Văn Nghệ

Tưởng niệm Tháng Tư với chiều nhạc du ca "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ"

Friday, 05/05/2017 - 08:06:23

Những trái tim Việt Nam cảm nhận được thân phận người dân của “thế nước yếu” và ý nghĩa cao cả của hai chữ “hy sinh”, khi hai tiếng ấy vang lên như một.

Bài BĂNG HUYỀN

Có rất đông khán giả đã đến dự chiều nhạc du ca, chủ đề “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” vào chiều Chủ Nhật, 30 tháng Tư, 2017 tuần qua, tại hội trường nhật báo Người Việt do Đoàn Du Ca Nam Cali tổ chức. Người đến trễ không còn ghế ngồi, phải đứng chen chúc nhau dọc các lối đi, mà vẫn kiên nhẫn ở lại cho đến phút cuối chương trình, còn người đến trễ hơn, không thể len vào được bên trong, đành ngậm ngùi ra về. Người hát và người nghe đã có 3 giờ đồng hồ bên nhau, cùng tưởng niệm tháng tư đen, cùng ôn lại trang sử hào hùng chống giặc phương Bắc của ông cha, cùng hoài niệm về miền Nam trù phú xưa kia, một Quê Hương tươi đẹp đã vĩnh viễn lìa xa và sẻ chia những nỗi khổ mà đồng bào trong nước phải đối diện hiện nay.


Đoàn Du Ca Nam Cali hát vang ca khúc Hội Nghị Diên Hồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vang vọng những bài sử ca và hùng ca
Như vọng về từ ngàn xưa, như thúc giục mọi người về lại với hào khí của bản hùng ca vang dậy non sông, như hơi thở của hồn thiêng sông núi, chạm đến tận sâu trái tim người nghe, lâng lâng, lan tỏa khi các ca viên của Đoàn Du Ca Nam Cali, các ca viên của ban hợp xướng Ngàn Khơi cất vang tiếng hát. Giúp người nghe ôn lại chiều dài lịch sử chống giặc phương Bắc của ông cha với những trang sử bất khuất, với các địa danh từng ghi dấu những chiến công oai hùng như Mê Linh, Bạch Đằng Giang, Đống Đa, Lam Sơn, Diên Hồng... Với cuộc khởi nghĩa của hai vị anh thư nước Việt, hai nữ nhi đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân Âu Lạc chống lại thế lực phong kiến phương Bắc vào năm 40 sau công nguyên, qua ca khúc “Trưng Nữ Vương” (Thẩm Oánh); ca khúc Bạch Đằng Giang (Lưu Hữu Phước) nhắc đến con sông nổi tiếng với những trận thủy chiến có 3 chiến công đã ghi vào sử sách [năm 938 của Ngô Quyền -vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong chiến thắng quân Nam Hán, năm 981 Hoàng đế Lê Đại Hành thắng quân Tống và năm 1288 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Nguyên]; ca khúc Đại phá quân Thanh (Hoàng Thi Thơ) nhắc lại chiến thắng của anh hùng áo vải Hoàng Đế Quang Trung; Ca khúc “Đêm Lam Sơn” (Thanh Thoại) kể về cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo và đã giành lại độc lập cho nước Đại Việt; Ca khúc “Bóng Cờ Lau” (Hoàng Quý) gợi nhớ anh hùng Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, trở thành hoàng đế đầu tiên (Đinh Tiên Hoàng) của Việt Nam sau thời Bắc thuộc và đặc biệt với bài “Hội Nghị Diên Hồng” (của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) mô tả lại hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước, để trưng cầu ý dân: nên đánh hay nên hòa.
Đã lay động lòng người, thúc giục:


Du ca viên Phạm Ngọc Thảo hát “Đêm Nguyện Cầu” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Toàn dân nghe chăng! Sơn hà nguy biến

Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển

Tuôn dày non sông rền vang tiếng vó câu

Gây oán nghìn thu
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến

Quyết chiến!

Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến

Quyết chiến!”


Tổ quốc lâm nguy, sơn hà nguy biến, hiểm họa mất nước dường như chắc chắn. Tại Hội Nghị Diên Hồng, các bô lão quyết định: quyết chiến.

Hội nghị đã kết nối được hàng trăm anh hùng hào kiệt khắp trong thiên hạ, cùng toàn dân một lòng hun đúc, khẳng khái đứng lên vì nghĩa lớn! Nhiệt huyết của họ phải chăng đã thấu tận trời xanh?

Và không phải một, mà là ba lần, cha ông ta đã đánh thắng đoàn quân chưa từng nếm mùi thất bại - Vó ngựa viễn chinh quân Mông Cổ bị chặn đứng, ngay tại biên giới Đại Việt!

Quyết chiến luôn

Cứu nước nhà

Nối chí dân hùng anh

Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?

Hy sinh!

Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?

Hy sinh!”

Những trái tim Việt Nam cảm nhận được thân phận người dân của “thế nước yếu” và ý nghĩa cao cả của hai chữ “hy sinh”, khi hai tiếng ấy vang lên như một.


Bé Anthony Nguyễn hát “Chiến Sĩ Vô Danh” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khán giả trong khán phòng của chiều nhạc đã cùng hô vang “quyết chiến”, “hy sinh” để hòa cùng các ca viên của Đoàn Du Ca Nam Cali khi bài hát này vang lên. Khí thế năm xưa đã lan rộng đến bao trái tim Việt Nam “ly hương”, để thêm tự hào với hào khí của cha ông và càng nhức nhối với hiện thực ngày nay, trước họa xâm lăng của Trung Cộng, cùng sự bạc nhược của nhà cầm quyền Việt Nam.


Khán phòng đông kín khán giả thưởng thức chiều nhạc du ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Dòng nhạc du ca
Không chỉ với bài “Hội Nghị Diên Hồng”, mà tất cả những bài hát trong chương trình đều được chiếu lời ca lên màn ảnh bằng hệ thống projector, nhờ vậy mà phần lớn những bài do Đoàn Du Ca Nam Cali ca, có vài đoạn ban tổ chức mời khán giả cùng tham gia hát chung, tạo nên không khí hòa mình, gắn kết giữa người ca và người nghe. Cùng với sự điều hợp của trưởng Thiên Hương (Liên đoàn hướng đạo Hướng Việt và là một thành viên của du ca Nam Cali) hướng dẫn khán giả tham gia đố vui có thưởng, nhắc lại những chiến tích oai hùng của ông cha, những mốc lịch sử quan trọng, đã tạo nên không khí của một buổi sinh hoạt cộng đồng, chứ không còn là một buổi trình diễn văn nghệ đơn thuần nữa.

Nếu những ca khúc trong phần đầu chương trình gợi lên cảm xúc hào hùng qua những chiến thắng của cha ông chống quân xâm lược phương Bắc, thì những ca khúc phần sau khiến người nghe không khỏi phẫn nộ, đau xót cho người dân trong nước trước sự yếu hèn Trung Cộng của chính quyền Việt Nam và khao khát tự do, công bình, bác ái nơi người dân, qua những bài hát kêu gọi cho tôi được quyền yêu nước, cho tôi được quyền đấu tranh cho đất nước, với ca khúc “Việt Nam ơi” (Trúc Hồ), và những ca khúc mới của các nhạc sĩ du ca trong nước như “Trả Lại Cho Dân” (Lưu Quốc Nam), “Nhà Việt Nam vẹn toàn” (Trần Huân), “Tôi tin” (Trần Huân), và những ca khúc du ca của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang “Ngồi quanh đây ta hát”, Đuốc hồng tuổi trẻ”, “Không phải là lúc”, “Những nụ bông cau” (nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng). Chính qua những sáng tác này giúp những ai chưa phải là du ca viên hiểu được dòng nhạc du ca và tinh thần du ca, là phong trào “không phải là hát chỉ để giải trí mà những bài hát du ca được hát lên để tạo niềm tin, để tạo sự lạc quan, kỳ vọng vào ngày mai tươi sáng hơn, thúc giục lòng người bỏ những bon chen, không vô cảm, biết rung động để sẵn sàng dấn thân, tham gia những công tác cộng đồng. Người du ca dùng phương tiện lời ca tiếng hát, sống với nhau và mọi người bằng tình cảm rất chân thành theo tuổi tác. Tất cả đều là anh chị em với nhau, dễ gần nhau, dễ thân thiện, dễ tin tưởng vào nhau.”



Các bạn trẻ từ trái là Minh Nguyên- Mê Linh- Đan Tâm- Việt Hải hát “Việt Nam Ơi.” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Chương trình không chỉ có những ca khúc được thể hiện qua phần hợp ca được hát rất hay từ những ca viên của Đoàn Du Ca Nam Cali và nhất là từ những ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, họ đã thật xuất sắc khi gửi đến người nghe vẻ đẹp của các tác phẩm âm nhạc với phần hòa giọng tuyệt vời, thật nhịp nhàng, đúng chỗ, đúng lúc, đúng thanh điệu, âm sắc với những mảng bè được phối đủ màu sắc. Chương trình còn có phần hát đơn ca giàu cảm xúc của ca sĩ Anh Dũng, ca sĩ Nam Trân, du ca viên Phạm Ngọc Thảo, bé Anthony Nguyễn (liên đoàn Hướng Việt) ca ngợi vẻ đẹp bình dị của những người lính VNCH, đã hy sinh máu xương để bảo vệ miền Nam tự do, nhưng cuối cùng cũng đành buông súng trước sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt để mất miền Nam. Nếu bé Anthony Nguyễn đem lại thích thú cho người nghe bởi sự tự tin, dạn dĩ, giọng hát vang, khá rõ lời khi hát “Chiến sĩ vô danh” (Phạm Duy), thì giọng hát nồng đượm của ca sĩ Anh Dũng [hát “Anh đi chiến dịch” (Phạm Đình Chương), với phần bè của du ca viên Đỗ Trọng Thái, Nguyễn Trọng Hoàng, Phạm Đình Ngà; Người tình không chân dung (Hoàng Trọng), Hải ngoại thương ca (Nguyễn Văn Đông)]; giọng nữ cao thánh thót của ca sĩ Nam Trân [hát Anh không chết đâu anh (Trần Thiện Thanh), Mộng đẹp ngày xanh (Hoàng Trọng)]; giọng trầm ấm của du ca viên Phạm Ngọc Thảo [hát Hoa soan bên thềm cũ (Tuấn Khanh), Đêm nguyện cầu (Anh Bằng)] đã chinh phục người nghe với vẻ đẹp của giọng hát giàu tính tự sự, chân thật. Họ đã hát bằng tất cả trái tim thổn thức của mình, chuyển tải đến người nghe tiếng lòng của người nhạc sĩ thật nhiều cảm xúc, đem lại cho người nghe sự giao cảm tuyệt vời.


Ca sĩ Nam Trân hát “Anh Không Chết Đâu Anh” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ngợi ca người lính VNCH và tình yêu với quê hương
Ngoài những tiếng hát đơn ca, đan xen còn là phần hòa giọng của tứ ca Nguyễn Trọng Hoàng, Thiên Hương, Thanh Hương, Đình Hiếu hát Những nụ bông cau (Nguyễn Quyết Thắng); Song ca Thiên Hương- Ngà hát “Tôi tin” (Trần Huân); Tốp ca nữ (các em trong Liên đoàn Hướng Việt) hát “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy); Em Mê Linh cùng 3 bạn trong Liên đoàn Hướng Việt hát “Tình ca” (Phạm Duy); Và tứ ca Việt Hải- Đan Tâm- Minh Nguyên- Mê Linh hát “Việt Nam ơi” (Trúc Hồ) đã làm rung động trái tim của nhiều khán giả. Người nghe càng xúc động hơn khi lắng nghe phần trình diễn của những bạn trẻ dù sinh ra và trưởng thành tại Mỹ, nhưng được sự dìu dắt của phụ huynh, các em vẫn yêu ngôn ngữ và con người Việt Nam, gắng giữ gìn những bản sắc tốt đẹp của văn hóa Việt thông qua âm nhạc, góp phần tôn vinh cái đẹp của âm nhạc Việt khi hát vang những bài hát Việt Nam.


Trưởng Hoàng Ngọc Tuệ tâm tình với khán giả và các du ca viên. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phần đệm nhạc với tiếng đàn guitar của Doãn Hưng, Nguyễn Trọng Hoàng, tiếng dương cầm của Đỗ Bằng Lăng, tiếng đàn tranh của Lê Đình Y Sa... Phần âm thanh Quang Tuyền. MC Thiên Hương nối kết các tiết mục thật súc tích và hướng dẫn khán giả cùng hát chung với đoàn Du Ca Nam Cali, đặt những câu hỏi ôn lại lịch sử để trao thưởng cho người trả lời đúng, và những khán giả đã hòa giọng, đã vỗ tay bắt nhịp, đã “sống” hoàn toàn trong không khí của chiều nhạc du ca, tạo nên sự giao hòa tuyệt diệu giữa người hát và người nghe. Tất cả họ, từ người đệm đàn, âm thanh, MC, cho đến người nghe, người hát đều đã góp thành công cho chương trình thêm sinh động và đáng nhớ.


Ca sĩ Anh Dũng hát “Anh Đi Chiến Dịch” với phần bè của Thái, Hoàng, Ngà. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Sau phần tâm tình của Huynh trưởng của phong trào Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ, ông đã mời mọi người cùng “mặc niệm cho tiền nhân, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu gần xa đã qua đời, những thanh niên thiếu nữ đã chết ở cả hai phía trong cuộc chiến, những đồng bào vượt biên đã chết trên biển, trong rừng sâu khi đi tìm tự do, thương tiếc và tưởng nhớ các chiến sĩ VNCH và đồng minh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do”.


Ban hợp xướng Ngàn Khơi hát 2 ca khúc “Bạch Đằng Giang” và “Trưng Nữ Vương” với phần điều khiển của ca trưởng Bùi Quỳnh Giao. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

2 ca khúc “Tháng tư đen” (Phạm Duy), “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” (Nguyễn Đức Quang) thật ý nghĩa khi được ban tổ chức chọn để kết thúc buổi diễn. Đặc biệt là lời ca kiêu hùng đầy lôi cuốn mạnh mẽ của bài ca chủ đề chiều nhạc “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã khơi gợi khí phách Việt, đem lại nhiều hân hoan cho người nghe, như đúng thông điệp mà chương trình muốn nhắn gửi đến những người dân Việt yêu chuộng tự do, dân chủ trong nước và hải ngoại, hãy cùng nhau đoàn kết, cùng làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam sớm được dân chủ, tự do.
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT