niệm Phật.”

Các luật sư của Murphy đã đưa ra yêu cầu có một tăng sĩ một tháng trước khi vụ hành quyết được lên lịch. Nhà tù Texas đã từ chối yêu cầu này. “Chúng tôi không cho phép một người không phải là nhân viên của TDCJ [có mặt] trong phòng xử tử trong khi thi hành án,” bà luật sư của nhà tù Sharon Howell trả lời.

Bà luật sư đã đề nghị để cho vị cố vấn Phật giáo của ông Murphy được quan sát từ phòng nhân chứng bên kia tấm kiếng. Vì lý do an ninh, chỉ có giáo sĩ chính thức - một người không theo đạo Phật - mới được phép vào phòng, vị nữ luật sư nói.

Tại Texas cũng như tại hầu hết các tiểu bang khác tại Hoa Kỳ, kể cả California, hệ thống nhà tù chỉ công nhận các vị tuyên úy Thiên Chúa Giáo là nhân viên, còn các vị tuyên úy của các đạo khác cũng có thể vào thăm, làm việc với tù nhân nhưng không được xem là nhân viên.
Vụ hành quyết đã được lên lịch vào tối thứ Năm. Trong cuộc bỏ phiếu 7-2, Tối Cao Pháp Viện đã ngăn chặn việc thi hành bản án trong lúc yêu cầu của ông Murphu được tòa án tiểu bang tiếp tục cứu xét. Tòa Tối Cao Hoa Kỳ nói rằng Texas có thể không xử tử Murphy, “trừ khi tiểu bang cho phép một vị cố vấn tâm linh Phật giáo của ông Murphy hoặc một vị tăng khác do chính quyền chọn đi cùng với Murphy vào phòng xử tử.”

Hai thẩm phán Clarence Thomas và Neil Gorsuch đã bỏ phiếu chống đối, tức là họ muốn vụ hành quyết được tiến hành.

“Chính sách của Texas cho phép tù nhân Kitô giáo hoặc Hồi giáo có một cố vấn tôn giáo theo đạo Thiên chúa hoặc Hồi giáo làm việc có mặt trong phòng xử tử hoặc trong phòng xem liền kề,” Thẩm Phán Kavanaugh viết. Từ chối quyền tương tự đối với các tù nhân của các tôn giáo khác tạo thành “sự phân biệt đối xử theo mẫu số,” ông nói.

Các nhà quan sát pháp lý hoan nghênh quyết định của tòa án tối cao hôm thứ Năm, ngay cả khi họ không hiểu đầy đủ về các sự kiện cơ bản khác đối với trường hợp tử tù Dominique Ray bị xử tử tại Alabama trong tháng Hai.

Giáo sư luật Ilya Somin của Đại Học George Mason nói rằng đó là một “bí ẩn” tại sao Kavanaugh, Chánh án John Roberts và Công tố viên Samuel Alito chọn ngưng án xử tử lần này. Nhưng có thể, ông nói, “các thẩm phán đã thấy phản ứng cực kỳ tiêu cực đối với quyết định của họ trong trường hợp ông Ray, và nhận ra rằng họ đã phạm sai lầm, và không chỉ bất kỳ sai lầm nào, mà là gây ra thiệt hại thực sự cho uy tín của Tòa Án Tối Cao.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT