Người Việt Khắp Nơi

Tưởng Niệm 49 Năm Bồ Tát Thích Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân

Quốc Hương/Viễn Đông Sunday, 24/06/2012 - 07:27:38

Giáo Sư cũng nhắc nhở đến Đơn Xin Thiêu Thân mà Ngài gởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ : “Nguyện luôn son sắc bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật Giáo Đồ Việt Nam”.

Quốc Hương/Viễn Đông

SANTA ANA - “Lửa, lửa cháy ngất tòa sen. Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống. Hai vầng sáng rưng rưng, Đông Tây nhòa lệ ngọc chắp tay đón môt mặt trời mới mọc. Ánh đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên. Ô đích thực hôm nay trời có mặt. Giờ là hoàng đạo nguy nga. Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt. Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la. Nam Mô Đức Phật A Di Đà...” - Bài thơ “Lửa Từ Bi” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương được Sư Cô Lệ Y, hậu duệ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, diễn ngâm tại Lễ Tưởng Niệm Lần Thứ 49 Bồ Tát Thích Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân, Truy Tán Công Hạnh Tứ Vị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong Khóa An Cư Kiết Hạ Tu Học Mùa Hè 2012 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức tại Chùa Bát Nhã ở Santa Ana.


Hòa Thượng Thích Nguyên Trí Viện Chủ Chùa Bát Nhã; Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa và Hòa Thượng
Thích Thắng Hoan quang lâm Lễ Đài Chùa Bát Nhã và cung kính trước bàn thờ của Bồ Tát Thích Quảng Đức - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Lễ tưởng niệm mở đầu có phút nhập từ bi quán tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức và Tứ Vị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Thượng Tọa Thích Nhật Trí điều hợp và kết thúc với nghi thức tưởng niệm các Ngài do Hòa Thượng Thích Phước Thuận chủ lễ, với trưởng ban tổ chức là Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ Chùa Bát Nhã.
Đạo Hữu Nguyễn Văn Sâm, nguyên Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975 nhắc nhở lời Hòa Thượng Thích Quảng Đức trong Lời Nguyện Tâm Quyết của Ngài để lại (có cả tài liệu viết bằng chữ Nôm): “Một là mong ơn Trời Phật gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật Giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo. Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt. Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác. Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác cái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo...”. Giáo Sư cũng nhắc nhở đến Đơn Xin Thiêu Thân mà Ngài gởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ : “Nguyện luôn son sắc bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật Giáo Đồ Việt Nam”.
Giáo Sư cũng chia sẻ vài suy nghĩ về vụ tự thiêu này:“Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ý nghĩa của hành động bi hùng này có nhiều nhưng ngay lúc đó không ngoài việc Ngài đã dùng chính thân xác mình để đốt đuốc soi đường cho những ai dính dáng xa gần đến cuộc đàn áp và tranh đấu của Phật Giáo dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm.Gần 50 năm qua, thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử này không phải như một kỷ niệm đau buồn, cũng không phải như một kiến thức lịch sử mà là để rút ra bài học cho những bướctiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội này”.
Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Quyền Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, đã tuyên đọc Tiểu Sử Bồ Tát Thích Quảng Đức do Môn Đệ Pháp Quyến biên soạn:
“Hòa Thượng Thích Quảng Đức, Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp, và thế danh là Lâm Văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là cụ Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Nương. Năm lên 7, Hòa Thượng xuất gia tu học với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là Thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Ngài được Hòa Thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi Hòa Thượng thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ Tỳ Kheo giới. Thọ giới xong Hòa Thượng vào một ngọn núi Ninh Hòa phát nguyện tịnh tu 3 năm, bặt dứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (về sau Ngài đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc). Sau khóa tu 3 năm, Ngài rời núi để bắt đầu công cuộc hoằng dương Phật Pháp, nhưng 2 năm đầu, Hòa Thượng đã thực hiện pháp hạnh đầu đà, một mình với chiếc bình bát khất thực đó đây để gieo duyên lành với chúng sanh. Sau 2 năm mãn nguyện, Ngài trở lại nhập thất tại Chùa Sắc Tứ Thiên Ân tại Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, Đại Lão Hòa Thượng Hải Đức đến tận nơi Ngài đang nhập thất thăm hỏi và mời Ngài về làm chứng minh Đạo Sư cho Chi Hội Phật Giáo Ninh Hòa trong 3 năm. Sau đó Ngài nhận nhiệm vụ Kiểm Tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hoằng Pháp tại các tỉnh miền Trung, Hòa Thượng Quảng Đức đã kiến tạo hoặc trùng tu tất cả là 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để tiếp tục sứ mạng bảo vệ và phát triển Chánh Pháp, Hòa Thượng đã đi khắp các tỉnh miền Nam để giáo hóa. Hòa Thượng cũng từng đến Campuchia 2 năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, 20 năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy Ngài đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng, nơi Ngài trụ trì là Chùa Quan Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định (nay con đuờng này đã đổi tên thàn chính tên của Ngài là Thích Quảng Đức).
Tưởng cũng nên nhắc lại, Ngài đã từng giữ chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng Ban Nghi Lễ của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, theo lời thỉnh cầu của Ban Trị Sự, Ngài có lúc đã nhận nhiệm vụ Trụ Trì Chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Nam Việt. Khi trụ sở này dời về Chùa Xá Lợi, Ngài xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm. Ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão, nhằm ngày 11-6-1963, trong một cuộc diễn hành của gần 1000 Tăng Ni để đòi hỏi chính sách Bình Đẳng Tôn Giáo và sự tôn trọng lá cờ Phật Giáo, Hòa Thượng Quảng Đức đã nhận ra được Chánh Pháp là ngọn đuốc thần soi sáng thế nhân, còn thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm, Ngài bèn quyết định thực hành nguyện ước là tự thiêu thân để cúng dường Phật Pháp, và cũng để làm động cơ thúc đẩy chính phủ giải quyết gấp rút 5 nguyện vọng của Phật giáo và giải tỏa 3 ngôi chùa ở Huế đang bị vây khốn. Chính vì thâm nguyện ấy cho nên Ngài đã tẩm xăng ướt mấy lớp cà sa, rồi ngồi kiết già ở giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Ngài đã tự tay châm ngọn lửa. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa, gương mặt không lộ vẻ hãi sợ, lo âu. Gần 15 phút sau, lửa tàn và Ngài đã ngã xuống, trên tay vẫn còn quyết ấn cam lồ. Và đây là lời nói cuối cùng của Ngài trước khi giác linh theo ngọn khói về cùng với Phật: Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở. Tôi tha thiết kêu gọi chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật Tử đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật Giáo. Dù Ngài đã thị tịch, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn khắc sâu in đậm vào lòng của người con Phật. Cái chết vô cùng cao quý của Ngài đã gây xúc động mạnh trong mọi giới, là một gương sáng cho tòan thể Phật Giáo Đồ trên khắp thế giới”.
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Tổng Thư Ký Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ đã có Lời Giáo Đầu lễ tưởng niệm: “Gần một nửa thế ký qua, ngọn lửa từ bi của Bồ Tát Thích Quảng Đức luôn rực sáng trong tận cung tâm thức của những người con Phật trên quê hương Việt Nam và trên thế giới. Ngọn lửa từ bi được thắp sáng bằng nhục thân, bằng chí nguyện của bậc xuất trần giữa cõi đời ác năm trước. Ngọn lửa ấy đã để lại trái tim bất diệt, trái tim của bậc Thánh giả tánh đức từ bi, siêu thóat hóa thân vào đời mà hóa độ. Sự hi hiến thân mình mà bảo vệ đạo pháp được trường tồn, cho quê hương được tự do, công lý và bình đẳng tôn giáo của loài người trên hành tinh này. Hôm nay trong đạo tràng an cư kiết hạ tại Chùa Bát Nhã, đông đảo chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni cùng chư vị Thiện Nam Tín Nữ Phật Tử thành kính thiết lễ tưởng niệm lần thứ 49 Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cùng truy tán công hạnh của 4 vị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, suốt đời đã hy sinh vì hạnh nguyện lợi sanh, độ đời kham nhẫn. Tinh thần kham nhẫn đã viết nên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam đại hùng, vô úy. Hình ảnh của các bậc Kỳ Túc, Tượng Vương đã sống cho nguồn sống ý thức tự chủ, độc lập của quê hương, dân tộc, và đã chết thì cũng chết cho sự tự tồn của con dân nước Việt, Lạc Hồng. Như bài thơ của Trụ Vũ đã nói: Việt Nam và Phật Giáo, Phật Giáo và Việt Nam ngàn năm xương thịt kết liền, tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng... Trang sử Việt Nam yêu dấu thơm ướp hương trầm nghe trong tim Lý, Lê, Trần có 5 cánh đạo nở bừng nguy nga. Chừng ấy không thôi cũng để nói lên ý nghĩa hiến dâng xuyên suốt qua các triều đại, xuyên suốt thời gian trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2 ngàn năm qua. Ngọn Lửa Từ Bi, Trái Tim Bất Diệt và sự hy sinh thân mạng vì lý tưởng bảo vệ cái phải, cái đúng, cái trình tự giống nòi và yêu thương của chư Tăng Ni Phật Tử suốt nhiều thập niên qua là những dấu ấn chơn thật, công bằng in đậm trên quê hương”.
Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, Phó Chủ Tịch Nội Vụ Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm, Hòa Chủ Đạo Tràng An Cư Kiết Hạ năm 2012 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Viện Chủ Chùa Bát Nhã đã có Diễn Văn Khai Mạc lễ tưởng niệm: “Đây là lần thứ 49 Lễ Tưởng Niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức và chư Tôn Đức Tăng Ni Phật Tử Vị Pháp Xả Thân. Lễ này được tổ chức không phân biệt xuất gia hay tại gia, là nhằm tưởng nhớ và noi gương công đức của các bậc tiền bối, là hoài niệm những việc đã qua để rút tỉa kinh nghiệm sinh hoạt của cộng đồng Phật Giáo trên căn bản đạo pháp và dân tộc... Ngọn lửa đại hùng, đại lực đại từ bi trí dũng của Bồ Tát Thích Quảng Đức và chư Tăng Ni Phật Tử đã nêu cao lý tưởng chánh pháp, để lại một bài học cho lịch sử và tạo sự khâm phục cũng như ngưỡng mộ của toàn thế giới. Ngoài Bồ Tát Thích Quảng Đức, về phía Tăng Ni còn có Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, Thích Thiện Lai, cùng với chư Đại Đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Thiện Huệ, Như Hải, Huệ Hồng, Hạnh Đức, Sa Di Giác Thàn và chư Ni Diệu Quang, Diệu Tri, Thanh Quang, Trí Túc, Trí Chơn, Huệ Lạc, Thông Tuệ, Liên Tập... Về hàng Phật Tử có các cư sĩ Hồng Thể, Yến Phi, Nguyên Sanh, Thị Văn, Ngọc Tuyền, Tâm Bạch, Thị Huệ, Nhất Chi Mai, Tâm Mậu... Hôm nay 49 năm sau, ngọn lửa từ bi vẫn còn sáng rực nơi người Phật Tử Việt Nam, lửa từ bi đã đốt cháy độc tài gia đình trị, đang và sẽ tiếp tục độc tài chuyên chế để giành lại cho Việt Nam tự do và hạnh phúc”.
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, trong phần Cảm Từ, đã nói: “Xin thay mặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, tôi thành tâm tri ân quý vị về đây cùng giáo hội suy niệm về hạnh nguyện vị Pháp thiêu thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức, cùng công hạnh 4 đời Tăng Thống từ Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, đến Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang... Ngọn lửa của Bồ Tát đã khẳng định con đường của Phật Giáo Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ, đó là Đại Bi Tâm, Hùng Lực và Tuệ Giác. Bốn đời Tăng Thống trong 48 năm qua của Phật Giáo Việt Nam đã tiếp nối con đường đó. Thời gian, bối cảnh lịch sử, chế độ có khác, nhưng con đường đi của Phật Giáo vẫn nhất quán từ trước đến nay. Vì Hùng Lực trong Đại Bi Tâm mà các Ngài đã sẵn sàng vào trong lao ngục, hoặc bị trói buộc hay phỉ báng bởi những thế lực vô minh. Dù nghiệt ngã đến mức độ nào đi nữa, các Ngài vẫn rực sáng như nhật nguyệt và bao la như biển rộng. Hôm nay chúng con quỳ lạy dưới chân quý Ngài để xin thêm lực cho chúng con, những người con Phật chọn Hoa Kỳ làm nơi đất sống. Xin gia lực cho chúng con thêm lòng từ, để chúng con nương tựa với nhau và thắp sáng cho một đạo Phật nơi đây”.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT