Phóng Sự

Tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ và niềm tin Công Giáo (kỳ 8)

Sunday, 09/03/2014 - 11:48:20

Sống châm ngôn của Ngành: Châm ngôn là biểu mẫu, một lời nói ra để noi theo: Ngành Ấu Nhi: Ngoan – Ngành Thiếu Nhi: Hy sinh – Ngành Nghĩa sĩ: Chinh phục và Huynh Trưởng: Phục vụ. Khi đoàn sinh thực hiện châm ngôn của Ngành mình chính là thực hiện lời hứa của mình với Phong Trào.

Băng Huyền/Viễn Đông



Trại sinh của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ Công Giáo VN. St. Anthony Wichita, Kansas trong một sinh hoạt của “Vào Sa Mạc.” (Hình do Vân Nguyễn cung cấp)
 
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam (phần 5)

Khi một đoàn sinh hay một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) tuyên hứa là tự nguyện chấp nhận và tuân giữ những điều đã quy ước. Với Phong Trào TNTT thực hiện lời hứa gồm:

Sống châm ngôn của Ngành: Châm ngôn là biểu mẫu, một lời nói ra để noi theo: Ngành Ấu Nhi: Ngoan – Ngành Thiếu Nhi: Hy sinh – Ngành Nghĩa sĩ: Chinh phục và Huynh Trưởng: Phục vụ. Khi đoàn sinh thực hiện châm ngôn của Ngành mình chính là thực hiện lời hứa của mình với Phong Trào.

Sống Linh đạo:Thể hiện tôn chỉ Phong Trào qua ý nghĩa của cách chào: 4 ngón tay xếp đều chỉ 4 tinh thần: Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh, làm Tông đồ. Ngón cái ép vào lòng bàn tay chỉ người Thiếu nhi quyết tâm tuân giữ 4 điều trên.

Ý nghĩa của tinh thần truyền thống của phong trào Thiếu nhi Thánh Thể

Bốn tinh thần truyền thống của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) gồm: Cầu nguyện – Rước Lễ – Hy sinh và làm Tông đồ, là nói lên tinh thần, mục đích của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, có ý nghĩa sâu xa, hướng dẫn cuộc sống cho các đoàn sinh, có từ nguồn gốc:

Tinh thần cầu nguyện được rút ra từ tinh thần Hội cầu nguyện dành cho tuổi trẻ (1917) do Cha Bessière dòng Tên thành lập tại Pháp.

Là Huynh trưởng, đoàn sinh của Thiếu Nhi Thánh Thể, mọi thành viên phải tin tưởng vào Chúa, người biết cầu nguyện là nguồn sức mạnh của mỗi thành viên trong đoàn. Các thành viên của TNTT có niềm tin rằng khi mỗi người tin vào Chúa, chắc chắn họ sẽ được sự giúp đỡ của Người, vì Người luôn đồng hành cùng họ, luôn bên cạnh họ.

Tinh thần Rước Lễ (tôn sùng Thánh Thể) là theo tinh thần thông điệp Quam Singulari năm 1910 do Đức Giáo Hoàng PIÔ X cổ võ các em thanh thiếu niên siêng năng rước lễ và ban phép cho trẻ em được rước lễ sớm. Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch ân sủng dồi dào mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Người Thiếu Nhi năng tới lãnh nhận là tới chính nguồn để múc lấy ơn Thánh. Ngoài ra là thành viên của Thiếu Nhi Thánh Thể là phải tới rước lễ và tôn sùng phép Thánh Thể.

Tinh thần Hy Sinh là dựa theo tinh thần Đạo Binh Thánh Giá (1865) hiến thân bảo vệ Hội Thánh. Người Huynh trưởng phải tự làm gương để các em trong và ngoài đoàn noi theo. Do đó các em là người trong đoàn, các em phải có đức tính biết hy sinh như viên đá dễ vỡ và va chạm nhau nên những viên đá tròn dẹp. Em cần phải:

- Hy sinh trong mọi lúc

- Hy sinh không thoái lui khi gặp khó khăn, vất vả, cực nhọc.

- Hy sinh trong vui tươi.

Tinh thần Làm Tông Đồ là theo tinh thần sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân, số 12” của Công Đồng Vatican 2: “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ”.

Khi tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội, các anh chị là Huynh trưởng và đoàn sinh phải hoàn thành nhiệm trách vụ trong lãnh vực của mình. Những việc đó có thể chỉ cần dâng nhiều hy sinh, hãm mình, cầu nguyện cho việc loan tin truyền giáo, cho nhiều người quay về cùng Chúa, nhiều người lầm đường lỡ bước trở về với Chúa.

Ngoài ra với những điều luật: “Vâng phục, nết na, bác ái, ngay thẳng, chu toàn bổn phận, kết hoa thiêng”, là những căn bản tu đức giúp đoàn sinh thăng tiến về mặt nhân bản và tâm linh. Và đó là giúp đoàn sinh thực hiện tôn chỉ, mục đích và lý tưởng của Phong Trào theo nội qui điều 6, 7, 8.

Những điều luật (hay còn gọi là những điều Tâm Niệm) là những nguyên tắc căn bản và đơn sơ nhất mà một đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể phải giữ khi muốn trở nên con người xứng đáng, một công dân của Quốc Gia hay nước Chúa, tốt lành và đàng hoàng. Để thăng tiến mỗi ngày về lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên, để tỏ tinh thần trung thành, người Thiếu Nhi luôn thi hành tất cả những điều luật của Phong Trào đề ra và sẽ tuyên hứa long trọng trong ngày tuyên hứa đoàn viên của đoàn sinh đó.

Phương pháp, vai trò và mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể được thành lập là “để giúp thiếu nhi nên ngươi, nên Tông đồ và nên thánh”, nên việc huấn luyện để có những huynh trưởng giỏi hoàn thành nhiệm vụ lớn lao và nặng nề: hướng dẫn lại các em đoàn sinh, là một điều luôn được chú trọng.

Huấn luyện huynh trưởng

Phương pháp huấn luyện huynh trưởng của Phong trào TNTT được gọi là “Vào Sa Mạc”. Theo Liên đoàn Trưởng Trần Đan Duy nguồn gốc của tên gọi này vì “Chúa Jesu vào sa mạc trước mùa chay. Ngày xưa, để tiến vào đất hứa những con dân của Chúa đã bỏ lại sau lưng tất cả, được thanh luyện khi băng qua sa mạc. Trong sa mạc họ đã gặp Chúa, được Chúa dạy dỗ và bằng những biến cố thăng trầm, họ nhận ra Chúa yêu thương, luôn ở với họ, nhận Chúa là Chúa của mình, sống theo các giới răn của Người, trở thành dân của Người.

Ngày nay Phong trào TNTT đưa các huynh trưởng vào sa mạc, tạm quên đi những bận tâm, lo lắng thường nhật, sống trong điều kiện có thể là thiếu thốn, chung đụng, chịu đựng lẫn nhau, cùng nhau học tập, quây quần quanh Chúa Giêsu Thánh thể nơi nhà tạm, gặp Chúa để đối chiếu lại chính mình trước mặt Chúa trong giờ sám hối, giao hòa với Chúa, với anh em qua bí tích hòa giải, nghe tiếng Chúa, thờ lạy Chúa trong giờ Thánh Thể.

Bên Hướng Đạo có phần Lửa Trại, bên Thiếu Nhi thì gọi là Lửa thiêng thánh thể, để hâm nóng tình huynh đệ và cùng vui bên nhau trong đêm lửa thiêng Thánh Thể; dùng những câu chuyện bên Kinh cựu ước, để cho các trại sinh chia theo từng đội đóng kịch. Hình thức sinh hoạt như bên phong trào Hướng Đạo, có trò chơi lớn (có tên gọi là hành trình đức tin) với các mật thư, các trò chơi, đều được lấy từ kinh thánh ra. Khi tổ chức sa mạc, thì mời Cha tuyên úy đến dự cùng, vào tối thứ Sáu có phần Chầu Thánh Thể. Để khi chia tay trở về giáo xứ, các trại sinh được trang bị thêm khả năng và hân hoan với lý tưởng dấn thân, phục vụ, sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh, tinh thần hăng say và lòng quảng đại cho các thành viên khi thực thi sứ vụ tông đồ.”

Cũng theo lời Liên đoàn trưởng Trần Đan Duy, để trở thành một huynh trưởng, người đó phải hơn 18 tuổi, có ít nhất khỏang 10 năm sinh hoạt bên thiếu nhi Thánh Thể. Còn những anh chị từ bên ngoài vào, thì phải trãi qua ít nhất một tuần huấn luyện.

Huynh trưởng được chia ra theo từng cấp. Huynh trưởng cấp 1, người đó phải tham dự “Vào Sa Mạc” để được huấn luyện, thường diễn ra từ thứ Sáu đến Chủ Nhật. Những bài huấn luyện có 1 số từ Thánh Kinh.
Huynh trưởng cấp 2 là huynh trưởng theo các ngành. Khi đi những sa mạc này, sẽ chú trọng vào từng chuyên môn của ngành hơn, để huynh trưởng biết cách sinh hoạt với các em theo từng ngành, đúng tâm lý lứa tuổi các em.

Huynh trưởng cấp 3 khi xưa chia làm 4 ngành, sau này chỉ gọi là cấp 3 lãnh đạo mà thôi. Trại sa mạc dành cho Huynh trưởng cấp 3 kéo dài khoảng 5 ngày huấn luyện, để giúp huynh trưởng trở thành đoàn trưởng lãnh đạo đoàn của mình hay trở thành thành phần lãnh đạo của Liên Đoàn.

Liên đoàn trưởng Trần Đan Duy nói: “Sau huynh trưởng cấp 3, người đó sẽ thi lên cấp bậc là huấn luyện viên, để trở thành những người huấn luyện các huynh trưởng. Các huynh trưởng huấn luyện các em đoàn sinh đoàn mình, còn muốn huấn luyện cho những người sẽ trở thành huấn luyện các huynh trưởng, thì gọi là huấn luyện viên, trong thành phần đó, có 3 cấp bậc.

Huấn luyện viên sơ cấp là mới bắt đầu, rồi lên trung cấp và cao cấp.

Các buổi sa mạc có những khóa học, những bài học hữu ích…

Khác với Sa mạc huấn luyện các Huynh Trưởng, “Vào Sa Mạc” dành cho các đoàn sinh thì đơn giản hơn và nhắm mục đích giáo dục qua các sinh hoạt ngoài trời với các kỹ năng như lều trại, nút dây, truyền tin… như bên Hướng Đạo.

Các kỹ năng này, tự nó có thể không giúp nhiều cho cuộc sống hiện tại, nhưng hiệu quả giáo dục rất tốt, nó giúp kích thích, khơi dậy tiềm năng và phát triển năng khiếu như khéo tay, hoạt bát, lanh lợi, chịu đựng dẻo dai. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT