Thế Giới

“Tuần lễ phẫn nộ” bắt đầu bùng nổ từ Wisconsin

Tuesday, 22/02/2011 - 06:50:17

MADISON - Trong tuần qua, hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập tại thủ phủ Madison của tiểu bang Wisconsin, để phản đối kế hoạch ngân sách do ...

Hòa Giang/Viễn Đông

4cot-Wisconsin-Budget02.jpg

Giáo viên Kate O’Neill ở Minnesota đang cầm bảng nêu lên sự ủng hộ của giáo chức Minnesota với giáo chức Wisconsin trong ngày biểu tình lớn 19-2-2011. Các cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm, hàng ngàn người đang lan ra những tiểu bang lân cận trong tuần này – ảnh: Sherri LaRose-Chiglo/Pioneer Press.


MADISON - Trong tuần qua, hàng chục ngàn người biểu tình đã tụ tập tại thủ phủ Madison của tiểu bang Wisconsin, để phản đối kế hoạch ngân sách do Thống Đốc Scott Walker đưa ra, trong đó có khoản đề nghị hạn chế lại quyền thương lượng tập thể của nghiệp đoàn công chức tiểu bang. Những cuộc biểu tình rầm rộ bắt đầu nổ ra vào hôm Thứ Năm, 17-2-2011, khi hàng chục ngàn người, gồm các công chức tiểu bang Wisconsin và những người ủng hộ họ, kéo nhau xuống đường biểu tình, để phản đối dự luật dự luật ngân sách nói trên, tại thủ phủ Madison của tiểu bang Wisconsin. Với dân số 5.686.986 người, tiểu bang này nằm ở miền trung bắc Hoa Kỳ và cũng được coi là một phần của miền trung tây. Những cuộc biểu tình tiếp diễn trong những ngày kế tiếp, với số người tham gia càng lúc càng đông hơn, và bắt đầu lan ra các tiểu bang khác. Nhưng cũng có những người tuần hành ủng hộ kế hoạch của Thống Đốc Walker. Tuy nhiên tưởng cũng nên nhắc lại “thương lượng tập thể” là gì, mà nhiều người biểu tình nhất quyết bảo vệ cho bằng được.

* Thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể (collective bargaining) là một tiến trình thương thuyết một cách tự nguyện, giữa những người chủ với các nghiệp đoàn, nhằm mục đích đàm phán với nhau để đạt được những thỏa thuận điều tiết những điều kiện làm việc. Những thỏa thuận tập thể như thế thường dàn xếp về những mức lương bổng, số giờ lao động, về huấn luyện chuyên nghiệp, chăm sóc y tế và an toàn lao động, vấn đề làm thêm giờ phụ trội, những cơ chế khiếu nại, và quyền tham gia vào nơi làm việc hoặc và các vấn đề của công ty, hãng xưởng hoặc cơ quan, cũng thỏa thuận về quyền lợi và trách nhiệm của các nghiệp đoàn. Một thỏa thuận tập thể thường đóng vai trò giống như một hợp đồng lao động, giữa chủ nhân và một nghiệp đoàn hay nhiều hơn. Riêng tại Hoa Kỳ, những thỏa thuận tập thể được đề cập đến trong Đạo Luật Quan Hệ Lao Động Quốc Gia (National Labor Relations Act), được ban hành năm 1935. Đạo luật này nghiêm cấm các chủ nhân kỳ thị, theo dõi dò xét, sách nhiễu, hoặc chấm dứt công việc của những người làm cho họ, vì họ là thành viên của nghiệp đoàn, hoặc vì người chủ muốn trả thù chuyện họ tham gia vào việc tổ chức những chiến dịch vận động, hoặc những hoạt động phối hợp khác, để thành lập các nghiệp đoàn công ty. Đạo luật này cũng cấm  giới chủ từ chối tham gia vào việc đàm phán tập thể với nghiệp đoàn đại diện cho các công nhân của mình.

* Diễn tiến những cuộc biểu tình đòi quyền thương lượng tập thể
Nối tiếp theo hôm 15-2, ngày 16-2 số người tham gia biểu tình trước trụ sở lập pháp Wisconsin lên tới khoảng 30.000 người. Bước sang ngày 17-2, khoảng 25.000 tiếp tục biểu tình. Các giáo chức và công nhân chiếm cứ khu trụ sở Thượng Viện. Cũng trong ngày ấy, biểu tình lan sang tới thủ phủ Columbus của tiểu bang Ohio, cũng ở miền trung tây Hoa Kỳ. Tại đây chừng 3.800 người xuống đường phản đối một dự luật tương tự, trong đó bao gồm việc loại bỏ quyền thương lượng tập thể. Báo USA Today trong số ra ngày 18-2 cho biết có một số người biểu tình, ở Madison và Columbus, mang theo quốc kỳ của Ai Cập, và Dân Biểu Paul Ryan so sánh những cuộc biểu tình ở Ohio với những cuộc biểu tình nổ ra trước đó ở Ai Cập. Đến ngày 19-2, số người tham gia biểu tình tăng lên đến hơn 70.000 người, trong số đó cũng có những người ủng hộ Thống Đốc Walker. Một số người biểu tình mang theo những biểu ngữ, so sánh ông Walker với Adolph Hitler, Benito Mussolini và Hosni Mubarak. Họ cũng ví ông như là một kẻ khủng bố. Vừa nhậm chức mới tháng trước, Thống Đốc Scott Walker tuyên bố rằng tiểu bang Wisconsin đang gặp cơn khủng hoảng ngân sách, vì thế ông đòi hỏi công chức phải chịu phân nửa tiền hưu và ít nhất là 12,6 phần trăm tiền bảo hiểm y tế. Tuy cảnh sát và cứu hỏa được miễn áp dụng đề nghị này, nhưng một số nhân viên thuộc hai ngành này cũng tham gia cuộc phản đối.
 
* 14 thượng nghị sĩ rời khỏi Wisconsin
Giữa lúc nổ ra những cuộc biểu tình trên toàn tiểu bang để phản đối một dự luật ngân sách đoàn gây tranh cãi, thì một nhóm nghị sĩ cấp tiểu bang của Wisconsin đã biến mất. Bằng một hình thức phản đối khác, 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang Wisconsin đãõ rời khỏi tiểu bang này, lánh mặt đi sang tiểu bang Illinois. Các nhà lập pháp này cho biết rằng  rằng họ đã chọn lựa cách thức là vắng mặt, để làm trì hoãn cuộc biểu quyết về dự luật ngân sách do Thống Đốc Scott Walker đề nghị, trong đó quyền thương lượng tập thể của các công chức bị tước bỏ. Dự luật này cũng sẽ gia tăng những mức mà công chức tiểu bang phải trả cho các khoản phúc lợi, như bảo hiểm y tế và tiền hưu trí. Nếu chỉ có 19 thành viên Cộng Hòa bỏ phiếu, thì Thượng Viện Wisconsin sẽ không có đủ túc số gồm 20 thượng nghị sĩ để biểu quyết dự luật ấy. Tiểu bang liền điều động cảnh sát đi tìm 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ, để bắt họ phải trở về lại Wisconsin. Phe Dân Chủ của tiểu bang tố cáo ông Walker không có thiện chí trong việc thương thảo.
Hôm Chủ Nhật 20-2-2011, ông Scott Fitzerald, lãnh tụ phe đa số tại Thượng Viện Wisconsin cho hay viện này sẽ triệu tập phiên họp, để thông qua các đạo luật không thuộc lãnh vực chi tiêu, và chấp thuận một số vụ bổ nhiệm vào Thứ Ba, ngay cả khi phe thiểu số Dân Chủ vẫn còn ở ngoài tiểu bang chưa chịu về. Thượng Nghị Sĩ Fitzerald nói rằng ông sẽ duyệt xét xem có những đạo luật nào và những nhân vật nào được bổ nhiệm để định ra lịch làm việc. Ông cho hay các vị thượng nghị sĩ không thể cứ ngồi đó mà chờ cho tới khi nào phe Dân Chủ quay về tiểu bang nhà. Đến ngày Thứ Hai, 21-2-2011,Thống Đốc Scott Walker của Wisconsin kêu gọi 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang hãy trở về lại để làm việc. Thống Đốc Walker nói rằng Wisconsin đang cố gắng cân đối lại ngân sách tiểu bang, và “không có chỗ để thương lượng”, vì hiện nay tiểu bang của ông đang bị thâm thủng ngân sách lên tới 3,6 tỉ Mỹ kim. Thống Đốc Walker nói rằng những thay đổi này là cần thiết để giúp tiểu bang vượt qua được một khó khăn lớn, đó là tình trạng thiếu hụt ngân sách. Ông và các nhà lập pháp tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa nói rằng, tiểu bang đã hết tiền nên không còn cách chọn lựa nào khác. Một số các học khu của Madison đã bãi bỏ các lớp học, vì có nhiều giáo viên gọi điện thoại vào trường khai bệnh để nghỉ dạy, phản đối.

* Biểu tình lan ra các tiểu bang khác

Từ Wisconsin, biểu tình đòi quyền thương lượng tập thể bắt đầu lan sang những tiểu bang khác, trước hết là ở tiểu bang Ohio. Hôm Thứ Ba 22-2, một cuộc biểu tình rầm rộ giống như xảy ra trước đó ở Madison, được tổ chức tại Columbus, thủ phủ của tiểu bang Ohio. Mục đích biểu tình là để chống lại Dự Luật số 5 của Thượng Viện Ohio, trong đó có khoản hủy bỏ quyền thương lượng tập thể của các công chức tiểu bang. Ngoài ra Dự Luật 5 còn đòi buộc các công nhân phả trả thêm tiền cho các khoản bảo hiểm sức khỏe, và chuyển sang một hệ thống trả tiền dựa trên thâm niên công vụ. Những thượng nghị sĩ đề nghị dự luật này lập luận rằng những khoản thay đổi như thề là điều cần thiết, và là một phần trong nỗ lực cứu tiểu bang Ohio ra khỏi cuộc khủng hoàng tài chánh hiện nay. Tiểu bang này đang phải đối phó với mức thâm thủng ngân sách lên tới khoảng 8 tỉ Mỹ kim, trong ngân  sách hai năm sắp tới. Những người chống đối coi Dự Luật 5 là một biện pháp đi lệch hướng và gây thiệt hại cho nhân viên công chức ở Ohio, cũng như cho những người làm việc trong lãnh vực tư nhân. Tham dự vào cuộc biểu tình này có các đại diện của các nghiệp đoàn, như United Steel Workers của ngành thép, United Auto Workers của ngành sản xuất xe hơi, Hội Đồng Mậu Dịch Xây Dựng Tiểu Bang Ohio, United Food and Commercial Workers của ngành kỹ nghệ thực phẩm, và Utility Workers Union of America của các ngành điện, nước và ga.
Trước đó đã xuất hiện những phản ứng chống đối ở những nơi khác, như tại tiểu bang Tennessee, nơi mà các giáo chức Tennessee lên tiếng phản đối dự luật chấm dứt quyền điều đình tập thể. Vào hôm 21-2, Hiệp Hội Giáo Dục Tennessee, quy tụ 52.000 giáo chức thuộc 92 học khu của tiểu bang này, nói rằng một dự luật của tiểu bang – được Đảng Cộng Hòa ủng hộ, nhằm chấm dứt quyền thương lượng tập thể – là một cuộc tấn công vào quyền lợi của giới giáo chức Tennessee. Tại tiểu bang này, phe Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát ở lưỡng viện. Hiệp hội nhấn mạnh rằng các giáo chức có quyền có một tiếng nói liên quan tới những điều kiện làm việc của họ, mà đó cũng chính là những điều kiện học tập của các học sinh. Trong tuần qua, Ủy Ban Giáo Dục Thượng Viện Tennessee đã biểu quyết phủ nhận chuyện giới nhà giáo của tiểu bang này có quyền thương lượng về những điều kiện làm việc của họ với các hội đồng giáo dục trên toàn tiểu bang, thông qua việc thương lượng tập thể.

* Các phản ứng khác nhau

Hôm 17-2, ABC News trích dẫn lời Tổng Thống Barack Obama gọi dự luật của thống đốc Wisconsin là “một trận tấn công vào các nghiệp đoàn”. Trong số ra ngày 18-2, báo Milwaukee Journal đưa tin cho biết rằng các giới chức lãnh đạo của những cộng đồng tôn giáo, như Tin Lành và Do Thái Giáo, lên tiếng ủng hộ những người biểu tình ở Wisconsin. Tổng Giám Mục Jerome Litecki của giáo phận Công Giáo Milwaukee cũng gởi một bản tuyên bố cho Ủy Ban Tài Chánh Hỗn Hợp của Wisconsin, yêu cầu họ xem xét quyền thương lượng tập thể của các nhân viên.
Những cũng có những người lên tiếng ủng hộ Thống Đốc Scott Walker. Trong báo The Foundry số ra ngày 19-2, James Sherk, phân tích gia chính sách của Heritage Foundation viết: “Kế hoạch của Thống Đốc Walker tái khẳng định quyền kiểm soát cử tri đối với chính sách của chính phủ. Những người đại biểu dân cử của các cử tri phải quyết định cách thức chính quyền chi tiêu tiền họ đóng thuế như thế nào. Các tiểu bang nên chú ý lời khuyên của AFL-CIO Executive Councils trong năm 1959: ‘xét về mặt các thủ tục thương lượng tập thể được chấp nhận, thì các công chức không có quyền vượt lên thẩm quyền thỉnh nguyện Quốc Hội, một quyền được dành cho mọi công dân’”.
Hôm 18-2, báo USA Today cho biết rằng Dân Biểu Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện Hoa Kỳ, so sánh những cuộc biểu tình ở Wisconsin với cuộc Cách Mạng Ai Cập 2011, Cũng vào cùng ngày, tờ Huffington Post trích dẫn lời nhận định của Mike Lux, một nhà cố vấn chính trị. Ông Lux nói: “Những hình ảnh mà chúng ta đang nhìn thấy, và câu chuyện đang diễn ra ở Wisconsin, trông giống như Ai Cập về một số phương diện thực sự quan trọng. Sự tranh đấu quần chúng  mới của các thành viên nghiệp đoàn, các sinh viên, và những đồng minh khác của giới giáo chức, cán sự xã hội, cảnh sát, cứu hỏa và những công chức khác đang bị tấn công và đe dọa bởi thống đốc, không phải là một cái gì được chế tạo sẵn, mà chính là một phong trào quần chúng đang lan ra như một trận cháy, càng ngày khí thế càng tăng lên”.
Như thế những cuộc biểu tình đòi quyền thương lượng tập thể, nổ ra từ một tuần nay, phản ảnh sự tranh đấu căng thẳng giữa các chính phủ tiểu bang và các nghiệp đoàn, giữa lúc tình trạng thâm thủng nghiêm trọng là hiện tượng tràn lan, từ cấp liên bang tới cấp tiểu bang. Người ta không thể biết chắc những gì có thể xảy ra trong thời gian sắp tới, khi các thống đốc như ngồi trên lò lửa, trong lúc giới công nhân và viên chức thì nóng ruột và nóng giận trước viễn tượng quyền lợi của họ bị tước đoạt. Ngọn lửa đã bùng lên và đang lan nhanh, liệu có nổ ra những cuộc cách mạng về ý thức hệ hay không? – (HG)

© ViễnĐôngDailynews


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT