Phóng Sự

Tuổi già và sự nghỉ ngơi

Sunday, 29/06/2014 - 10:10:24

Trong một tài liệu được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu cho biết, công ty tài chính SunAmerica và Age Wave đã có một nghiên cứu vào năm 2011, về những kinh nghiệm nghỉ hưu khác nhau đã thay đổi về đặc điểm và phạm vi như thế nào và những cách nào là hiệu quả nhất để đi tới một giai đoạn hưu trí

Băng Huyền/Viễn Đông



Những vị cao niên trong một lớp học ESL và thi quốc tịch tại hội cao niên Á Mỹ, một sinh hoạt hữu ích cho người lớn tuổi
 
Trong một tài liệu được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu cho biết, công ty tài chính SunAmerica và Age Wave đã có một nghiên cứu vào năm 2011, về những kinh nghiệm nghỉ hưu khác nhau đã thay đổi về đặc điểm và phạm vi như thế nào và những cách nào là hiệu quả nhất để đi tới một giai đoạn hưu trí thành công, qua việc khảo sát dân số tuổi từ 55 trở lên, khám phá những kinh nghiệm về hưu khác nhau đã thay đổi về đặc điểm và phạm vi như thế nào, và những cách nào là hiệu quả nhất để đi tới một giai đoạn hưu trí thành công.

Theo tài liệu này cho biết có thể chia làm bốn nhóm người nghỉ hưu.

Đầu tiên là “Nhà khám phá không có tuổi” chiếm khoảng 20%. Đối với những người này, “Về hưu là một chương mới tích cực, năng động và toàn diện trong cuộc đời, và là cơ hội cho những kinh nghiệm mới và tiếp tục sự phát triển cá nhân. Trước khi nghỉ hưu, họ dành thời gian đáng kể để suy nghĩ về cuộc sống khi nghỉ hưu mà họ mong muốn và lên kế hoạch theo đó – một cách bản chất là làm nổi lên những điểm không hay sẽ xảy ra trong giai đoạn nghỉ ngơi lý tưởng của họ. Họ đã phát triển các kế hoạch tài chính vững chắc cho việc nghỉ hưu của mình. Nhìn chung là rất lạc quan, họ là những người tin tưởng mạnh mẽ rằng hiện tại là thời điểm tốt để đầu tư, và hầu hết thấy rằng tình trạng tài chính của mình thậm chí mạnh hơn so với trước suy thoái kinh tế.”

Nhóm thứ hai là “Những người thận trọng” chiếm khoảng 18%. Đây là một phiên bản truyền thống về cuộc sống thành công khi nghỉ hưu. “Đối với họ, nghỉ hưu là một cơ hội để có nhiều năm nghỉ ngơi thoải mái, thư giãn, và cuộc sống với niềm vui sau hàng thập kỷ làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, như một nhóm, hầu hết mọi người là những người lên kế hoạch thận trọng – họ không thích rủi ro so với nhóm này một thập kỷ trước và có xu hướng nghiêm túc về tài chính – điều này giúp họ tránh và an toàn thoát khỏi cơn bão tài chính gần đây. Họ trân trọng những lời khuyên chuyên nghiệp về tài chính có giá trị để giúp họ bảo vệ khoản tiết kiệm và đời sống khi nghỉ hưu. Hầu hết họ hiện tại thấy tình trạng tài chính của mình là tốt.”

Nhóm thứ ba là “Sống cho hôm nay” chiếm khoảng 27%. Là những người “có nhiều hoài bão và ước mơ cho giai đoạn nghỉ hưu. Không may là, do xu hướng “sống cho hôm nay,” họ không làm gì để chuẩn bị đủ về tài chính cho cuộc sống lâu dài của mình. Kết quả là, đối với họ, nghỉ hưu là thời gian của sự không chắc chắn tiếp diễn và nỗi lo lắng. Nhiều người buộc phải làm việc trong thời gian nghỉ hưu, không phải là để thỏa mãn và khuyến khích, mà bởi vì họ cần tiền để thanh toán các hóa đơn. Họ bị thiệt hại nặng nề bởi suy thoái, và hiện tại đang vật lộn với áp lực về tài chính và những căng thẳng trong gia đình họ.”

Nhóm cuối cùng là “Những người đấu tranh với sự lo lắng,” chiếm khoảng 35%. Đối với những người thuộc nhóm này “nghỉ hưu là thời gian của sự lo lắng và áp lực đáng kể. Thường bị lấn át, họ không hứng thú với những kinh nghiệm mới, đời sống phong phú hay thậm chí tập trung vào những mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Họ không lập kế hoạch và do đó, không suy nghĩ về những gì họ muốn làm khi nghỉ hưu. Nhiều người nghỉ hưu trước khi họ sẵn sàng do ốm đau hoặc không may mắn. Họ tiết kiệm và đầu tư rất ít cho nghỉ hưu, và thường phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình. Sự suy thoái làm cho họ dễ bị tổn thương hơn một cách trầm trọng và làm tăng sự không đảm bảo về tài chính của họ.”

Qua sự phân loại 4 nhóm người nghỉ hưu kể trên, tài liệu này kết luận: “Mọi người ở mỗi nhóm về hưu này có quan điểm, cách nhìn, mối quan tâm và cách sống khác nhau trong những năm nghỉ hưu, và không phải tất cả những kinh nghiệm hưu trí đều tương tự nhau. Hai nhóm đầu tiên đang hưởng thụ thời gian nghỉ hưu của họ và có mức độ hạnh phúc và đảm bảo về tài chính cao hơn. Hai nhóm người nghỉ hưu tiếp theo đang phải vật lộn do sự không may mắn và (hoặc) không có kế hoạch tốt. Phần trăm số người có thời gian nghỉ hưu thành công và trọn vẹn – “Những nhà khám phá không có tuổi” và “Những người thận trọng” – giảm từ 46% xuống còn 38%. Trong khi đó phần trăm những người rơi vào hai thành phần đang có một thời gian khó khăn – “Sống cho hôm nay” và “Những người đấu tranh với sự lo lắng” – tăng từ 54% lên 62%. Kinh nghiệm nghỉ hưu mà con người có ít khi là vấn đề may mắn. Mặc dù một số người nghỉ hưu gặp rủi ro, việc chuẩn bị và tự giác đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thời kỳ nghỉ hưu thành công. “Những nhà khám phá không có tuổi” và “Những người thận trọng” có khả năng nhiều hơn tạo ra một lối sống đúng cách và những hoạt động tài chính để đạt được một thời kỳ nghỉ hưu an toàn và trọn vẹn.”

Người già cần làm gì để được an hưởng tuổi già?

Đối với mỗi người khi bước vào tuổi hưu trí, nghĩa là họ phải đối diện với tuổi già sinh học sẽ luôn là nỗi niềm mà không phải ai cũng thành công để vượt qua. Theo ông Daniel Nguyễn, 70 tuổi, là một thiện nguyện viên của Boat People SOS (BPSOS), một tín đồ và thiện nguyên viên tích cực giúp các bạn trẻ trong Châu Đạo Cao Đài Nam California, cho biết: “Bước vào tuổi già, để đời sống được an lạc ngoài việc rèn luyện sức khỏe cho thể chất bằng những môn thể dục dưỡng sinh phù hợp lứa tuổi, ăn uống điều độ để có sức khỏe, cái quan trọng hơn hết là cần phải có bản lĩnh của sự hỷ xả, buông bỏ nỗi đau mà người khác tạo cho mình, buông bỏ những hận thù, những gì tiêu cực từng diễn ra trong cuộc sống. Sự buông xả này sẽ giúp mình mang lại nhiều giá trị an vui trong cuộc đời. Nếu được vậy, thì dù tuổi cao nhưng mình vẫn trẻ trung, khỏe mạnh. Đừng bao giờ để tuổi già khống chế thân và tâm. Hãy tìm và làm những việc có ý nghĩa để đời sống tinh thần có giá trị an vui hạnh phúc.”

Còn bà Đỗ Thị Bảy, 71 tuổi, thì kể rằng sau một thời gian bôn ba đủ các nghề để sống, đến khoảng 60 tuổi bà quyết định không bôn ba nữa, mà ở nhà để giữ các cháu nội, giúp vợ chồng hai người con trai. Khi đó, một mình bà giữ bốn đứa cháu với tuổi còn nhỏ, lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất vài tháng, sáng bà đưa đứa cháu 6 tuổi đi học, đẩy theo và dắt tay những đứa cháu, rồi về lại nhà chăm sóc cháu, nấu nướng để chiều các con về cùng ăn cơm với nhau.

Nay dù đã 71 tuổi bà vẫn bận bịu. Bà nói, “Vào những ngày thường, mỗi sáng sau khi đi bộ quanh công viên gần nhà, tập dưỡng sinh trong khu người già tôi housing mà đang sống, tôi đi qua nhà con trai, dọn dẹp nhà cho con, làm vườn… đến trưa đi đón cháu về, rồi nấu ăn, để chiều vợ chồng con tôi về, cùng ăn tối với nhau, sau đó tôi về lại nhà. Riêng sáng thứ năm, tôi dành thời gian đến học điện toán tại B.P S.O.S, tôi học cũng hơn 1 năm nay rồi, nhờ học điện toán, giúp tôi nắm những kiến thức cần thiết để lên mạng lưới, đọc báo online… là một phương tiện giải trí rất tốt cho tôi, giúp đầu óc mình không bị lão hóa. Ngày thứ bảy, chủ nhật con tôi nghỉ làm, thì tôi cũng không phải bận với cháu, khi đó tôi gặp gỡ mấy bà chị, đi mua sắm hoặc đi chùa.”

Khi người viết hỏi, dù tuổi cao mà bà vẫn bận với việc đưa đón nấu ăn cho con, cháu, bà có mệt mỏi không? Bà vui vẻ nói rằng bà rất hạnh phúc khi làm những việc trên cho con, cháu. Đó chính là niềm vui của tuổi già, và sự chăm sóc của bà được đền đáp bằng sự hiếu thảo của con trai, con dâu, các cháu rất quấn quýt với bà.

Ông Nguyễn Quốc Cẩn, 68 tuổi, cho biết, “Việc người già nghỉ hưu có nên ở nhà giữ cháu là việc khá phức tạp, tùy theo xu hướng của mỗi người thế nào. Có những người trước đây đầu tắt mặt tối đi làm, nên không có thời gian gần gũi cháu. Khi nghỉ hưu muốn gần cháu nên dành thời gian trông, chở cháu đi học… Ngoài ra còn có những người khi bước vào tuổi già không có đủ tài chánh, vì chỉ lãnh tiền già của chính phủ, nên các con thay vì gửi con bên ngoài, không an tâm, nên gửi ba mẹ trông, và gửi tiền lại cho ba mẹ xài. Việc trông cháu của ông bà nếu đây là trong một gia đình hòa thuận, ông bà thương cháu, thì đó là trường hợp tuyệt vời. Tôi có một ông anh sống ở San Jose, phải dậy từ 5 giờ sáng lái xe hơn 10 phút, dù mắt anh không tốt lắm, lại lớn tuổi rồi, nhưng anh vẫn vui vẻ mà lái xe đến nhà con, để trông cháu giùm cho con đi làm. Anh làm với tinh thần thoải mái và vui vẻ. Còn nếu những người già phải trông cháu mà làm vì gượng ép, thì không nên, vì giữ con nít còn nhỏ đâu phải dễ, bé nào ngoan, biết nghe lời thì ông bà không mệt, nhưng nếu bé hiếu động, thì rất mệt cho sức khioe3 và tâm trí của người già.”

Bà Nguyễn Thị Sơn, 70 tuổi, kể rằng bà đã từng giữ cháu, bà nói cực lắm. Nay gia đình người con đã chuyển sang sống tiểu bang khác, bà không phải giữ cháu nữa, nhiều người quen gợi ý mời bà giữ giúp để gửi tiền, nhưng bà không nhận. Vì theo bà “khi nhận việc giữ con nít, mình chẳng đi đâu được, suốt ngày ở nhà, tù túng lắm. Khi còn nhỏ có thể những đứa cháu nó gần mình, nhưng đến tuổi đi học, chúng chơi với bạn bè cùng tuổi, đâu còn muốn gần gũi, chơi với mình nữa, lúc đó người già lại cô đơn, nên rất cần gặp gỡ những bạn già như mình để hàn huyên, hoặc tìm đến những sinh hoạt dành cho người già để sinh hoạt, chứ ở nhà với việc nấu nướng, dọn dẹp… thì không tốt chút nào cho tuổi già.”

Còn ông Daniel Nguyễn thì nói rằng, “Tuổi già là tuổi nghỉ ngơi trước khi quy tiên, vậy mà bây giờ, mấy đứa con thấy má già rồi mà vẫn cứ nhờ má lo giữ giùm con mấy đứa cháu nội, ngoại. Tôi thấy có gia đình bà cố còn phải lo giữ cháu cố luôn. Vậy thì không nên, những người con cần phải cho ông bà già có thời giờ thảnh thơi vui hưởng tuổi già. Riêng tôi thì mấy đứa con tự giác biết, đó là không nên, nên tôi không bị bắt buột giữ cháu, khi mình còn trẻ mình chỉ lo cho con, đến lớp cháu thì các con của mình tự chăm. Mình lo đến lúc nào thôi, đâu thể nào lo hoài được. Tuy nhiên cái gì cũng nên vừa phải thôi, không có gì tuyệt đối quá, nếu khi nào các con cần thiết, mình cũng nên ra tay giúp đỡ con cháu, nhưng những người con cũng không nên coi đó là việc đương nhiên phải làm, và việc làm thường trực của cha mẹ, mà hãy nghĩ đến người lờn tuổi rất cần sự nghỉ ngơi.

“Những người con không nên để bố mẹ già nặng gánh đôi vai với những đứa cháu. Nhiều người quan niệm tuổi già là tuổi trở về với thời kì hồn nhiên, cha mẹ già giữ cháu thì cha mẹ sẽ vui hơn khi cùng tham gia với các cháu những trò chơi trẻ thơ mà ông bà đã từng. Thế nhưng họ lại không biết một điều rằng, hằng ngày nhìn những đứa cháu, ngoài việc ông bà có thêm một niềm an ủi vui vầy bên các cháu, nhưng cũng lo lắng chăm sóc các cháu sẽ khiến cho ông bà mất đi cơ hội lo tinh thần cho chính ông bà. Vì vậy, những người con có thương cha mẹ thì hãy để cha mẹ vui đùa với các cháu nhưng đừng để cha mẹ lệ thuộc vào việc chăm sóc, lo lắng cho các cháu.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT