Đời Sống Việt

Tuổi thanh xuân bị đánh cắp!

Wednesday, 09/03/2016 - 09:54:55

Rất xúc động, ngài khuyên các anh em tu sĩ nên đi xem phim này để đấu tranh chống với “bản năng im lặng đồng lõa, mà tiếc thay bây giờ vẫn còn trong Giáo Hội.” Ngài nói tiếp..." những người biết mà không nói, họ cũng phạm tội."

Viết nhân dịp “Spotlight” đoạt giải

phim xuất sắc Oscar 2016
Phượng Vũ

Lời dẫn: Spotlight là phim xuất sắc của đạo diễn Tom McCarthy. Bộ phim được dựng trên câu chuyện có thật về nhóm phóng viên Spotlight thuộc tòa soạn Boston Globe. Họ khui ra scandal lạm dụng tình dục của các cha xứ tại Boston, đã làm rúng động nước Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XXI. Spotlight thắng giải “Phim Hay Nhất” và “Kịch Bản Hay Nhất” và đoạt giải thưởng Pulitzer 2003 vì phục vụ cộng đồng... Và bây giờ bộ phim đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo Oscar lần thứ 88 (2016)



Tổng Giám mục Charles Jude Scicluna, một giới chức cao cấp của Tòa Thánh, cựu công tố viên của Vatican, dự buổi chiếu phim Spotlight ra mắt ở Ý, lần đầu tiên đã bẻ gãy im lặng để lên tiếng về cuốn phim này. Rất xúc động, ngài khuyên các anh em tu sĩ nên đi xem phim này để đấu tranh chống với “bản năng im lặng đồng lõa, mà tiếc thay bây giờ vẫn còn trong Giáo Hội.” Ngài nói tiếp..." những người biết mà không nói, họ cũng phạm tội."

Đức Tổng Giám Mục Malta, cựu công tố viên Vatica,n đã phát biểu: “Tất cả các hồng y, các giám mục, linh mục... phải đi xem phim này, bởi vì họ phải hiểu chính sự tố cáo mới cứu Giáo Hội, chứ không phải sự im lặng đồng lõa cứu." Điều quan trọng hơn là “Spotlight” khuyến khích những nạn nhân của lạm dụng tình dục trong nhà thờ trên khắp thế giới can đảm bước ra ánh sáng, tố cáo những kẻ có tội.
Bài viết sau đây là những câu chuyện người thực, việc thực 100%, mà tôi vô tình trở thành chứng nhân, nó tiêu biểu cho rất nhiều câu chuyện thực xảy ra ở ngoài xã hội. Bài viết không nhằm mục đích tố cáo mà là gióng 1 tiếng chuông cho những người có trách nhiệm trong giáo quyền thay đổi cách nhìn vấn đề, đặc biệt với giới “Kitô hữu Việt” trong nước cũng như ngoài nước. Xin đừng làm lơ hay "im lặng đồng lõa" để những kẻ gây tội ác vẫn ung dung sống cuộc sống thoải mái vì được bao che, bảo vệ do "bản năng bảo vệ danh giá " của giáo hội, đặc biệt là trong "mùa chay thánh" này!

------------------------
Một buổi sáng dậy check email tôi nhận được tin từ Việt Nam chị H đã “ngủ giấc ngàn thu”. Những người quen, ai cũng biết đó là "tin nhẹ nhàng", vì chị bịnh tâm thần đã rất lâu. Tôi thân với P, em gái chị, tụi tôi thân nhau từ lúc học Gia Long. Vì quá thân nên tụi tôi hay đến nhà nhau chơi, do đó tôi thân với chị H luôn. Nghe nói buổi tối đó, chị H “ca hát” như thường lệ, rồi đi ngủ để rồi không bao giờ thức dậy nữa. Cầu chúc chị, sau một thời gian dài với những tháng ngày buồn tênh, sớm "thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang" . Nghe tin chị "đi nhẹ nhàng" tôi mừng cho chị vì như vậy là chị đã "giải nghiệp". Mừng cho bạn tôi cũng nhẹ gánh chăm sóc chị với thời gian quá dài, vì bạn "độc thân" nên các em đã giao nhiệm vụ này cho bạn. Biết là vậy nhưng sao lòng tôi vẫn thấy bâng khuâng, nao nao trong dạ! Sự chia ly nào cũng vương vấn một nỗi buồn! Cuộc đời mỗi con người đúng là như câu hát "Biết ra sao ngày sau?" Thời còn trẻ chị H là một nhan sắc, chị đã từng là tiếp viên hàng không bay đường quốc ngoại của Air Việt Nam, chú ruột chị là 1 trong 9 vị thẩm phán tối cao pháp viện VNCH. Nhà chị có xe hơi riêng để cuối tuần cả nhà đi chơi Vũng Tàu hay Đà Lạt. Sau này ba chị mất, nhà không còn sung túc nữa, nhưng vẫn có cuộc sống đầy đủ. Như bao nhiêu người tuổi trẻ khác, chị lao vào tình yêu với tất cả nồng nàn và đầy hy vọng vào tương lai. Chị đã từng mơ ước "một căn nhà, một hạnh phúc, người này nương vào người kia” ở xứ hoa Anh Đào (Nhật) vì chàng là du học sinh bên đó, nhưng "Trời không chiều lòng người" nên chị đã bị tình phụ. Cú sốc quá mạnh đã làm chị lao đao mất thăng bằng tâm lý! Chị phải đi bác sĩ và uống thuốc điều trị tâm thần. Phải chi chị nhớ và thực hành được câu nhắc nhở của TCS thì hay biết mấy: “Tha thứ cho người đã làm mình tổn thương là một một món quà ta dành tặng họ. Lãng quên họ là một món quà tự dành tặng bản thân ta "

Trước đó, niềm mơ ước đi Nhật mạnh mẽ của chị đã lây sang tụi tôi, và mỗi lần tôi đến chơi là tôi và P. xúm nhau ngồi vẽ ước mơ chung với chị: tụi tôi sẽ cùng nhau đi ngắm núi Phú sĩ, rồi ngắm hoa Anh Đào nở đẹp tuyệt vời trên đất Nhật. Chị dặn tụi tôi phải học cho giỏi, đậu cho cao để được học bổng đi Nhật rồi qua ở chung với chị. Tôi nói chị đừng lo vì P là 1 học sinh thông minh xuất sắc ở rất nhiều môn, bạn thuộc loại giỏi toàn diện. Ngoài ra bạn còn năng nổ trong mọi hoạt động xã hội...tương lai bạn là con đường sáng chói lấp lánh ngàn hoa. Vậy đó... mà đầu năm lóp 12 bỗng dưng P “mất tích”, tôi hoang mang lo lắng, chạy tới nhà bạn nhiều lần, nhưng vẫn không biết thêm một chút thông tin nào về bạn. Ngoại trừ nghe người nhà nói lời nhắn gửi từ P “Bạn yên tâm, đừng lo, mình cần phải đi dưỡng bịnh ở Đà Lạt một thời gian”. Tôi ấm ức quá, "Bịnh gì?" Bạn tôi là 1 cô gái khỏe, trẻ đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà đột nhiên lại bịnh? Mà bịnh gì sao lại phải giấu cả bạn thân và không cho tôi liên lạc, gặp mặt. Sau đó thỉnh thoảng tôi lại tới nhà bạn để hỏi thăm, chị H sau cú sốc tình cảm đã “ngu ngơ”, bây giờ thêm sự mất tích của P “giáng xuống” chị càng “tưng tửng” nặng hơn, nên tôi chẳng hỏi thăm được gì nơi chị. Tôi muốn gặp má P nhưng hình như bà tránh mặt tôi. Một lần tôi đến bất chợt và ra thẳng nhà sau luôn, tôi gặp bà mà sửng cả người vì chỉ trong một thời gian ngắn bà đã thay đổi quá nhiều: người bà gầy xọp đi, tóc bạc trắng, gương mặt hốc hác. Tôi thấy thương bà quá, chắc là bà đang phải chịu đựng nhiều nỗi đau xé lòng về những đứa con gái cưng của bà. Tôi chạy đến ôm bà mà nước mắt ứa mi:

- Bác ơi! Con thương bác quá! Chuyện gì đã xảy ra cho P vậy bác? Chắc bác đang khổ lắm, bác làm ơn nói cho con nghe đi!
Tôi thấy bà đưa tay quẹt nước mắt, rồi xua xua tôi đi:

- Khổ lắm, không nói được con ơi! Bay dìa đi, đừng hỏi nữa, đau lòng lắm...
Rồi bà chạy vô phòng đóng sập cửa lại, tôi tiu nghỉu ra về mà lòng đầy hoang mang thắc mắc. Chuyện gì đã xảy ra cho bạn tôi, mà mọi người không ai dám nói, một bức tường im lặng ngột ngạt vô hình bao quanh với những giọt nước mắt thầm rơi. Tôi đi hỏi thăm bạn bè và các cha quen... nhưng tất cả đều là im lặng, không ai nói 1 lời nào. Ai là người có thể xé toang bức màn im lặng nặng nề này? Hay có một quyền lực nào "cấm nói"? Chúa ơi! Chúa có thấu hiểu không? Chúa hãy trả lời con đi... Và mãi đến gần nửa thế kỷ sau, tôi mới có câu trả lời gián tiếp từ Đức Tổng Giám mục Scicluna cho biết những gì ngài cảm nhận qua cuốn phim Spotlight và những gì đánh động ngài nhất chỉ tóm gọn trong 2 chữ: “cấm nói”...

Hơn 1 năm sau, tôi trở lại nhà bạn và đi thẳng ra nhà sau, tôi bắt gặp bạn tay bồng 1 đứa bé bọc trong khăn lông. Tôi mừng quá vội chạy ùa lại trách bạn: "Mày đi đâu mà mất tăm, mất tích vậy? Làm tao lo quá chừng!" Rồi nhìn đứa bé: "Con ai đây?" Bạn cúi mặt, nhìn đứa bé và trả lời: "Con tao đó!. Tôi ngạc nhiên đến độ tưởng như đất sụp dưới chân, không nói được nửa lời vì nó đi ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Thời đó nữ sinh tụi tôi còn ngây thơ khờ khạo lắm, không phải như các em bây giờ khôn nhanh quá với sự hỗ trợ của internet, cái gì các em cũng biết. Tụi tôi lại học từ nhỏ trong 1 trường nữ trung học, nên đa số chỉ có bạn gái, chứ không có bạn trai. Khờ đến nỗi khi đi picnic hướng đạo, chơi trò chơi chung, có đứa còn thầm thì: “Đừng nắm tay con trai nha! Coi chừng về dính bầu đó!" Nhìn kỹ lại bạn, tôi mới thấy rõ ràng bạn đã kiệt quệ sức lực. Bạn hoàn toàn không giống cô bạn tôi năm ngoái trẻ trung, yêu đời và đầy năng động.

Phải đợi một thời gian thật lâu, sau khi vết thương lòng đã lành, bạn mới kể cho tôi nghe. Bạn đã từng bước bị sa vào lưới mà bạn không biết vì con gái mới lớn còn ngây thơ, khờ khạo, lại hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối nơi cha xứ. Một người mà cả họ đạo lúc nào cũng thần phục, cung kính vái chào. Cha lại luôn rất ân cần tử tế với gia đình bạn, gần như là 1 ân nhân, nên bạn lúc nào cũng yêu quý và rất “thần tượng” cha. Một hôm người đó lại phủ phục dưới chân mình để khóc van xin tình yêu, thì làm sao mà không xúc động đến rụng rời cho được? Và bạn đã sa vào mê hồn trận lúc nào không biết. Khi tỉnh ra bạn sợ quá, từ đó không dám ra giáo xứ gặp ngài nữa, nhưng mọi sự đã muộn màng. Thời gian sau đó bạn hay bị ói mửa hoài, má bạn dắt đi bác sĩ mới khám phá ra chuyện động trời: bạn đã có thai. Bạn và cả nhà rơi vào trạng thái kinh hoàng, mà lại phải "giấu kín như bưng" không dám hé môi cho ai biết! Còn lo sợ giáo dân biết, coi chừng bị "ném đá" thì nhục lắm, vì ở giáo xứ thường có "hàng rào giáo dân", đặc biệt là các bà luôn sẵn sàng "ném đá" vì những ai động đến các cha là "động đến Chúa". Nhưng đâu có giấu được hoài trong gia đình, ý kiến của ông chú ruột làm Tối Cao Pháp Viện là "lôi cổ thằng đó ra tòa" và hủy bào thai đi. Sau đó cho nó tịnh dưỡng một thời gian, như bị accident, rồi đi học lại, làm lại cuộc đời mới, vì bạn còn quá trẻ lại học giỏi, nếu cần ông sẽ gửi cho đi du học. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, bạn đã cương quyết giữ bào thai lại vì nó vô tội, và cũng không thưa kiện ai hết, người nào làm sai để Chúa xét xử họ. Mình ngu ngốc, khờ dại thì phải nhận trả giá bài học của mình. Lòng trắc ẩn đúng là điểm yếu của phụ nữ và cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều đau khổ. Tôi thấy bạn quá can đảm khi quyết định "giữ lại bào thai" vì nó cũng đồng nghĩa bạn đã tự đóng sập cánh cửa tương lai đời mình. Nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết quyết định "để yên" cho đương sự của bạn đúng hay sai? Vì sau này khi được để yên, ông ta lại “ngựa quen đường cũ” tiếp tục xâm hại thêm 3,4 cô khác nữa. Đức Tổng Giám mục Malta, cựu công tố viên Vatican, đã nói rất đúng: “Chính sự tố cáo mới cứu Giáo hội, chứ không phải sự im lặng đồng lõa cứu.” Nhưng điều quan trọng là thái độ của giới chức thẩm quyền trong giáo hội, vì họ cần phải thấy “bản năng bảo vệ danh giá tác hại đến độ nào?" vì không những tuổi thanh xuân của nạn nhân đã bị đánh mất mà còn ảnh hưởng lâu dài về mặt tâm lý đến nỗi họ không thể sống bình thường như mọi người trong xã hội. Trong chuyện của bạn tôi, khi ý kiến ông chú ruột bị bác bỏ, ông ấm ức và cho người lên tòa Tổng Giám Mục để trình bày sự việc. Tòa Tổng thay vì cho điều tra để xác minh sự việc thực hư thế nào, để có biện pháp với “đương sự”. Tiếc thay vì "bản năng bảo vệ danh giá " Tòa Tổng lại quyết định chỉ xử khi nào có đơn và chữ ký của chính nạn nhân, mà điều này bạn tôi cương quyết không làm. Đức Tổng Giám mục Charles Jude Scicluna đã nói rõ “bản năng đó đã ở trong Giáo hội, và đó là một sai lầm nặng nề “. Nhưng điều đáng buồn hơn không phải chỉ có chuyện ngày xưa ở Việt Nam mà hiện nay ở những nước lớn như Pháp, Úc... vẫn có những lá đơn khiếu kiện bị "Trên" dìm đi và nạn nhân đôi khi còn bị quật ngược lại, bị đe dọa..., nhiều nạn nhân bị khủng hoảng tinh thần nặng nề, phải đi gặp counselor liên tiếp trong nhiều năm, tốn cả chục ngàn đô la và vẫn còn phải tiếp tục... Đó là trường họp của T, một em nữ sinh cũ của tôi. Em là 1 học sinh giỏi và trung thực, sau 75 ba em đi tù cải tạo, gia đình em rơi vào khủng hoảng mọi mặt. Má em quyết định gom góp tư trang, tiền bạc để cho em đi vượt biên, vì em là con gái lớn trong nhà. Em đi mang theo mình 1 sứ mạng, 1 niềm tin và hy vọng sau này sẽ giúp cả gia đình thoát khỏi xứ sở Cộng sản. Em trôi giạt đến đất người bơ vơ, xa lạ không 1 người thân. Trong lúc em hoang mang lo sợ cho viễn ảnh tương lai, em may mắn đã gặp 1 cha xứ đưa tay nâng đỡ, đùm bọc. Em mừng như sắp chết đuối giữa biển khơi mà vớ được phao cứu sinh. Em hoàn toàn tin phục và mang ơn cha hết lòng, rồi cha "rủ" em rửa tội và theo đạo. Dần theo thời gian, dưới sự hướng dẫn kiểu "thắt lại từ từ" của cha, không biết tự lúc nào cha đã biến em hoàn toàn lệ thuộc vào cha, muốn thoát ra không được và em đã trở thành "vợ hờ" của cha trong nhiều năm liền. Cho đến khi do một dịp may tình cờ, em mới thoát ra được và em rơi vào trầm cảm nặng nề, vì phải "câm nín" với những uất ức không nói ra lời. Một lần trong buổi họp nhóm với các bạn trẻ, có 1 bạn bật khóc kể lể tâm sự của mình vì không nói ra được bạn sẽ điên. Hoàn toàn không thể ngờ, sau đó như ngòi pháo đã được châm, nhiều bạn vừa nức nở, vừa bộc lộ nỗi đau lòng tương tự đã giấu kín trong lòng nhiều năm. Khi người ta không lẻ loi nữa và có bạn đồng hành, người ta thêm sức mạnh để đòi hỏi công lý. Nhưng rất tiếc đơn khiếu kiện của các em đã bị "vùi dập" và còn kèm theo những hù dọa... Bây giờ T mất niềm tin, nhìn đâu cũng sợ hãi, em như con gián không dám bước ra ánh sáng ban ngày...

Giáo hội Công Giáo với hàng ngàn các vị linh mục, tu sĩ nam nữ sống can đảm và trung thành với Ơn Gọi để phụng sự Chúa và âm thầm phục vụ tha nhân từng ngày, nhất là qua những công tác cứu giúp người nghèo khổ khắp nơi. Nhưng cũng không tránh khỏi “những con sâu làm rầu nồi canh” phản ảnh sự yếu đuối và mỏng giòn của con người. Trong vòng 10 năm qua, Giáo Hội Công Giáo đã nhìn nhận sự sai lầm của mình từ Vatican đến các hàng giáo phẩm địa phương. Nhiều giáo phận ở Mỹ đã phải phá sản vì bồi thường cho các nạn nhân bị sách nhiễu tình dục trong những thập niên trước. Đó là ở Mỹ, còn ở những nước khác và Việt Nam thì sao? Tệ trạng này chưa thay đổi bao nhiêu! Phải chăng họ dựa vào luật "cấm nói" và nhiều nạn nhân phải trở thành "câm nín" khi đứng trước một "quyền lực" mạnh hơn mình rất nhiều. Thật là đau lòng! Tổng Giám mục Charles Jude Scicluna đã nói “những người biết mà không nói, họ cũng phạm tội”. Vậy nếu "Bề Trên" biết mà bao che, làm lơ thì tội sẽ nặng đến thế nào? Vì "Sẽ không có lòng thương xót nếu không có công chính.” Năm nay lại là năm Lòng Thương Xót Chúa, hy vọng lòng thương xót Chúa và sự công chính sẽ trải dài khắp mọi ngõ ngách của đời sống nhân gian, cho cả những kẻ bé miệng không có chút quyền lực trong tay, muốn nói mà không nói ra lời. Hy vọng “Spotlight” sẽ là tiếng kêu vang vọng đến Vatican và hệ thống giáo hội trên toàn thế giới để thức tỉnh những ai nắm giữ quyền lực trong giáo quyền hãy vì lương tâm con người, đừng vì “sĩ diện” hảo bên ngoài mà quay lưng đi với những sự thật đau lòng! Xin cho những giáo dân biết mở lòng đón nhận những sự thật về các "đấng bậc". Năm rồi khi ĐTC Phanxico vừa đưa ra “Tòa Thánh với 15 Chứng Bệnh” để sửa sai và củng cố hàng ngũ trong giáo hội, thì lập tức đã có nhiều giáo dân hoảng hốt khi thấy nó được phổ biến công khai “Lạy Chúa, sao lại vạch áo cho người xem lưng”. May đó là bản văn của ĐTC, nếu là ai khác chắc sẽ bị “ném đá” rồi!

Sau này, khi đọc tác phẩm nổi tiếng "Con chim ẩn mình chờ chết", tôi đau lòng khi nhớ tới thân phận của bạn mình. Sau 75 nhà gia đình bạn bị tịch thu, phải về nhà quê ở. Việc học đã bị dở dang lại đeo theo con thơ là 1 trở ngại quá lớn cho bạn trong việc tiến thân và tìm việc. Tương lại bạn đáng lẽ đã rực rỡ, nhưng bạn đã phải hy sinh nó vì con, vì luật "cấm phá thai" của giáo hội. Nhìn bạn quá khổ mà nước mắt tôi tràn mi, khi ôm bạn trong vòng tay . Tôi khóc cho bạn, khóc cho tôi, khóc cho thân phận đàn bà thời nào cũng quá khổ! Nếu có ngày nào tôi ở địa vị bạn, tôi có đủ mạnh mẽ như thế? Một thời gian dài sau đó, khi bạn xin vô làm hướng dẫn viên cho 1 công ty du lịch, có vài người có cảm tình và muốn tiến tới xây dựng dài lâu với bạn, nhưng đứa con trai bạn đã quen cảnh “một mẹ, một con” lâu rồi, nên ra sức ngăn cản mọi người đến với mẹ. Người phụ nữ nào mà không khao khát được yêu thương, được chăm sóc thay vì cô đơn, vò võ lủi thủi một thân một mình nuôi con trong cực nhọc. Tội nghiệp bạn tôi cả một thời thanh xuân đã hy sinh vì con, chịu khổ vì con, nhưng khi có người thực sự yêu thương muốn quyết tâm tiến tới, dù biết rõ hoàn cảnh của bạn, thì đứa con trai lúc đó đã lớn, bèn ra tối hậu thư cho mẹ “ Mẹ chỉ có quyền chọn 1 trong 2, nếu mẹ chọn người đó, thì con sẽ bỏ nhà đi bụi đời luôn và không nhìn mẹ nữa...” Bạn tôi 1 lần nữa lại nuốt nước mắt vào trong, như ngày xưa đã “nuốt lệ” quyết định giữ bào thai, chống lại ý kiến gia đình, dù biết tương lai sẽ tăm tối! Bạn đã trả lời con trong nổi ngậm ngùi: "Con ơi! mẹ sẽ chọn con, con trai của mẹ". Ôi! trái tim của người mẹ luôn là "kỳ công tuyệt vời nhất của tạo hóa"!

Ngẫm lại cuộc đời của bạn tôi là một chuỗi dài cô đơn và đau khổ, bạn tôi không phải là "con chim ẩn mình chờ chết" mà là "Con chim ẩn mình chịu đựng đau thương triền miên" trong mấy chục năm trời. Ngẫm lại tôi càng thấy tội lỗi của “đương sự” là quá lớn. Ngày xưa ông bà mình có câu “Mũi dại, lái chịu đòn” hay theo tin tức thời nay: một toa xe lửa bị lật đường rầy, tổng trưởng giao thông lên tivi xin lỗi người dân và xin từ chức. Vậy ai, ai chịu trách nhiệm cho nỗi đau của tuổi thanh xuân sáng ngời đã bị cướp mất của bạn tôi ? Ai, ai bù đắp giùm những mất mát, những trầm cảm kéo dài hằng chục năm của học trò tôi? Ai, ai chịu đựng cho nỗi khổ kéo dài cả một đời người của bạn tôi? Đau khổ với bạn tôi có lẽ “Lâu rồi đời mình cũng quen” và bạn chỉ cần “xin tháng ngày rồi bình yên,” nhưng dù sao “con chim ẩn mình” cũng phải được 1 lần cất lên tiếng kêu đau thương rướm máu của mình để mọi người cùng nghe, nhất là những giới chức có thẩm quyền trong giáo hội nghe, để lịch sử đau thương không tái diễn cho những thân phận phụ nữ khác ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên toàn thế giới. Bốn thập niên trước, xã hội nói chung ít để ý đến những nạn nhân nầy vì họ không dám lên tiếng vì nhiều lý do khác nhau. Vả lại, những năm trước đây, tâm lý học chưa thấy hết hậu quả lâu dài và trầm trọng với người trẻ bị sách nhiễu tình dục. Còn bây giờ mọi thứ đã được phơi bày ra ánh sáng, xin đừng tiếp tục làm ngơ, bịt tai, đừng làm thinh trước cái ác, vì không làm điều "phải làm" cũng là tội. Nếu những nạn nhân đó là người thân của bạn, bạn sẽ làm gì? Bạn có tiếp tục thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của họ không?

ĐTC Francis đã nói: “Sự tử tế và lòng thương xót của Chúa phải được bao trùm khắp nơi, không chừa một ai” nhất là những người đang đau khổ do thiếu sự công chính. Trong kho tàng thánh ca, "Kinh Hòa Bình" là bài hát gần như ai cũng thuộc và thích hát:

"Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa... đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu..."

Nhưng bạn ơi! có bao giờ bạn hát với sự lắng lòng và tự kiểm nghiệm xem thực tâm bạn đã làm gì để cho những điều đó hiện diện trong đời sống hằng ngày như lời ĐTC Francis khuyên nhủ: **”Đừng chỉ nói mà thôi, nhưng hãy đứng lên và “hành động”**. Bạn đã làm gì? ? bạn đã giữ thái độ "im lặng đồng lõa" hay bạn cùng góp sức để mở cánh cửa bưng bít từ lâu cho ánh sáng "công chính" soi rọi vào những nơi "tối tăm"?

Thành thật cám ơn bạn đã "chia sẻ" với tôi tới những dòng này, vì coi như "món nợ" tinh thần tôi nợ từ lâu với bạn thân và học trò..., tôi vừa trả xong. Lòng cảm thấy thật nhẹ nhàng khi nghe đâu đây lời hát từ 1 giọng ca trẻ vừa cất lên:
"Ta nợ mặt Trời từng tia nắng mai,
Ta nợ nụ cười, người quen sáng nay,
Nghe đời nhẹ nhàng, bước chân phong trần"
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT