Văn Nghệ

Tưởng nhớ cố nhạc sĩ Nhật Trường- Trần Thiện Thanh

Friday, 19/05/2017 - 08:29:11

Mỹ Lan và Xuân Lan đem đến cho người nghe những nỗi niềm xa vắng, sâu thẳm nhất trong trái tim khi lắng nghe cả hai song ca “Có Phải Là Tình Yêu”.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong đêm nhạc tưởng nhớ 12 năm cố ca nhạc sĩ Nhật Trường- Trần Thiện Thanh, chủ đề “Anh Không Chết Đâu Anh” đã diễn ra tối thứ Sáu ngày 12 tháng 5 năm 2017 tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant (Westminster), ca sĩ Mỹ Lan (vợ của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường- Trần Thiện Thanh, là người thực hiện buổi diễn này) đã thật khéo léo khi dàn dựng, nối kết các tiết mục và chọn bài hát cho từng ca sĩ, từng đôi song ca, tam ca, để tạo nên những gắn kết thật đẹp trong phần âm nhạc, đem đến thú vị cho người xem, với nhiều dư vị đẹp và nỗi niềm xúc động.


Ca sĩ Mỹ Lan và Đức Vượng cùng hát “Người Lính Không Quân Trang” và “Đôi Tiếng Tự Do” mở đầu đêm nhạc “Anh Không Chết Đâu Anh” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Mở đầu đêm nhạc là nhạc cảnh gồm 2 bản nhạc “Người Lính Không Quân Trang” và “Đôi Tiếng Tự Do”, dù được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác nhiều năm trước khi ông mất, nhưng tính thời sự của 2 ca khúc đến nay vẫn còn. 2 ca khúc này đã được ca sĩ Mỹ Lan và Đức Vượng cùng hát vang kết hợp với phần minh họa của các thành viên của Hội bảo tồn truyền thống QLVNCH tay cầm lá cờ vàng và những biểu ngữ, từ bên ngoài cửa tiến dần lên sân khấu hòa trong sắc vàng rực của những lá cờ VNCH được ban tổ chức phát ra cho các khán giả ngồi kín hết trong khán phòng nhà hàng cùng giơ cao lá cờ, tạo nên khí thế với hình ảnh những đoàn người biểu tình của đồng bào hải ngoại để yểm trợ cho đồng bào quốc nội xuống đường đòi Tư do- Dân chủ cho người dân, và tố cáo sự khiếp nhược, yếu hèn của chính quyền trước sự xâm lấn của Trung cộng. Là tiết mục đã đem đến nhiều xúc động cho các khán giả.


Ca sĩ Mai Lệ Huyền hát “Tình Có Như Không,” “Sao Anh Không Nói” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Giá trị của các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
Những ca khúc ngợi ca người lính VNCH, về tình yêu của người lính, nỗi nhớ về hậu phương, khát khao hòa bình của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là những ca khúc vẫn có một sức sống bền bỉ và một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc. Bởi mỗi ca khúc là một lời tâm tình làm nao lòng người nghe, không giáo huấn, không hô hào cứng nhắc, mà là sự tái hiện chân thực, giàu cảm xúc về những người lính VNCH, người yêu, người vợ của lính.

Mỗi người mỗi vẻ, mỗi cặp mỗi nét, bên cạnh những giọng ca nổi tiếng một thời, đến nay vẫn được gìn giữ tiếng hát đẹp trong trái tim mến yêu của khán giả, như Mai Lệ Huyền, Carol Kim, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Băng Châu, Quốc Anh, Mỹ Lan, là những giọng hát trẻ hơn, nhưng cũng đầy nội lực của Mỹ Huyền, Khánh Hoàng, Nguyễn Tiến Dũng, Xuân Lan, Đức Vượng, Vy Lan, Philip Huy, Anh Chí. Mạch cảm xúc của đêm nhạc còn được dẫn dắt bởi MC Đỗ Thanh với phần dẫn dắt thật súc tích. Âm nhạc và âm thanh do The Young Brothers Band phụ trách, phụ diễn minh họa các tiết mục do Hội bảo tồn truyền thống QLVNCH đảm nhận. Tất cả cùng nhau tạo nên những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời cho chương trình.


Từ trái qua phải ca sĩ Đức Vượng, Quốc Anh, Anh Chí hát “Người Ở Lại Charlie” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nỗi khắc khoải của tình yêu mong manh trong thời chiến
“Gọi Tên Anh Là Lính” được tiếng hát Trang Thanh Lan thể hiện thật thiết tha, u hoài. Phương Hồng Quế và Trang Thanh Lan cùng song ca “Không Bao Giờ Ngăn Cách” đầy sống động.

“Tạ Từ Trong Đêm” được Phương Hồng Quế hát, đầy u uẩn, thật buồn mênh mang. Tiếng hát Nguyễn Tiến Dũng đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp trữ tình rất đỗi nồng nàn của “Hoa Trinh Nữ”. Giọng hát trầm ấm của Khánh Hoàng dễ dàng chinh phục người nghe khi hát “Mùa Xuân Lá Khô.” Giọng ca Đăng Vũ thật da diết, đưa khán giả về lại một vùng ký ức vui buồn của ngày tháng cũ, còn mãi những niềm vui lẫn nỗi đau đã mất qua ca khúc “Lời Tình Viết Vội.”

Bằng vẻ đẹp của lời ca và giai điệu và tất cả cảm xúc của mình, cả ba nam ca sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khánh Hoàng, Đăng Vũ cùng hát “Tình Thư Của Lính”, đã đưa khán giả chìm vào những phút giây trầm lắng, khiến tâm tư họ quyện vào bản tình ca mà người nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh để lại cho đời.
Chất giọng ngọt ngào, đầy sâu lắng, yêu thương của Vy Lan khi thể hiện “Người Yêu Của Lính”. Mỹ Huyền thật truyền cảm, tinh tế khi hát “Ai Nói Yêu Em Đêm Nay”. Philip Huy đầy lôi cuốn khi ca “Khi Người Yêu Tôi Khóc”. Anh cùng Mỹ Huyền song ca, khi náo nức, khi tha thiết đã tạo nên nét hài hòa, nhịp nhàng qua “7 Ngày Đợi Mong”.

Mỹ Lan và Xuân Lan đem đến cho người nghe những nỗi niềm xa vắng, sâu thẳm nhất trong trái tim khi lắng nghe cả hai song ca “Có Phải Là Tình Yêu”.

Tiếng hát mạnh mẽ, nhưng cũng rất đỗi nồng nàn của nam ca sĩ Quốc Anh đem lại thích thú cho người nghe khi hát “Cho Anh Xin Số Nhà” và “Gặp Nhau Làm Ngơ”.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền (hát Tình có như không, Sao anh không nói) và Carol Kim (hát Tình đầu- tình cuối, Tuyết trắng, cả hai đều được Rmix lại theo nhịp điệu sôi động, rất mới, lạ) dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng hai chị vẫn giữ được vẻ đẹp trẻ trung, giàu sức sống của mình, mỗi chị với chất giọng “rực lửa”, bước nhảy nóng bỏng sở trường của mình, mỗi người mỗi vẻ, đã đem lại sự phấn khích cho người nghe khi các chị đơn ca trong đêm nhạc.

Nhưng có lẽ lấy nhiều nước mắt của khán giả nhất là nhạc cảnh “Chiến Tranh Và Hòa Bình”, được nối kết gồm 5 ca khúc qua các tiếng hát. Với nhiều cung bậc cảm xúc, những ám ảnh, những trăn trở, những nỗi đau chia cắt của những mối tình mong manh trong thời chiến, những giọt nước mắt của người vợ trẻ khóc người tử sĩ…
Đắm mình trong giai điệu đẹp, ca từ xúc động, Anh Chí nay đã ra dáng thanh niên, thật vững vàng và thể hiện rất hay ca khúc “Chiều Trên Phá Tam Giang.”


Ca sĩ Mỹ Lan thổn thức khi hát “Người Chết Trở Về” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tiếng hát của Anh Chí hòa giọng với ca sĩ Quốc Anh- Đức Vượng, cùng nương vào nhau để thăng hoa, mang lại cho khán giả một không gian đầy khắc khoải, nhớ thương khi cả ba cùng hát “Người Ở Lại Charlie”.
Cả không gian của buổi diễn dường như chùng xuống, một cảm xúc thật đớn đau bao trùm toàn bộ sân khấu khi ca sĩ Mỹ Lan với ca khúc “Người Chết Trở Về”, ca sĩ- diễn viên điện ảnh Băng Châu với “Từ Đó Em Buồn”. Tiếng hát giàu cảm xúc của cả hai đã khiến không ít khán giả rơi lệ khi nghe lại 2 ca khúc này. Bởi những nỗi đau rất thật của dân tộc tưởng đã chôn vùi với thời gian, nhưng nó vẫn còn nhức nhối trong trái tim nhiều người Việt lưu vong.

Và trước khi ca khúc cuối cùng, cũng là ca khúc chủ đề đêm nhạc “Anh Không Chết Đâu Anh” với tiếng hát của Anh Chí và Băng Châu, khán giả không khỏi bồi hồi, rơi lệ khi ban tổ chức chiếu lên màn hình những hình ảnh diễn xuất của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong vai chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Đại úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương, tái hiện phần nào sự hy sinh bi hùng của Đại Úy Nguyễn Văn Đương tại chiến trường Hạ Lào, trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719.


Các ca sĩ cùng Anh Chí, Băng Châu (áo dài đen), Mỹ Lan hát vang ca khúc “Anh Không Chết Đâu Anh,” chào tạm biệt khán giả kết thúc đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Anh Chí giọng hát rất hay, cộng với sự trình diễn chuyên nghiệp, không kém ca sĩ nhà nghề, làm cho khán giả bồi hồi nhớ lại điệu bộ, dáng dấp, phong cách của ca nhạc sĩ Nhật Trường lúc sinh tiền, khi em cùng diễn xuất với ca sĩ diễn viên Băng Châu trong nhạc cảnh này, đã giúp cho tiết mục lưu lại sâu trong trái tim khán giả. Nhất là với những người lính, những người vợ, người yêu của lính có mặt trong buổi diễn, càng “thấm” hơn những nỗi đau mà họ đã từng trãi qua, nhớ lại những thời khắc bi tráng, những tan nát của chiến tranh, đớn đau của cả một dân tộc trước họa cộng sản.

Đây cũng là ca khúc được ca sĩ Mỹ Lan chọn kết đêm nhạc, như một lời minh chứng rất ý nghĩa về một phần lịch sử đã qua của miền Nam Việt Nam. Dẫu thời cuộc thay đổi nhưng lý tưởng mà những chiến binh VNCH đeo đuổi vẫn bất diệt với thời gian.
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT