Phóng Sự

Tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ và niềm tin Công Giáo (Kỳ 6)

Sunday, 23/02/2014 - 09:05:26

Tại hải ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng, nơi nào có người Công Giáo Việt Nam quy tụ thành cộng đoàn xứ đạo, thì việc giáo dục đức tin và nhân bản cho trẻ em và thanh thiếu niên trong truyền thống văn hóa dân tộc qua các Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể được thành hình theo sự lớn mạnh của các cộng đoàn

Băng Huyền/Viễn Đông



Một số em ngành Nghĩa Sĩ của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp (Quận Cam) trong buổi sinh hoạt định kỳ vào trưa Chủ Nhật hằng tuần tại khuôn viên nhà thờ.
 
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam (phần 3)

Tại hải ngoại nói chung, và tại Hoa Kỳ nói riêng, nơi nào có người Công Giáo Việt Nam quy tụ thành cộng đoàn xứ đạo, thì việc giáo dục đức tin và nhân bản cho trẻ em và thanh thiếu niên trong truyền thống văn hóa dân tộc qua các Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể được thành hình theo sự lớn mạnh của các cộng đoàn xứ đạo địa phương.

Thiếu Nhi Thánh Thể là một phong trào giáo dục, qua những sinh hoạt lành mạnh nhằm tạo sự vui tươi để các em thanh thiếu nhi hoà mình với mọi người, tạo sự cảm thông, dễ dàng chia sẻ với bạn cùng trang lứa. Phong Trào TNTT còn giáo dục và hướng dẫn các em trở thành những nhân sự làm việc đắc lực cho các sinh hoạt cộng đoàn.

Qua hình thức sinh hoạt tập thể các em gốc Việt với nhau, là dịp để bổ túc, thực hành và trau dồi thêm khả năng tiếng Việt và giúp các em tránh được những cạm bẫy xấu bên ngoài xã hội. Đồng thời tạo cho các em có tinh thần đồng đội qua những sinh hoạt đoàn đội, tu luyện đạo đức tâm hồn. Từ những buổi sinh hoạt tâm tình, các em còn có những giờ phút để sống gần gũi với Chúa Thánh Thể qua những giờ cầu nguyện, viếng Chúa, chia sẻ Lời Chúa, tham dư thánh lễ để lãnh nhận nguồn ơn thiêng liêng của Thiên Chúa mà phong trào gọi là siêu nhiên.

Trong phong trào TNTT, thường dùng phương pháp khung cảnh Thánh Kinh để tạo một khung cảnh sống và một mẫu người lý tưởng cho các Đoàn Viên cảm nghiệm và noi theo. Chúa Giêsu chính là con người lịch sử, là gương mẫu cho các ngành: Với ngành Ấu: hình ảnh Chúa Giêsu thời bé thơ. Ngành Thiếu: Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật. Ngành Nghĩa: Chúa Giêsu thời rao giảng Tin Mừng.

Ngành Nghĩa Sĩ của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể

Anh Hải Nguyễn Trưởng ngành Nghĩa Sĩ của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp (quận Cam) cho biết anh đã gắn bó với đoàn kể từ năm 1994, khi ấy anh mới sang định cư với gia đình tại Hoa Kỳ, lúc đó anh là một trong những em đoàn sinh đeo khăn màu xanh biển của ngành Thiếu.

Theo anh Hải Nguyễn Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể đào tạo người trẻ về nhiều phương diện, đặc biệt về tâm linh. Nhất là với những bạn trẻ sống ở những nước tự do, rất dễ bị sa ngã bởi lối sống thực dụng, thích hưởng thụ. Vì thế, rất cần có một đoàn thể tôn giáo để những người trẻ sinh hoạt.

Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể không những đào tạo thanh thiếu niên thành công dân tốt cho quốc gia mà còn đào tạo thành công dân hữu ích cho nước Trời. Trong xã hội mới, cần đào tạo cho người trẻ một tinh thần sống đạo mới, một khí giới mới để chiến đấu với những thử thách mới. Phong trào bổ túc cho giáo dục học đường, gia đình và giáo xứ.

Anh Hải Nguyễn bày tỏ: “Hồi xưa khi mới bắt đầu sinh hoạt, phong trào TNTT tại Hoa Kỳ giống Việt Nam hơn là bây giờ. Bây giờ mọi trò chơi cho các em chơi, các Huynh Trưởng phải nghĩ đến an toàn là trước tiên. Còn hồi xưa khi chơi, dù trời mưa, bùn dơ bẩn gì cũng chẳng quan tâm. Bây giờ khi thực hiện một trò chơi, phải đắn đo xem các em chơi có bị bệnh hay không? Sạch sẽ và an toàn không?

Hồi xưa là nghĩ theo kiểu Việt Nam, nay là nghĩ theo kiểu người Mỹ gốc Việt. Ngày nay, các Huynh Trưởng phải học những cái hay cái tốt của Mỹ để áp dụng vào các sinh hoạt tại Đoàn và luôn chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho các em khi thực hiện những trò chơi sinh hoạt ngoài trời.

Giới thiệu về ngành Nghĩa Sĩ mà anh đang giữ vai trò huynh trưởng, hướng dẫn cho các em tuổi từ 14 đến 17 tuổi, đeo khăn màu vàng tươi, anh Hải Nguyễn cho biết chính từ ý nghĩa Nghĩa Sĩ là người chịu hy sinh cho những việc hợp lẽ phải, nên phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã chọn danh hiệu này cho các em tuổi từ 14 đến 17. Màu vàng của khăn đeo được dành cho các em ngành Nghĩa Sĩ với ý nghĩa cao sang, quyền quí. Mang đặc trưng cho các tâm hồn thích chinh phục, mạo hiểm, dám xả thân và quên mình.

Các em thanh thiếu niên ở tuổi này (14-17) với sức sống tràn trề, nhiều ước vọng cho tương lai, rất hăng say bước vào cuộc đời với nhiều lý tưởng. Các em học hỏi, chọn lựa và quyết định cho bản thân con đường để đi đến mục đích. Các em sẵn sàng đón nhận thử thách, khó khăn để xác định được vị trí, cá tính của mình trong gia đình và xã hội. Thường thì các Nghĩa Sĩ không thiếu những mạo hiểm và liều lĩnh để khám phá thế giới chung quanh. Các em muốn được mọi người nhìn nhận như một cá thể độc lập, đặc biệt và trưởng thành.

Phong trào TNTT đã chọn Thánh Phaolô làm hình mẫu cho các Nghĩa Sĩ. Đây là một thần tượng đầy nhiệt thành, hăng say với đức tin, đặc biệt là dám thay đổi để được đi trong Chân Lý, sống cho Tình Yêu và phục sự trong tình Huynh Đệ. Vị Thánh nhân Phaolô có đầy đủ các ưu điểm phù hợp với tâm lý của tuổi "choai choai". Chinh phục là khẩu hiệu của Nghĩa Sĩ, chinh phục khó khăn, chinh phục chính bản thân.
Trong mỗi người, ai cũng đều trải qua giai đoạn tâm lý của tuổi "dậy thì," với sức sống của tuổi trẻ, tinh thần lạc quan, thích dấn thân vào thử thách. Nếu các em không có sự nâng đỡ, động viên của gia đình, bạn bè thì các em gặp nhiều khó khăn không biết giải quyết sao cho trọn vẹn.

Theo anh Hải Nguyễn, tại Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp nói riêng, hay các Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ở các giáo xứ khác, trong sinh hoạt, các Huynh Trưởng luôn tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội gắn bó với văn hóa Việt, những sinh hoạt định kỳ vào những dịp đặc biệt như văn nghệ mừng Tết Trung Thu, cho các em đóng những vở kịch theo chuyện cổ tích xưa như Tấm Cám… bằng tiếng Việt.
Không chỉ bảo tồn văn hóa Việt, mà sinh hoạt của đoàn TNTT còn giúp các em tham gia những đóng góp cho cộng đồng, như vào dịp lễ Tạ Ơn, đoàn cùng những đoàn thể khác tổ chức buổi phát quà cho người vô gia cư…

Ngành Nghĩa Sĩ tại Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp có khoảng 40 em. Anh Hải Nguyễn cho rằng các em ngành Nghĩa Sĩ là lứa tuổi rất năng động, nên hình thức sinh hoạt phải khác với ngành Ấu và ngành Thiếu. Mỗi tháng, đoàn luôn tổ chức cho các em đi leo núi. Các em lứa tuổi ngành Nghĩa Sĩ là tuổi “teen,” tuổi các em lớn thì chưa lớn, mà nhỏ thì cũng không còn nhỏ nữa, đầy biến động về tâm sinh lý, nên các Huynh Trưởng phải thật khéo với các em và phải hiểu rõ tâm lý lứa tuổi này.

Anh Hải Nguyễn nói, “Theo kinh nghiệm của tôi, để các em gắn bó với đoàn, những thời gian rãnh rỗi, luôn tạo cơ hội để các em tìm chương trình lành mạnh tham gia, các em sẽ bỏ hết sức vào đó thay vì đi phá làng phá xóm.

“Theo cách truyền thống của Việt Nam trước đây, hay phê phán những cái sai của các em, phạt khi các em làm sai, nhưng theo cách của Mỹ, luôn cổ võ các em sao cho tốt hơn. Những em hay phá phách ở lứa tuổi thanh thiếu niên là vì các em có quá nhiều năng lượng, các em quá năng động, nên chỉ cần giao cho em đó chức vụ gì đó, công việc gì đó để em tiêu hết năng lượng vào, thì sẽ trở thành một người hữu dụng trong đoàn. Những điều nhỏ nhoi như vậy, khi chúng tôi đi huấn luyện, thì mới biết. Chứ còn nếu theo kiểu Việt Nam, khi các em làm sai, bắt các em hít đất, khẽ tay… là không nên.”

Anh Hải Nguyễn cho biết thêm, “Vào dịp lễ giáng sinh hằng năm, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp thường tổ chức cho các em đi thăm người già tại Viện Dưỡng Lão, phục vụ văn nghệ cho các cụ tại đây với những bài hát giáng sinh. Hoặc tổ chức những sinh hoạt khác như đi hiking, thường là tổ chức vào buổi sáng sớm Chủ Nhật (là ngày sinh hoạt định kỳ của đoàn) tại những khu vực núi đồi ở giữa Quận Cam và Los Angeles, đi đến đó khoảng 40 phút.

“Khi đi như vậy, luôn có phụ huynh đi chung, đây là cơ hội cuối để phụ huynh cùng chơi với con, vì khi các em vào đại học, đi học xa, các em sẽ bay xa khỏi vòng tay bố mẹ, hoặc các em không còn thích đi chơi với bố mẹ nữa. Thường những lần đi dã ngoại này, không chỉ các em sinh hoạt với nhau, phụ huynh cũng có thời gian hòa nhập với sinh hoạt của đoàn luôn.”

Anh Hải Nguyễn kể rằng thường mỗi tháng, Đoàn có một chương trình ngoại khóa như vậy cho các em ngành Nghĩa Sĩ , chia đều ra, có tháng thì tổ chức cho các em và phụ huynh cùng đi chơi boling, tháng 3 đi hiking, tháng 4 đi cắm trại nguyên đoàn (đi từ thứ 6 đến Chủ Nhật về). Lễ tạ ơn, tổ chức cung cấp đồ ăn và văn nghệ cho người vô gia cư ngay tại nhà thờ, mời người vô gia cư bằng cách đi phát Flyer cho họ biết. Mục đích muốn các em là người Ky tô hữu tốt và đóng góp cho cộng đồng.

Được biết hầu hết các huynh trưởng của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhà thờ St Polycarp đều có thời gian gắn bó với đoàn, bắt đầu từ ngành ấu lên ngành thiếu, trãi qua thời gian gắn bó dài lâu với đoàn, khi trưởng thành, trở thành huynh trưởng đóng góp lại cho đoàn.

Anh Hải Nguyễn chia sẻ, “Chúng tôi rất tự hào với tổ chức đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, tôi nhận thấy Đoàn ngày càng lớn mạnh, chứ không bị mai một trên đất Mỹ, khi vẫn còn những đoàn thể như thế này, sẽ không sợ văn hóa Việt bị mai một. Bên cạnh các huynh trưởng, luôn có những phụ huynh đồng hành cùng các huynh trưởng, truyền những kinh nghiệm về văn hóa Việt, để giúp dạy cho các em yêu và gắn bó với cội nguồn, dù các em sinh ra và trưởng thành nơi xứ người, cùng tiếp tay với các Huynh Trưởng xây dựng lý tưởng của Phong Trào: Đào luyện các em thành những Kitô Hữu nhiệt thành và công dân tốt.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT